Trần Gia Phụng (Danlambao) - Vấn đề phân biệt giữa đảng CSVN và chính quyền VN tuy do hai sinh viên nhỏ tuổi đặt ra, nhưng là một tiền đề chính trị lớn, hết sức lớn lao, chẳng những liên hệ đến quyền lực của đảng CSVN mà còn liên hệ đến cơ cấu tổ chức công quyền Việt Nam và cao hơn hết, liên hệ đến cả điều 4 hiến pháp hiện hành. Đặc biệt em Uyên Phương dùng máu của chính mình, viết huyết thư “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” và “Đảng cộng sản chết đi”, chứng tỏ ý chí mạnh mẽ của một người trẻ tuổi Việt Nam, nêu cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, chống độc tài toàn trị...
*
“Mình với ta tuy hai mà một / Ta với mình tuy một mà hai” là câu ca dao diễn tả tình nghĩa gắn bó lứa đôi, được cộng sản (CS) ứng dụng trong sinh hoạt chính trị khi tổ chức cầm quyền. Đảng CS chủ trương rằng đảng CS và nhà nước CS tuy hai mà là một, trong khi thực chất cơ cấu của một chính quyền dân chủ thì đảng CS với nhà nước CS không thể một mà phải là hai.
1. Tuy hai mà một
Ngay sau khi cướp chính quyền và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, hội nghị Trung ương đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11-9-1945 tại Hà Nội đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CSĐD nắm độc quyền cai trị đất nước. (1)
Từ đó, đảng CS tìm cách hội nhập hai khái niệm về đảng và chính quyền thành một. Rõ nét nhất là quốc hiệu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” được đặt ra từ năm 1976. Tổng số đảng viên CS hiện nay khoảng 3 triệu đảng viên trên tổng dân số Việt Nam khoảng gần 90 triệu người, nghĩa là số đảng viên chỉ bằng khoảng hơn 1/30 tổng dân số Việt Nam. (Con số phỏng chừng, chưa chính xác). Như thế tại sao gần 87 triệu người Việt Nam không CS, phải mang trên lưng quốc hiệu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa”, toàn màu sắc CS. Đây phải chăng là nguyên tắc đa số phục tùng thiểu số theo kiểu CS?
Nền hành chánh của CS là nền hành chánh song hành, vì bên cạnh chính quyền, luôn luôn có ủy ban đảng CS, gọi tắt là đảng ủy. Đảng ủy có mặt từ trung ương xuống tới địa phương, xuống tới làng xã, cả hành chánh dọc, lẫn hành chánh ngang. Nền hành chánh song hành CS còn nặng nề hơn nền hành chánh song hành thời Pháp thuộc. Nền hành chánh song hành thời Pháp thuộc chỉ ngang đến cấp tỉnh mà thôi. Bên cạnh triều đình có viên khâm sứ (Trung Kỳ) hay viên thống sứ (Bắc Kỳ). Bên cạnh các tổng đốc hay tuần phủ có viên công sứ. Pháp không có hành chánh cấp huyện ở Việt Nam. Đàng nầy, bên cạnh chính phủ có Ban bí thư Trung ương đảng, trong đó các trưởng ban TƯĐ có vai vế và quyền lợi còn hơn các bộ trưởng trong chính phủ. Bên cạnh Ủy ban Nhân dân tỉnh hay thành phố có tỉnh ủy, thành ủy đảng bộ địa phương. Xuống tới quận, huyện, phường, xã... Bên cạnh các cơ quan ty sở, luôn luôn có đảng ủy cơ quan ty sở... Dân chúng lâm vào tình trạng một cổ hai tròng, phải đóng thuế để nuôi cả hai nền hành chánh: hành chánh thông thường và hành chánh đảng CSVN vì các đảng viên trong đảng ủy được xem như công nhân viên chức nhà nước. Đảng là của một nhóm người, mà đảng viên làm việc cho đảng lại lãnh lương nhà nước do toàn dân đóng thuế.
Trong quân đội cũng có đảng ủy. Viên chính ủy (ủy viên chính trị) có quyền quyết định mọi sinh hoạt của đơn vị. Nhân buổi lễ mừng quân đội CSVN tròn 20 tuổi tại Hà Nội ngày 22-12-1964, có sự hiện diện của đại tướng Kim Tsang Bông và đoàn đại biểu quân đội Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Bắc Hàn), Hồ Chí Minh nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.” (2). Tại sao không trung với nhân dân, với tổ quốc mà lại trung với đảng? Không có nhân dân, không có tổ quốc thì làm sao có đảng mà bắt phải trung thành? Ngày nay, để làm đẹp hình tượng Hồ Chí Minh, có người sửa lại: “Quân đội ta trung với nước...(?)”
Nhà nước CSVN nhồi sọ dân chúng bằng một câu khẩu hiệu lạ lùng: “yêu tổ quốc là yêu xã hội chủ nghĩa”. Không lẽ ngày xưa chưa có “xã hội chủ nghĩa”, tổ tiên chúng ta không yêu tổ quốc hay sao? Không yêu tổ quốc sao đã bao phen tổ tiên chúng ta anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc?
Cao điểm của sự nhập nhằng giữa đảng và tổ quốc, đảng và chính quyền là điều 4 hiến pháp năm 1992, nguyên văn như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.” (3)
Đảng CS nắm độc quyền cai trị, đè đầu đè cổ dân chúng, nhưng cái gì cũng đổ tiệt cho dân. “Đất đai là sở hữu của toàn dân”, nhưng “do nhà nước quản lý”. Công an đàn áp dân chúng thì gọi là “công an nhân dân”. Ngược lại chuyện tiền bạc, cái hầu bao của đất nước thì thuộc về “ngân hàng nhà nước”. Mỗi khi có nguy biến, đảng liền đẩy dân chúng ra làm vật hy sinh, đỡ đạn cho đảng CS. Ví dụ khi bị Pháp truy bức, Hồ Chí Minh và đảng CS sợ bị Pháp bắt ở Hà Nội, liền hô hào kháng chiến chống Pháp tối 19-12-1946, rồi toàn bộ lãnh đạo CS trốn ra khỏi Hà Nội, chạy lên rừng núi ẩn tránh. Trong suốt cuộc chiến từ 1946 đến 1975, hoàn toàn không có một tướng lãnh hay sĩ quan CS nào hy sinh hoặc tuẫn tiết, mà CS chỉ toàn đẩy binh sĩ ra phía trước theo chiến thuật biển người, bất kể hỏa lực của đối phương, nên cán binh CS chết nhiều, đúng như câu thơ của Phùng Quán trong bài thơ “Chống tham ô lãng phí”: “Những con người tiêu máu của dân / Như tiêu giấy bạc giả!...”
2. Thông điệp của Tuổi Trẻ
Đảng CSVN quyết kềm hãm chính quyền trong vòng tay đảng, xem chính quyền chỉ là công cụ của đảng CSVN, chỉ là cánh tay nối dài của đảng CSVN. Trong quá khứ, có nhiều cuộc phản đối trong nội bộ đảng CS vì khác chủ trương chính sách của đảng, cũng như đã xảy ra những cuộc phản đối của dân chúng chống lại chế độ CS độc tài toàn trị, nhưng hầu như không có cuộc phản đối nào đặt vấn đề tách biệt hệ thống đảng ủy ra khỏi hệ thống cầm quyền của chế độ do CS kiểm soát.
Vào tháng 2-2013, trong “Vài lời gởi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cho rằng đảng CSVN và nhân dân Việt Nam là hai thành phần riêng biệt. Vì vậy, theo Nguyễn Đắc Kiên, tổng bí thư đảng CS Nguyễn Phú Trọng không có tư cách để phê phán toàn thể nhân dân là suy thoái, mà tổng bí thư Trọng chỉ có thể nói với đảng viên đảng CS của ông mà thôi. Ý kiến của Nguyễn Đắc Kiên trình bày công khai trước dư luận quần chúng phải nói là rất can đảm, nhưng chỉ tách biệt giữa đảng CS và nhân dân, chưa phải là vấn đề pháp lý trong sinh hoạt chính trị đất nước.
Bỗng nhiên, ngày 16-5-2013, tại pháp đình Long An, trong phiên tòa xét xử hai sinh viên yêu nước, bùng nổ vấn đề rất quan trọng về pháp lý nầy. Tại phiên tòa nầy, sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên tuyên bố: “Tôi dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ và ‘Đảng cộng sản chết đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam’, là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự phẫn uất… Tôi vẽ bức tranh này trong 15 phút để thể hiện thực tế người dân thấp cổ bé miệng khi nói ra thì bị đàn áp…. Việc tôi làm, tôi chịu, yêu cầu không gây khó khăn cho gia đình tôi. Tôi là một sinh viên, là đại diện cho tầng lớp trí thức, sức mạnh của đất nước, tôi mong muốn phiên tòa hôm nay xét xử công bằng để tôi sớm được trở về với cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đất nước và thể hiện lòng yêu nước.” (Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nhung, thân mẫu của Phương Uyên, sau khi tham dự phiên tòa Long An ngày 16-5-2013.) (VOA ngày 16-5-2013)
Cũng sau phiên tòa nầy, bà Nguyễn Thị Kim Liên kể về con mình, Đinh Nguyên Kha, như sau: “Kha nói từ đầu đến cuối mình yêu nước, mình không chống dân tộc, mà chỉ chống đảng cộng sản. Kha nói chống đảng thì không phạm tội… Kha nói theo bản cáo trạng xem việc chống đảng là phạm tôi thì nó không biết, vì không có luật nào nói như vậy” (4).
Đây là lần đầu tiên có hai người không phải là chính trị gia, cũng không phải là luật gia, cũng chẳng khoa bảng cao cấp, mà chỉ là hai em sinh viên trẻ, đặt vấn đề công khai trước tòa án, cơ quan pháp luật đại diện cho nhà cầm quyền CSVN, rằng chính quyền là chính quyền, còn đảng CS là đảng CS. Cả hai sinh viên đều xác nhận họ là những người yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược, chống đảng CSVN, chứ họ không chống chính quyền hiện nay trong nước, không vi phạm điều 88 bộ luật Hình sự.
Nguyên văn điều 88 luật Hình sự đã được Quốc hội CS sửa đổi và bổ sung năm 2009 như sau: “1) Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2) Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”
Rõ ràng điều 88 luật Hình sự trên đây chỉ nói đến “Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...” chứ hoàn toàn không đề cập đến việc chống Trung Quốc hay chống đảng CSVN, đúng như Đinh Nguyên Kha nói. Thật sự không có luật lệ nào trừng phạt người Việt Nam chống Trung Quốc vì bá quyền Trung Quốc xâm lược Việt Nam, chỉ trừ trường hợp công an CS, tòa án CS và nói chung là nhà nước CSVN hiện nay, nhận Trung Quốc chính là nhà nước của CSVN, thì mới dùng điều 88 luật hình sự của nhà nước CSVN kết án hai em vào tội tuyên truyền chống nhà nước mà thôi.
Nếu tòa án CS kết tội hai em vì hai em đã chống âm mưu xâm lược của Trung Quốc, thì CSVN có thể kết tội luôn tổ tiên chúng ta đã bao phen chống Trung Quốc xâm lược, từ Bà Trưng, Bà Triệu, đến Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Phải chăng vì vậy CSVN bỏ thi môn sử năm nay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học, nhằm dẫn đến bỏ thi môn sử về sau, từ đó bỏ luôn môn sử trong học trình hoặc thay đổi môn sử trong học trình, để học sinh không biết sử, không biết quá khứ giữ nước, chống phương bắc rất hào hung của dân tộc Việt.
Cũng không có luật lệ nào quy định việc chống đảng CS là vi phạm luật pháp, trừ trường hợp chính bản thân ban lãnh đạo đảng CSVN đứng làm nguyên đơn kiện những ai đã dùng các phương tiện trái pháp luật nhà nước để chống đảng CSVN. Điều nầy, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể làm được, chứ ông chẳng có quyền kết án dân chúng suy thoái khi dân chúng đòi loại bỏ điều 4 hiến pháp 1992.
Cần chú ý là cả hai sinh viên nầy đều sinh sau năm 1975, dưới chế độ CS. Nguyễn Thị Phương Uyên 21 tuổi, Đinh Nguyên Kha 25 tuổi. Hai em đều học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sống trong lòng của chế độ CS, nên chắc chắn hai em hiểu khá rõ chế độ CS Việt Nam. Các em bị bắt giam từ tháng 10-2012, tức đã nằm trong tù CS khoảng 7 tháng, đã bị hành hạ, bị ngược đãi trong tù. Các em cũng biết rõ nhà tù CS dã man như thế nào, khổ cực như thế nào. Hai em cũng dư biết rằng nếu hai em “ăn năn nhận tội”, chấp nhận lời mớm cung hay ép cung của công an CS, thì hai em có thể sẽ được tòa án khoan hồng, giảm án. Chắc chắn hai em cũng bị công an CS đe dọa, nếu không nghe lời chúng, thì hai em sẽ bị trọng án, tù đày khổ cực trong thời gian dài.
Tuy nhiên, trong sắc phục học sinh hiền hòa, còn mang bảng hiệu nhà trường như hai học sinh gương mẫu, hai em tỏ thái độ hết sức tự tại, chững chạc, với ngôn ngữ hết sức tự tin khi đối đáp trước tòa án. Hai em can đảm xác định vững vàng thái độ của mình, nói thẳng, nói thật những suy nghĩ chin chắn của mình về hiện tình đất nước. Hai em khẳng định vì lòng yêu nước, hai em chống Trung Quốc xâm lược, chống đảng CSVN, là những điều mà bộ luật hình sự không quy tội, có nghĩa là hai em không vi phạm luật pháp nhà nước, hai em không phạm tội.
Thế mà phiên tòa Long An ngày 16-5-2013 đã vận dụng điều 88 luật Hình sự để kêu án Nguyễn Thị Phương Uyên 6 năm tù giam, 3 năm quản chế và Đinh Nguyên Kha 8 năm tù giam, 3 năm quản chế. Đặc biệt thái độ của hai em rất bình tĩnh, vững vàng, nói năng chừng mực, chứng tỏ hai em đã suy nghĩ chin chắn trước khi phát biểu, chứ không phải vì bồng bột, xúc động hay tức giận. Cuối cùng, sau khi quan tòa tuyên án, hai em yên lặng chấp nhận mà không nhận tội và không xin khoan hồng.
Luận điểm của Phương Uyên và Nguyên Kha về sự tách biệt giữa tổ chức chính quyền (đại diện của toàn dân) và đảng CSVN (đại diện cho một nhóm người) hoàn toàn hợp lý, vững vàng. Trên thế giới, hiện nay nước nào cũng có các đảng cầm quyền, nhưng đảng cầm quyền và chính quyền không thể là một. Nhà cầm quyền và đảng CSVN phải chấm dứt chuyện lợi dụng chính quyền, lợi dụng pháp luật của chính quyền để làm công cụ bảo vệ đảng CS.
Vấn đề phân biệt giữa đảng CSVN và chính quyền VN tuy do hai sinh viên nhỏ tuổi đặt ra, nhưng là một tiền đề chính trị lớn, hết sức lớn lao, chẳng những liên hệ đến quyền lực của đảng CSVN mà còn liên hệ đến cơ cấu tổ chức công quyền Việt Nam và cao hơn hết, liên hệ đến cả điều 4 hiến pháp hiện hành. Đặc biệt em Uyên Phương dùng máu của chính mình, viết huyết thư “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” và “Đảng cộng sản chết đi”, chứng tỏ ý chí mạnh mẽ của một người trẻ tuổi Việt Nam, nêu cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, chống độc tài toàn trị.
Đây là thông điệp của tuổi trẻ Việt Nam gởi cho toàn dân và gởi cho giới lãnh đạo đảng CS, như là một tiếng chuông đánh thức mọi người, nhằm phá vỡ chủ trương toàn trị của đảng CS và dọn đường cho thể chế tự do dân chủ trong tương lai. Thông điệp nầy chỉ được trình bày trong phòng xử án của pháp đình Long An, ít người dự khán, nhưng chẳng mấy chốc, thông điệp nầy đã truyền xa vạn dặm, bay khắp năm châu, làm cho toàn thể người Việt khắp thế giới bàng hoàng, xúc động và có thể nói nhức nhối tận tâm can.
Sau phiên tòa Long An ngày 16-5-2013, cha mẹ hai em Nguyễn Thị Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tỏ ra rất hãnh diện về cách ứng xử của hai em. Chẳng những thế, toàn thể đồng bào Việt Nam trên thế giới đều khâm phục hai em. Hai em sống dưới chế độ CS mà không bị ô nhiểm theo chủ nghĩa CS. Hai em gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Những lời nói của hai em đã đi vào lịch sử đấu tranh cho tự do dân chủ của người Việt, thể hiện rõ nét hào khí dân tộc Việt, chính là sự kết tụ của hồn thiêng sông núi tiềm tàng trong lòng dân tộc, cho thấy rằng tiền đồ dân tộc Việt Nam vẫn còn đó, sáng rực ở phía trước...
__________________________________
Chú thích:
(1) Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 143.
(2) Nhật báo Nhân Dân ngày 23-12-1964, đăng lại trong Hồ Chí Minh toàn tập 11: 1963-1965, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 251-252.
(3) Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Những văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài (đến ngày 31-5-1995), 1995. Tr. 13.