Kính thưa các ông!
Từ trung tuần tháng 5 đến hết tháng 8, như thường lệ Trung Quốc lại cấm đánh cá trên biển Đông. Ngư dân chúng tôi lại bước vào kỳ “ngư nhàn” nên chẳng cần phải “bớt chút” cũng có dư thời gian để có đôi lời gửi tới các ông. Trước tiên xin chúc các ông khỏe. Khỏe để ngày càng nói to hơn, đanh thép hơn trước công luận quốc tế về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Dù những lời này chẳng bớt đi được những vụ đâm chìm tàu, bắt bớ, đòi tiền chuộc của Trung Quốc nhưng nó cũng được một việc là làm “khoái cái lỗ tai” của chúng tôi.
Kế đến ngư dân chúng tôi cũng “thành thật xin lỗi” nhà nước là đã để việc kiếm miếng cơm, manh áo là “việc nhỏ” ảnh hưởng tới “tình hữu nghị Việt- Trung” là “việc trọng đại”. Dẫu biết rằng nhân dân ta từ mấy chục năm nay luôn được đảng, nhà nước giáo dục tinh thần vì nghĩa lớn quên mình như “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “dù có phải đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng giành cho được độc lập”. Biết bao người đã ngã xuống vì những nghĩa lớn đó. Khi đã hòa bình thống nhất, gần đây chúng tôi cũng biết có một “nghĩa lớn” nữa là tình hữu nghị quốc tế vô sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Noi gương các thế hệ trước chúng tôi cũng đã nhiều lần thử quyết tâm “thà nghỉ đánh cá chứ nhất định không làm sứt mẻ tình hữu nghị Việt Trung” nhưng chỉ được vài ngày đói quá lại phải bò ra biển. Thế là lại bị xua đuổi, bị bắt giữ, bị đòi tiền chuộc. Thế là lại làm cho các ông buộc phải cao giọng phản đối, tuyên bố chủ quyền. Thế là lại ảnh hưởng tới tình hữu nghị của hai nước. Đã xem những cảnh ôm hôn thắm thiết, tay bắt mặt mừng, tươi cười cụng ly chúc tình hữu nghị của lãnh đạo hai nhà nước trên ti vi nên khi thấy các ông “cực chẳng đã” phải phản đối Trung Quốc, ngư dân chúng tôi cảm thấy “ân hận” lắm về những việc làm của mình. Nhưng “ân hận” thì “ân hân” chúng tôi vẫn không thể bỏ được đánh cá vì cũng chẳng biết làm gì khác. Trong chúng tôi đã có rất nhiều người sau bao lần mất cả tàu, lưới, phải nộp tiền chuộc trở thành nợ nần chồng chất vẫn tiếp tục vay tiền ngân hàng nhà nước mua tàu, mua lưới để hành nghề.
Mấy năm trước quốc hội đã thông qua luật thành lập dân quân tự vệ biển. Theo luật đó nhà nước sẽ trang bị vũ khí cho ngư dân để vừa đánh cá, vừa tự bảo vệ mình, bảo vệ vùng biển nước nhà. Vô cùng vinh dự, tự hào, biết ơn vì đã được nhà nước quan tâm, tin tưởng giao phó cho canh giữ vùng biển. Ngư dân chúng tôi cũng hiểu nhà nước, quốc hội đề ra luật đó là để “bảo vệ” cho chúng tôi. Cứ nghĩ tới ngày được phát súng, bộ đồng phục tự vệ, mũ có sao, miệng hát vang bài ca truyền thống tự vệ biển là cảm giác lâng lâng, sung sướng lại dâng trào trong lòng. Nhưng mừng thì mừng vẫn không khỏi lo. Mấy khẩu súng bộ binh trên tàu đánh cá sao chống chọi lại được với tàu ngư chính (vốn là tàu đánh cá được cải tiến thành tàu quân sự). Rồi lỡ bị bắt, trên mình có súng bị đánh đập buộc phải nhận là nổ súng trước, thậm chí có thể phải nhận là hải tặc là cái chắc. Đến cơ sự này thì vấn đề không dừng ở chỗ “bị đòi tiền chuộc” nữa. Chẳng thà không mang súng để lỡ bị bắt, nộp tiền chuộc cơ may còn được thả, cơ may còn được sống sót. Như vậy việc mang theo súng, ống cho dân quân tự vệ biển không có tác dụng lại vô cùng nguy hiểm. Vì vậy chúng tôi đề xuất thay việc trang bị súng, ống cho ngư dân bằng việc trang bị cho mỗi tầu đánh cá một khẩu hiệu ghi “16 chữ vàng” nói về tình hữu hai nước Việt Trung và một dàn loa công suất mạnh phát đi những tuyên bố đanh thép về chủ quyền biển đảo bằng cả hai thứ tiếng của ngoại giao Việt Nam. Hai loại “vũ khí mới” này có tác dụng vừa nhắc nhở “bạn” nhớ tới tình hữu nghị, vừa cảnh báo “bạn” tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Nó kết hợp cả “cương” lẫn “nhu” ngư dân chúng tôi lỡ có bị bắt lại nộp tiền chuộc, thế là xong.
Nhận rõ mối đe dọa ngày càng tăng của các “thế lực thù địch”. Trong những năm gần đây nhà nước đã tiến hành hiện đại hóa quân đội qua việc ký kết mua tàu ngầm, máy bay và các vũ khí hiện đại khác trị giá hàng tỷ đô. Nhưng chúng tôi thấy: đâm chìm tàu của ngư dân, bắt giữ, đánh đập, đòi tiền chuộc ngư dân, đánh chiếm đảo giết hại các chiến sĩ hải quân Việt Nam từ xưa đến nay thì chỉ có hải quân Trung Quốc. Mà với hải quân Trung Quốc thì quân đội, nhà nước ta lại chủ trương tăng cường hữu nghị, hợp tác. Chuyến thăm Trung Quốc của các lãnh đạo cao cấp, của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, những cuộc tập trận chung trên biển Đông và những tuyên bố của các lãnh đạo nhà nước là những minh chứng xác thực cho chủ trương này. Còn trên đất liền, qua báo, đài, ti vi nhà nước chúng tôi biết “các thế lực thù địch” chỉ toàn là một lũ “trói gà không nổi”. Việc chúng làm được chỉ là viết vài bài báo tuyên truyền cho tự do dân chủ, chống tham nhũng, trả lời phỏng vấn báo chí ngoại quốc, ngồi yên tại nhà gọi là “tọa kháng” “tọa khiếc” gì đó, cùng lắm là lập được dăm ba đảng, hội chỉ có lèo tèo vài mống. Phương pháp đấu tranh của chúng là bất bạo động. Nên nhà nước cũng chẳng cần phải dùng “dao mổ trâu để giết gà”. Trị bọn này còng số 8, dùi cui điện, nhà tù là hữu hiệu nhất. Thậm chí quân đội công an cũng chẳng cần ra tay chỉ cần giao cho lực lượng “quần chúng tự phát” cũng thừa sức dẹp yên bọn chúng. Vì vậy chúng tôi thấy việc hiện đại hóa quân đội thời gian này là chưa cần thiết. Hợp đồng mua tàu ngầm, mua máy bay để bảo vệ biển tốn kém hàng tỷ đô cũng chưa cần. Nhà nước có thể dành số tiền này để giúp đỡ ngư dân chúng tôi trong mấy việc sau:
1) Trang bị thêm cho tàu đánh cá của chúng tôi các thiết bị cứu nạn phòng khi bị “tàu lạ” đâm chìm, các thiết bị cảnh báo có “tàu lạ” tấn công vào ban đêm để phòng tránh.
2) Hỗ trợ cho chúng tôi tiền chuộc để ngư dân lỡ bị bắt mau chóng được thả. Chúng tôi đã nhẩm tính nếu nhà nước không mua tàu ngầm, máy bay thì số tiền đó để chuộc chúng tôi dùng vài chục năm cũng chưa hết. Đủ thời gian cho chúng tôi chuyển sang nghề khác không đi đánh cá nữa.
“Ba ông thợ cầy bằng một ông Gia Cát” chỉ sự sáng suốt của tập thể. Không uổng công bàn bạc, ngư dân chúng tôi đã tìm ra được mấy “sáng kiến hay” trên. Nếu nhà nước tiếp thu và thực thi những “sáng kiến hay” này thì ngư dân chúng tôi vẫn tiếp tục được đánh cá. Nhà nước vẫn duy trì được “tình hữu nghị Việt – Trung”. Ông Lương Thanh Nghị từ nay sẽ chẳng bao giờ phải rụt rè lên án Trung Quốc, gượng gạo khẳng định chủ quyền biển đảo nữa.
Thật là “nhất sáng kiến tam tiện”.
Còn một điều nữa muốn nói thêm với các ông là tuy ít học nhưng chúng tôi cũng biết rất rõ về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hai quần đảo này từ xưa vẫn là của Việt Nam bởi cha ông chúng tôi thời nhà Nguyễn đã từng là lính trấn giữ ở đó. Năm 1958 không hiểu vì lý do gì mà ông thủ tướng Phạm Văn Đồng lại gửi công hàm cho Trung Quốc công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo đó. Năm 1974 khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm được Hoàng Sa do quân đội VNCH trấn giữ, các ông đã hoan hỉ, gửi điện chúc mừng Trung Quốc. Năm 1988 hải quân Trung Quốc chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, giết hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam các ông cũng lặng im không dám nói. Những năm gần đây liên tục xảy ra các vụ đâm chìm tàu, bắt bớ, giết hại ngư dân liên quan tới chủ quyền biển, chủ quyền hai quần đảo trên. Các ông cũng chỉ dám phản đối một cách dè dặt, miễn cưởng và tuyệt nhiên không có những hành động tích cực, mạnh mẽ bảo vệ ngư dân. Lạ hơn nữa, có những người yêu nước chỉ nói theo nhà nước khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bị các ông bắt bớ, cầm tù vu cho là “các thế lực thù địch” thật không thể hiểu nổi! Những việc làm, thái độ của các ông trước Trung Quốc theo giải thích của “các lực lượng thù địch”(như các ông thường gọi) là: các ông tay sai của Trung Quốc, dựa vào Trung Quốc để duy trì địa vị lãnh đạo, duy trì chế độ độc tài độc đảng. Với ngư dân chúng tôi lời giải thích đó có phần đúng.
Không biết lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trên biển Đông có gây được cảm xúc gì cho các ông không? Với ngư dân chúng tôi, nó giống như đang và miếng cơm mà bị kẻ khác giằng mất bát.
Một lần nữa chúc các ông khỏe.
5/2013