Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Hàng năm cứ vào cuối xuân, tàu thuyền ngoài bãi biển Miền Trung hàng hàng phơi cạn lớp lớp thả neo bất động vì lệnh Tàu khựa cấm đồng bào ta đánh cá trông thật tiêu điều, và trên biển chỉ còn lảng vảng những chiếc tàu “hải giám” mang cờ đỏ 5 sao vàng, lòng tôi lại thao thức về bản án chế độ ưu việt do bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước áp đặt cho hai thanh niên yêu nước là Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trong phiên tòa ngày 16 tháng 6 năm 2013 tại tỉnh Long An, một tỉnh của Miền Nam “thành đồng tổ quốc đi trước về sau”.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai tháng 5 gần tới ngày mừng sinh nhật bác Hồ, tôi bắt xe đò Sài Gòn – Long An, trên quốc lộ 4. Con đường này tôi đã quen đi lại không biết bao nhiêu lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ: công an sắc phục và không sắc phục, thậm chí giả dạng Dân Phòng và Côn đồ xuất hiện đầy đường; lớp ngồi trên ô tô con, lớp trên ô tô mẹ có còi hụ, lớp ôm xe hai bánh phân khối lớn lạng qua lạng lại; tôi thấy lực lượng “chỉ biết còn đảng còn mình” này chiếu cố đặc biệt vào một chiếc “xe lạ” chạy cùng hướng với tôi mà về sau tôi biết đó là xe của mấy linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính nước tôi đang thay đổi lớn: Hôm nay những kẻ bán nước xử tù hai người tuổi trẻ yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
Khi xe vào đến thị xã Long An, tôi thấy ôi thôi đủ thứ rào cản và dày đặc Côn An, súng ốc gậy gộc, trông hung dữ vạn lần cảnh quân Giu Dêu đi bắt Chúa Giê Su vi chỉ cái tội đức Giê Su dạy “các con phải yêu thương người khác như yêu thương chính mình”.
Thấy rào cản, tôi cứ tưởng rằng chính quyền dùng để ngăn ngừa bọn phản động biểu tình gây áp lực đòi tòa án xử thật nặng hai thanh niên yêu nước kia trong khi thế nào tòa cũng chẳng những tha bổng mà còn khen tinh thần “Tàu khựa cút đi”, vì bác Hồ từng dạy “Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải giữ lấy nước”, nhưng không phải vậy. Rào cản ấy dùng để cấm tất cả những ai không có giấy phép vào trong toàn án. Quả đúng như lời ông TT Nguyễn Văn Thiệu được truyền tụng trong dân gian, “đừng nghe...” nhà nước nói là phiên tòa công khai...
Tôi lại nghe những tiếng bình bịch như có ai bị đánh và sau đó là tiếng còi hụ và sực nhớ tới ông Luật sư Việt Kiều Mỹ Nguyễn Hữu Liêm cách đây vài năm về dự Đại hội Việt Kiều được nhà nước ta cho đi xe có còi hụ inh ỏi ai cũng thèm. Nhìn quanh quất tôi thấy những khuôn mặt thứ cú vọ thứ gầm gừ hai tay lăm le máy chụp hình, xa xa thấp thoáng ăng ten xe phá sóng điện thoại...
Tôi thiển nghĩ khỏi mất công dài dòng kết quả bản án bọn bán nước có lai xần (license) xử hai người tuổi trẻ yêu nước ra sao thì mọi người đã biết.
Tôi chỉ muốn bày tỏ ra đây nỗi thao thức của một người con dân Việt Nam là, dân tộc ta luôn tự hào với truyền thống chống ngoại xâm và người dân Việt nào cũng vẫn văng vẳng bên tai lời truyền dạy của đấng tiền nhân rằng “...các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.” Thế mà nay tại sao 90 triệu con dân Việt lại chỉ đứng nhìn, thậm chí phần lớn tầng lớp mệnh danh là sĩ phu lại im thin thít trước bản án của bọn bán nước dành cho người yêu nước.
* NBC Xin phép cố nhà văn Thanh Tịnh, tác giả “Tôi đi học”.