Thủ phạm 'vàng hóa' nền kinh tế - Dân Làm Báo

Thủ phạm 'vàng hóa' nền kinh tế

Tô Văn Trường (Blog Bùi Văn Bồng) - Bài báo “Rửa vàng bằng cơ chế” của tác giả Nguyên Hằng đăng trên báo Thanh Niên ngày 24/4 vừa qua bị Ngân hàng Nhà nước phản ứng mạnh đến nỗi Ban biên tập phải rút bài xuống, ngày hôm sau, báo Thanh Niên phải đăng đính chính. Chưa hết, Ngân hàng Nhà nước còn hình sự hóa mời Bộ Công an vào cuộc để xem xét, xử lý!

Đọc kỹ, khách quan nhận xét tác giả bài viết trên báo Thanh Niên ngoại trừ về đưa tin số lượng vàng chưa được chính xác, tất cả nội dung bài viết còn lại đều chuẩn không cần chỉnh. Là nhà khoa học, thường xuyên viết báo, tôi thật sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của các nhà báo và người làm báo chính thống ở Việt Nam trong thời buổi nhiễu nhương:

"Bắt rút bài phải rút bài
Dù tin đúng, bảo rằng sai cùng đành!”

Phương pháp tiếp cận kinh tế thị trường

Cuộc chiến tranh thông tin, cũng là cuộc chiến tranh tâm lý. Đây là một thực tế diễn biến, trước mắt, có thể nói là đã xẩy ra tối thiểu từ những năm trước đại chiến thế giới lần thứ II. Đó là cuộc chiến tranh quán triệt chính sách của Goebbel là “Nói dối một lần không ai tin, nói dối lặp lại mười lần thì dẫn đến bán tin bán nghi nhưng nói dối lập lại đến một trăm lần thì mọi người tin đó là sự thật”. Luận thuyết này chỉ thể hiện một sự kiện dã sử của Trung Quốc về mẹ Ông Mạnh Tử. Bà mẹ này đang ngồi dệt vải thì có người đến báo tin là con bà phạm tội giết người và đã được dẫn lên quan. Bà không tin nên vẫn điềm nhiên ngồi dệt như thường. Nhưng đến khi có người thứ ba đến đưa tin đó thì bà hốt hoảng bỏ khung cửi để chạy đến công đường.

Hiện nay, cuộc chiến này được thể hiện trong việc làm đồng nhất nền kinh tế thị trường với sự vận hành nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường là một thực thể khách quan nhưng lại phát triển, vận hành theo các quy luật của nền kinh tế này. Về cơ bản có hai cách vận hành. Một là để các quy luật tự phát tác động vào quá trình phát triển của thị trường. Đó là cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường dưới bàn tay vô hình của thị trường dẫn đến chạy theo tỷ suất lợi nhuận cao làm cho nền kinh tế phát triển mất cân đối dẫn đến các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Hai là con người, do nhận thức được các quy luật kinh tế, vận dụng các quy luật đó phục vụ lợi ích của mình, qua đó hạn chế (khắc phục ở mức độ nhất định) tình trạng phát triển vô tổ chức, dẫn đến những mất cân đối nghiêm trọng, đến các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Đó là cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Trong tác phẩm “Chống Duy Rinh”, F. Ăng Ghen đã đề cập đến thực trạng là nhà nước tư bản chủ nghĩa cũng buộc phải thực hiện chức năng quản lý thị trường để ngăn chặn tính tự phát dẫn đến các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Sau này J.Keynes đưa ra học thuyết về vai trò quản lý của nhà nước và cuộc đại khủng hoảng của thập kỷ 30 của thế kỷ XX đã buộc các nhà khoa học và nhả quản lý phải chấp nhận học thuyết về vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường để khắc phục tình trạng mất cân đối cung – cầu.

Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về quan hệ cung – cầu bộc lộ rất rõ trong các cuộc chiến tranh. Trong nền kinh tế thị trường thời chiến, vai trò quản lý của Nhà nước để bảo đảm các quan hệ cân đối cung – cầu đối với các nhu yếu phẩm cơ bản đã bộc lộ ra, dẫn đến việc Nhà nước phải thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp ở những mức độ nhất định. Điều này, thể hiện qua việc các nước tham chiến phải áp dụng một cách phổ biến chế độ bán một số nhu yếu phẩm theo tem phiếu, với giá mang tính chất bao cấp, tách xa giá chợ đen.

Trong điều kiện cung nhỏ hơn cầu đã xuất hiện trong thời kỳ chiến tranh nên đã xuất hiện và phát triển học thuyết trọng cung để khắc phục tình trạng mất cân đối đó. Thế nhưng đến khi kết thúc chiến tranh, nền kinh tế đã phục hồi trên cơ sở công nghệ hiện đại thì cung lớn hơn cầu. Đến thời điểm này, xuất hiện và phát triển học thuyết tự do mới về kinh tế, đòi hỏi Nhà nước không được can thiệp vào quan hệ cung – cầu.

Tác động đầu tiện của học thuyết tự do mới về kinh tế là dẫn đến sự hình thành môn học Marketing dạy cách bán hàng nhưng quên không dạy cách mua hàng nên khách hàng chạy theo mốt thời trang, mời chào cùa người sản xuất, lao vào mua hàng ngay cả khi cầu có khả năng thanh toán thấp. Sau này, nhân dịp cuộc khủng hoảng dầu mỏ do các nước OPEC gây nên, FED và Tổng thống Mỹ Regan, Thủ tướng nước Anh Thatcher đã vận dụng học thuyết tự do mới về kinh tế theo tinh thần là hạ thấp tối đa vai trò quản lý của Nhà nước (nếu không phải là muốn thủ tiêu vai trò quản lý đó của Nhà nước) để phát huy tối đa vai trò chủ động của các doanh nhân, dẫn đến phát huy vai trò bàn tay vô hình của thị trường. Đó là mô hình nền kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ mà hậu quả là dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái của nền kinh tế, bùng nổ vào năm 2008, đến nay vẫn chưa phục hồi.

Đối với Việt Nam, chính sách kinh tế thiếu nhất quán. Nhiều lúc lúng túng, mất vai trò quản lý của Nhà nước, các đại gia tha hồ thao túng nên mới xẩy ra tình trạng bất cập, gây bức xúc trên thị trường. Trước đây, trong một thời gian dài, VN quy định một tỷ giá hối đoái ổn định, chủ yếu là đối với đồng Rúp của Liên Xô và khối Varsovie. Do đó, sau khi chúng ta thực hiện chính sách mở cửa, mở rộng sang quan hệ thương mại với các nước phương Tây thì tỷ giá hối đoái đó không còn phản ánh thực tế. Từ đó, hình thành và phát triển một thị trường tự do (kinh tế ngầm, chợ đen) về ngoại tệ với tỷ giá trên thị trường chợ đen cao hơn rất nhiều so với tỷ giá của nhà nước. Trước tình hình đó, đã có sự dường như quay ngoắt 180 độ là Ngân hàng Nhà nước đã thả nổi thị trường ngoại tệ, lấy tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng làm tỷ giá chính thức. Tỷ giá này được công bố hàng ngày trên báo Nhân dân. Theo đó thì vào ngày 1/10/1999, tỷ giá đó là 1$ = 3.981 đồng VN. So với tỷ giá công bố trên báo Nhân dân ngày 30/4/2013 thì tỷ giá đó là 1$ = 20.828 đồng VN. Như vậy là đã xẩy ra tình trạng đồng tiền Việt Nam mất giá một cách nghiêm trọng (khác xa so với giá trị đồng tiền Baht của Thái Lan và Kip của Lào).

Về phương diện này, cần lưu ý đối chiếu với các Nghị quyết Đại hội Đảng về nhiệm vụ “tạo điều kiện cho đồng tiền Việt Nam có thể chuyển đổi tự do, trở thành phương tiện thanh toán duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. (Văn kiện Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII, trang 45). Nhiệm vụ là cho đồng tiền VN trở thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi, được các Đại hội sau đó nhắc lại (Văn kiện Đại hội VIII, trang 103, Văn kiện Đại hội IX, trang 101). Như vậy, có thể khẳng định là công tác quản lý Nhà nước trên thị trường tiền tệ nói chung, trên thị trường ngoại tệ nói riêng, đã không quán triệt được các Nghị quyết Đại hội Đảng. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc công tác quản lý Nhà nước đã buông lỏng nhiệm vụ cân đối cung – cầu ngoại tệ và nhiệm vụ tăng hiệu quả kinh tế của đồng vốn đầu tư (ICOR), một trách nhiệm vượt khỏi chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và của một số Bộ, ngành có liên quan.

Chính sách không nhất quán về quản lý vàng

Vàng ở nước ta có 3 chức năng song song tồn tại (1) Vật cất trữ phòng thân; (2) Phương tiện thanh toán, như tiền tệ; (3) Là hàng hoá, làm đối tượng kinh doanh như bất kỳ hàng hoá nào khác.

Năm 2008 chính sách quản lý vàng ở nước ta quá nhấn mạnh vàng với tư cách là phương tiện thanh toán, coi nó là tội đồ gây ra lạm phát, cho nên đã hô hào chống "đô la hoá", chống "vàng hoá"! Đây là quan điểm sai lầm dẫn đến cấm kinh doanh vàng miếng. Vàng không thể gây ra lạm phát, vì có "in" được vàng như giấy đâu mà gây lạm phát. Vàng có hai phần: vàng là tiền và vàng là hàng hóa. Vàng là hàng hóa thì tự do kinh doanh. Vàng là tiền thì cần hạn chế. Việc Ngân hàng Nhà nước cho nhận ký gửi vàng như USD là biến cái nằm trong gầm giường thành tiền, và làm như vậy chính Ngân hàng Nhà nước đã "vàng hóa" nền kinh tế. Cái đó cần phải chấm dứt. Bởi không chấm dứt, tất nhiên nó vừa thay đồng tiền nội vừa gây khó khăn cho quản lý ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước không có lý do gì lại giao độc quyền cho mình. Còn kiểm soát xuất nhập vàng như tiền thì có thể bằng chính sách thuế, bằng chính sách đăng ký kể cả quota như ngoại tệ (cho phép 1 người nào đó mang ra, mang vào USD ở mức hạn định). Cần nhìn vàng như ngoại hối. Capital Control (kiểm soát dòng chảy tư bản) là cần thiết, và ngay cả IMF bây giờ cũng chấp nhận chứ không đòi hỏi các nước phải theo Free Capital Flow như trước kia, một trong những lý do gây ra khủng hoảng tài chính năm 1997 ở Châu Á và sau đó ở nhiều nước trên thế giới. Tất nhiên, cho đến nay khi nói đến dòng chảy tư bản thì người ta mới chỉ nghĩ đến ngoại hối, mà không ai để ý đến vàng. Có lẽ đây là trường hợp đặc biệt của Ấn Độ và Việt Nam.

Trong thực tế, trước năm 2008, một thời gian dài, phạm vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã bị thu hẹp do sức mua của VND khá ổn định và khi giá vàng thế giới biến động thì người ta càng hạn chế dùng vàng như là tiền tệ. Với tư cách là hàng hoá, là đối tượng kinh doanh thì luôn có đầu cơ. Từ đó, khi giá vàng trong và ngoài nước có chênh lệch, để chống đầu cơ khi thì tuyên bố Nhà nước cần phải bình ổn thị trường vàng, khi thì tuyên bố thả nổi!? Chính sách quản lý vàng thay đổi xoành xoạch, gây mất mát quá lớn cho nhiều tổ chức tín dụng và chưa tính tới nhu cầu cất trữ phòng thân của người dân, mỗi năm cũng cần 30-40 tấn vàng.

Quan điểm xử lý sai

Trước tháng 5 năm 1989, Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng. Chính sách này đã thất bại. Từ tháng 5 năm 1989, Nhà nước có chính sách cho tư nhân kinh doanh vàng, cho vàng trong nước và ngoài nước liên thông. Thực chất chuyển sang kinh tế thị trường về kinh doanh vàng. Nhờ đó, chúng ta có 17-18 năm giá vàng ổn định. Bây giờ, Nhà nước quay trở lại độc quyền kinh doanh vàng. Thực chất là đi ngược lại với Đổi mới. Theo quy luật và thực tế, chính sách độc quyền kinh doanh vàng đã và sẽ thất bại nặng nề. Điều đáng buồn là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho đến nay, không trung thực nhìn nhận thất bại để sửa chữa mà còn "vụng chèo khéo chống" khi tuyên bố Ngân hàng Nhà nước chỉ lo ổn định thị trường vàng, chứ không lo ổn định giá vàng!?

Thay cho lời kết

Ngân hàng Nhà nước cho nhận ký gửi vàng như USD là biến cái nằm trong “gầm giường” thành tiền, cho nên chính Ngân hàng Nhà nước là thủ phạm đã "vàng hóa" nền kinh tế.

Tiếp theo bài “Quản lý vàng – thất bại được báo trước” (tác giả Tô Văn Trường), bài viết này càng khẳng định rõ việc quản lý vàng sai từ quan niệm, quan điểm, chứ không chỉ cách kinh doanh (đấu thầu hay bằng cách thức khác...). Đó là chưa nói đến một đất nước không tự sản xuất vàng, ngoại tệ trong tay Nhà nước không đáng kể mà tuyên bố tự mình độc quyền kinh doanh mà ổn định được giá vàng là điều không tưởng. Thay cho kết luận bài viết này bằng mấy vần thơ :

Sinh ra cái thứ độc quyền
Chẳng qua thao túng đồng tiền dễ hơn
Máu tham khi đã nổi cơn
Gom vàng, dìm giá khi vờn khi buông
Xem ra nào khác vở tuồng
Nửa chừng vở diễn rung chuông khép màn
Mặc cho thế sự bẽ bàng
Sinh ra nhiễu sự trái ngang hại đời.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo