Tôn giáo Hồ Chí Minh - Dân Làm Báo

Tôn giáo Hồ Chí Minh

Trần Trường Sa (Danlambao) - Hiện nay, việc thờ cúng Hồ Chí Minh đã trở nên tràn lan ở các cơ quan nhà nước. Trước đây, hiện tượng này chỉ xảy ra ở các dân tộc miền núi hẻo lánh, dân trí thấp. Nhiều người cho rằng, đạo Hồ Chí Minh đang manh nha hình thành trong xã hội! Tôi không cho nói như thế là đúng. Thực chất là có một thứ tôn giáo Hồ Chí Minh đã và đang hình thành chứ chả có đạo Hồ Chí Minh nào cả. Bởi vì “đạo” là một triết thuyết do một người khởi xướng, được nhiều người tin theo, dùng triết thuyết đó để dẩn đường trong cuộc sống của mình. Lâu ngày, nhiều người chỉ suy tôn uy danh của người làm ra triết thuyết mà ít biết hoặc không biết gì về triết thuyết đó. Lúc này, tôn giáo hình thành. Bởi vậy, nếu các lãnh tụ tôn giáo biết dùng môi trường tôn giáo để truyền đạo thì đạo mới phát triển bền vững. Nếu các lãnh tụ tôn giáo chỉ tuyên truyền đức tin mà không truyền đạo thì tôn giáo sẽ lâm vào thời mạt pháp.

Hồ Chí Minh không có tư tưởng nào cả, Hồ Chí Minh không đề ra triết thuyết nào cả nên không thể có đạo Hồ Chí Minh. Những người chung quanh ông ta và cả chính ông ta cố tạo dựng hình ảnh thánh thiện, thiên tài của ông ta để lôi kéo đức tin của những người dân cả tin, nhất là các dân tộc vùng sâu vùng xa, ít tiếp cận thông tin với thế giới hiện đại bên ngoài thời chống Pháp, chống Mỹ. Một hiệu ứng đáng tiếc là không ít người có học thức, ở chốn đô thị vẫn mê muội tôn sùng Hồ Chí Minh như một vị thánh! Vì thế một thứ tôn giáo Hồ Chí Minh đã ra đời mà giáo hội của nó là Đảng Cộng Sản Việt Nam. 

Vì Hồ Chí Minh không có tư tưởng nào cả, không đề ra triết thuyết nào cả, cho nên, đến nay dù có phát động phong trào “học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng đảng cộng sản không thể liệt kê ra được tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là những gì? Vẫn theo bài cũ là đưa ra những việc làm tốt lẻ tẻ hoặc những câu nói hay của ông Hồ, mà những thứ đó đã có sẵn trong lịch sử dân tộc ta hàng mấy trăm năm trước khi ông Hồ ra đời. Hơn thế nữa, người ta lại cố tình che giấu hoặc chạy tội cho ông Hồ trong những việc làm tội lỗi gây đau thương cho hàng triệu người. Ví dụ như "ông Hồ phản đối việc xử bắn bà Nguyễn thị Năm trong cải cách ruộng đất,..; ông Hồ tiếc rẻ và ca ngợi Phạm Quỳnh là người yêu nước khi nghe Phạm Quỳnh bị Việt Minh giết! Ông Hồ không biết những người trong nhóm Nhân Văn và sau đó là những người ủng hộ phái xét lại ở Liên Xô (trong đó có cả Vũ Đình Huỳnh nguyên là trợ lý thân tín của ông) bị trù dập và tù đày. Ông Hồ khi nghe tin cộng sản thảm sát dân thường ở Huế trong cuộc tấn công vào dịp Tết Mậu Thân đã đập bàn khóc thảm thiết và từ đó lâm trọng bệnh cho đến lúc qua đời!..."

Hôm kia đọc Bản góp ý sửa đổi Hiến Pháp của ông Đặng Văn Việt; trước hết, tôi hoan nghênh sự tỉnh ngộ của ông. Dù hơi muộn màng nhưng ông đã nhận ra cái độc hại của chủ nghĩa Mác- Lênin, đó là điều đáng trân trọng. Điều tôi không thể hiểu nổi là ông đã quá tôn sùng lãnh tụ, ở đây là Hồ Chí Minh. Không thoát ra được thói sùng tín ấy thì ông cũng lâm vào bi kịch duy tâm, duy ý chí; cái mà vì nó các đồng chí của ông đã đưa cả dân tộc này “xuống hố cả nút”. Cũng vì cái thói sùng tín ấy mà ông Nguyễn Văn Linh đã bỏ lở cơ hội đưa dân tộc đến bờ hạnh phúc tự do, dân chủ. Vì nó mà con người tâm huyết như ông Linh cam tâm dâng cả vận mệnh dân tộc cho kẻ thù truyền kiếp (do chính tiền bối của ông ta là ông Lê Duẩn xác định). Tôi đánh giá cao cái tâm huyết của ông Việt cũng như ông Linh. Nhưng muốn giúp nước, chỉ tâm huyết không chưa đủ, cần có trí tuệ nữa cơ. Vì thiếu trí tuệ mà những người nắm giữ vận mệnh dân tộc từ khi cải tổ kinh tế đã để cho những kẻ cơ hội (có trí tuệ cao hơn) đưa đất nước trở về thời kỳ tư bản man rợ, đạo đức xã hội suy đồi còn tệ hơn cái thời kỳ “đồ đểu” như nhà văn Bùi Minh Quốc từng gọi. 

Bộ Chính trị làm việc theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Một nhóm người trong Bộ Chính trị chỉ cần sắp xếp để khi nào bỏ phiếu mình cũng nắm được đa số, là nắm được mọi quyền hành. 

Vì vậy Bác Hồ đã bị vô hiệu hóa. Bác không muốn làm Cải cách ruộng đất theo lối Trung Quốc, Bác không muốn xử bắn bà Nguyễn Thị Năm (một phụ nữ có công với Cách mạng) nhưng đa số trong Bộ Chính trị không đồng ý, Bác Hồ phải xếp ý kiến của mình sang một bên. 

Trên đây là ý kiến của ông Đặng Văn Việt ghi trong Bản góp ý sửa đổi Hiến Pháp

Ngày xưa, Trần Cung bỏ chức huyện lệnh để theo Tào Tháo mưu đồ nghiệp lớn. Khi Tào Tháo giết nhầm Lã Bá Xa rồi sau đó cố tình giết cả nhà Lã Bá Xa để bịt đầu mối. Trần Cung trách Tào Tháo lạm sát thì Tào Tháo bảo rằng “thà mình phụ người còn hơn để người phụ mình”. Trần Cung liền bỏ Tào Tháo mà đi. Đằng này, Hồ Chí Minh sau khi để thuộc hạ bắn bà Nguyễn Thị Năm xong là mở đầu một chiến dịch giết nhầm hơn bỏ sót hơn một trăm ngàn người trong cải cách ruộng đất (Võ Nguyên Giáp đã nhận lỗi trước quốc dân năm 1956). Sao ông Hồ không bỏ cái Bộ chính trị khốn nạn ấy mà đi như Phạm Duy và rất nhiều người khác (trong đó có cả Nguyễn Văn Thiệu) đã bỏ kháng chiến mà về khì thấy Việt Minh quá tàn ác? Hồ Chí Minh còn ngồi đấy làm gì? 

Có hai cách lý giải: Cách thứ nhất là ông Hồ không khí phách bằng một tên huyện lệnh như Trần Cung. Cách thứ hai là ông Hồ gian hùng hơn cả Tào Tháo. Dù cách nào đúng trong thực tế đi nữa thì ông Hồ cũng không đáng để ông Việt tôn sùng: “Hãy trả các cụ (Mac, Lenin) về với các cụ bà, với châu Âu. Còn ta, ta về với Bác Hồ, về với ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn...” 

Hay là: “Lời dạy của Bác đơn sơ, giản dị, nhưng đầy tính chân lý, tôi đã ghi lòng tạc dạ. Nên suốt 75 năm đi theo Cách mạng, tôi đã không bị phạm vào sai lầm gì lớn.” 

Thực ra ông Việt không thể nhận ra là: ông không thể là một học trò giỏi của Hồ Chí Minh được. Nếu ông có cơ duyên gần gũi được ông Hồ thì chắc chắn ông cũng bị bỏ tù như Vũ Đình Huỳnh hay tướng Đặng Kim Giang mà thôi! Ông là tướng tài, lại có biết chút văn chương, nhưng đến cái tuổi ngoài chín mươi rồi, ông vẫn không nhận ra cái sai lầm to lớn nhất của đời mình là đã đi theo đoàn quân giải phóng nhầm như nhà văn Dương Thu Hương đã nhận ra ngay khi đặt chân vào Sài gòn năm 1975. Ông không đủ dũng khí để công nhận mình đã sai khi gia nhập Đảng cộng sản. Ông quá ngất ngây với danh hiệu “con hùm xám đường 4” đánh thắng hàng trăm trận mà không hề biết rằng ông góp sức giành lấy dân tộc từ tay kẻ cắp (thực dân Pháp) để dâng cho bầy sói hung bạo cộng sản. Để rồi bây giờ con diều hâu Trung quốc giương vuốt chực xé xác dân ta, ông mới nhận ra bầy sói, khi chúng hèn nhát muốn dâng nộp dân tộc xác xơ này cho diều hâu. Nhưng ông vẫn không nhận ra sai lầm to lớn thời trai trẻ của mình. 

Đó là bởi ông đã đi theo tôn giáo Hồ Chí Minh! 

Tín đồ Hồ Chí Minh ngày nay có nhiều loại, một phần là những công thần lớn tuổi như ông Việt. Họ sẵn sàng công nhận Mác sai, Lênin sai, Stalin sai, Mao Trạch Đông sai, đảng cộng sản Việt Nam trước đây có nhiều điều sai về nhận thức cũng như hành động, một bộ phận không nhỏ lãnh đạo đảng cộng sản bây giờ sai nhưng Bác Hồ thì không bao giờ sai. Rất nhiều người khẳng định họ đi theo cách mạng là đi theo Bác Hồ chứ không đi theo cộng sản, trong lúc cái đảng họ gia nhập là đảng cộng sản. Cái họ không thể vượt qua là họ không dám phủ nhận công lao kháng chiến thời trai trẻ của họ, không dám thừa nhận là họ đã sai lầm khi tạo điều kiện giành chính quyền về tay một bọn còn tàn ác hơn cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (là hai đối tượng họ chiến đấu để chống lại). Họ cũng không đủ dũng khí để chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu đến hơi thở cuối cùng như ông Nguyễn Hộ... Họ không đủ sáng suốt để chấp nhận sớm trở về với nhân dân như hai anh em ông Huỳnh Nhật Tân, Huỳnh Ngọc Hải khi nhận ra cái mình giành được không phải là cái mình cần tìm. Bởi vậy, họ bám vào cái phao Hồ Chí Minh. Họ cho mọi cái chi phối Hồ Chí Minh và bọn họ trong suốt thời trai trẻ tham gia chiến đấu là xấu nên ngày nay xã hội mới ra cớ sự như thế này. Hồ Chí Minh bị lừa, họ theo bác nên cũng bị lừa theo. Điều họ không dám nghỉ tới là họ bị chính Hồ Chí Minh lừa. Bởi vì cái suy nghĩ của họ ngày nay ngược hẳn với suy nghĩ của Hồ Chí Minh ngày trước. 

Chính Nguyễn Ái Quốc đã nói trong bài giảng cho cán bộ hồi năm 1926: "... Đệ Tam Quốc tế là một ĐCS thế giới. Các đảng các nước như là chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lệnh và kế hoạch của Đệ Tam Quốc tế thì các đảng không được làm" (xem: Hồ Chí Minh. T.1) 

Tại đại hội 2 của đảng (1951) ở chiến khu Việt Bắc, khi trình bày với đại hội việc đổi tên đảng Cộng sản thành đảng Lao động, Hồ Chí Minh trình bày: "Các cô, các chú nên biết rằng việc đổi tên đảng ta, Bác đã xin ý kiến các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông rồi, các đồng chí đã đồng ý. Các cô, các chú nên biết rằng: ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được". 

Thấu hiểu những điều này thì chắc ông Việt khi viết: “Bác Hồ, với chủ trương thực hiện đường lối hòa hợp dân tộc, đoàn kết các giai cấp, cả trong và ngoài nước, theo đường lối ấy đã đưa đất nước đi đến thành công, thành công, đại thành công.” Hoặc: “Việt Nam ta thời Bác Hồ đã thực hiện chế độ đa đảng.” trong tâm khảm ông đã hiểu đó là sự lừa mị hàng chục triệu dân Việt (trong đó có chính ông) ở một giai đoạn nhất định chứ không phải là cái kết cục mà Hồ Chí Minh muốn hướng tới. 

Loại tín đồ thứ hai của tôn giáo Hồ Chí Minh là những đảng viên đương chức, đang có chức, có quyền thế trong xã hội. Đối với họ Hồ Chí Minh chỉ là bức màn thưa che giấu những đổ nát do chủ nghĩa cộng sản gây ra. Họ sẵn sàng xuyên tạc sửa đổi cả những lời nói của ông Hồ nhằm phục vụ cho lợi ích của họ. Loại người này ông Việt trình bày khá kỷ trong Bản góp ý sửa đổi Hiến Pháp  Họ âm mưu chiếm đoạt quân đội về với họ, chỉ trung thành với họ để đàn áp nhân dân. Trong lúc đó ông Việt cho biết: “Bác Hồ trong chuyến đến thăm Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây (1946) đã tặng cho học sinh võ bị khóa 1 lá cờ có ghi dòng chữ “Trung với nước, hiếu với dân”. Lá cờ của Bác còn nằm ở nhà bảo tàng Trường Sĩ quan Lục quân hiện nay.” 

Chắc ông Việt không để ý là: loại tín đồ này, ở cơ quan thì thờ ông Hồ để trấn áp nhân dân; còn ở nhà thì thường họ thờ Phật, đi lể chùa, đền thường xuyên; thỉnh thoảng còn phóng sanh, bố thí để cầu Phật Thánh tha thứ những tội lỗi của họ, phù hộ cho họ tai qua nạn khỏi, phát lộc phát tài trên mồ hôi, xương máu của nhân dân. 

Loại tín đồ thứ ba là loại tín đồ giả vờ, loại nay đông đảo nhất. Đó là những đảng viên lớp dưới, họ phải theo vì sợ phạm thượng. Sợ bị cấp trên chụp mũ. Loại này đông đảo nhất chỉ biết nói theo, lạy theo lãnh đạo cho yên thân. Trong cơ quan, bàn thờ Hồ Chí Minh có cả bình hương, lọ hoa, mâm quả; thủ trưởng vái lạy, đố nhân viên nào dám chống. Im lặng và làm theo là thượng sách. 

Tôn giáo Hồ Chí Minh là một tôn giáo vô đạo, nó chỉ bị lợi dụng nhất thời, điều này càng gây tổn hại thanh danh cho chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính những kẻ đồng hội đồng thuyền trong tôn giáo này sẽ đánh sụp thần tượng Hồ Chí Minh một cách nhanh chóng chứ chẳng có thế lực thù địch nào làm việc ấy cả. 

23/05/2013 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo