Ăn… “nhà vệ sinh” !? - Dân Làm Báo

Ăn… “nhà vệ sinh” !?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Khi sở Giáo Dục và Đào Tạo Tỉnh Quảng Ngãi triển khai “Đào tạo tại chức, ngành học mới, thiếu giáo dục: Ăn… Nhà Vệ Sinh”. 

Thông thường, nhà vệ sinh hay toilet tập thể là nơi “nặng mùi” phóng uế phải cô lập để chứa chất thãi của nhiều người, chẳng đặng đừng, cần thiết lắm chúng ta mới vào để thãi ra những thứ cặn bã mà cơ thể “chê” không còn tồn trữ được nữa, không ai muốn ở lâu trong đó, vì sao ai cũng biết rồi.

Cứ ngỡ đó là nơi duy nhất chỉ có các loài “vi khuẩn, vi trùng” với bản chất quen sống trong môi trường yếm khí tối tăm bẩn thỉu, mới “chuyên nghiệp” ăn nơi nhà vệ sinh (ăn chất thải).

Nhưng thật ngạc nhiên, tuy không giống về bản chất nhưng như tương đồng một hành vi, họ, một nhóm người ở một vị trí mà xã hội định danh chức năng “cao quí” là “đào tạo giáo dục” nhân cách, lại cùng nhau toa rập, học theo bản năng của loài “vi khuẩn” ấy, tổ chức cùng nhau “ăn nhà vệ sinh”.


Xây nhà vệ sinh nhỏ xíu (29 m2) giá 600 triệu, không qua đấu thầu.

  Có ai tin nhà vệ sinh 29m2 quét vôi này mới xây 600. triệu (cho dù cộng cả hạng mục điện nước) - sau khu phòng học sinh – (Ảnh TT)

Ông Cao Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giật mình về số vốn xây nhà vệ sinh khi lần đầu nghe về chuyện này. - (giaoduc net. vn)

Ngày 6-6, trao đổi với Báo Tuổi Trẻ về công trình nhà vệ sinh có diện tích 29m2 nhưng có giá đầu tư lên gần 600 triệu đồng, đại diện Sở Giáo Dục – Đào Tạo Tỉnh Quảng Ngãi Ông Ngô Hữu Đằng – (giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng) cho biết sở chỉ định thầu cho Xí nghiệp xây dựng Vĩnh Đạt xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, chứ không qua đấu thầu. (TT-7/6)

Ông Ngô Hữu Đằng trả lời các câu hỏi của phóng viên

Trong khi đó, nói về một nhà vệ sinh chỉ hơn 29m2 mà có tổng số vốn đầu tư gần 600 triệu đồng được dựng lên trong khuôn viên ngôi trường cũ kỹ, cơ sở vật chất xuống cấp, ông Võ Văn Vinh, hiệu trưởng Trường THCS Long Hiệp (huyện miền núi Minh Long, Quảng Ngãi) trần tình: “Nhà trường trình bày cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nên ưu tiên hơn nhà vệ sinh, trường đang thiếu nhiều thiết bị, bàn ghế, phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng. Phòng máy vi tính được trang bị từ năm 2003 với 12 máy thì nay đã hư hỏng sáu máy, phòng thực hành sinh, hóa cũng không có. Nhưng Phòng GD Huyện đề nghị và Sở GD Tỉnh cho công trình vệ sinh như vậy. Trên cho cái nào thì mình nhờ cái ấy”.

Nhà vệ sinh 600 triệu đồng: có dát vàng không?


Gần 200 ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online bày tỏ sự ngạc nhiên đến mức không thể tin nổi cũng như sự bức xúc sau khi đọc bản tin “Cận cảnh nhà vệ sinh nhỏ xíu, giá đầu tư gần 600 triệu đồng.” (TTO. 7/6).

Công luận đồng bào nhân dân có chung câu hỏi “cười ra nước mắt” là nhà vệ sinh ấy có “dát vàng” không? mà có số tiền khủng khiếp đến như vậy?.

Nhiều ý kiến đề nghị thanh tra nên vào cuộc để làm rõ. Người viết xin trích đăng vài ý kiến trên Tuổi Trẻ Online để chúng ta cùng nghiệm suy:

- Bạn đọc: binhrauvs@... kể câu chuyện của mình để so sánh: “Tôi vừa đầu tư làm nhà vệ sinh cho tập thể công nhân trong nhà máy. Vật tư thiết bị chất lượng trung bình cũng tương tự như công trình này, tổng diện tích 28m2, hai khu nam nữ. Có cả đường bê tông 1, 2m x 30m để đi vào khu vệ sinh. Tổng kinh phí chỉ hết 36 triệu đồng”.

- Bạn đọc: Dinh Trong - Cũng có chung thắc mắc: “Tôi là dân xây dựng mà cũng không thể tưởng tượng nổi 600 triệu họ nhét vào đâu để đẻ ra cái nhà vệ sinh 30m2 này. Nếu đưa tôi số tiền đó tôi có thể xây được 10 cái nhà vệ sinh như vậy. Các ngành chức năng vì mồ hôi nước mắt nhân dân mà trung thực kiểm tra tận cùng của sự việc”.

- Bạn đọc Nguyễn Quang trào lộng: “Đây là nhà vệ sinh “cao cấp”. Theo tôi biết, giá xây dựng nhà nói chung hiện tại là 5 triệu đồng/m2. Nếu tính như vậy thì nhà vệ sinh này có diện tích là 29m2 x 5 triệu là 145 triệu đồng. nhưng lại có giá 600 triệu?? nhà vệ sinh này đúng là quá cao cấp rồi vì xây dựng giá gấp 4 lần nhà ở bình thường (không phải nhà vệ sinh)!”.

- Bạn đọc Thế Duy (tydy2403@...) bất ngờ: “Mới đọc qua tin này tôi tưởng nhà vệ sinh có bồn tắm massage, vòi sen, máy nước nóng lạnh, phòng hấp khô, trang bị thiết bị cảm ứng tự động, ai dè nhìn lại hình thì quá bất ngờ”, “nếu không xử lý vụ này triệt để, chắc sẽ còn nhiều “nhà vệ sinh trường học” kiểu này mọc lên ngổn ngang” khắp nông thôn.

- Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng (nguyenmanhhungtnxp@...) chia sẻ: “Tôi làm kỹ sư xây dựng hơn 12 năm. Theo tôi, nếu nhà vệ sinh như vậy giá trị đầu tư chắc chắn không quá 100 triệu đồng. Đề nghị phải thanh tra để tìm ra giá trị thực. Có như vậy sẽ phát hiện tham nhũng giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công”.

- Bạn đọc trào lộng. - Do tình hình vàng biến động, nhà vệ sinh dát vàng cũng biến động theo ấy mà!!.

- (Bạn đọc Thiepcuoitiro@...): Cần phải xây thêm hàng rào bảo vệ và gắn biển “Nhà vệ sinh kiểu mẫu để khách tham quan” và nên ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

- (Bạn đọc Thienhai119@...): Nếu vật liệu được vận chuyển lên đó bằng... máy bay trực thăng thì giá đó có khi còn là rẻ.

- Trần Văn Dũng: - 20 triệu đồng/m2 xây dựng một nhà vệ sinh quét vôi, một cái giá mà các công trình cao cấp cũng phải ngước nhìn… chạy dài!?

- Bạn đọc Bùi Danh Quang cảm thán “không hiểu nổi” thì nghĩ rằng “chắc là đăng lầm tin” chăng?. Vui lòng xem kỹ lại. Sao có chuyện vô lý như thế này được?”.

Ngỡ ngàng, ngạc nhiên


Ngay như Bà Trương Thị Xuân Hồng - phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Tại buổi giám sát công trình vệ sinh Trường Long Hiệp, tôi cũng thấy rất ngỡ ngàng, ngạc nhiên vì một nhà vệ sinh bình thường cỡ vài chục triệu, trăm triệu là cùng, nhưng khi được cô hiệu phó báo là gần 600 triệu đồng, tôi phải hỏi đi, hỏi lại có phải kinh phí như thế không. Tôi cũng không bao giờ nghĩ là nhà VS đó xây đến 600 triệu đồng”. (TToline). 

Trao đổi với VnExpress.net, nhiều nhà thầu xây dựng uy tín, kinh nghiệm ở Quảng Ngãi cho biết, dù nhà vệ sinh áp dụng mẫu thiết kế chung của Bộ GD&ĐT nhưng một công trình phụ nhỏ bé đơn giản là thế mà phải tốn kém chi phí “tư vấn”? “thiết kế”? hàng chục triệu đồng là quá vô lý. Theo giá thị trường hiện nay, xây dựng 1 m2 công trình phụ không cầu kỳ này chi phí khoảng 3 triệu đồng thì mỗi nhà vệ sinh 29 m2 đầu tư không quá 90 triệu đồng (nếu tính luôn hạng mục điện nước phụ trợ cũng không thể vượt lên trên 200 triệu) - rẻ hơn nhiều lần giá trị xây dựng dự toán mà Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đưa ra. (VnExpress. net).

Tuy nhiên chưa hết - Nhà vệ sinh 721 triệu đồng, phải xách nước giội!?.


Ngoài nhà vệ sinh nhỏ xíu nhưng giá “trên trời” 600 triệu đồng ở Trường THCS Long Hiệp, huyện Minh Long (Quảng Ngãi), nói trên, còn có những nhà vệ sinh tương tự khác (cũng trong tỉnh này) giá đến 710 triệu, 721 triệu đồng. - (TT-08/06/2013).

Trong khi nhà vệ sinh cũ (trái) của Trường THCS Nghĩa Hiệp còn sử dụng tốt, nhưng bên cạnh là nhà vệ sinh mới 710 triệu (bên phải) – được nhận thêm?? – (Ảnh: TRÀ GIANG)

Ghi nhận tại một số nhà vệ sinh mới xây dựng ở các trường này, chúng tôi phát hiện thêm nhiều bất cập, thậm chí số vốn còn cao hơn mức 600 triệu đồng. (TTO).

Phòng học dột nát nhưng xây nhà vệ sinh giá cao!?.


Tại Trường THCS Nghĩa Hiệp huyện Tư Nghĩa Quảng Ngãi, bên cạnh nhà vệ sinh cũ còn khá vững chắc, vẫn còn sử dụng được là nhà vệ sinh mới được xây dựng và tháp chứa nước với số vốn hơn 710 triệu đồng (từ ngân sách trong chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn). Quan sát trong nhà vệ sinh nó cũng cùng mẫu với nhà VS Trường THCS Long Hiệp, đó là khu tiểu nam có bốn ngăn và khu tiểu nữ cũng xây ba bệ ngồi trống huơ trống hoác, dù 2 vách ngăn, không hao tốn thêm gạch xi măng là bao.

Thầy Lê Phi Hùng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường nhận bàn giao và đưa vào sử dụng tháng 9-2012. Trong quá trình thi công xây dựng, nhà trường cũng có tham gia với vai trò... “quan sát viên” Còn các khâu khác thì do Sở GD-ĐT trực tiếp làm việc với nhà thầu.

Tại Trường tiểu học Năng An, xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) cũng được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và tháp chứa nước với kinh phí 721 triệu đồng. Công trình vốn cao như vậy, mới đưa vào sử dụng tháng 1-2013 nhưng chất lượng công trình đã xuống cấp thấy rõ. Các van khóa vòi nước bệ tiểu ngồi nữ bị hư nên nước không tự xả được, phải dự trữ nước dùng ca múc giội và các bệ tiểu nữ cũng không có vách ngăn kín. Ông Phạm Ngọc Kim, bảo vệ nhà trường, cho biết hằng ngày ông phải xách nước dự trữ để học sinh giội mỗi khi đi vệ sinh xong. Lại phiền toái, do thiết kế không tính toán kỹ nên khi giội nước chảy ra sàn, đọng lại nền gạch ở cửa khiến rêu mọc trơn trượt, nhiều học sinh bị té ngã. Để khắc phục, nhà trường phải đục tạo rãnh lộ thiên ngay cửa ra vào để nước có lối thoát ra ngoài.

“Nhà vệ sinh cũng cần, nhưng hiện trường có 10 phòng học cấp 4 được xây từ năm 1980 nay đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Các cột, kèo bị mối mọt có nguy cơ sập nên cứ đến năm học mới nhà trường lại phải nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên do sửa chắp vá không đồng bộ nên trời mưa là dột. Để học sinh học trong những phòng học như thế, chúng tôi rất lo lắng. Nguyện vọng của trường là thay thế các phòng học cũ kỹ nhưng kiến nghị mãi vẫn chưa đến lượt” - nhà vệ sinh chưa phải là điều bức thiết - hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Khanh trăn trở như vậy.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay sở đã làm chủ đầu tư xây dựng 24 công trình nước sạch, nhà vệ sinh với tổng kinh phí đầu tư hơn 12, 27 tỉ đồng. Nhà vệ sinh giá thấp nhất là 300 triệu đồng và cao nhất gần 750 triệu đồng, trung bình mỗi khu nhà vệ sinh ở các trường trên 510 triệu đồng. Cao nhất là khu nhà vệ sinh Trường tiểu học Bình Chánh 749 triệu đồng, Trường THPT Vạn Tường hơn 688 triệu đồng, Trường THPT Phạm Kiệt hơn 632 triệu đồng, Trường THPT số 2 Mộ Đức hơn 628 triệu đồng, Trường tiểu học Long Sơn hơn 598 triệu đồng... 

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 7-6, ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Quảng Ngãi - nói: “Là thành viên trong đoàn giám sát, trực tiếp về các công trình nhà vệ sinh và nước sạch ở Trường Long Hiệp, những thực tế mà báo chí phản ánh là đúng”.

Còn ông Phạm Tấn Hoàng - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết đối với các dự án riêng lẻ thuộc chương trình này thì mọi vấn đề như thiết kế, thẩm định dự án, quy trình xây dựng, giám sát, chất lượng công trình, giá cả chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, sở không đủ lực lượng để kiểm tra. Sở chỉ chọn một số công trình lớn ở tỉnh để kiểm tra ngẫu nhiên rồi báo cáo chất lượng xây dựng cho UBND tỉnh. (Việt Hùng – Trà Giang -TT).

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra nhà vệ sinh 'giá khủng'. 


Trước thông tin nhà vệ sinh 29 m2 kèm theo cấp nước “ngốn” đến 600 triệu đồng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, Bộ NN & PTNT và UBND tỉnh Quảng Ngãi, làm rõ sự việc nhà vệ sinh “giá khủng”; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6 tới.

Nhìn toàn cảnh, chúng ta những người dân “đóng thuế” nghĩ gì?? – (nguồn vốn ODA thì chúng ta cũng phải trả)

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, (từ ngân sách trong chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) từ năm 2010 đến nay Sở đã làm chủ đầu tư xây dựng 24 công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho các trường học thuộc địa bàn huyện xã nông thôn trong Tỉnh với tổng kinh phí đã đầu tư hơn 12, 27 tỉ đồng. Và theo các dự đoán sát sườn không thể tranh cãi, rất gần thực tế nói trên, tổng giá trị cụ thể thực chi trong xây dựng dù có thoải mái rộng rãi (tính luôn các hạng mục điện nước phụ trợ) cũng chỉ hết 1/3, có nghĩa khoảng hơn 4 tỷ - Số 8 tỷ “ phù phép” kê thêm lên ngoài giá trị thực chi – (Ai có quyền “Ăn”?? ngoài chủ đầu tư!) -

Nhưng không chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi! Cùng thời điểm triển khai đại trà “chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” – (Ưu tiên cho các trường học) thuộc địa bàn Huyện, xã nông thôn trên toàn quốc - mà trường hợp “Ăn nhà vệ sinh” ở tỉnh Quảng Ngãi chắc chắn không là cá biệt do báo chí “nhà nước, đảng” ta – vô tư bất chợt nhìn thấy – Thử nhân lên vài chục lần dự đoán số “chênh” do “ăn toilet” học sinh như khái quát nói trên chắc chúng ta không khỏi “rùng mình”.

Hỡi ơi! Một đơn vị chuyên ngành văn hóa giáo dục xả hội tưởng chừng mang đậm sắc màu của phạm trù đạo đức: “Đào tạo và Giáo Dục” lại phàm ăn một trong những món ô uế nặng mùi nhất trên cõi đời này: “ Toilét” của các cháu học sinh!?.

Trong khi đó 20 ngày qua ở chốn ngục tù, có là cơm trắng, nhưng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vẫn từ chối ăn để tuyệt thực vì lý tưởng hợp pháp vì “tù quyền” của chính mình dù điều ấy có thể làm ông mất mạng – Thật là nghịch lý, một con người dứt khoát không tìm đến cơm trắng dù biết có thể chết vì đói, còn một nhóm người không thể chết vì đói bởi dư ăn lại tìm đến một món ô uế mà cố ăn vào dù biết có khi dẫn đến cái chết vì nhiễm độc - thân bại danh liệt!? Nhưng họ cứ “khoái ăn”!? Như loài cẩu sực, dù món ăn có “nặng mùi”.

38 năm gọi là “giải phóng” – mãi tận hôm nay, CH/XHCN/VN vẫn là quốc gia đội sổ về tham nhũng trên thang điểm của tổ chức “minh bạch thế giới” – Ai tham nhũng? Chắc chắn, người dân thường không có chức quyền, 100% không ai có cơ hội – Vậy họ là ai? – Hình như chúng ta không đợi và không cần câu trả lời !



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo