S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - “Phạm nhân Vũ được ưu ái hơn người khác” - Đại Tá Lê Duy Sáu.
Tuần rồi, trang Bauxite Việt Nam đi tin: “Sáng nay 21/6/2013, sau khi gặp chồng mình tại Trại giam số 5, Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Dương Hà cho biết do Trại giam số 5 Bộ Công an cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nên từ 9 giờ sáng hôm nay ông đã kết thúc tuyệt thực. Từ nhà tù, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gửi thư cảm ơn đến tất cả mọi người đã ủng hộ cuộc đấu tranh của ông.”
Dù có “hụ hợ” chút đỉnh trong “cuộc đấu tranh” nói trên, tôi thực tình không dám nhận lời “cảm ơn” này. Lý do, giản dị, chỉ vì tôi hoàn toàn không bận tâm gì ráo đến tình trạng sức khỏe, cũng như sự ngược đãi (nếu có) mà ông phải chịu đựng trong trại giam K5.
Hơn nữa, tôi còn tin rằng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã làm “lớn chuyện” không phải chỉ vì những điều bất tiện (hay đê tiện) vặt vãnh đã xẩy ra cho riêng cá nhân mình mà chỉ vì ông cám cảnh cho thân phận của vô số những người bạn đồng tù không may khác.
Sự tệ hại, hay nói cho chính xác là sự bất nhân, trong hệ thống lao tù ở Việt Nam không phải là chuyện mới mẻ gì. ÔngKiều Duy Vĩnh, một người bị đột ngột mất tích vào năm 1959, đã kể lại như sau:
“Mẹ tôi lên trại tù cũ ở Bất Bạt, Sơn Tây để hỏi về tôi. Chánh giám thị trại là Thiếu tá Thanh trả lời mẹ tôi là tôi bị đưa đi đâu ông ta không biết!
Về Hà Nội, mẹ tôi đến Bộ Công An ở Phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra Hồ Thiền Quang chưa đến 1 Km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ Trại Tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái Công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết.”
Gần mười năm sau, năm 1967, thân mẫu của một người tù khác cũng lâm vào hoàn cảnh khốn nạn và trớ trêu tương tự:
“Tôi ra khỏi nhà lúc chín giờ sáng và mất tăm từ đó... Ngày hôm sau, không thấy tôi trở về, mẹ tôi tức tốc đạp xe tới Hỏa Lò. Trước một bà mẹ hung dữ vì vừa mất chồng nay lại mất con, các cán bộ công an chối đây đẩy rằng ở chỗ họ không có ai tên là như thế.
Viên giám thị Hỏa Lò lật đật mang cả sổ tù ra tra trước mặt mẹ tôi cho bà thấy: bác đừng nghĩ quẩn, nếu anh ấy ở đây thì phải có tên trong sổ, anh ấy phải làm gì phạm pháp thì mới bị bắt chứ. Không, không có tên anh ấy ở đây đâu, tôi tra hết rồi, xem kỹ lắm rồi, hay là bác sang bên Bộ mà hỏi.
Tại phòng tiếp khách Bộ Nội vụ ở 16 Trần Bình Trọng, một sĩ quan mặc áo dạ không quân hàm tiếp mẹ tôi. Anh ta làm bộ ngạc nhiên:
- Chết chết, sao bác lại nghĩ thế! Bắt người thì phải có lệnh bắt chứ, kể cả trong trường hợp bắt khẩn cấp bộ phận trực ở Bộ cũng phải được biết. Không phải đâu, bác ạ, làm gì có chuyện bắt cóc thời bây giờ.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, 2nd ed. Falls Church, VA: Tiếng Quê Hương, 2008).
Tìm cho ra được người thân trong hệ thống lao tù của cộng sản Việt Nam khó khăn như tìm một cái kim rơi, và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Đi thăm nuôi cũng cũng thế:
“Hắn bước lên bậc cấp. Người đầu tiên hắn nhìn thấy là ông Thanh Vân. Vợ hắn và Bình ngồi ở phía cuối chiếc bàn hình chữ nhật to dài. Ông Thanh Vân ngồi đầu này.
- Báo cáo ông, tôi có mặt.
Ông Thanh Vân chỉ tay vào một cái ghế ở giữa:
- Anh ngồi xuống. Trại giải quyết cho anh được gặp chị ấy, nhưng anh không được nhận đồ tiếp tế.
Lại thế nữa. Nhưng thôi. Không đề nghị, không van xin. Đồ tiếp tế là những thứ cứu sống mình nhưng cũng không là gì cả. Điều quan trọng là được gặp vợ, hai vợ chồng đối thoại. Được nhìn nhau. Được nhìn Bình, người bạn không bao giờ bỏ hắn.
Những câu đối thoại không biết bắt đầu từ đâu, luôn bị ám ảnh bởi sợ hết giờ. Những câu đối thoại có sự hiện diện của ông quản giáo, chỉ là những điều dối trá. Thì thôi, hãy nói cho nhau nghe những điều dối trá.”
(Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. Westminster, CA: CLB Tuổi Xanh, 2000).
Không được thăm nuôi tiếp tế thì chắc chết, chết chắc, vì thiếu đói:
- “Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh khủng.” (Nguyễn Chí Thiện)
- “Chúng tôi đói đến nỗi phải sàng phân mà ăn. Là vì ăn hạt bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó!” (Đặng Chí Bình)
Cho đến khi đất nước “bước vào thời kỳ kinh tế thị trường” thì những trại giam ở Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi và trở nên “khởi sắc,” nhờ tính cách “thương trường” – theo như ghi nhận (rất) tỉ mỉ của người tù Bùi Thanh Hiếu:
“Tên trực chính sai tôi chia ít cơm cho phòng này, nhiều cơm cho phòng kia. Tôi không nghe không được. Vì việc chia ít , chia nhiều như thế gắn liền với việc phòng đó nộp tiền nhiều hay tiền ít cho trực chính. Mà tiền nộp cho trực chính thì là về tay cán bộ.
“Có phòng thừa cơm đổ đi trắng xóa. Có phòng, tù thiếu cơm đói hốc hác gầy trơ xương vai, mắt sâu hoắm nhìn đống cơm phòng khác đổ đi mắt ánh lên sự thèm thuồng ngây dại...
Luật lệ không có văn bản trong tù được thực hiện rất sòng phẳng. Tù gặp gia đình mang vào ví dụ suất của thằng A chỉ định là 200k. Mang vào cả 1 triệu đưa tôi cầm, tôi sẽ trừ đi 200k còn lại 800k giao cho nó với tỉ lệ lấy đi 10% công cầm hộ. Tức thằng Á còn lại 720k.
Nhưng thằng A không mang theo đồ gì vi phạm nội quy thì nó được trọn vẹn 720k đó mang vào phòng, sau này mua bán gì tùy nhu cầu và giá cả. Nếu thằng A lại mang theo một cái bật lửa, một gói thuốc lào, rượu, thuốc lá, thuốc phiện... thì phải tùy giá trị mức độ vi phạm của vật đó nặng nhẹ thế nào tính tiền.
Thu được bao nhiêu tôi nộp cả lại cho trực chính và báo lại những tên tù nào nộp bao nhiêu, ít hay nhiều, hay không nộp. Trực chính cầm tiền và sẽ có phán quyết ngay với những trường hợp không đủ hay không có tiền.
Việc trừng phạt được thực hiện ngay nhất thời. Tên trực chính sẽ lấy chùm chìa khóa ở phòng quản giáo đi mở cửa phòng có tù mới gặp gia đình về. Mở khóa vào trong gọi trưởng phòng kêu tên tù mới gặp gia đình ra giữa phòng. Bắt tên đó quỳ xuống phơi lưng để trực chính cầm ổ khóa nện vào lưng khoảng 20 cái...”
Đó là sinh hoạt của đám tù thường phạm. Chính trị phạm thì lại hoàn toàn khác. Dù họ vẫn nằm trong hệ thống nhà tù thuộc nền kinh tế thị trường nhưng theo định hướng chủ nghĩa xã hội một cách quán triệt hơn nhiều, như tường trình của nhóm phóng viên VNRs:
“Ngày 21/6/2013, theo tin chính thức chúng tôi vừa nhận được từ sinh viên – tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật từ trại giam Nghi Kim, Nghệ An bắt đầu từ ngày hôm nay, thứ 6 ngày 21 tháng 6 năm 2013 Minh Nhật đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối việc các cán bộ trại giam Nghi Kim liên tục xúc phạm nhân phẩm và tính mạng đối với Minh Nhật.
Cụ thể là: điều kiện giam giữ hết sức hà khắc như: khẩu phần ăn không bằng một con chó, không thể nuốt được (từ nguyên văn Nhật thông báo); nước uống phải dùng nước lợ (nước được lấy trực tiếp từ ao hồ, giếng khoan); phòng giam quá chật hẹp trong khi thời tiết ở Nghệ An hiện nay nhiệt độ lên đến 39, 40 độ; không có điện thắp sáng; không cho nhận sách từ người thân gửi vào.
Thông tin cho biết thêm, hiện nay anh Nguyễn Xuân Anh đang bị ốm nặng, khắp cả người bị lở loét bởi phòng giam quá chật chội và bẩn thỉu, nóng bức. Riêng trường hợp anh Nguyễn Đình Cương, vì lên tiếng phản đối điều kiện giam giữ hà khắc của trại giam cũng như việc liên tục xúc phạm đến nhân phẩm đối với các tù nhân mà nay anh đã bị biệt giam.”
Riêng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì tôi bảo đảm là dù cho ăn kẹo cũng không giới chức nào đủ can đảm mang ông đi biệt giam. Tất nhiên, họ cũng không dám để ông “bị lở loét bởi phòng giam quá chật chội, bẩn thỉu, và nóng bức” – như hàng trăm ngàn tù nhân khác.
Khi trả lời phỏng vấn của báo Tin Nhanh Việt Nam, đại tá công an Lê Duy Sáu còn cho biết là “Phạm nhân Vũ được ưu ái hơn người khác” nhưng “anh ta phản bác toàn bộ sự quan tâm, nhân đạo trong chính sách...”
Đại tá Lê Huy Sáu: “Phạm nhân Vũ được ưu ái hơn người khác”. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phó giám thị trại giam Lê Duy Sáu trông (rõ ràng) còn trẻ nhưng tầm nhìn, cũng như trí nhớ đều rất ngắn. Ông ấy quên rằng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã từ chối sự “ưu ái” mà chế độ dành cho riêng mình ở nhà tù lớn (có tên gọi là nước CHXHCNVN) để bước chân vào những cái nhà tù nhỏ.
Sau khi chứng kiến vô số những chuyện bất nhẫn xẩy ra (hàng ngày) cho những người bạn đồng tù, Cù Huy Hà Vũ đã dùng chính thân xác của mình – như thứ vũ khí duy nhất còn lại – để khởi động một cuộc đấu tranh khác trong hoàn cảnh tù túng của ông.
Chúng tôi đã “đồng hành” với ông trong “cuộc đấu tranh” này vì cũng muốn nhân cơ hội để kêu gọi công luận lưu tâm đến những tệ trạng trong hệ thống lao tù ở đất nước chúng ta. Vì mọi người dân Việt Nam đều có thể là những tù nhân dự khuyết nên tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không nhất thiết phải gửi lời cảm ơn, đến bất cứ ai, trong công việc chung này.