Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Báo “Tuổi Trẻ” số ra ngày thứ tư 17-7-2013 nơi bài “ĐÁP ÁN CÁC MÔN THI CAO ĐẲNG” của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo in đề thi môn ngữ văn (khối C,D) gồm hai phần, mỗi phần hai câu. Chúng tôi xin trích câu 02, phần một như sau:
“CÂU 02 ( 3,0 điểm)
“Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.
“Hãy viết một bài văn ngắn ( khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến trên”
(hết trích)
Bất kể ai đã học qua cấp một ( tiểu học) khi chỉ thoáng nhìn phần đề bài thi trên đã nhận ra câu ra đề có hai lỗi văn phạm.
Lỗi thứ nhất: thừa một từ “THÌ”.
Lỗi thứ hai: thiếu ba từ: “CHO NGƯỜI KHÁC”
Như vậy, “câu 02” trong phần một của đề thi cao đẳng quốc gia môn ngữ văn phải viết lại như sau mới đúng văn phạm :
“Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác”.
Than ôi, một hội đồng ra đề thi đại học, cao đẳng gồm toàn các giáo sư tiến sĩ, hoặc các giáo sư đầu ngành môn ngữ văn, lại được duyệt bởi một hội đồng toàn các giáo sư đầu ngành khác, sao lại để sai hai lỗi văn phạm rất nặng như trên Cái lỗi mà một học sinh đã học qua tiểu học cũng không được phép sai phạm. Xem ra, nền dạy văn và học văn nước nhà đã đến thời mạt vận rồi sao ?
Sài Gòn, ngày 17-7-2013