Giáo dục trong thời "long mồm - lỡ móng" - Dân Làm Báo

Giáo dục trong thời "long mồm - lỡ móng"

Vũ Bất Khuất (Danlambao) - Bài học sử đầu tiên mà tôi học được là một câu chuyện cổ tích “Sự tích bánh dày bánh chưng”. Và tôi đi suốt dòng sông lịch sử của đất nước trong 12 năm qua ba cấp; tiểu học, trung học đệ nhất cấp, trung học đệ nhị cấp mà không hề thấy bất cứ một thứ chủ nghĩa nào, nếu có hai từ yêu nước nằm trong các trang sử ấy thì cũng chỉ gói ghém vào trong những hành vi xây dựng đất nước và bảo vệ non sông một cách rất tự nhiên. Nhưng tác động của lịch sử thì rất lớn đến tâm hồn non trẻ. Thế hệ chúng tôi luôn luôn tự hào mình là giòng giống Tiên Rồng. Phấn chấn trước câu nói của bà Trưng, bà Triệu, Trần Quốc Toản. Cảm khái và sục sôi hào khí trước cái chết của Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học. Nghiêng mình cảm phục và ngưỡng mộ Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hoàng, Quang Trung, Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện. Căm hờn bọn phản bội Kiều Công Tiển, Trần Ích Tắc, Mạch Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải.

Đối với chúng tôi, dù thích hay không thích, chúng tôi đều có thể nắm vững được quá trình lịch sử của đất nước qua những gì đã học được, phần lớn chúng tôi đều có thể giải thích một cách khá chính xác khi bất ngờ có ai đó hỏi về một con đường mang tên một nhân vật hay một sự kiện, một địa danh lịch sử.

Sau này, khi tìm hiểu thêm qua sách vở hay ý kiến của các thầy cô dạy sử, tôi có thể khái quát chương trình sử mà chúng tôi được học thì nó như thế này;

A. Tiểu học: Chúng tôi được học sử theo dạng truyện kể theo trình tự thời gian. Đầu tiên là những truyện kể vào thời các vua Hùng, quốc hiệu Âu Lạc, Nam Việt, kế đến là những nhân vật lịch sử trong thời gần 1000 năm (111tcn-938scn) đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc (theo sử cũ là thời kỳ bắc thuộc) cùng một ít nhân việt lịch sử tiêu biểu của các triều đại sau

B. Trung học đệ nhất cấp:

1. Chúng tôi được học tiếp trong hai năm đệ thất và đệ lục (tức lớp 6,7 bây giờ) các cuộc kháng chiến quan trọng chống quân xâm lược phương bắc (tức là Trung Quốc, nhưng mang tên các triều đại Hán, Lục Triều Đường, Nam Bắc Triều, Tống, Nguyên, Minh, Thanh) và thực dân Pháp, vẫn kèm theo một vài nhân vật lịch sử tiêu biểu (vẫn theo trình tự thời gian). Và bao giờ cũng khẳng định kẻ thù thù đó là ai; ví dụ: Lý Thường Kiệt phà Tống. Trần Hưng Hưng Đạo đinh Nguyên Mông. Lê Lợi mười năm đánh đuổi giặc Minh; Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Không có việc “đánh đuổi quân xâm lược… khơi khơi” mà chẳng biết thằng nào là thằng xâm lược.

2. Hay năm đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8,9) Chúng tôi được học biên niên sử, tức là học từng thời kỳ lịch sử với những diễn tiến của thời kỳ đó (cũng được xem như là các triều đại). Cuối năm đệ tứ. Chúng tôi đã có thể khái quát toàn bộ lịch sử của đất nước.

Trong thời gian này, chúng tôi được thầy cô gợi ý và cho phép tổ chức, tham gia các buổi thuyết trình về đề tài lịch sử và bắt đầu có những ý kiến tranh luận.

C. Trung học học đệ nhị cấp (có thêm môn thế giới sử, tôi không trình bày ở đây) chúng tôi gần như là những người nghiên cứu lịch sử theo đề tài mà chương trình đã gợi ý dưới sự hướng dẫn của các giáo sư dạy sử)

Điểm cần lưu ý là chúng tôi không buộc phải mua bất cứ một cuốn sách giáo khoa nào. Những kiến thức mà chúng tôi có được trong suốt 12 năm là do các thầy cô truyền đạt. Chúng tôi chỉ ghi chép và tiếp thu. Tất nhiên, cũng không ai cấm chúng tôi mua sách và học bằng sách, thậm chí còn khuyến khích. Điều này kích thích cho chúng tôi yêu và tôn trọng sách thể hiện tính ham học. Ngoài ra còn có một điều mà giờ đây nhắc lại, những người “thất thập” như chúng tôi vẫn còn cảm động. Đó chính là sự truyền đạt của thầy cô, dù bất cứ môn học nào, dành cho chúng tôi. Thầy cô đã dạy cho chúng tôi một hành vi rất đơn giản “Làm Người”.

Trong suốt quá trình lịch sử của đất nước, có những lúc tổ quốc bị áp đặt dưới sự thống trị của ngoại bang (cũng hàm nghĩa là cả một nền văn hóa giáo dục bị áp đặt), nền giáo dục Việt Nam cũng chưa bao giờ rời khỏi cái mục tiêu cơ bản ấy. Người thầy giáo buột phải nói “tổ tiên ta là giòng giống Gaulois” , nhưng tư cách và tâm tư thầy cô gởi đến học trò bao giờ cũng thể hiện là “giòng giống Tiên Rồng”

Hiện nay, sau 38 năm, nhìn lại nền giáo dục Việt Nam chúng ta mới thấy thật sự kinh hoàng. Những thầy cô giáo không còn biết mình là ai, những người học trò oằn lưng dưới một khối sách. Thầy và trò cũng nhau bơi trong cái biển đối trá, lừa lọc mênh mông.

Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày, riêng về bộ môn lịch sử.

Học trò hoàn toàn không hiểu gì về hàng loạt cái chế độ cộng sản nguyên thủy, chế độ mẫu hệ, phụ hệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ cộng sản. Lại càng tối mắt tối mũi với “nông dân khởi nghĩa” gồm những tay làm loạn như Quận He, Phan Bá Vành… “xô viết Nghệ Tĩnh” và hàng loạt những “anh hùng cách mạng” mà tuổi tác có chút xíu mà làm toàn những chuyện động trời như Lê văn Tám (hư cấu), Nông văn Dèn (14 tuổi), Lý tự Trong (17 tuổi, Võ thị Sáu (16 tuổi)… Những “anh hùng dũng sĩ” Bế văn Đàn lấy thân làm giá súng, Tô vĩnh Diện lấy thân chen pháo, Phan đình Giót lấy thân bịt lỗ châu mai… song song theo đó là áp đặt cho học trò những cái nhìn đầy thiên kiến về những triều đại và lớn giọng chửi rủa thóa mạ không tiếc lời đối với những nhân vật lịch sử như các chúa Nguyễn (những người đã tay cày tay cuốc đi khai phá miền Nam, chinh phục thiên nhiên trên những cánh đồng mênh mông đưng lác và muỗi mòng đỉa vắt), vua Gia Long, Minh Mạng… Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Lê văn Duyệt…

Sự việc chưa dừng ở đó, sự tôn vinh hay chửi rủa những nhân vật lịch sử lại tùy theo yêu cầu chính trị, những sự kiện lịch sử cũng như vậy. Và gần đây nhất, kẻ thù mang tính truyền thống của nhân dân Việt Nam là bọn đầu sỏ bành trướng Bắc Kinh (trong suốt quá trình lịch sử của họ), nhưng sách giáo khoa môn lịch sử chỉ ghi là đánh đuổi quân xâm lược “không biết là ai”.

Nếu như một ngày nào đó, chúng ta thấy trên đường phố Việt Nam có những tên đường như Kiều Công Tiện, Trần Ích Tắc, Trần Nhật Hiệu, Trần văn Lộng, Lê Tắc, Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan… thì cũng là một lẽ tự nhiên thôi.

Hồ chí Minh, một nhân vật lịch sử đương đại với một nhân thân như một nùi chỉ rối với hơn 200 cái bí danh và một hành tung không thể kiểm chứng, đang được môn lịch sử phong thánh và đang trở thành một “bồ tát” với những hành vi “chỉ biết yêu nước thôi chớ chẳng biết gì” . Những hình ảnh và những lời dạy của ông đỏ rực sân trường nhưng những gì diễn ra trong ngôi trường ấy thì hoàn toàn ngược lại.

Song song theo đó là cung cách hoạt động của ngành Giáo dục và tư cách của các thầy cô đầy rẫy những sự nhập nhằng trong sách giáo khoa, trong học phí, trong thi cử đã dạy dỗ cho học sinh trở thành một con người không giống ai.

Hàng ngày chúng ta thấy nhan nhãn những cái tin liên quan đến giáo dục (mà suốt trong quá trình lịch sử của đất nước không hề thấy xảy ra) như: Thầy giáo gạ tình học trò để tăng điểm; Thầy giáo nhận tiền bồi dưỡng của học trò trong những dịp lễ tết; Ăn chận tiền cất nhà vệ sinh cho trường học; Trường điểm, trường chuẩn, trường chất lượng cao; Chạy trường, chạy lớp… và cả những án mạng liên quan đến quan hệ thầy trò.

Những học vị học hàm sau đại học luôn luôn chứng tỏ tư cách và tài năng của người có nó đã trở thành một thứ trò cười. Ông tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến còn có giá trị là một món đồ chơi, nhưng những ông tiến sĩ thiệt của xã hội bây giờ đang trở thành đồ… ăn hại.

Cái may mắn duy nhất còn sót lại của dân tộc Việt Nam lương tâm của con người. Đó là một thứ rất dễ bán nhưng không dễ bôi đen.

Vũ Bất Khuất


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo