Mặc Lâm (RFA) - ...200 em sinh viên ấy ra trường thì bản thân từ khi tốt nghiệp đã có sự giả dối rồi. Chúng ta không có những phần mềm để đọc, dò những luận văn ăn cắp. Có rất nhiều luận văn được viết bằng sự xào xáo của nhiều trường đại học khác chứ không riêng gì báo chí. Đi học thì có những em sinh viên tôi được biết vì chính những em đó nhờ tôi viết bài để các em mang về nộp cho đủ vì khi đi thực tập nhiệm vụ của em phải có 10 bài nhưng giờ chỉ mới có 5. Nhuận bút thì của chị nhưng chị cho em đứng tên!
Giả dối từ lúc đi thực tập. Gỉả dối từ luận văn xào xáo. Những cử nhân ấy đúng là những cử nhân giấy; Ra trường thì làm sao đủ bản lĩnh và tri thức để tác nghiệp?... - Nhà báo Vi Thùy Linh.
*
Ngày báo chí Việt Nam năm nay có hàng trăm giải thưởng trao cho các nhà báo được xem là xuất sắc trong số hàng chục ngàn nhà báo các tỉnh thành, địa phương khắp nuớc. Mặc Lâm tìm hiểu thêm hiện trạng báo chí Việt Nam qua nhà thơ và cũng là nhà báo Vi Thùy Linh để biết thêm những gì thật sự đang xảy ra phía sau hậu trường của nền báo chí xã hội chủ nghĩa.
Gần 2 vạn nhà báo
Nhà báo Vi Thùy Linh cho biết nhận xét của chị về giải thưởng lần này qua cái nhìn tỉnh táo của một người yêu nghề và có hệ lụy với nó gần hai mươi qua, chị cho biết:
Vi Thùy Linh: Tôi đã tham gia làng báo 17 năm. Bằng những quan sát của mình, tôi nhận thấy rằng thực ra ở đâu cũng vậy thôi, tinh hoa luôn thuộc vào số ít, tinh hoa không thể là một đám đông được. Tôi thích tinh hoa trong bối cảnh của sự thi đua hăng say, sự yêu nghề. Độ lệch giữa tinh hoa và đối tượng không tinh hoa phải ít thôi, khả dĩ để cho ta hy vọng.
Tôi đã từng viết thẳng và nói thẳng: có nhiều bài phát biểu viết trước khi sự kiện được diễn ra thì bao giờ cũng có cụm từ “thành công tốt đẹp”. Thực tế không phải lúc nào cũng thành công tốt đẹp và tôi thấy có 3 điều như thế này:
Thứ nhất là về khoa học. Chúng ta có quá nhiều các giáo sư, tiến sĩ là những nhà nghiên cứu có công trình khoa học và giảng dạy. Đấy là những định nghĩa khái lược nhất nhưng nền khoa học của chúng ta lại rất thấp. Chỉ riêng hình ảnh này thôi đã gắn đến bao nhiêu đời nay rồi. Bà con vẫn còn phải cắm tay, cắm chân trong bùn lạnh để cấy lúa. Hằng nghìn năm nay vẫn không thay đổi được hình ảnh ấy. Tôi chỉ ví dụ một điều đó thôi. Bao nhiêu đời nay rồi, ở Việt Nam có bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu giáo sư tiến sĩ không nghĩ được cái gì đó để thay đổi. Người nông dân quá vất vả mà đây là một đất nước nông nghiệp.
Thứ hai: có quá nhiều các danh hiệu nghệ sĩ. Tôi đi dự lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở Nhà hát lớn vào ngày 19 tháng 5 năm 2012, đông kinh khủng, hàng mấy trăm nghệ sĩ được phong “ưu tú” và hàng trăm người được phong “nhân dân”. Vậy mà nền nghệ thuật Việt Nam thì vẫn còn rất thấp trên bản đồ thế giới. Đặc biệt điện ảnh là ngành tôi rất tâm huyết thì nó gần như bị bỏ rơi. Giờ chỉ còn phim thị trường. Dòng phim chính thống và phim nghệ thuật đại diện Việt Nam mang ra thi quốc tế, như là một hộ chiếu văn hóa của Việt Nam thì đã bị bỏ mặc rồi.
Cuối cùng là báo chí. Nền báo chí phải nói là đông kinh khủng. Hội Nhà văn là một hội rất khó vào. Trong lịch sử tồn tại 56 năm của hội vẫn chưa có được 1.000 hội viên. Một năm trong 500 đơn xin phép thì chỉ có hơn 20 người được vào. Hội nhà báo hiện nay đã có 17 ngàn nhà báo có thẻ hành nghể của bộ Báo chí và Tuyên truyền và 1.900 nhà báo được cấp thẻ hôi viên của hội nhà văn Việt Nam.
Như vậy là gần 2 vạn nhà báo và chưa kể số lượng các lực lương khác tham gia viết báo và số lượng các đầu báo của mỗi một ngành, một cơ quan, một tổ chức. Đến mức tôi cảm thấy khái niệm nhà báo không oai như hồi trước nữa, nhiều quá, nhàm quá. Trong cái bối cảnh đông như vậy, tôi lại không thấy trăm hoa đua nở mà lại bị tình trạng hỗn tạp phong trào và số lượng bài vở hàng chợ đã trở thành phổ biến. Nhiều tờ báo, nhất là những báo mạng, trở thành những trang để giải quyết cho giới show biz rất rẻ tiền, giật gân, thấp kém về cả từ lẫn tít và trình độ đưa tin nhưng mà vẫn tồn tại.
Mặc Lâm: Người ta thuờng cho rằng báo chí Việt Nam không thể vượt qua rào cản kiểm duyệt của nhiều cơ quan trong đó có chính bản thân nhà báo, họ phải tự kiểm duyệt mình trước khi giao số phận bài viết cho Tổng biên tập quyết định. Chị chia sẻ sự thật này ra sao?
Vi Thùy Linh: Có quá nhiều người viết nhưng có quá ít người tâm huyết thì việc đầu tiên không phải tại chính thể hay sự chỉ đạo của đảng hay của ban Tuyên giáo trung ương. Tôi nghĩ không phải lý do như vậy mà chính trong nội tại của những người cầm bút. Anh cứ viết hay đi cái đã nhưng anh có viết hay được đâu! Việc anh không viết hay, anh không lăn lộn vào nghề, trước hết là ở chính anh chứ không phải tại ai khác. Tất nhiên cũng có một số các yếu tố, ví dụ như tôi đã nói ở trên.
Anh biết rồi, để viết những phóng sự hay là người ta phải chấp nhận những nguy hiểm – nào là đóng vai để lọt vào sào huyệt của những giới xã hội đen hay là đường dây ma túy hoặc là đường dây mua bán gái... Tất cả những cái đấy đều nguy hiểm. Họ đều phải kỳ công, mà giờ người ta không muốn kỳ công, người ta muốn nhanh.
Một sạp báo ở Saigon. RFA photo |
Mặc Lâm: Nếu vậy thì còn đâu ngọn lửa yêu nghề thôi thúc một nhà báo có các bài viết làm dậy làn sóng sư luận xã hội... Theo chị nguyên nhân nguội lạnh bắt đầu từ đâu?
Vi Thùy Linh: Bọn chúng tôi là 8X đời đầu hay 8X đời sau và 9X thì gần như không còn những người lửa nghề nữa vì nó có những nguyên nhân sau đây. Ngay những ngày đầu vào trường báo chí không phải là do yêu nghề, như tôi đã viết trong bài đã đăng “Khi nào có làn sóng phóng viên tài năng”. Họ vào là do tài cắm, vào do quan hệ, vào do tính đường khi ra trường xin việc, vào do mode thời thượng, vào do ý nghĩ “ừ làm báo cũng ninh nhỉ, bây giờ giới show biz nó sôi động như thế mình vào thì thiếu gì chuyện để đưa tin cho nó nhanh”. Tức là họ ngộ nhận về nghề- dễ dàng làm việc và nhanh nổi tiếng; Được vui vì đi dự cái này cái kia trong giới show biz.
Hiện nay ở Việt Nam báo chí cũng đang là ngành thời thượng vì sự bùng nổ của truyền thông, thông tin cao. Ở một mặt nào đó thì hào quang của nghề phóng viên mặc dầu không còn “oai oách” như thời xưa nhưng ở Việt Nam số lượng người háo danh ngày càng đông và đông đến mức bệnh hoạn cho nên bằng mọi giá không cần giữ danh dự, người ta sẵn sàng làm mọi thứ để được nổi tiếng.
Thiếu lương tâm nghề nghiệp
Mặc Lâm: Chị nhắc đến sự ham nổi tiếng làm tôi chợt nghĩ đến những cái tít rất gây hấn, nếu không muốn nói chính xác là quái dị... phải chăng giật một cái tít như thế cũng nằm trong mục đích muốn nổi tiếng của một thành phần nhà báo nào đó?
Vi Thùy Linh: Những cái tít ở trên báo nó man rợ quá. Chẳng hạn tôi đọc cái vụ giết người của thằng Lê Văn Luyện, “thằng ấy” không thể gọi là con người được mà phải gọi là thú cần phải loại ra khỏi đời sống của cánh rừng chứ không phải là đời sống của loài người. Tôi là một trong những người rất phẫn nộ mà máy móc theo luật khi chưa đủ 18 thì không thể tử hình.
Loại đấy thì tiếc nuối gì mà không loại bỏ ra khỏi xã hội loài người mà bảo vì thiếu vài tháng cho nên nó qua được khung tử hình. Rất nhiều báo phản ánh nó chứ không phải là không nhưng phản ánh theo cái hướng khai thác con người đó để thấy nó hoang lạc, khoái cảm, khoái chí khi miêu tả chi tiết của một thằng bệnh hoạn, man rợ vì lấy mạng sống của cả một gia đình ở Bắc Giang.
Tôi thấy cái đấy không phải tại ai chỉ huy, chỉ đạo cả mà do lương tâm và trình độ làm nghề rất thấp cũng như sự quản lý của các tổng biên tập của các tờ báo mạng đăng những cái bài mà dập những cái tít man rợ, khoái trá. Anh biết rồi, người ta có những video đen, xã hội đen, băng đen đọc những bài báo như thế với những hàng tít như thế và hàng triệu, hàng trăm người đọc. Trong những người đọc ấy có bao nhiêu người bản lĩnh, có đủ tri thức để không bị lôi kéo khi đọc những bài miêu tả rùng rợn như bị kích thích, như là cổ súy cho những việc đó. Còn lại là những số phận con người.
Mặc Lâm: Không lẽ chẳng còn một nhà báo có lương tâm nào sống sót trong cái mớ bòng bong báo chí ấy hay sao?
Vi Thùy Linh: Có, tôi thấy như anh Đỗ Doãn Hoàng đã chịu khó đi lên Mường Nhé, Mường Tè... rồi những vùng sâu, vùng xa để viết về những đứa bé ăn mặc mong manh đi học. Cơm không đủ ăn (cơm bây giờ vẫn còn đựng trong túi nylon, buổi trưa có mùi, moi ra ăn cơm không), trèo đèo lội suối. Bao nhiêu nhà văn, bao nhiêu những người có trách nhiệm vẫn còn nghèo đã huy động nhau cùng giúp đỡ.
Những bài báo mang tính xây dựng xã hội như thế về những thân phận, những người bị oan sai, bị tù oan, bị chèn ép thậm chí là bị mổ nhầm, thậm chí bị cắt nhầm quả thận... những đối tượng ấy đều được phản ánh cả. Thế nhưng trong một cái guồng ăn xổi, chụp giật làm tôi thấy buồn vì giờ thì những chuyện giật gân lá cải gần như bằng với chính thống mặc dầu không ai tôn vinh nó cả nhưng nó đang nhiều đến mức độ nếu tính theo thói quen ở Việt Nam thì đa số hơn thiểu số. Cái đa số này đang gần như trở thành dòng chủ lưu rẻ tiền. Nó trở thành chủ lưu vì nó không bị tiểu trừng, không bị lên án và nó cứ hoành hành như thế.
Mặc Lâm: Bên cạnh những mảng xã hội tôi thấy báo chí rất thiếu thông tin về hoạt động chính trị của người dân, đặc biệt báo chí tỏ ra dị ứng với các cuộc biểu tình chống Trung Qúôc hay dân oan các tỉnh thành...
Vi Thùy Linh: Đúng là có hiện tượng ấy. Trong luật pháp Việt Nam thì được biểu tình nhưng những người biểu tình yêu nước, biểu tình lành mạnh không có ném đất đá, không bạo động gì cả; Biểu tình đi qua đại sứ quán Trung quốc ở Hà Nội ở đường Hoàng Diệu thì công an Việt Nam cũng ra chặn, không muốn điều đấy. Cũng có những bà con mất hết đất đai đi thất thểu tôi đã nhìn thấy khi đi qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Họ cầm băng rôn, biểu ngữ, ngồi thất thểu trong nắng nôi mệt mỏi. Tất nhiên là họ không bao giờ được vào bên trong cả, chỉ ngồi ở vườn hoa đối diện. Những hình ảnh đó hay thông tin đó thì ít khi được đưa trên báo chí. Chính những hình ảnh đó làm tôi suy nghĩ, thấy thương vì họ chính là dân đen theo đúng nghĩa như ngày xưa các cụ vẫn nói là “phận áo ngắn”. Những người lao động thì tội thật, khổ thật.
Mặc Lâm: Trước khi từ giã thính giả chị có kết luận gì trong buổi nói chuyện hôm nay, thưa chị?
Vi Thùy Linh: Đây là câu kết của tôi. Viện Báo chí tuyên truyền là nơi tôi được học từ năm 1997-2001. Tôi học ở phân viện và là lò đào tạo báo chí lớn nhất Việt Nam và chuyên nghiệp nhất hơn 50 năm rồi. Mỗi năm ra trường hơn 200 cử nhân, gần như không ai bị trượt. Đã làm luận văn thì được 9,10, mà đã thi tốt nghiệp thì hầu như đều qua hết. Thầy cô không nỡ cho em nào trượt cả.
Tuy nhiên 200 em sinh viên ấy ra trường thì bản thân từ khi tốt nghiệp đã có sự giả dối rồi. Chúng ta không có những phần mềm để đọc, dò những luận văn ăn cắp. Có rất nhiều luận văn được viết bằng sự xào xáo của nhiều trường đại học khác chứ không riêng gì báo chí. Đi học thì có những em sinh viên tôi được biết vì chính những em đó nhờ tôi viết bài để các em mang về nộp cho đủ vì khi đi thực tập nhiệm vụ của em phải có 10 bài nhưng giờ chỉ mới có 5. Nhuận bút thì của chị nhưng chị cho em đứng tên!
Giả dối từ lúc đi thực tập. Gỉả dối từ luận văn xào xáo. Những cử nhân ấy đúng là những cử nhân giấy; Ra trường thì làm sao đủ bản lĩnh và tri thức để tác nghiệp?
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ, nhà báo Vi Thùy Linh về buổi nói chuyện hôm nay.