Hiền Mai (Songmoi) - Không chỉ chia sẻ những sự lo lắng, nỗi hoang mang và sự bức xúc mà hai ngày hôm nay, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết yêu cầu ngành y tế phải có lời giải trình chính đáng về nguyên nhân những vụ tử vong liên tiếp sau khi tiêm vaccine. Thậm chí, họ còn yêu cầu người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc và hình thức được đưa ra là từ chức.
Đang phấp phỏng ngóng đợi kết luận của Bộ Y tế về nguyên nhân gây ra tử vong của 4 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vaccine, dư luận lại thêm phần choáng váng khi đón nhận thông tin một trẻ nữa phải lìa đời ngay sau khi tiêm chủng, dù lần này là loại khác với những trường hợp trên. Chưa đầy một tuần 5 đứa trẻ bị thiệt mạng, một con số quá đau xót, song thông tin mà người dân nhận được vẫn chỉ gói gọn trong vài từ “chưa rõ nguyên nhân” hoặc “đang nghi ngờ”. Chính cái sự nghi ngờ ấy của các chuyên gia đầu ngành lại đang “tạo cơ hội” cho thần chết vác hái đứng cạnh những phòng tiêm. Sự lạnh lùng ấy đối lập hoàn toàn với nỗi đau đang quặn xé của những bà mẹ mất con, sự sục sôi của những gia đình có trẻ nhỏ.
Thế nhưng theo dự kiến của lãnh đạo ngành y tế thì phải 1 tháng nữa mới có thể đưa ra nguyên nhân chính xác của vụ việc. Thời gian này quả là một thử thách đối với các bậc phụ huynh có trẻ mới sinh hoặc sắp sinh, những đối tượng rơi vào “vòng nguy hiểm”. Và như một tất yếu, trên các diễn đàn topic về vaccine trở nên nóng bỏng bởi đây là mối lo không của riêng ai. Không chỉ bày tỏ nỗi lo lắng, bức xúc về an toàn vaccine mà các thành viên còn cùng nhau suy xét tỉ mỉ vụ việc với mong phần nào tìm ra đầu mối.
Dr. Nikonian, một thành viên tự giới thiệu là bác sĩ, đã đưa ra những nhận định được cộng đồng mạng đồng tình. Người này phân tích kết quả giám định tử thi đã chỉ ra rằng 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị do tiêm vaccine viêm gan B là do sốc phản vệ “không rõ nguyên nhân”. 3 đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, đủ cân chỉ mới tiếp xúc với ba nguồn chính là sữa mẹ, vaccine và không khí, nếu chiểu theo những nguyên nhân có thể dẫn đến sốc phản vệ của giới y khoa gồm thức ăn, côn trùng cắn và thuốc thì chẳng có tác nhân nào có thể dẫn đến tình trạng đó trong trường hợp này. Thực tế cũng cho thấy sữa mẹ và không khí chưa bao giờ gây sốc phản vệ hàng loạt đến như vậy.
Một nguồn tin từ ngành y tế cho biết, vaccine phải được bảo quản trong môi trường lạnh, và việc mất điện tại Bệnh viện Hướng Hóa cũng có thể là một nguyên nhân khiến chất lượng vaccine không đảm bảo. Song theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (WHO), thì loại vaccine này có thể “sống” được trong nhiệt độ 37 độ C. Vậy thì sự cố mất điện kia cũng chẳng có tác động nào đến những lọ vaccine trong khi đó, vaccine ngừa bệnh viêm gan B được đánh giá là cực kỳ an toàn. Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng đã thống kê rằng từ năm 1982, đã có hơn 100 triệu lượt người được tiêm vaccine ngừa căn bệnh này và hoàn toàn không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Điều này lại dấy lên nỗi nghi ngờ chất lượng từ khâu sản xuất, liệu những lọ vaccine này có được bào chế theo đúng quy chuẩn của quốc tế hay không. Truy theo nguồn gốc thì những lọ thuốc này được sản xuất bởi Công ty TNHH một thành viên vaccine sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Bộ Y tế đã mua lại với giá thấp hơn hẳn hàng ngoại nhập để sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia.
“Công bố kết quả “CPV chưa rõ nguyên nhân” là nói dối, quanh co và lấp liếm. Nguyên nhân chắc chắn và trực tiếp là qui trình bào chế vaccine ở công ty trách nhiệm hữu hạn kia, mà Bộ Y tế là người bao thầu các sản phẩm của nó bằng tiền thuế nhân dân qua chương trình tiêm chủng quốc gia” - Dr. Nikonian nhận định.
Nếu không phải như vậy trách nhiệm sẽ thuộc về Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cùng các thuộc cấp liên quan vì đã thiếu sót trong quá trình quản lý, vận hành và bảo quản thuốc.
Không chỉ vậy, một trong những nguyên nhân được đưa ra bàn luận rằng có thể do Việt Nam sử dụng vaccine thế hệ cũ nên tỷ lệ phản ứng phụ tăng cao. Bởi theo thông tin tại hội thảo sử dụng vaccine chất lượng, an toàn và hiệu quả hôm 24/7, một số vaccine đang sử dụng ở Việt Nam thuộc thế hệ cũ, vì thế tỷ lệ phản ứng và một số chuyện rắc rối thường gặp hơn. Còn vaccine thế hệ mới không chỉ có tỷ lệ ngừa bệnh cao mà còn an toàn hơn rất nhiều.
Vậy hóa ra nguyên nhân của sự việc cũng không quá khó để tìm ra, song các lãnh đạo ngành lại cứ mải miết họp bàn để làm rõ hơn các biểu hiện của trẻ trước khi tử nạn, rồi thì giấy tờ, vỏ thuốc được quản lý ra sao, khiến dư luận cũng trở nên rối ren với đủ thứ lỗi nhỏ li ti được liệt kê thành những danh sách dài ngoằng mà quên hẳn tác nhân trực tiếp.
Và theo như nick Quang Minh Đỉnh thì người dân có quyền đệ đơn khởi kiện để các cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, đồng thời xét xử theo các điều luật được quy định theo pháp luật hiện hành.
Gần 20 trẻ đã thiệt mạng vì những loại vaccine khác nhau từ năm 2009 đến nay, một con số thật khó tin. Thế nhưng, Bộ trưởng Y tế còn bận đi khánh thành công trình nào đó mà cũng chẳng buồn ghé thăm để chia sẻ với nỗi đau của các gia đình nạn nhân. Có lẽ cũng chẳng thể trách được bà Bộ trưởng vì lịch làm việc của bà quá bận, phải phụ thuộc nhiều vào lịch bay của hãng hàng không, và bà cũng chẳng sai vì trong nhiệm vụ được giao không có công việc này, đó là việc của cấp dưới quyền Bộ trưởng. Mọi việc bà đã nghe nhân viên báo cáo và cũng đã có chỉ đạo qua điện thoại, công văn. Là một người từng công tác trong ngành dịch tễ, từng là viện trưởng viện Pasteur hẳn bà cũng hiểu rất rõ về vaccine và vai trò của nó đối với trẻ sơ sinh và cộng đồng. Vậy nhưng những lời phát biểu, hành xử của bà Bộ trưởng thật vô cảm. “Bà Bộ trưởng khả kính của chúng ta không thể dành lấy một phút để ghé thăm và động viên các gia đình có con, em bị thiệt mạng chỉ vì lịch trình chuyến bay đã được bố trí kín. Người đứng đầu Bộ Y tế đã thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước sự cố tang thương do ngành của mình gây ra như trên. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã không làm tròn nghĩa vụ của mình và phải chịu trách nhiệm về những cái chết oan ức của nhiều trẻ em” – một người mẹ có con nhỏ viết trên trang cá nhân của mình.
Giả sử, câu chuyện này xảy ra ở một nước khác thì các vị bộ trưởng sẽ phản ứng như thế nào? Còn nhớ tháng 11 năm ngoái, tại Ai Cập khi xảy ra tai nạn giao thông làm 51 trẻ nhỏ thiệt mạng, Bộ trưởng giao thông nước này đã nhận trách nhiệm và nộp đơn từ chức. Hay như Bộ trưởng bộ kinh tế phụ trách vấn đề năng lượng của Hàn Quốc đã đệ đơn xin từ chức vì để xảy ra sự cố mất điện 1 tiếng đồng hồ tại nước này. Người Nhật cũng không quên việc Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Seiichi Ơta tự xin rời bỏ chức vụ sau scandal dùng gạo mốc nấu cơm phục vụ bữa trưa cho hàng ngàn học sinh tại các trường trung học. Có lẽ còn lâu lắm các quan chức Việt Nam mới nghĩ đến chuyện từ nhiệm vì những sai phạm của ngành mà mình phụ trách.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng, các trang xã hội như lamchame, webtretho, xzone, facebook đang dấy lên những lời kêu gọi lấy chữ ký yêu cầu Bộ trưởng Y tế phải có trách nhiệm trước những cái chết của trẻ sau khi tiêm vaccine và nếu cần có thể là từ chức. "Nếu các lọ vắc-xin mà làm Bộ Trưởng, thì có lẽ chúng đã xin lỗi gia đình các nạn nhân và từ chức từ lâu rồi" – thành viên Khai Tâm thẳng thắn chia sẻ. Một trang web kêu gọi Bộ trưởng Y tế từ chức đã được lập ra, chỉ trong vòng 2 ngày số người đồng thuận đã lên con số hàng nghìn. Điều này cho thấy dư luận đã quá thất vọng với người đứng đầu ngành y tế vốn mang trọng trách bảo vệ sức khỏe con người và cứu mạng sống của cả cộng đồng.
________________________________________
Đã đăng: