Đô Lương, Nghệ An: Tiểu thương bức xúc vì phá chợ để xây trung tâm thương mại - Dân Làm Báo

Đô Lương, Nghệ An: Tiểu thương bức xúc vì phá chợ để xây trung tâm thương mại


Chợ Đô Lương, nơi được lựa chọn để xây dựng một TTTM đầu mối và khu văn phòng, nhà ở.

Hồ Hà (GiadinhNet) - Trước thông tin khu chợ truyền thống Đô Lương có nguy cơ bị xóa bỏ, chuyển giao cho một công ty tư nhân quản lý để xây dựng trung tâm thương mại, hàng trăm tiểu thương đã rất bức xúc và làm đơn gửi Báo GĐ&XH xin được giúp đỡ.

Theo phản ánh của tiểu thương, bao đời nay cuộc sống của họ gắn với khu chợ truyền thống này nhưng khi tiến hành chuyển giao thì những quyền lợi chính đáng của họ lại không được các cơ quan chức năng lưu tâm.

Quyền lợi bị xâm phạm


Hàng trăm năm trước, chợ Đô Lương (hay còn gọi là chợ Lường, có địa chỉ tại khối 1, thị trấn Đô Lương) là nơi giao lưu buôn bán của người dân địa phương và các vùng, miền lân cận. Đến năm 1990, khu chợ được dịch chuyển về khối 9, khi đó các tiểu thương đã cùng góp tiền với Nhà nước để xây dựng lại khu chợ này. Bao năm qua, hàng trăm tiểu thương đã gắn bó với chợ nhưng thời gian gần đây khu chợ có nguy cơ bị xóa bỏ để giao cho một công ty tư nhân xây trung tâm thương mại (TTTM). Điều mà các tiểu thương bức xúc là họ không được bàn bạc về chủ trương và quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo thế nào khi TTTM đi vào hoạt động?

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Hải (một tiểu thương) cho biết, nơi đây vốn là cửa hàng thực phẩm và hợp tác xã mua bán. Sau khi 2 đơn vị này giải thể, UBND huyện Đô Lương đã kêu gọi nhân dân cùng Nhà nước đóng góp để xây dựng chợ với mức ban đầu là 1,8 triệu đồng/người/4m2. Nhiều gia đình không có việc làm đã phải vay nóng để được vào chợ kinh doanh. “Chúng tôi là những tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ, nhưng khi Nhà nước có chủ trương giao cho một công ty tư nhân quản lý mà các tiểu thương lại hoàn toàn không được biết, không được tham gia bàn bạc là thiếu dân chủ”, ông Hải bức xúc.

Cũng theo ông Hải, ki ốt kinh doanh đồ điện của ông có diện tích 10m2 nhưng mỗi tháng ông phải nộp thuế cho Nhà nước 250.000 đồng; thuế môn bài 500.000 đồng/năm; thuế cho Ban quản lý chợ 5,4 triệu đồng/năm; thuế giấy phép kinh doanh 50.000 đồng, chưa kể chi phí điện, nước.... “Mọi nghĩa vụ của pháp luật quy định tiểu thương chúng tôi đều tuân thủ, vậy có lí do gì mà phải bàn giao chợ cho một tập đoàn tư nhân quản lý, liệu có gì khuất tất? Vì chợ Đô Lương, chúng tôi sẵn sàng góp tiền của cùng với chính quyền để đầu tư, xây dựng lại chợ một cách khang trang, sạch đẹp hơn”, ông Hải nói.

Bà Nguyễn Thị Thịnh (chủ ki ốt số 33, 34) cho biết: “Để được vào đây buôn bán, năm 1994, tôi đã phải đóng góp 58,5 triệu đồng. Nay bảo bán chợ cho một công ty tư nhân quản lý khiến chúng tôi rất bức xúc”. Cùng chung tâm trạng trên, tiểu thương Nguyễn Thị Hường rơm rớm nước mắt cho biết: “Để được vào buôn bán tại đây, tôi đã phải nộp 130 triệu đồng. Nay vốn chưa thu hồi được lại có thông tin bán chợ, một gia đình 5 miệng ăn đang nhìn cả vào đấy, giờ tôi phải làm sao đây?”.

Phần lớn những tiểu thương khi được hỏi đều không đồng tình với chủ trương bàn giao chợ cho một công ty tư nhân quản lý. Theo họ, nếu chủ trương nâng cấp chợ được xem là một trong những tiêu chí trước khi xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã thì UBND huyện phải là chủ đầu tư. Kiến trúc xây dựng phải phù hợp với thực tế kinh doanh và tất cả mọi việc phải được bàn bạc với dân một cách minh bạch, rõ ràng.

Mới chỉ là chủ trương?


Ông Nguyễn Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, trước những bức xúc của tiểu thương, UBND huyện Đô Lương đã tổ chức đối thoại với họ nhiều lần. Phần lớn những thắc mắc của các hộ kinh doanh cũng đã được lãnh đạo huyện trả lời cụ thể từng vấn đề nhưng tiểu thương vẫn chưa đồng tình.

Trong khi đó, ông Võ Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (phụ trách khối kinh tế) khẳng định, hiện công ty tư nhân đã xin phép và được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về chủ trương xây dựng TTTM nhưng UBND huyện Đô Lương vẫn chưa có quyết định cụ thể. 

Ông Ngọc cho rằng, việc thu hút đầu tư để xây dựng một TTTM là vô cùng cần thiết, nhằm tạo ra một hệ thống kinh doanh, dịch vụ đồng bộ. Việc xây dựng TTTM trên nền chợ cũ là bởi quỹ đất không còn và cũng không thể chọn mặt bằng khác vì phải giải phóng mặt bằng. “Việc đầu tư là cần thiết nhưng liên quan đến quyền lợi của các tiểu thương cũng phải được xem xét thấu tình, đạt lý. Đến thời điểm này chưa có bất kỳ một quyết định phê duyệt nào, phía công ty chỉ mới về khảo sát do vậy bà con tiểu thương cứ yên tâm kinh doanh, buôn bán”, ông Ngọc nói.

Rõ ràng trong vụ việc này, giữa chính quyền và các tiểu thương đã không tìm được tiếng nói chung. Nếu như sự việc này được bàn bạc một cách dân chủ, thấu tình đạt lý thì đã không có chuyện các tiểu thương bức xúc, bất bình như vậy.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo