Phải tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an làm chết người - Dân Làm Báo

Phải tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an làm chết người

Mẹ Nấm (RFA) - Làm thế nào để không còn những sợi dây treo cổ "tự do treo", "thoải mái treo" trong đồn công an và "vô tư" tiếp diễn? Làm sao để không còn những người đi vào đồn công an bằng đôi chân khoẻ mạnh và ra khỏi đồn công an là một các xác bầm tím khắp người?...

*

Ngày 19 tháng 3, 2012 ông Nguyễn Quang Phục, chị Trịnh Kim Tiến, và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền gửi đơn tố cáo đến Quốc hội về việc công an lạm quyền đánh chết dân. Họ, những thân nhân của những người bị công an đánh chết viết trong đơn như sau: 

"Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi..." (1) 

Cũng trong ngày 19 tháng 3, 2012 anh Lê Quang Trọng, 25 tuổi chết trong đồn công an. Lại thêm một người "bất thường treo cổ chết" dưới sự "quản lý" của công an. 

Tội ác vẫn tiếp diễn. 

Bi kịch tiếp tục tái diễn không khác gì những cái chết trong đồn công an trước đây. Nạn nhân bị công an đánh đập. Áo quần có máu và phân người. Thi thể có vết bầm tím khắp nơi. "Tự tử" nhưng lưỡi không thè ra ngoài, mắt vẫn nhắm. Công an không báo cho gia đình tới ngay hiện trường nhưng lại tự đem xác người chết vào bệnh viện, phi tang mọi chứng cứ.

Và vẫn điệp khúc cũ: Vụ việc sẽ được điều tra, làm rõ. 

Cho đến nay biết bao nhiêu vụ việc được làm rõ? 

"Đau đớn trước những cái chết oan ức, tức tưởi của người thân, chúng tôi càng đau xót hơn khi sự thật bị che giấu, công lý bị chà đạp bởi những người thực thi pháp luật và tình trạng công an đánh chết người vẫn liên tục tiếp diễn mà không được giải quyết trọn vẹn." 

Những điều lo ngại của ông Nguyễn Quang Phục, chị Trịnh Kim Tiến, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền không cần phải chờ lâu. Ngay khi họ gửi những lời thiết tha đến những đại biểu của dân thì thêm một nạn nhân bị chết trong đồn công an. Anh Nguyễn Công Nhựt, chồng chị Tuyền bị công an "cho chết" bằng sợi dây sạc pin điện thoại. Sau đó đổi ý "cho anh Nhựt chết" bằng dây cáp điện thoại bàn. 

Hơn 3 năm trước, ngày 7 tháng 5, 2010 công an Đại Lộc, Quãng Nam "cho" anh Võ Văn Khánh chết bằng dây buộc giày. 

Ba tháng sau đó, ngày 8 tháng 8, 2010, công an quận Ninh Kiều, Cần Thơ "cho" anh Trần Duy Hải chết bằng áo sơ mi dài tay treo vào cổ. 

Thêm một tháng sau, ngày 9 tháng 9, 2010 công an Trảng Bom, Đồng Nai "cho" ông Trần Ngọc Đường "ngồi treo cổ chết". 

Đồn công an – cơ quan làm việc của những người thừa hành pháp luật hay là nhà xác ? Nơi những sợi dây thắt cổ lúc nào cũng sẵn sàng? 

"Sự bao che lấp liếm, dung túng cái ác đang được diễn ra một cách công khai, công lý đang bị chà đạp."

"Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ công dân." 

Những lời nói của ông Phục, chị Tuyền, Kim Tiến rõ ràng đã được tiếp tục chứng minh. Thật oái oăm, bi đát bởi cái chết xảy ra trong cùng một ngày họ cùng nhau lên tiếng nói, tố cáo tội ác của công an với Quốc hội. Nó cũng chứng minh cho thấy việc làm của họ là cần thiết vì rõ ràng là khi tội ác được bao che, lấp liếm, công lý bị chà đạp thì tội ác lại tiếp tục xảy ra. 

Làm thế nào để không còn những sợi dây treo cổ "tự do treo", "thoải mái treo" trong đồn công an và "vô tư" tiếp diễn?

Làm sao để không còn những người đi vào đồn công an bằng đôi chân khoẻ mạnh và ra khỏi đồn công an là một các xác bầm tím khắp người? 

Ba người Nguyễn Quang Phục, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã mòn mỏi đi tìm câu trả lời ấy bằng nước mắt, bằng ý chí, bằng lòng can đảm và hành động dứt khoát của họ.
Nhưng không đủ! 

Vì tội ác vẫn cứ tiếp diễn, tin tức về người dân bị chết bởi công an, chết trong đồn, chết sau khi bị chận trên đường giao thông vẫn xuất hiện trên mặt báo. 

Chúng ta cần những bàn tay, tiếng nói, đôi chân góp sức của nhiều người cùng đồng hành với gia đình nạn nhân để ngăn chặn tội ác đang ngày đêm tiếp tục diễn ra bởi bàn tay của một số công an coi thường mạng sống của người dân. 

Hãy cùng với họ, cùng tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an giết người vô cớ, vô pháp luật và vô nhân đạo.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo