VN: 'Ngày càng công an trị' - Dân Làm Báo

VN: 'Ngày càng công an trị'

BBC - Trong bài viết đăng trên trang World Politics Review hôm 2/7, tác giả Fforde bình luận nếu như cách đây vài năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được coi là có "quyền lực vô biên", nay ông bị coi là "chim bị xén cánh".

Mặc dù thoát khỏi bị Đảng kỷ luật hồi cuối năm ngoái và vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới đây của Quốc hội, ông Dũng đã không còn có khả năng khuynh đảo như trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên hay thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ hai.

Giáo sư Fford của Đại học Victoria, Australia, nhận xét về sự thoát hiểm của ông Dũng trước sức ép của Bộ Chính trị hồi cuối năm ngoái: "Là thủ tướng của một nước dường như do Đảng Cộng sản cai trị, về lý thuyết ông phải phục tùng Bộ Chính trị nhưng quyền lực chính trị cá nhân đã cho phép ông tiếp tục tại nhiệm."

Ông Fford, tác giả của nhiều nghiên cứu về Việt Nam và là người từng làm luận án tiến sỹ với đề tài về hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam hồi đầu những năm 1980, cũng nói: "Nếu ông Dũng vẫn giữ được sự ủng hộ của những [nhóm] lợi ích thương mại chính và [nếu vẫn] không có giải pháp cho khủng hoảng uy quyền chính trị, vị trí của ông, dù đã bị lung lay, sẽ vẫn an toàn.

"Nhưng không có gì đảm bảo là những mạnh thường quân thương mại của ông sẽ không bỏ rơi ông khi và nếu họ cảm thấy gió đang đổi chiều.

"Logic chính trị căn bản cho thấy mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh ở Việt Nam."

Khủng hoảng chính trị

"Nếu ông Dũng vẫn giữ được sự ủng hộ của những [nhóm] lợi ích thương mại chính và [nếu vẫn] không có giải pháp cho khủng hoảng uy quyền chính trị, vị trí của ông, dù đã bị lung lay, sẽ vẫn an toàn."

Ông Fford nói sau thời của những nhân vật đầy quyền lực như cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười hay cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những chính trị gia kế tục đã hoặc phải né tránh chính trị, hoặc phải tìm kiếm sự ủng hộ trong môi trường tham nhũng, vốn đồng nghĩa với "chính trị tiền bạc". 

Sự thiếu vắng những chính trị gia uy quyền đã dẫn tới khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Việt Nam mà ông Fford nói sẽ không thể được giải quyết nếu không có sự "thay đổi chính trị căn bản". 

Vị giáo sư nhận xét: "Đằng sau mặt tiền của các định chế chính trị, Việt Nam không có chủ thể cai trị nội địa rõ ràng. 

"Về thực chất, Việt Nam đã trở thành "nước không có vua."

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Việt Nam khiến cho các chính sách rơi vào tình trạng khó thực thi. 

Ông Fford nói các chính phủ và công ty nước ngoài giờ không còn có thể chắc rằng những chính sách được Bộ Chính trị ủng hộ sẽ được thực hiện: 

"Cho dù đó là vấn đề Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ hay các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, không ai biết một công văn chính thức ở Việt Nam có ý nghĩa gì và có quyền lực tới đâu nếu có. 

"Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, một loạt các chính sách kinh tế vẫn chỉ nằm trên giấy, nhất là các biện pháp nhằm kiểm soát tham nhũng và lấy lại ổn định kinh tế vĩ mô."

Giáo sư Fford nói cho tới khoảng năm 2007, kinh tế vĩ mô ở Việt Nam khá ổn định và trước mặt các nhà lãnh đạo ở Hà Nội là nhiều con đường khác nhau để đi tới của một nước có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên tất cả những lựa chọn khi đó đã đều không khả thi vì nền chính trị yếu kém của Việt Nam.

Ông Fford viết: "Một mặt, chính sách có chất lượng kém, thường phản ánh sự đầu tư không đủ vào nghiên cứu, xây dựng sự đồng thuận và thử nghiệm.

"Mặt khác, sự thực thi chính sách thường rất kém, chủ yếu do tham nhũng và thiếu kỷ luật trong bộ máy nhà nước.

"Trên hết, chính sự bất lực của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc lãnh đạo bộ máy hành chính quốc gia -ngoại trừ những "ốc đảo" hiếm hoi như Đà Nẵng - cho thấy sự thiếu chủ thể cai trị ở đất nước.

"Và trong những điều kiện như vậy, thay vì dùng chính sách để duy trì thể chế, các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày càng phải dùng tới lực lượng an ninh."

Không có ứng viên


Giáo sư Fford nói sự thiếu vắng uy quyền chính trị đã buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải dùng tới lực lượng an ninh 

Giáo sư Fford nói vào cuối những năm 2000, Đảng Cộng sản đã không còn là một định chế chính trị chặt chẽ và bình luận thêm:

"Nhiều chính trị gia quan trọng đã phải tìm sự ủng hộ từ các khối thương mại quan trọng, mà quan trọng là các ông lớn trong khối doanh nghiệp quốc doanh.

"Những sự kiện gần đây cho thấy các nhóm lợi ích đã điều khiển được mọi thứ.

"Bộ Chính trị đã không thể kỷ luật được các chính trị gia hàng đầu, những người đã có thể có được sự ủng hộ trong các cơ cấu khác của đảng để bảo vệ bản thân."

Ông Fford nói tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi phải có nhà lãnh đạo có tính chính danh để chấm dứt khủng hoảng.

Tuy nhiên ông nói rằng hiện không có ứng viên nào như vậy.

Ông lập luận rằng ngay cả bộ máy an ninh có lẽ cũng sẵn sàng ủng hộ nhóm lãnh đạo có khả năng mang lại tính chính danh để có thể cai quản bằng chính trị thay vì dùng tới sức mạnh của lực lượng công an.

Nhưng nhà nghiên cứu Việt Nam này nói quyền uy chính trị một khi đã mất sẽ rất khó lấy lại và có nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến một loạt các cuộc chiến giữa các nhóm với lằn ranh là các vùng miền và lợi ích thương mại.

Ông Fford nói điều này càng làm cho quyền uy chính trị suy giảm và lo sợ về bất ổn và mong manh ở Việt Nam càng gia tăng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo