CSCĐ được nổ súng chống bạo loạn khi nào? - Dân Làm Báo

CSCĐ được nổ súng chống bạo loạn khi nào?

Kienthuc.net - Việc nổ súng trấn áp - đặc biệt trong các trường hợp bạo loạn, biểu tình... chỉ được phép khi được lệnh của Bộ trưởng và Thứ trưởng thường trực Bộ Công an.

Một trong 15 nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát vũ trang, theo Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang vừa được trình Thường vụ Quốc hội sáng nay 12/8 là “Cơ động chiến đấu chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp kịp thời các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có vũ trang; các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu, hiện quân số lực lượng cảnh sát cơ động là 1,3 vạn và 1,2 vạn trực thuộc các địa phương. Lực lượng này ngoài vũ khí thông thường đã được trang bị một số vũ khí hạng nặng như súng B40, đại liên, xe bọc thép...

Chính phủ cũng đã phê duyệt trang bị 6 chiếc trực thăng chiến đấu cho ngành công an và tới đây sẽ được trang bị cho lực lượng cảnh sát vũ trang. 

Về việc đổi tên từ Cảnh sát cơ động sang Cảnh sát vũ trang, Thứ trưởng Hiếu nói có phương án đề nghị đổi tên thành Cảnh sát dã chiến. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an nhận thấy tên này dễ gây liên tưởng đến cảnh sát dã chiến trong chế độ cũ. 

Công an TP.Hải Phòng tổ chức diễn tập phòng, chống khủng bố tại nhà ga Hải Phòng. 

Trong dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang được trình bày sáng nay, Bộ Công an đã tiếp thu theo hướng: Tư lệnh Cảnh sát vũ trang, giám đốc công an cấp tỉnh quyết định sử dụng vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng và động vật nghiệp vụ trong các trường hợp xảy ra bạo loạn, khủng bố và trường hợp tập trung đông người trái phép, biểu tình bất hợp pháp đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. 

Riêng việc nổ súng trấn áp, đặc biệt trong các trường hợp bạo loạn, biểu tình... chỉ được phép khi được lệnh của Bộ trưởng và Thứ trưởng thường trực Bộ Công an. 

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng pháp lệnh liên quan đến đời sống trực tiếp của nhân dân, vì thế nhiệm vụ phải được quy định cụ thể, khả thi, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng vũ khí. 

Theo Lao Động



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo