The China Post | By Arthur I. Cyr - “Các quyền tự do cơ bản trên không gian mạng cũng được vận dụng tương tự như bên ngoài không gian ấy”, Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tuyên tố như vậy ngày 6.8 vừa qua để phản ứng trước một tuyên bố từ Hà Nội rằng thông tin liên lạc trên Internet phải tập trung vào hoạt động chia sẻ thông tin cá nhân, chứ không phải bày tỏ quan điểm về chính trị hay chính sách. Chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng Chín.
Sự bủa vây rõ ràng nhằm vào truyền thông xã hội như thế trên thực tế là một nỗ lực nhằm kiểm soát dư luận và các hoạt động xã hội theo kiểu cũ, thông qua việc áp dụng hà khắc sức mạnh đe nẹt của quyền lực nhà nước. Văn bản pháp luật mới, gọi là Nghị định 72/2013/NĐ-CP, nghiêm cấm việc chỉ trích chính quyền hay những phát ngôn đe doạ “an ninh quốc gia”. Năm nay, chính phủ Việt Nam đã kết án ít nhất 46 người vì hoạt động chống phá nhà nước. Trong nhóm này còn có sự góp mặt của cả những blogger chỉ bày tỏ ý kiến một cách thuần tuý.
Trong cuộc tấn công nhằm hạn chế việc sử dụng Internet, giới lãnh đạo của thể chế độc tài cộng sản với nền kinh tế lao đao này đang nỗ lực để trở nên mạnh hơn bằng cách khiến cho dân chúng suy yếu về mặt chính trị. Tuy nhiên, một bài học cơ bản của lịch sử, đặc biệt là trong thế kỷ 20, là ở chỗ ngay cả các chế độ độc tài toàn trị cũng sẽ không tồn tại mãi. Nền Đệ tam Đế chế “ngàn năm” của Adolf Hitler chỉ kéo dài trong 12 năm.
“Vạn lý Tường lửa” của Trung Quốc nhằm kiểm duyệt Internet hoạt động hiệu quả, song ở đây lại có một trào lưu đang ngày càng trở nên phổ biến là hack và vượt thoát khỏi các công cụ kiểm soát này. Qua đó cho thấy, nhà chức trách Trung Quốc đã hết sức thận trọng trong việc đàn áp thành tựu dân tuý mà nhìn chung là hướng vào tuổi trẻ và đang ngày càng lan rộng này.
Tuyên bố công khai từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã mô tả là các quan chức Mỹ “quan ngại sâu sắc” về chính sách đàn áp thông tin mới. Đây là thứ ngôn ngữ của các nhà ngoại giao nhằm chỉ ra rằng chúng tôi phản đối những gì đang diễn ra nhưng chúng tôi không dự định thực hiện hành động thù nghịch để đáp lại.
Và đó là lộ trình đúng đắn với Washington. Thay vì tìm kiếm thứ quyền lực tiêu cực, đặc biệt là trong bối cảnh lịch sử hết sức đau thương giữa hai nước, chúng tôi cần sử dụng ảnh hưởng tích cực để mở cửa nền kinh tế và xã hội đang có vấn đề của Việt Nam.
Hoa Kỳ có một lịch sử dày dặn về những hành động sáng suốt và hiệu quả mà chính quyền Obama có thể dựa vào, bắt đầu với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush. Mùa Hè năm 1990, 15 năm sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ mở cuộc đối thoại với Việt Nam.
Năm năm sau, chính quyền Clinton chính thức thừa nhận Việt Nam. Pete Peterson, một cựu tù binh chiến tranh Việt Nam, đã tỏ ra đầy kỹ năng trên cương vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tháng 11/2006, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld, đến trước Tổng thống George W. Bush, được đón tiếp long trọng với màn duyệt đội danh dự, một nghi lễ bao gồm cả việc tấu quốc ca Mỹ.
Nhiều năm sau chiến thắng quân sự của Hà Nội năm 1975, Việt Nam đã không thể vượt qua cột mốc từ cách mạng chính trị sang phát triển kinh tế. Cuộc hội nghị thượng đỉnh đã đem lại cho Việt Nam một vai trò trung tâm, và một cơ hội lớn lao để nêu bật cam kết vì tiến bộ kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn hết sức cần đến vốn đầu tư. Hoa Kỳ có thể tạo thuận lợi cho sự hỗ trợ như thế từ các nguồn vốn nhà nước cũng như tư nhân – nếu Hà Nội chấm dứt chiến dịch truy bức rất hà khắc hiện hành nhằm vào những người bất đồng chính kiến.
Trong những năm tháng căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh lạnh, những hoạt động trao đổi nghệ thuật và khoa học với Liên bang Soviet được thiết lập và từng bước mở rộng, phản ảnh những ưu tiên của Tổng thống Dwight Eisenhower. Liên quan đến Việt Nam, những hoạt động trao đổi qua lại giữa các cựu binh trong chiến tranh Việt Nam của cả hai bên đã và đang diễn ra, và có thể dễ dàng mở rộng.
Trùng hợp với sáng kiến chính sách năm 1990 của Ngoại trưởng Baker, Trường Âm nhạc Dân gian Phố cổ (Old Town School of Folk Music) ở Chicago đã tổ chức một chương trình đặc biệt về các bài hát chiến tranh Việt Nam do các cựu binh viết và trình bày. Một bài hát hoà giải gây xúc động được cải biên từ một bài hát Giáng sinh kinh điển và được đặt tên là “Hồ Chí Minh đang về thành”.
Ngày 11/8/2013
Arthur I. Cyr là Giáo sư Xuất chúng tại trường Carthage College và là tác giả của cuốn “After the Cold War” (Hậu chiến tranh lạnh – NXB Đại học New York và Macmillan). Email của ông là acyr@carthage.edu.
* Nguồn: The China Post - See more at: http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/08/12/kiem-duyet-internet-o-viet-nam-buoc-lui-voi-mot-chinh-phu-dang-tim-cach-hoi-nhap/#sthash.diBYVJhR.dpuf