Sự cố Fukushima : Bóng đen trên chính sách hạt nhân của Thủ tướng Nhật - Dân Làm Báo

Sự cố Fukushima : Bóng đen trên chính sách hạt nhân của Thủ tướng Nhật

Trọng Nghĩa (RFI) - Họa vô đơn chí. Đúng vào thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị lên đường công du Cận Đông để rao bán công nghệ điện nguyên tử, một sự cố nghiêm trọng khác lại xẩy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, vốn đã bị hư hại nặng sau trận động đất sóng thần tháng 3/2011. Việc nước nhiễm xạ cực cao bị thất thoát khỏi nhà máy đang đe dọa nỗ lực của thủ tướng Abe vừa muốn phục hồi lại điện nguyên tử để hạ giá năng lượng, vừa muốn đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự.

Phải nói là sự cố rò rỉ nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima lần này hết sức nghiêm trọng. Đến mức mà Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản NRA đã phải đánh giá rằng đó là một sự cố nghiêm trọng nhất từ sau tại nạn tháng Ba năm 2011. 

Thất bại của tập đoàn Tepco trong việc ngăn chặn không cho nước độc hại thoát ra môi trường chung quanh và tràn xuống biển, cộng thêm với thái độ thiếu minh bạch của cả ban lãnh đạo tập đoàn này, của chính quyền Nhật Bản trong việc thông tin về sự cố đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của toàn bộ ngành công nghệ hạt nhân Nhật Bản. 

Tình cảnh này quả không thuận lợi cho ông Shinzo Abe vào lúc ông chuẩn bị đến Trung Đông vào ngày mai, 24/08, để quảng cáo cho công nghệ nguyên tử Nhật Bản, nhằm giành được các thị trường béo bở cho chính kinh tế Nhật Bản. 

Từ ngày trở lại làm Thủ tướng, ông Abe không che giấu ý định thúc đẩy việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân, xem đấy là một thành tố quan trọng trong kế hoạch phục hưng kinh tế quốc gia, và không ngần ngại làm "chuyên gia bán hàng" cho hai tập đoàn lớn trong địa hạt này là Toshiba và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. 

Trước ngày lên đường qua bốn quốc gia Trung Đông, bản thân ông Abe cho biết là Nhật Bản sẵn sàng đẩy mạnh "hợp tác trong lĩnh vực an toàn hạt nhân" với Kuwait và Qatar. Tuyên bố về an toàn hạt nhân này, theo giới phân tích, quả thật là mỉa mai trong lúc ngay chính tại nước Nhật, vấn đề bảo đảm an toàn đang là vấn đề nổi cộm. 

Phải nói là trước lúc bùng lên vụ sự cố Fukushima lần thứ hai, những lời chào hàng của các giới chức lãnh đạo Nhật Bản đã có tiếng vang nhất định: Bộ trưởng Thương mại Toshimitsu Motegi đã nhất trí thúc đẩy hợp tác hạt nhân với Ả Rập Xê Út nhân một chuyến thăm vào tháng Hai. Trước đó, Nhật Bản đã ký kết một biên bản ghi nhớ về phát triển hạt nhân với Kuwait. Và mới tháng sáu vừa qua, Thủ tướng Abe và Tổng thống Pháp François Hollande đã đồng ý tăng cường hợp tác với nhau để xuất khẩu lò phản ứng nguyên tử. 

Các tai họa dồn dập đổ xuống nhà máy Fukushima cũng tác hại đến chủ trương thúc đẩy trở lại điện hạt nhân của chính quyền Abe, do việc dân chúng càng lúc càng bất bình và lo ngại. Ông Abe đang muốn khởi động lại một số trong số 48 nhà máy điện hạt nhân không hoạt động hiện nay. Ông muốn mở lại các nhà máy này để giảm bớt việc nhập khẩu năng lượng, mà chi phí đang đè nặng lên sự hồi phục đang manh nha của nền kinh tế. 

Theo giáo sư Jeff Kingston, đại học Temple University ở Tokyo, ''ông Abe sắp phải tiến hành phần khó nhất trong kế hoạch cải tổ cơ cấu thiết yếu... Việc khôi phục hoạt động các nhà máy điện hạt nhân có tính chất then chốt cho chiến lược kinh tế - Abenomics - của ông''. 

Cho đến nay, uy tín của ông Abe trong dân Nhật tăng vọt nhờ kế hoạch kinh tế bước đầu thành công. Nhờ các gói kích cầu và chính sách tiền tệ, đồng yen giảm giá 15% từ khi ông lên cầm quyền vào tháng 12 năm ngoái, giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Có điều đồng yen thấp giá đã làm chi phí nhập dầu hỏa tăng cao, khiến ông Abe muốn ưu tiên cho việc khởi động lại điện hạt nhân.

Nhà máy nguyên tử Fukushima chụp từ không trung, ngày 20/08/2013. REUTERS - Kyodo. 

Trước tai nạn nhà máy điện Fukushima, điện hạt nhân chiếm 25% điện tiêu thụ ở Nhật. Bây giờ thì hầu hết - ngoại trừ 2 lò phản ứng - số 50 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật đã ngưng họat động để kiểm tra an toàn. Nhiều người trong số 160.000 cư dân trong vùng Fukushima vẫn chưa trở về nhà, lệnh cấm khai thác đất chung quanh, cũng như cấm đánh cá vẫn còn hiệu lực. 

Nay với sự cố nghiêm trọng mới tại Fukushima, liệu ông Abe còn được yên ổn trong việc thúc đẩy chủ trương ưu tiên cho năng lượng nguyên tử của mình hay không ? Đó là câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo