"Mục đích của chúng em đến Đại sứ quán Thụy Điển lần này là vì bản tuyên bố 258 của blogger Việt Nam kêu gọi xóa bỏ điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam cũng như trao đổi với Đại sứ quán về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam trong một số năm gần đây cũng như về tình hình phát triển và kỷ niệm 40 năm của đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam." - Nguyễn Thu Trang
*
VOA - Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho đại sứ quán Thụy Điển
Trà Mi (VOA) - Đại diện Mạng lưới các blogger Việt Nam ngày 7/8 trao cho đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội Tuyên bố phản đối điều 258 Bộ luật hình sự quy định tội danh “lợi dụng các quyền dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Bản Tuyên bố nói điều 258, một điều luật vốn được áp dụng đối với các ngòi bút chỉ trích nhà nước, vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân và kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật pháp để trở thành một thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
Các blogger nói cuộc gặp sáng nay giữa họ với giới chức đại sứ quán Thụy Điển diễn ra thành công dù gặp phải sự ngăn cản từ lực lượng an ninh.
Trong số các blogger bị công an giữ chân không cho tới sứ quán có anh Nguyễn Vũ Hiệp. Trong một bức thư công bố lên mạng, anh Hiệp nói anh bị buộc hoặc phải lên làm việc với an ninh ‘đột xuất’ hoặc phải ngồi nhà.
Tuần trước, anh Hiệp cũng nhận được lời mời làm việc với an ninh đúng vào thời điểm cuộc hẹn dự kiến với đại sứ quán Hoa Kỳ để trao Tuyên bố 258.
Blogger này nói anh không hiểu vì sao chính phủ Việt Nam lại sợ một bản tuyên bố về quyền con người như Tuyên bố 258 và nhờ đại sứ quán Thụy Điển chuyển thắc mắc đó tới chính phủ Việt Nam vì “đôi tai của họ thường đóng kín với người dân thường”.
Cuộc quốc tế vận của mạng lưới blogger Việt Nam đang được tiến hành tại Thái Lan với một nhóm bạn trẻ đã lần lượt trao Tuyên bố 258 cho Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ quan bảo vệ nhân quyền trong khu vực và quốc tế.
Blogger Đoan Trang, một thành viên trong nhóm vận động, phát biểu với VOA Việt ngữ từ Bangkok:
“Điều tôi mong mỏi nhất là có thể góp phần thay đổi chút nào suy nghĩ của người dân Việt Nam nói chung và giới blogger Việt Nam nói riêng. Tôi rất mong muốn người dân Việt nhận ra rằng trong thời đại toàn cầu hóa này, chính phủ và nhân dân mỗi quốc gia đều phải tham gia một cách tích cực với cộng đồng quốc tế, có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền. Mọi công dân phải biết tự bảo vệ các quyền lợi đó của mình và có trách nhiệm với đất nước, với khu vực, và thế giới.”
Thời gian gần đây có ba blogger bao gồm Đinh Nhật Uy, Trương Duy Nhất, và Phạm Viết Đào bị bắt giữ vì điều 258.
*
RFA - Blogger Việt Nam trao "Tuyên Bố 258" cho Đại sứ quán Thụy Điển
Mặc Lâm (RFA) - Vào lúc 9 giờ sáng hôm nay tại Hà Nội, 5 blogger là Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong, Nguyễn Ngọc Trai và Nguyễn Văn Hiên đã tới đại sứ quán Thụy Điển tại Phố Núi Trúc quận Ba Đình Hà Nội để trao cho Bà Elenore Kanter, Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam bản tuyên bố 258 chống lại việc đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Bạn trẻ Nguyễn Thu Trang cho biết mục đích của việc làm này:
"Mục đích của chúng em đến Đại sứ quán Thụy Điển lần này là vì bản tuyên bố 258 của blogger Việt Nam kêu gọi xóa bỏ điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam cũng như trao đổi với Đại sứ quán về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam trong một số năm gần đây cũng như về tình hình phát triển và kỷ niệm 40 năm của đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam."
Blogger đã trao đổi một số thông tin của Việt Nam gần đây về vấn đề nhân quyền, điển hình như mới đây chính phủ Việt Nam đã ra nghị quyết 72 để hạn chế tự do thông tin của công dân trên internet cũng như các trang mạng xã hội. Các blogger cũng trao đổi với bà đại sứ về vấn đề các blogger bất đồng chính kiến tại Việt Nam khi nói lên tiếng nói của mình đã bị chính quyền đàn áp, bỏ tù với những bản án chính trị rất nặng nề.
Bà Elenore Kanter, Phó Đại sứ Thụy Điển, tiễn các đại diện blogger Việt Nam ra tận cổng tòa Đại sứ. Photo: cafevn.org
Ngoài ra, 5 blogger cũng trao đổi với bà phó Đại sứ và Tùy viên chính trị Thụy Điển về vấn đề người dân khiếu kiện đất đai và nạn tham nhũng tại Việt Nam hiện nay. Năm blogger đại diện cho blogger Việt Nam muốn đại sứ quán Thụy Điển cũng như các tổ chức quốc tế có thể nghe đuợc ý kiến của nguời dân Việt Nam để cho họ thấy Việt Nam rất khác với những gì mà chính phủ đã gửi văn bản cho Liên hiệp quốc.
Bạn Nguyễn Đình Hà diễn tả thiện chí của đại sứ quán Thụy Điển thông qua thái độ của Bà Elenore Kanter:
"Bà Phó Đại sứ và những người đón tiếp rất là thiện chí. Họ rất vui vẻ và thân thiện. Chúng tôi ngồi chia sẻ với nhau trong vòng hai giờ đồng hồ rất nhiều vấn đề về nhân quyền Việt Nam, tất nhiên là không bao giờ hết được cả nhưng mà trong thời gian như thế thì rất là tốt đẹp."
Bà phó Đại sứ có chia sẻ rằng tất cả những thông tin mà blogger, facebooker mang đến cho bà thì sẽ được bà chuyển đến chính phủ Thụy Điển và EU để cho mọi nguời biết.
Trong cùng lúc ấy tại Bangkok, theo blogger Nguyễn Anh Tuấn cho biết chương trình 'quốc tế vận' của mạng lưới bloggers Việt Nam vẫn tiếp tục với buổi gặp đại diện Google khu vực Đông Nam Á, để thông tin về tình hình tự do thông tin của Việt Nam, đặc biệt là chi tiết Nghị định 72 vừa được ban hành, cũng như nội dung Tuyên bố 258.
*
BBC - Trao Tuyên bố 258 cho sứ quán Thụy Điển
BBC - Nhóm blogger tới tòa đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội để trao Tuyên bố chung của mạng lưới blogger Việt Nam trong đó phản đối điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Trả lời phỏng vấn BBC vào chiều cùng ngày, ông Lê Thiện Nhân, một trong các blogger có mặt tại đây, nói họ đã gặp một số trở ngại nhất định trên đường đến tòa đại sứ.
"Sáng nay khi chúng tôi đến trước cửa đại sứ quán thì lực lượng công an rất đông," ông nói.
"Có bốn người của đại sứ quán ra đón, sau đó chúng tôi vào trót lọt."
Tuy nhiên ông Nhân cho biết thêm chỉ có năm trên tổng số sáu blogger có mặt theo dự kiến, riêng blogger Nguyễn Vũ Hiệp không thể tới nơi vì bị công an giữ tại nhà.
Blogger này cho biết cuộc nói chuyện diễn ra khoảng hai tiếng, với sự có mặt của Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Elenore Kanter (trang web của đại sứ quán Thụy Điển ghi chức danh của bà Kanter là Bí thư Thứ nhất Phụ trách Chính trị và Kinh tế).
"Thân thiện, cởi mở"
Ông Nhân cũng cho biết không khí trao đổi giữa hai bên là "thân thiện" và "cởi mở".
"Chúng tôi trao đổi trong không khí rất cởi mở những vấn đề về tự do báo chí, về dân oan bị mất đất, vấn đề về hệ thống pháp luật cũng như chống tham nhũng ..."
"Họ có nói là những thông tin các bạn đưa, chúng tôi sẽ chuyển lên Bộ Ngoại giao Việt Nam và chuyển lên EU để người ta nắm được tình hình và sẽ có tiếng nói, có sự can thiệp."
Trả lời trước câu hỏi tại sao các blogger lại chọn gửi Tuyên bố 258 đến đại sứ quán Thụy Điển, ông Nhân cho biết cả "Đại sứ quán Mỹ và Thụy Điển là hai đại sứ quán tỏ ra quan tâm đặc biệt và tỏ ra rất nhiệt tình," đồng thời tiết lộ trong thời gian tới sẽ tiếp tục gửi bản tuyên bố này đến các đại sứ quán khác.
Cũng theo blogger này, đại diện của đại sứ quán Thụy Điển đã nhắc đến những hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các công trình nhà máy, bệnh viện và ngoài ra còn có cố vấn về tư pháp trong việc chống tham nhũng ở Việt Nam.
"Chúng tôi cũng giải thích rõ rằng ở Việt Nam, càng chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng tăng, không hề giảm," blogger này nói.
"Khi mà luật pháp Viêt Nam nếu mà không đứng độc lập được, vẫn phụ thuộc vào Đảng thì không thể có một hệ thống pháp luật minh bạch.
'Bất chấp khó khăn'
Trong một diễn biến liên quan, blogger Nguyễn Lân Thắng chiều 7/8 cũng vừa thông báo trên tài khoản mạng xã hội đã trao Tuyên bố 258 cho đại diện của Google tại Bangkok.
Trước đó, ông Thắng cùng một vài blogger khác cũng đã trao bản tuyên bố này cho hàng loạt các tổ chức, cơ quan theo dõi nhân quyền và tự do báo chí quốc tế tại đây.
Một vài người trong nhóm này đã bị an ninh sân bay tạm giữ và bị khám xét hành lý, sau đó được thả ra.
Blogger Nhân nói với BBC rằng các cá nhân đại diện đi trao bản tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam đã "xác định trước sẽ bị gây khó khăn".
"Trước khi triển khai công việc để chuyển tuyên bố này, chúng tôi đã phải làm việc một cách bí mật. Để đến được trước cửa đại sứ quán thì cũng đã có rất nhiều sự ngăn cản của chính quyền, thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm," ông nói.
Dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng sẽ tìm cách chuyển những thông điệp của những blogger trong nước đến với công luận quốc tế và hy vọng tiếng nói của quốc tế có thể can thiệp một phần nào đó vào tình hình nhân quyền tại Việt Nam."
*
RFI - Mạng lưới Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho Thụy Điển
Nhóm blogger trao tuyên bố 258 cho sứ quán Thụy Điển ngày 07/08/2013.
Trong ảnh, bà Phó đại sứ Thụy Điển Elenore Kanter (áo xanh),
chị Nguyễn Thu Trang đứng giữa @danlambao
Trọng Thành (RFI) - Sáng nay, 07/08/2013, một số blogger, đại diện cho Mạng lưới Blogger Việt Nam, đã tới đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội để trao Tuyên bố 258 về nhân quyền Việt Nam. Mặc dù, một số người bị nhân viên an ninh tìm cách ngăn chặn, nhưng vẫn có 5 blogger tới được nơi.
Về cuộc gặp ngày hôm nay giữa các blogger Việt Nam và đại diện đại sứ quán Thụy Điển, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với blogger Nguyễn Thu Trang, một trong năm người có mặt trong cuộc gặp này.
Trao Tuyên bố 258 cho đại sứ quán Thụy Điển hôm nay, ngoài chị Nguyễn Thu Trang, còn có các blogger Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Văn Viên, Lê Hồng Phong và Nghiêm Ngọc Trai.
Chị Nguyễn Thu Trang, 19 tuổi, là sinh viên trường Đại học Lao động và Xã hội Hà Nội. Hồi cuối tháng trước, ít ngày sau khi Tuyên bố 258 ra mắt, chị Trang đã cùng tham gia vào nhóm các blogger trao Tuyên bố kể trên cho tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.