Vận động bỏ 'Điều 258' là bước khởi đầu - Dân Làm Báo

Vận động bỏ 'Điều 258' là bước khởi đầu

Phỏng vấn nhà báo, blogger Đoan Trang

Nam Phương (Người Việt) - Bắt đầu từ ngày Thứ Tư 31 Tháng Bảy và các ngày sau đó, một số blogger từ Việt Nam sang Bangkok, thủ đô Thái Lan, tiếp xúc với các tổ chức bảo vệ nhân quyền có văn phòng ở đây. Họ gồm 5 blogger đến từ cả ba miền của đất nước: Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (Đà Nẵng), Nguyễn Thảo ChiNguyễn Nữ Phương Dung (Sài Gòn).

Các cuộc tiếp xúc được thực hiện sau khi họ đưa ra bản tuyên bố gọi tắt là “Tuyên bố 258” với hơn 100 chữ ký, phản đối Điều 258 của Luật Hình Sự CSVN kết án tù người dân “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” khi người ta sử dụng quyền tự do ngôn luận phát biểu ý kiến về các vấn đề thời sự của đất nước. Blogger Phạm Đoan Trang, 35 tuổi, bút hiệu "Trang The Ridiculous," khá nổi tiếng với các bài viết sắc sảo trên blog, một trong những người đi tiếp xúc với các tổ chức quốc tế tại Bangkok, dành do báo Người Việt cuộc phỏng vấn dưới đây. Blogger này từng bị bắt, sách nhiễu và từng là một nhà báo trẻ tuổi và có tiếng ở Việt Nam. 

Người Việt (NV): Xin chị cho biết cảm tưởng của các anh chị như thế nào khi đến tiến xúc với họ? Họ nghĩ gì và họ có thể giúp được gì cho mình? 

Phạm Đoan Trang (PĐT): Họ quan tâm về tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam đặc biệt là từ hai năm qua. Họ quan tâm và họ có biết những vụ bắt giữ những bloggers gần đây. 

NV: Tại sao các blogger Việt Nam lại chỉ chọn Điều 258 để ra một bản tuyên bố? Một số điều luật khác, chẳng hạn như Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự cũng hoàn toàn đi ngược lại chính bản hiến pháp và các văn bản quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam đã ký cam kết tuân hành? 

PĐT: Thật ra với cá nhân tôi thì muốn kêu gọi cơ chế “judicial review,” tức là xem xét lại toàn bộ hệ thống luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì rõ ràng việc này là không thể thực hiện được, nên vận động xoá bỏ Điều 258 có lẽ là một bước khởi đầu nhẹ nhàng hơn.

Với các blogger khác thì có một số bạn cho rằng so với Điều 88, Điều 258 có khung hình phạt nhẹ hơn nên sẽ được nhà nước ưa dùng hơn. Thực tế là gần đây đã có liên tiếp 3 blogger bị bắt liên quan đến điều luật này. Xu hướng chắc là sẽ ngày càng tận dụng Điều 258 triệt để hơn, nên ra tuyên bố về điều này là việc cần thiết. 

NV: Quý vị đã làm thống kê có bao nhiêu người bị tù tội vì Điều 258 chưa? 

PĐT: Trong điều kiện Việt Nam thì việc làm thống kê là bất khả thi, vì rất có thể là đã có nhiều người bị bắt vì Điều 258 mà dư luận không biết. Cá nhân tôi, với tư cách nhà báo, cho rằng Điều 258 đặc biệt được chính quyền sử dụng để bắt nhà báo. Một số vụ điển hình mà dư luận có được biết, là vụ hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên, bị bắt năm 2008; vụ nhà báo Hương Trà tức blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt năm 2010... 

NV: Các vụ án liên quan đến Điều 258 được dàn dựng và xử thế nào , có đúng nguyên tắc hình sự tố tụng hay không? Nói cách khác, đó có phải là những vụ án với "bản án bỏ túi" mà người ta vẫn nói không? 

PĐT: Theo tôi, Điều 258 cũng như Điều 88 đều liên quan đến “an ninh quốc gia,” “lợi ích nhà nước,” do đó có thể nói là cả hai điều luật này đều đã bị chính trị hoá. Nghĩa là, việc xét xử không căn cứ vào pháp luật, mà căn cứ tình hình chính trị và quyết định của các nhà chính trị. Nói cách khác, các vụ án liên quan đến Điều 88 và Điều 258 đều là các vụ án chính trị, cho nên chuyện “nguyên tắc tố tụng hình sự” không được đặt ra ở đây. 

NV: Khi tin tức cho biết có một nhóm blogger từ Việt Nam sang tiếp xúc với các tổ chức quốc tế như vậy. Trở về Việt Nam, liệu quý vị có thể bị nhà cầm quyền làm khó dễ hoặc bỏ tù hay không? 

PĐT: Chúng tôi hành động dựa theo luật pháp, hiến pháp và về quyền con người thì tin tưởng rằng mình không làm gì sai. Nhưng về phía chính quyền Việt Nam thì không thể đoán được, vì không theo một tiêu chuẩn logic nào cả nên rất là khó khẳng định. Dù là sách nhiễu, bỏ tù. 

NV: Qua những nơi các anh chị tiếp xúc, chẳng hạn Văn Phòng Đại Diện Cao Ủy Nhân Quyền LHQ thì họ có hứa chuyển bản tuyên bố của quý vị về cơ quan trung ương ở Geneva không, và họ có nghĩ rằng họ làm gì được cho các anh chị không? 

PĐT: Đại diện Cao Ủy Nhân Quyền LHQ cho hay họ có những cơ chế để bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Ngoài ra họ nói rằng khi nêu các vấn đề về nhân quyền thì phải có bằng chứng. Không cần phải viết dài dòng mà cần tính xác thực, thời gian, địa điểm liên quan đến sự việc. Nhất là những cơ quan quốc tế như họ có biết bao nhiêu vụ việc tại nhiều quốc gia. 

NV: Đó là cách tư vấn của họ để giúp quý anh chị tranh đấu một cách hiệu quả. Vậy các anh chị có lập thành từng hồ sơ, trong đó từng trường hợp một không. Thí dụ, ai, bao nhiêu tuổi, ở đâu, đã bị cái gì, từ một hồ sơ như thế vậy, họ mới có thể giúp mình một cách hiệu quả. Nếu mình chỉ nói tổng quát thì họ cũng chỉ biết vậy thôi, chị có nghĩ vậy không? 

PĐT: Lập từng hồ sơ thì chúng tôi đã nghĩ từ lâu rồi, trước khi sang Thái Lan. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi thời gian để thu thập tài liệu, chứng cớ. 

NV: Chắc quý anh chị cũng biết ở Việt Nam, nhà cầm quyền ra nghị định 72/2013/NĐ/CP siết chặt thêm sự kiểm soát sử dụng Internet, và lại còn muốn kiểm soát luôn cả những công ty ngoại quốc có trụ sở bên ngoài Việt Nam, chị và các bạn nghĩ sao? 

PĐT: Chính quyền tìm đủ mọi cách kiểm soát sự sử dụng Internet ở Việt Nam. Ai cũng nhận thấy đó là một biện pháp kiểm soát mạnh mẽ nhất quyền tự do ngôn luận của người dân, xâm phạm quyền con người. Tuy nhiên, khi thực hiện thì hiệu quả hay không còn là vấn đề. Hiện nay có khoảng 15 triệu thuê bao Internet mà họ quản lý được và cấm người ta không được chia sẻ bài báo, không được bình luận v.v... thì khó thực hiện, khả thi. 

NV: Người ta có sợ hãi đến độ không dám dùng facebook chia sẻ thông tin như hiện hay hay không, theo nhận xét của chị? 

PĐT: Tôi nghĩ người ta có thể sợ khi thấy có những vụ bắt bớ hay đàn áp, như mới xảy ra gần đây là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy. Còn ra một cái nghị định quản lý không cho người ta chia sẻ thông tin, bình luận hoặc là cười vui, chế diễu thì tôi tin rằng người ta sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, tiếp tục bình luận, tiếp tục chế diễu. Người ta sẽ tìm mọi cách nào đó để vượt tường lửa, vào facebook mà đọc, bình luận. Người dân ở nước nào cũng có quyền bất mãn, không bằng lòng thì người ta có quyền chế diễu, mỉa mai quan chức của nhà nước. Đó là chuyện tự nhiên không cấm được. 

NV: Chuyến đi này của quý anh chị có thể gọi là thành công hay không? 

PĐT: Trong ngắn hạn thì tôi có cảm giác là anh chị em blogger Việt Nam chúng tôi trong mạng lưới lên tinh thần. Họ thấy bản tuyên bố được chuyển tới các cơ quan quốc tế thì họ đều thích khi thấy có sự quan tâm của quốc tế. Hiện chúng tôi chưa biết phản ứng của chính quyền sẽ ra sao, ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền, đến sự kiểm soát và sự tự do ngôn luận. Đồng thời có giải tỏa được nỗi sợ hãi nếu có của các blogger hay không. Chúng tôi cũng không quá lạc quan. 

NV: Cảm ơn chị dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn.






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo