Chuyện vọng ngoại - tốt hay xấu? - Dân Làm Báo

Chuyện vọng ngoại - tốt hay xấu?

Phương Bích - Khi Mạng lưới Blogger ra một bản tuyên bố phản đối điều 258 của Bộ luật hình sự (gọi tắt là tuyên bố 258), tôi hào hứng ký ngay. Và khi Mạng lưới Blogger này gửi bản tuyên bố này đến chính phủ các nước, thông qua các sứ quán, tôi cũng tán thành.

Một luật sư hỏi tôi:

- Các bà gửi Tuyên bố 258 cho chính phủ các nước khác, thế chính phủ nước các bà, thì các bà đã gửi chưa?

Một bạn đọc Blog của tôi cũng hỏi:

- Các bạn gửi kiến nghị điều chỉnh điều 258 đến cơ quan có thẩm quyền sửa đổi luật của Việt nam TRƯỚC hay là đến các cơ quan nước ngoài TRƯỚC?

Tôi viết thư đến hộp thư điện tử mà tôi đã ký để hỏi, đồng thời nói suy nghĩ của tôi như thế này:

- Hàng mấy chục năm qua, đơn thư khiếu nại, kiến nghị của dân oan (trong đó có cả chính tôi) đã gửi không còn thiếu nơi nào, nhưng không hề được đoái hoài tới. Nay thêm một cái tuyên bố của chúng tôi cũng không có tác dụng gì, bởi họ đã tự cho mình được quyền im lặng. (Trước đây tôi đã viết một bài, về việc dường như họ tự cho mình có quyền im lặng thì phải).

- Nếu đòi phải gửi đúng trình tự, theo quy định của luật pháp thì xin thưa, các quy định đó bị chính họ bỏ xó, mốc meo hết cả rồi. Họ không tuân theo quy định của luật pháp, hà cớ gì bắt dân chúng tôi tuân thủ?

Có lẽ quan điểm đó cũng trùng với quan điểm của các bạn Admin. Điều đó giải thích tại sao họ chưa, hoặc có thể sẽ không gửi tuyên bố 258 cho chính phủ Việt Nam.

Ý khác nữa mà bạn đọc trên có nói thế này:

- ... nơi đáng ra phải nhận kiến nghị đúng thẩm quyền thì không các chị không gửi lại đem đến nơi chẳng có liên quan gì. Chuyện này giống chuyện Trần Ích Tắc sang nhờ hàng xóm giúp đỡ, hay chuyện con cái gọi đầu gấu về xử bố mẹ khi bất mãn về chia thừa kế.

Ra bây giờ, người ta nghĩ chính phủ là cha mẹ dân đấy. Nói thế là hơi bị láo lếu, nếu không muốn nói là quá láo!

Ai tạo ra ai? Nhân dân có trước hay chính phủ có trước? Có cái gì không từ nhân dân mà ra? 

Đừng nói các blogger không phải là nhân dân nhé. Dân và chính phủ là hai khái niệm hoàn toàn không liên quan đến tuổi tác, địa vị. Nên ví dụ của bạn này là ngược đời. Nói cho đúng thì phải là, bố mẹ già yếu mà đứa con hỗn láo, đối xử tệ bạc thì nhờ xã hội can thiệp là chuyện cực chẳng đã, nhưng vẫn phải làm.

Và vì sao quốc tế lại không liên quan? Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc. Anh vào đó, muốn “chơi” với thiên hạ thì phải tuân thủ luật chơi. Vấn đề nhân quyền là điều quốc tế rất quan tâm, và là một trong những điều kiện để chấp nhận anh “chơi” với họ.

Chuyện vui có thật thế này:

- Dư luận viên chửi phản động: Đồ bợ đỡ Mỹ! Kứt Mỹ có thơm không?

- Phản động chửi lại: Đồ bợ đỡ Tàu! Thế kứt Tàu có thơm không?

Cứ thế chửi qua chửi lại. Tôi nghĩ, thôi thì đã mang tiếng là bợ đỡ, cũng nên chọn mặt gửi vàng, cho bõ mang cái tiếng là bợ đỡ ấy.

Các cụ xưa vẫn dạy, là chọn bạn mà chơi. Hãy nói bạn chơi với ai, người ta sẽ biết bạn là ai. Chơi với cái thằng cả thiên hạ người ta ghét là dại. Mỹ cũng bị nhiều người ghét thật đấy, nhưng khối anh vẫn thích chơi với Mỹ như Nhật, Hàn, Phi, Đài... Mình theo họ cũng chả xấu mặt nào. Và nếu nói việc đề nghị Mỹ giúp đỡ là bợ đỡ thì ngày xưa, ông Hồ Chí Minh cũng đề nghị Mỹ giúp đỡ đấy chứ, tiếc là Mỹ đã không chọn nắm tay ông Hồ.

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
  Một trăm năm đô hộ giặc Tây
  Hai mươi năm nội chiến từng ngày”
  (Trịnh Công Sơn)

Một ngàn năm bị Tàu đô hộ chưa đủ ngán hay sao hở các vị?

Một thời, người Việt Nam mình hay đề cao ý chí tự lực tự cường. Nhiều khi là không tưởng, duy ý chí, nên nhiều cái mãi mãi cũng chỉ thực hiện việc hô khẩu hiệu, hơn nửa thế kỷ vẫn loay hoay: Làm thế nào để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa? Thế mà bây giờ cái tăm tre cũng nhập của Trung Quốc.

Ngay cả cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, đâu chỉ dựa vào vũ khí và lương thực của Liên Xô và Trung Quốc mà thắng được? Còn phải nhờ cả chiến dịch “phân hóa nội bộ” nước Mỹ và các nước khác nữa, khiến dân chúng khắp nơi biểu tình phản đối, đòi chấm dứt tham chiến, ngừng viện trợ... (Nhắc lại nhé, nói cho khách quan là ta đánh Mỹ là đánh hộ cho cả phe xã hội chủ nghĩa - Việt Nam là Tiền đồn của phe XHCN cơ mà).

Thế là cái chuyện nhờ nước ngoài trợ giúp cả về vật chất lẫn tinh thần đã có truyền thống từ hồi đánh Pháp! Trước đó các cụ đánh quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh thì phải công nhận đều là tự lực tự cường cả.

Thế thì việc mạng lưới blogger gửi tuyên bố đề nghị quốc tế can thiệp, nhằm chấm dứt việc nhà cầm quyền bắt bớ, đàn áp những người muốn bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, thì có gì là không đúng?

Thử hỏi không có sức ép của quốc tế, thì nhà cầm quyền có chịu giảm án cho Phương Uyên từ 6 năm tù giam thành 3 năm tù treo, thả ngay trong ngày, mặc dù cô bé khẳng khái tuyên bố với các quan tòa là chống đảng cộng sản không?

Sức ép của quốc tế đấy chứ đâu?

Xin lỗi, điều này chả liên quan đến nội dung ở trên, nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc một điều: nếu các bạn cho rằng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là tốt đẹp, vậy tại sao thế giới không còn mấy nước đi theo nó? Các bạn thử đếm trên đầu ngón tay xem còn nước nào đi theo hai chủ thuyết đó? Xem kinh tế những nước đó phát triển như thế nào là đủ biết nó tốt đẹp hay không thôi.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo