Ephata... Hãy mở ra (Mc 7, 34) - Dân Làm Báo

Ephata... Hãy mở ra (Mc 7, 34)

Phạm Minh Tâm (Danlambao) - Mới ba tháng trước đây, vào ngày 06-6-2013, giám mục chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình đã phát đi một bài thuyết minh về “Tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước tại Việt Nam”, mà cho đến giờ nhiều người vẫn còn chưa thôi nghĩ ngợi về một vài sự chẳng nên... Vụ Mỹ Yên gây chấn động dư luận bao nhiêu thì cộng đồng Dân Chúa Việt Nam bị choáng váng bấy nhiêu. 

Tuy nhiên, điều mà đồng bào ta đang thắc mắc là những vị lãnh đạo Giáo hội có cảm thấy váng vất chút nào trong tâm linh hay không?...


*

Vào giữa lúc thời sự quốc tế đang hướng về ngòi thuốc nổ chiến tranh ở Syrie và cách riêng khối Ki tô giáo khắp nơi quan ngại trước hoàn cảnh của những Ki tô hữu tại đất nước này thì tin tức từ Việt Nam cũng dồn dập đến. 

Dư luận còn chưa hết bàn tán về kết quả giảm án của phiên tòa phúc thẩm Long An cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên lãnh án treo và Đinh Nguyên Kha còn bốn năm tù giam, thì lại đến việc Giáo hội Cônggiáo Việt Nam trong một ngày mất đi hai giám mục của địa phận Bùi Chu và địa phận Vĩnh Long. Rồi bên cạnh các cuộc tấn phong, bổ nhiệm giám mục mới ở nơi này, nơi nọ là đến việc đồ đoán về vài ba ngai, tòa khác còn đang chờ những bàn tay liên hệ sắp xếp nhân sự... Giáo hội Phật giáo cũng góp phần thời sự với biến cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ - Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - quyết định từ chức ngày 30 tháng 8 và sau mấy ngày gây xôn xao dư luận thì vào ngày 3 tháng 9, đức Tăng thống đã chấp thuận trở lại tiếp tục nhận trách nhiệm như trước. 

Tuy nhiên, trên hết các biến cố thời sự này phải kể đến việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thẳng tay dùng vũ lực đàn áp thô bạo và tàn nhẫn đối với cộng đoàn dân Chúa ở giáo xứ Mỹ Yên vào ngày 04-9-2013. Rồi cũng từ vụ việc này mà phát sinh nhiều dấu chỉ cả tiêu cực lẫn tích cực để cho những người nhậy cảm hơn phải suy nghĩ, phải tìm thấy từ trong đó cũng có đủ các tính chất của thời sự nêu trên. 

Một tập hợp của tham, si, và sân hận. 

Giấc Nam Kha khéo bất bình 

Kể từ sau 1975, hai chữ “đối thoại” đã được các đấng bậc trong Giáo hội tận dụng đến nỗi tuyệt đại dư luận cứ lầm tưởng đây là một chính sách đặc biệt được Vatican chỉ đạo riêng cho Công giáo Việt Nam để áp dụng trong đường lối giao tế và ứng xử với nhà cầm quyền cộng sản. 

Đối thoại là tinh thần cố hữu của Giáo hội tự ngàn xưa vì Đấng Tạo Thành trời đất cũng đã từng đối thoại với con người. Công đồng Vatican II lấy tinh thần này đặt nền tảng cho nhiều huấn giáo về các vấn đề xã hội. Xin trích dẫn từ vài ba lãnh vực: 

Đối thoại với nhau trong trách nhiệm tông đồ. Trong Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, phần nói về ơn gọi làm tông đồ của giới trẻ (12, 9), Công đồng viết: Người lớn cần quan tâm để tạo cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì cuộc đối thoại cho phép cả hai giới vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, hiểu biết lẫn nhau và thông cho nhau sự phong phú riêng của mỗi giới... (Curent adulti cum iuvenibus amicale colloquium instituere quod permittar utrique parti…). 

Đối thoại với thế giới bên ngoài cùng chung một tình mến. Khi nói về phương cách phục vụ con người, nơi lời mở đầu Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay đã viết...Vì thế, Công Đồng trong khi minh chứng và trình bày Đức Tin của toàn thể Dân Chúa đã được Chúa Ki tô đoàn tụ, không có cách nào để diễn tả thực hùng hồn mối tình liên đới, sự tôn trọng và quý mến của Dân Chúa đối với gia đình nhân loại mà mình là một thành phần, cho bằng thiết lập cuộc đối thoại về những vấn đề ấy (...non valet quam instituendo cum ea de variis illis problematibus colloquium...), đem ánh sáng Phúc Âm mà soi dẫn và cung cấp cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội đã nhận được nơi Đấng Sáng Lập nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn”. 

Đối thoại với anh em khác niềm tin. Tuyên ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với Các Tôn Giáo ngoài Ki tô Giáo (Nostra aetate)... Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái (Filios suos igitur hortatur, ut cum prudential et caritate per colloquia et collaborationem...) với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Ki tô giáo...”

Như các dẫn chứng trên thì nguyên tắc đối thoại thường chỉ có thể thực hiện khi đôi bên cùng có chung một vài cách nhìn nhân bản nào đó trong hướng tới, trong cách sống hay ít nhất cũng còn chút tình người để tôn trọng nhau vừa đủ; để không chủ trương triệt hạ nhau bằng mọi cách phi nhân và vô đạo. 

Trong cương lĩnh của chủ nghĩa cộng sản không có hai chữ “tôn giáo”. Việc các nhà nước cộng sản không bao giờ có chính sách khoan nhượng hay dung nạp được sức sống của các tôn giáo theo đúng vị thế riêng của từng tôn giáo cũng là điều tất nhiên, rất minh bạch như chân lý hai cộng hai là bốn. Cho nên, đất nước Việt Nam hiện nay đang bị những người cộng sản thừa hành đường lối của cộng sản quốc tế cũng không ra ngoài cái quy luật chung này của chủ thuyết vô thần đó thì cũng đâu có lạ. 

Cái đáng nói ở đây là đã có một số người ở vào thế dẫn đạo cho một khối dân, một tập thể mà không hiểu vì thiếu thực tiễn trong nhận thức hay không đủ lương thiện trong chức năng định hướng khi cố ý vẽ vời ra những ảo hình về một giấc mơ hòa hợp và đối thoại trong sự bất bình đẳng vì không phải là đối tác, cũng không có thế trực diện song phương. Thực tế là cho đến nay sở dĩ các tôn giáo còn có mặt, còn được chấp nhận cho một số sinh hoạt được công khai hoạt động rồi nhờ đó mà vẫn sống trong những điều kiện hạn hẹp chẳng qua vì sự tồn tại này đã sẵn có từ bao thế kỷ trước. Từ cái thuở mà những ông tổ vô thần của chủ nghĩa cũng chưa chắc có được cơ hội để tượng hình hay không. 

Thế nên, cho dù họ có muốn tru muốn diệt thì cũng không thể một sớm một chiều mà làm xong chứ không phải là tôn giáo đã trở nên một thành tố được nhìn nhận trong tiến trình xây dựng và củng cố xã hội cộng sản. Thành vậy mà làm gì có cái để người ta gọi là “tương quan”, làm gì có thế đứng kiểu ngang bằng sổ thẳng để mà “đối thoại”. Những cái gọi là “chính sách” này nọ về tôn giáo cũng chỉ là những cách thế cầm chừng cho tạm yên bề trong một số giới hạn không thể vượt qua mà thôi. 

Bừng con mắt dậy 

Mới ba tháng trước đây, vào ngày 06-6-2013, giám mục chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình đã phát đi một bài thuyết minh về “Tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước tại Việt Nam”, mà cho đến giờ nhiều người vẫn còn chưa thôi nghĩ ngợi về một vài sự chẳng nên; những thanh niên Công giáo địa phận Vinh đang ở trong tù và gia đình cùng với biết bao nhiêu người chưa xuôi cơn “bức xúc” và chắc người cựu thành viên Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Giáo phận Vinh là Lê Quốc Quân đang ở trong tù chờ bà tòa Lê Thị Hợp qua cơn cảm cúm cũng vẫn còn trùng trùng tâm sự thì bùng nổ vụ Mỹ Yên. 

Nếu nhìn theo con mắt xã hội chủ nghĩa thì vụ việc chính xảy ra ở giáo xứ Mỹ yên ngày 04-9-2013 cũng chỉ là những bước tiếp nối của nhà cầm quyền cộng sản trong chính sách đàn áp tôn giáo của họ. Còn với cái nhìn chung của người Việt Nam, của Ki tô hữu Việt Nam, thì lại thêm nhiều giọt lệ máu nhỏ xuống nhiệm thể Giáo hội và cách riêng đối với một số vị xưa nay vẫn ở vào thế thích đong đưa theo giấc mơ đối thoại như giám mục Nguyễn Thái Hợp chẳng hạn thì thật là cái giá quá đắt đã chọn trả cho một trò mộng ảo. 

Nói cách khác, sự việc xảy ra ở Mỹ Yên với những diễn tiến đã được loan đi đầy đủ trên các trang truyền thông mạng (internet), các cơ quan truyền thanh và truyền hình quốc tế, trên báo chí hải ngoại đã thiêu đốt hết những hoài bão về một mối tương quan. Đã làm cho những người thật lòng tốn hao công sức vun quén cho chính sách đối thoại hay cứ tưởng mình biết khôn ngoan dùng khẩu hiệu ấy như một lá bùa bình an cũng nên dùng đôi bàn tay trắng của mình mà đấm ngực dần dần đi thì may ra còn có cơ “phục hồi nhân phẩm”. 

Thấy mình tay không 

Vụ Mỹ Yên gây chấn động dư luận bao nhiêu thì cộng đồng Dân Chúa Việt Nam bị choáng váng bấy nhiêu. Tuy nhiên, điều mà đồng bào ta đang thắc mắc là những vị lãnh đạo Giáo hội có cảm thấy váng vất chút nào trong tâm linh hay không? 

Nhớ lại hơn một năm về trước, khi xảy ra vụ Con Cuông thì giám mục Nguyễn Thái Hợp đang du hành Âu Châu. Trong một bài phỏng vấn của cơ quan truyền thông Công Giáo Eglises d’Asie tại Paris ngày 8-9-2012, giám mục chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình đã giải thích thật tự nhiên là “Ở Việt Nam, có những khu người ta gọi là “vùng đất anh hùng” (được coi là những địa danh nổi tiếng của thời kháng chiến cộng sản). Để bảo vệ quy chế “anh hùng” này, các nơi ấy phải tuân thủ ba hay bốn tiêu chuẩn. Một trong những tiêu chuẩn đó là sự vắng bóng của tôn giáo và những biểu hiện tôn giáo trên lãnh thổ của khu này. Trong khi đó, một cách chính xác, khu Con Cuông lại nằm ở Tây Bắc tỉnh Nghệ An, thuộc một trong những khu phải được gìn giữ và bảo vệ theo truyền thống anh hùng.

Với câu trả lời như trên này chứng tỏ khi Đức Ki tô sai các Tông đồ tiên khởi ra đi “đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì đã quên chú thích riêng về những vùng đất anh hùng ở Việt Nam nên mới xảy ra cớ sự. Thật không biết thiếu sót do ai nữa... 

Rồi khi được hỏi về việc tường trình của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình có nêu ra nhiều văn bản lập pháp dành cho tôn giáo mà Ủy ban này vẫn xác nhận là có tự do tôn giáo thì giám mục chủ tịch rất mực lạc quan phát ngôn rằng “Phải nhìn nhận rằng chính phủ đã làm nhiều điều cho Giáo Hội và cho các tôn giáo nói chung. Nếu người ta so sánh tình hình Giáo Hội Việt Nam ít lâu sau 1975 và tình hình hiện nay, người ta có thể xác nhận đã có nhiều tiến bộ. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức toàn cầu về thương mại, đã trở thành hội viên của nhiều định chế quốc tế và từ nay phải thi hành những công ước quốc tế về nhân quyền. Điều hiện nay còn phải làm là hoàn tất việc bình thường hóa tình trạng liên quan đến tôn giáo. Chính quyền hiện đang sửa soạn một nghị định mới về tôn giáo. Nhưng nếu trong tình trạng bình thường, người ta không cần tới nghị định này. Hiện nay đã có đủ: phải đối xử với những người Công Giáo, những người không Công Giáo, những Phật tử và tất cả mọi người khác như những công dân! Chúng ta đã có một bộ Dân Luật và mọi người phải được đối xử theo luật lệ. Tôi không nói là phải làm ngay mọi sự. Nhưng chúng ta phải hướng về việc thực hiện tình trạng đó. Nếu chúng ta đạt tới, lúc đó chúng ta mới có thể nói đã có tự do tôn giáo đích thực”. 

Sau cuộc phỏng vấn mấy ngày, giám mục Nguyễn Thái Hợp bỏ dở chuyến đi để vội vã về Vinh ngay sau khi linh mục Chánh Văn Phòng Tòa giám mục Xã Đoài Phê rô Nguyễn Văn Hương chính thức gửi văn thư ngày 10-7-2012 đến các Tổng Giáo Phận và các Giám Mục Việt Nam kêu cứu. Và lần lượt nến đã lung linh sáng lên tại mấy trăm giáo xứ để hiệp thông. Cho đến giờ, nhiều người vẫn chưa hết niềm tin rằng sự trở về đột ngột của giám mục Giáo phận Vinh lúc đó là để giúp nhà nước “dẹp loạn” như báo nhà nước Nghệ An đã khen tặng rằng “...sự việc sẽ còn diễn ra phức tạp, nóng bỏng hơn nữa nếu như không có sự trở về từ nước ngoài của Đức cha Nguyễn Thái Hợp - Giám mục đương nhiệm Giáo phận Vinh vào rạng sáng ngày 14/7/2012. Bằng uy tín và tài đức của mình, Đức Giám mục đã làm cho không khí đỡ phần căng thẳng và chuyển biến theo xu hướng tích cực...” 

Thế mà cũng chỉ mới một năm sau, mọi sự đã không còn như xưa nữa. 

Bây giờ giám mục ấy, tài đức ấy đang bị nhà nước nặng nề phê phán. 

Không rõ Mỹ Yên có phải là vùng đất anh hùng hay không, song sự đàn áp xem ra cũng thô bạo, tàn nhẫn và phi lý mà theo bản tường trình ngày 10-9-2013 của Văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh thì “Hậu quả thê thảm là ít nhất 30 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và thiếu niên. Một số nạn nhân bị nguy kịch tính mạng vẫn đang được cấp cứu tại các bệnh viện...” 

Trong cuộc phỏng vấn ngắn gọn của đài RFA do Mặc Lâm phụ trách, giám mục chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trả lời cũng không còn phong thái tự tin với tình tự lớp lang vững vàng như khi trả lời cho người đại diện báo Eglises d’Asie năm trước. Không lý luận, không diễn dịch và cũng không cả biện bác mà chỉ như một người đơn sơ chân chất, nếu không muốn nói rằng cũng chẳng còn gì là phong thái và cá tính kiểu từ trước đến nay. 

Để trả lời câu hỏi của Mặc Lâm rằng “Thưa đức cha, cho tới giờ phút này, dĩ nhiên là giáo phận đã có những lên tiếng cụ thể rồi, nhưng về phía chính quyền thì họ có phản hồi nào hay nói chuyện với giáo phận chưa...” Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết: “Hành động của họ như là tạm cắt đứt đối thoại. Đó là hành động mà chúng tôi không thể chấp nhận được...”. 

Một câu hỏi khác của Mặc Lâm là “...có được thông tin gì về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước sự việc xảy ra cho giáo phận Vinh hay không”, thì được trả lời rằng “Các giám mục vẫn hợp thông và rất hiểu hoàn cảnh này, nhưng đấy là những chuyện nhỏ thì mỗi giám mục cũng có thể giải quyết được, không cần đến Hội Đồng Giám Mục...” Căn cứ theo ý nghĩ này thì không biết phải như thế nào mới là chuyện lớn hay chỉ là vì không dám làm lớn chuyện chăng. 

Có kẻ xấu miệng khi xem xong bài phỏng vấn thì vội kết luận là giám mục Giáo phận Vinh đang bị xây xẩm vì những đòn đánh trực diện bất ngờ của nhà nước. Mà cũng bất ngờ thật. Song có người lại bằng vào kinh nghiệm từ trước đến giờ nên vẫn cứ bảo là phải nửa tin nửa ngờ chứ không nên suy đoán hay lạc quan mong đợi giám mục Nguyễn Thái Hợp sẽ đi những bước kế tiếp ra sao tại Mỹ Yên trong những ngày tới. 

Nếu thực sự con tắc kè đã chết vì sắc mầu nhạt phai thì lại thêm một kinh nghiệm đau thương nữa về những mối duyên hờ với người cộng sản. Không có bạn hay ta mà tất cả chỉ là thù đấy thôi. Và quan trọng nhất mà cũng đau thương nhất là bài học về uy tín và đu dây chờ đối thoại. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo