Đoan Trang - Thế giới không phẳng. Các quốc gia đều khác nhau về trình độ phát triển. Cho nên, ở thời hội nhập, trong lúc Mỹ và Tây Âu đã nghĩ sang những vấn đề như bảo vệ môi trường, nguồn gốc loài người, đời sống sau khi chết, sự sống ngoài vũ trụ, v.v. thì Việt Nam và một số nước khác vẫn còn loay hoay với chuyện ý thức hệ, chế độ chính trị, con đường phát triển. Mối “băn khoăn” này được cụ thể hóa, chẳng hạn, thành các loạt bài xã luận “đấu tranh chống diễn biến hòa bình”, “kiên định đường lối xã hội chủ nghĩa”...
Tuy nhiên, điều an ủi là vài năm trở lại đây, trong các lĩnh vực được đề cập, trao đổi, tranh luận ở Việt Nam, đã xuất hiện một chủ đề có tính phổ quát, là nhân quyền. Thế giới thời toàn cầu hóa có rất nhiều vấn đề thuộc diện quan tâm chung, như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh, và bảo đảm nhân quyền cho mọi người. Vậy nên, khi có những blogger tham gia dã ngoại để phát Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ, hay ra bản Tuyên bố 258 yêu cầu Nhà nước sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để chứng tỏ cam kết cải thiện nhân quyền, chúng ta nên coi đó là một sự tiến bộ về nhận thức ở người dân Việt Nam: Cách đây chỉ 4-5 năm thôi, đã có ai có ý thức về khái niệm này đâu.
Tiếc thay, ý thức về nhân quyền chỉ vừa mới được nhen nhóm thì đã vấp phải tầng tầng lớp lớp những ngụy biện, những phát biểu hằn học, những bài xã luận phản động (kiểu như bài “Hãy hiểu cho đúng về nhân quyền” của tướng Nguyễn Văn Hưởng), và hơn tất cả, là hành động nhồi sọ, trấn áp, cốt để mọi người hiểu sai về khái niệm nhân quyền.
Trong khi đó, nhân quyền là khái niệm có thể được định nghĩa một cách đơn giản, rõ ràng, và không ai có thể hiểu khác đi được.
Bạn là người, nên bạn có nhân quyền
Nhân quyền là những quyền mà chúng ta có được bởi vì chúng ta sinh ra là người, dù là người châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin cũng vậy.
Nhân quyền không thể được ban cho hay bị lấy đi, nó là của bạn vĩnh viễn từ khi bạn ra đời cho đến khi bạn chết. Chỉ khi nào chết, người ta mới không còn nhân quyền. Cũng không có chính quyền, nhà nước nào “ban” nhân quyền cho bạn được. Nếu có ai “ban” nhân quyền cho bạn thì đó là cha mẹ bạn, hoặc “siêu hình” hơn thế, là tạo hóa.
Nhân quyền không thể bị chia nhỏ. Nó là một tập hợp quyền đi cùng nhau, không có chuyện quyền này ít quan trọng hơn quyền kia, ít thiết yếu hơn quyền kia cho nên có thể “để sau cũng được”. Không có chuyện bạn có quyền sống, ăn no ngủ kỹ, nhưng không có quyền ngôn luận vì lẽ Nhà nước cho rằng tự do ngôn luận thời điểm này chưa cần thiết. Cũng vậy, quyền tự do ngôn luận không thể bị chia nhỏ theo kiểu “anh/ chị nói gì cũng được, phát biểu gì cũng OK, miễn là không cấu kết với ai, không thành tổ chức”.
Nhân quyền là phổ quát và như nhau ở tất cả mọi người. Không có “nhân quyền kiểu phương Tây”, “nhân quyền của nước Việt Nam XHCN”. Nhân quyền là nhân quyền, là những quyền căn bản của con người, ở đâu thì cũng vậy. Nếu nói ở Việt Nam dân trí thấp cho nên phải hạn chế quyền tự do ngôn luận chứ không để thoải mái “như Tây” được, nghĩa là mặc định rằng người Việt Nam thấp kém hơn người phương Tây hay thậm chí không phải là người. Đó chính là thứ tư duy chà đạp nhân quyền. Từ tư duy này, sẽ dẫn đến hành động vi phạm nhân quyền.
Mọi con người đều được hưởng nhân quyền, và song song với đó, đều có nghĩa vụ không xâm phạm nhân quyền của người khác.
Bức ảnh lịch sử: Cưỡng chế đầm tôm nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Nguồn ảnh: báo Hải Phòng và Người Lao Động.
Thế nào là vi phạm nhân quyền?
Vi phạm nhân quyền rất dễ xảy ra, nhất là ở những xã hội mà người dân không có ý thức về quyền của mình như Việt Nam.
Có thể bạn không biết, hoặc không hình dung được rằng rất nhiều hành động xung quanh, trong đời sống của chúng ta, lại chính là sự vi phạm nhân quyền. Ví dụ, cha mẹ hoặc giáo viên đánh một đứa trẻ tức là đã vi phạm quyền của nó. Chúng ta học đại học, nhưng số giờ triết học Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh hay CNXH khoa học quá nhiều so với số giờ các môn chuyên ngành, dẫn đến tình trạng chúng ta không được trang bị đầy đủ kiến thức để hành nghề tốt sau khi ra trường, tức là quyền của chúng ta đã bị vi phạm - quyền được giáo dục thỏa đáng.
Một chuyện trong quá khứ: Năm 2013 này “kỷ niệm” tròn 30 năm chiến dịch Z.30, là chiến dịch khám xét và tịch thu những ngôi nhà hai tầng trở lên bị hàng xóm tố cáo là khá giả, có dấu hiệu làm ăn bất chính. Khởi nguồn từ một chỉ thị mật, không thành văn bản và chẳng căn cứ vào điều luật nào, Z.30 được thực hiện vào năm 1983 tại Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh khác, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh khốn khó. Đó là một trường hợp điển hình vi phạm nhân quyền - quyền sở hữu tài sản - ở Việt Nam.
Những năm gần đây, lịch sử có vẻ tiếp tục lặp lại khi cưỡng chế đất đai xảy ra trên toàn quốc, xuất phát từ việc đền bù không thỏa đáng, nông dân từ chối giao đất và thế là chính quyền huy động nhân viên công lực vào cuộc cưỡng chế. Quyền sở hữu - một trong các quyền con người - đã bị vi phạm.
Còn nhiều, nhiều lắm những vụ vi phạm nhân quyền Việt Nam: từ bắt giữ tùy tiện, cấm xuất cảnh, cấm báo chí tư nhân, đến chính sách công khai phân biệt đối xử (ví dụ, nhà tuyển dụng tuyên bố ưu tiên người có hộ khẩu Hà Nội, ưu tiên ngoại hình đẹp...), v.v. Nhân quyền của một người bị vi phạm, có nghĩa là người ấy không được đối xử như một cá nhân với đầy đủ phẩm giá.
“Treat people with respect” - “Hãy đối xử với mọi người một cách tôn trọng”. Khi nào chính quyền ý thức được điều đó thì quốc gia mới có dân chủ, và khi nào tất cả người dân đều ý thức được điều đó thì đất nước mới có tự do.