“Dứt khoát không thể vay về để ăn tiêu”
“Năm tới, Chính phủ sẽ xin tăng bội chi ngân sách nhưng dứt khoát phải chi cho đầu tư phát triển, không thể vay về để ăn tiêu”...
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm tới, khoản nào tăng thu, giảm chi được thì phải quyết liệt làm bằng được - Ảnh: VGP.
Bảo Anh (VnEconomy) - Phiên họp thường kỳ tháng 9/2013, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về phương án phát hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 và giai đoạn 2014 - 2016.
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội thông qua là 225 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2013 đã giao kế hoạch là 150 nghìn tỷ đồng. Số vốn kế hoạch trái phiếu Chính phủ còn lại 2 năm 2014 - 2015 là 75 nghìn tỷ đồng.
Ngoài số vốn nêu trên, đến nay nhiều bộ, ngành địa phương đã đề xuất bổ sung thêm vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án trong danh mục đầu tư còn dở dang, thiếu vốn và một số dự án mới như quốc lộ 1A, quốc lộ 14... với tổng vốn đến năm 2016 khoảng 500 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiện Bộ đã lên kế hoạch phát hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 với tổng mức khoảng 360 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả 75 nghìn tỷ còn lại trong kế hoạch và 285 nghìn tỷ đồng bổ sung.
Với kế hoạch như trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng “vẫn đảm bảo an toàn nợ công”.
Trong khi đó, nói về tình hình thu chi ngân sách, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, trong 2 năm trở lại đây, ngân sách vô cùng khó khăn nên nhiều lúc phải xử lý “theo tình huống đặc biệt”.
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phân bổ ngân sách năm 2014.
“Xu hướng kinh tế đang tốt lên nếu nhìn vào các báo cáo. Mọi cái đang rõ nét hơn, nhiều chỉ số tốt lên nhưng thu ngân sách lại khó, năm 2013 hụt thu 100 tỷ đồng, còn năm 2014 dự toán chỉ tăng 5.000 tỷ đồng so với năm 2013 mà doanh nghiệp vẫn kêu là sao”, Phó thủ tướng thắc mắc.
Trao đổi thêm về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng “bội chi ngân sách trong năm tới dứt khoát phải dùng cho đầu tư phát triển, dứt khoát không thể dùng để ăn được”.
Quan điểm của Bộ trưởng Thăng sau đó cũng đã nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo Thủ tướng, khoản nào tăng thu, giảm chi được thì phải quyết liệt làm bằng được. Năm tới, Chính phủ sẽ xin Bộ Chính trị tăng bội chi ngân sách nhưng dứt khoát phải chi cho đầu tư phát triển, “không thể vay về để ăn tiêu”.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thăng, để tiết kiệm cho ngân sách, hiện nay rất nhiều khoản chúng ta có thể bỏ, không chi, chẳng hạn như chi cho cán bộ tham quan, học tập nước ngoài…theo ông là “chả có tác dụng gì”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng hiện thất thu ngân sách là khá lớn, bởi có hiện tượng cán bộ thuế liên kết với doanh nghiệp để tư vấn bớt thuế, sau đó chia đôi khoản trốn thuế.
“Bây giờ các cơ quan đi mua hàng chục máy tính nhưng nếu có hoá đơn thì giá tiền khác, không hoá đơn thì tiền khác”, Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị kiên quyết thực hiện giá thị trường, không bao cấp, bởi theo ông “nhiều chính sách hiện nay áp dụng cho người giàu cũng như người nghèo”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian tới, điều hành của Chính phủ vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mục tiêu 7%, vì vĩ mô đã tốt hơn nhưng chưa vững chắc.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh để đạt được GDP 5,4% trong năm nay.
Dẫn một ví dụ về sự quan tâm tới thương mại, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, trong chuyến công tác vừa qua tại Mỹ, Việt Nam có ký gói thầu mua động cơ máy bay của Mỹ và Tổng thống Obama đã yêu cầu đích thân ông và Thủ tướng Việt Nam phải chứng kiến lễ ký, thay vì Bộ trưởng Thương mại Mỹ.
“Tôi nói như vậy để chúng ta thấy rằng, phải hết sức lo cho doanh nghiệp và lo từng việc cụ thể”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề khác của nền kinh tế như xử lý nợ xấu, Thủ tướng giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, không để phát sinh nợ xấu, tăng dư nợ tín dụng lên.