ĂN xong. đập. TIÊU tiếp - Dân Làm Báo

ĂN xong. đập. TIÊU tiếp

Tiền đã khó, xây trụ sở 10-15 năm lại đập

Linh Thư (Vietnamnet) - Đề cập việc xây dựng trụ sở cơ quan công quyền, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam chia sẻ hiện tượng "do quy hoạch, do định mức hoặc nhiều lý do, có hiện tượng cứ xây sau 10, 15 năm lại không dùng được nữa".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay (29/9).

VietNamNet đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về những phản ánh xung quanh việc trụ sở các tỉnh xây to, lãng phí. Trong năm tới, khi siết chặt các khoản đầu tư công, những hạng mục như vậy có bị cắt không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ có nhiều quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí trụ sở cơ quan công quyền. Tinh thần là chỉ làm những việc thật sự cần thiết. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam. Ảnh: VOV

"Tôi xin chia sẻ về một hiện tượng mà các cơ quan chức năng đã bắt đầu nói và kiến nghị: do quy hoạch, do định mức hoặc nhiều lý do, có hiện tượng là cứ xây sau 10, 15 năm lại không dùng được nữa.

Trong khi ở các nước tiên tiến khi xây dựng một cơ quan công quyền thì đó không chỉ là cơ quan công quyền mà còn là công trình văn hóa, kiến trúc, còn là một di sản vật thể để thưởng lãm. Xét trên góc độ kinh tế, đầu tư một lần là để tiết kiệm lâu dài. Chúng ta phải tiếp thu ý kiến từ nhân dân, từ các nhà khoa học để xây dựng trụ sở nơi làm việc tiết kiệm trên phương diện xây một lần và để lâu dài", ông Vũ Đức Đam khẳng định.

Chủ nhiệm VPCP cũng nêu dẫn chứng ở các nước phát triển, những khu phố, vỉa hè được làm từ cả trăm năm nay. Còn ở Hà Nội, nếu ai ở một khu phố 20 năm sẽ chứng kiến cảnh đào lên đào xuống rất nhiều lần, số tiền sẽ lớn hơn là làm một lần thật tốt.

Các cơ quan chính phủ sẽ tiếp thu để có phương án để các công trình đều làm một lần nhưng có giá trị lâu dài, đó chính là một biện pháp tiết kiệm. Tuy nhiên trong số tiền có ít thì chúng ta phải chọn làm những việc thật sự cần thiết - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Số lượng thứ trưởng tối thiểu cần thiết

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận được câu hỏi về việc các bộ có nhiều thứ trưởng.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Nghị định 36 năm 2012 nêu số lượng thứ trưởng mỗi bộ không quá 4 người, với bộ quản lý nhiều ngành phức tạp thì được nhiều hơn 4 do Thủ tướng quyết định. Nhưng hiện tại bộ nào cũng có quá 4, phải chăng tất cả đều là bộ quan trọng? Sắp tới, Chính phủ có sắp xếp lại theo đúng nghị định 36 hay sửa nghị định cho phù hợp thực tế?

Bộ trưởng cho hay: “Bộ Nội vụ đã tổng hợp, đang nghiên cứu để đề xuất phương án, mỗi bộ cần bao nhiêu thứ trưởng.

Ý kiến của Bộ Nội vụ đã được chuyển đến các bộ. Hiện nay các bộ đang trao đổi. Chính phủ sẽ bàn riêng về việc này. Còn nói số lượng thứ trưởng hiện nay, tôi xin nói rằng, kể cả cấp phó của các bộ, cục, đúng là có tình trạng như bạn nói. Có thể nói rằng, tuyệt đại đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định.

Về lý do, chúng ta tiến hành sắp xếp lại các bộ, hoàn thiện các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thực tế hoạt động của bộ máy chính quyền của chúng ta, bộ máy chính quyền ở đây không chỉ là hành chính mà trong bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, có những nét đặc thù. 

Đơn cử, VPCP hiện có 6 thứ trưởng. Khi Thủ tướng và 4 Phó Thủ tướng đi công tác, bao giờ cũng có văn bản thông báo chỉ đạo điều hành, vì vậy cần có một đồng chí tháp tùng để giúp việc tại các sự kiện đó, do đó, cần tới 5 người. Đặc thù như ở VPCP trước đây, vào thời điểm gia nhập WTO, cần xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật nên có Ban xây dựng pháp luật. Sau thời điểm đó, tổ chức lại thì còn một Phó Chủ nhiệm chuyên trách phụ trách xây dựng pháp luật.

Trước đó, chúng ta tập trung sắp xếp doanh nghiệp nhà nước nên có một đồng chí Phó Chủ nhiệm chuyên trách, làm Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Như vậy, số lượng Phó Chủ nhiệm đã nhiều hơn 4. Nhưng thực sự VPCP hiện nay lúc nào cũng thấy thiếu.

Tinh thần chung Chính phủ chỉ đạo là sẽ xem xét, rà soát số lượng thứ trưởng ở các bộ để tùy từng bộ, có số lượng thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4. Có những Bộ như Bộ KHĐT, Tài chính gần như cuộc họp nào cũng cần có đại diện.

Còn tinh thần chung sẽ là ở mức tối thiểu. Chúng tôi đang bàn, tới đây Chính phủ sẽ bàn và kết quả sẽ thông báo cho các bạn. Chắc chắn đây là một việc Chính phủ sẽ phải báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo