Công an bảo vệ dân hay khủng bố dân? - Dân Làm Báo

Công an bảo vệ dân hay khủng bố dân?

Phương Bích - Hắn có một đồng bọn mặc áo mưa đứng bên cạnh, mà mọi người phát hiện đó là gã đàn ông vừa từ bên trong trụ sở công an đi ra. Hóa ra chỉ cần vứt bỏ bộ cảnh phục trên người, là công an có thể đồng hành cùng côn đồ chăng? Khi chúng tôi vạch mặt công khai ngay tại đó, gã đàn ông kia không nói một lời...

*

Thông thường, người phạm tội dù nặng hay nhẹ đều có tâm lý sợ công an. Vì vậy trừ đám anh chị, côn đồ liều mạng, hiếm kẻ nào phạm tội lại dám chống lại chứ đừng nói đến chuyện chửi mắng công an. Thế nhưng đêm ngày 25/9/2013, trước cửa trụ sở công an huyện Thanh Trì, khi người dân phẫn nộ chửi mắng sa sả công an là côn đồ, súc sinh, hèn hạ vì hành động đánh đập người dân và bắt người vô cớ mà công an đứng đầy bên trong lại im re. Đừng nói là công an bẫy cho người dân chửi bới. Vấn đề ở chỗ bắt người trái phép thì phải thả người. 

Thế mới nói chả cứ dân thường hay công an, hễ cứ sai thì đều phải im thin thít. 

Chuyện xảy ra mấy hôm rồi. Các trang mạng đã nói nhiều rồi. Tôi chỉ muốn điểm lại sự việc để nói về một khía cạnh khác, trong vụ dùng vũ lực để đột nhập vào tư gia của blogger Nguyễn Tường Thụy chiều tối ngày 25/9/2013, công an huyện Thanh Trì đã bắt toàn bộ cả chủ lẫn khách gồm ông Phan Bá Hải (tù nhân chính trị đã hết thời hạn quản chế), ông Lê Quốc Quyết (em trai luật sư bất đồng chính kiến đang bị cầm tù Lê Quốc Quân), bà Dương Thị Tân (vợ cũ tù nhân chính trị đang bị cầm tù Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày) và hai mẹ con Nguyễn Phương Uyên (tù nhân chính trị đang chịu án tù treo), ông Trương Văn Dũng, đưa về trụ sở công an huyện Thanh Trì. 

Cách tiến hành bắt bớ này cho thấy, ngoài tính hung hãn cố hữu của công an địa phương vùng “sâu vùng xa”, còn thể hiện sự cực kỳ kém hiểu biết về quyền hạn của chính các lực lượng công an, vì thế sau gần 5 tiếng giam giữ trái phép những người bị bắt nói trên, công an đã buộc phải thả tất cả , trừ hai mẹ con Nguyễn Phương Uyên đã bị đưa thẳng ra sân bay Nội Bài trước đó. 

Cứ cho là công an huyện Thanh Trì đã được lệnh, nhưng ít ra họ phải hiểu thi hành lệnh đó như thế nào mới đúng. Nếu muốn bắt một mình Phương Uyên thì cứ tuyên bố một cách đàng hoàng, đằng này lại đạp cửa xông vào nhà người dân để bắt người như một lũ đầu trâu mặt ngựa là không được. 

Theo như bà chủ nhà cho biết, bà đang trong nhà vệ sinh, thấy ồn ào thì vội ngó ra liền bị túm lấy luôn, khiến bà tiểu cả ra quần. Con gái út của bà từ trên gác chạy xuống thì bị tưởng nhầm là Phương Uyên!!! nên bị công an túm ngay lấy, bẻ quặt tay ra đằng sau, lôi ra xe. Cô bé hốt hoảng kêu ầm lên “sao lại bắt cháu?” nhưng vẫn bị lôi đi. Điều này chứng tỏ trong lực lượng đột nhập vào nhà dân không hề có cảnh sát khu vực hay tổ dân phố, nên không phân biệt được đối tượng cần bắt với người dân địa phương. 

Đối tượng của họ là Nguyễn Phương Uyên, nhưng cảnh sát lại bắt tất cả chủ lẫn khách, cả đàn ông lẫn đàn bà. Một thành viên No-U khi nghe tin đã kịp thời có mặt ở bên ngoài , chụp ảnh cảnh bắt bớ thô bạo của công an cũng bị túm lấy và hốt về đồn. Sau khi về đồn, cảnh sát thả 4 người là mẹ con bà chủ nhà, chị Tân, và người chụp ảnh. 5 tiếng sau thì thả nốt 4 người đàn ông. Riêng mẹ con Phương Uyên bị đưa lên một chiếc xe khác, đưa thẳng ra sân bay Nội Bài (mãi đêm khuya mọi người mới biết điều này) 

Điều đáng ngạc nhiên là lý do chính có lẽ chỉ nhằm vào việc Nguyễn Phương Uyên, vì đã rời khỏi nơi cư trú trong thời gian chịu án tù treo mà chưa được phép của chính quyền địa phương? 

Theo một số thông tin, án tuyên tại tòa không có thời gian quản chế, nhưng ngày 26/9 mới đây, công an mới tống đạt cho Phương Uyên quyết định ký ngày 25/9 thì lại phát sinh thời gian quản chế? Tôi tin rằng việc Phương Uyên đi khỏi nơi cư trú cũng đã được các luật sư tư vấn về mặt pháp lý. 

Nhưng khoan nói đến việc đó, suốt cả tuần lễ Phương Uyên nghỉ ngơi tại khách sạn, đi lại thăm thú các nơi như Đền Hùng, vịnh Hạ Long và gặp gỡ một số sứ quán tại Hà Nội thì không thấy một động thái gì từ phía công an. Chỉ đến khi họ chuẩn bị về lại Sài Gòn, đến dùng bữa cơm chia tay tại nhà blogger Nguyễn Tường Thụy, thì công an mới ập vào kiểm tra hành chính và tiến hành bắt tất cả chủ lẫn khách. Điều đó nói lên cái gì? Sai sót là ở điểm nào? 

Không phải cái câu ngạn ngữ ” mỗi lần ngã là một lần bớt dại” lúc nào cũng đúng, ít ra là đối với công an huyện Thanh Trì. Việc không có lệnh mà tùy tiện bắt người, rồi không tìm được lý do để tống giam nên buộc phải thả người không phải xảy ra lần đầu. Khi nghe chị Dương Thị Tân kể lại, một công an mặc sắc phục đã ghé vào tận mặt chị để chửi: đ.mẹ mày, nhiều người thực sự sôi máu, không thể ngờ công an thời nay lại mất dạy đến thế, vô văn hóa đến thế. 

Điều khiến tôi kinh tớm nhất là việc đàn ông đánh và chửi phụ nữ. Nếu công bằng trong một cuộc đấu, hãy một đối một, và tương quan lực lượng. Đằng này quyền hành trong tay mà phải ỷ đông hiếp yếu, đánh hội đồng Lê Quốc Quyết có lẽ chỉ vì tội cậu là em trai Lê Quốc Quân. Rồi cả đàn bà chân yếu tay mềm cũng không tha (chị Tân bị túm tóc, đập đầu xuống mui xe. Phương Uyên bị tát hộc máu mồm máu mũi, bị túm tóc đập đầu vào tường). Không một người nào trong số những người bị bắt không bị dùng vũ lực cưỡng chế một cách thô bạo và hèn hạ. Có người hỏi sao không thấy hình ảnh nào chứng minh việc họ bị đánh đập? Câu hỏi đến là ngây thơ. Sự việc hỗn loạn xảy ra trong một không gian hẹp, giả sử có ai đó đàng hoàng đứng chụp ảnh, quay phim lại những cảnh trên, bạn nghĩ bạn có còn nguyên vẹn cả người lẫn vật chứng mà thoát ra khỏi hiện trường, để công bố những hình ảnh đó lên mạng làm bằng chứng không? Hãy nhớ đến gương của 2 nhà báo VOV, bị đánh bầm dập trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang trước khi hỏi câu đó. 

Khi nghe loan tin trên mạng, tôi thực sự phẫn uất. Cuộc sống của người dân đang yên lành, bỗng chốc bị tan nát bởi điều gì? Công an làm thế được lợi gì? Trái với những gì vẫn thường hô hào là bảo vệ dân, mà đây thực sự là khủng bố dân thì đúng hơn. Và điều gì sẽ xảy ra khi người dân bị khủng bố thân cô thế cô? 

Suốt mấy tiếng đồng hồ đứng dưới mưa đêm, chúng tôi hết chửi rủa lại đến hô phản đối bắt người trái phép, hô đòi thả người. Những người dân quanh đó cũng tò mò kéo nhau ra xem. Một chiếc xe ô tô đen đi đến, và một gã đàn ông mình trần, đầu trọc, xăm trổ vằn vện nhảy xuống, lừ lừ đi đến hỏi chúng tôi đứng đây làm gì. Khi mọi người trả lời, hắn nói: 

- Không có tội sao lại bị bắt? 

Chúng tôi biết thừa hắn là ai nhưng vẫn đáp: 

- Không có tội, sao bắt lại phải thả? 

Hắn có một đồng bọn mặc áo mưa đứng bên cạnh, mà mọi người phát hiện đó là gã đàn ông vừa từ bên trong trụ sở công an đi ra. Hóa ra chỉ cần vứt bỏ bộ cảnh phục trên người, là công an có thể đồng hành cùng côn đồ chăng? Khi chúng tôi vạch mặt công khai ngay tại đó, gã đàn ông kia không nói một lời. Không vặn vẹo được gì thêm thì gã mình trần hoạnh họe: 

- Tôi thấy các vị đứng trước cửa nhà tôi thì tôi phải hỏi. 

Khi hỏi nhà hắn đâu, hắn chỉ vào tòa nhà to vật, có cột cờ như lãnh sự quán ở bên kia đường. Chúng tôi cười ồ, bảo hóa ra chúng tôi đứng ở cổng cơ quan công an bên này đường, cũng là nhà của hắn à thì hắn chuồn. 

Thêm một đám thanh niên mặc áo mưa đi đến hỏi chuyện. Có người nghe thấy chúng thì thầm máy nhau, bèn hô lên cho những người đang cầm điện thoại cẩn thận. Đám thanh niên sau đó bỏ đi. 

Đến hơn 11 giờ đêm thì những người bị bắt vô cớ mới được thả. Trừ chiếc điện thoại rẻ tiền đòi mãi mới trả, còn máy ảnh thì coi như bị cướp luôn. Điều đó cũng giải nghĩa một phần cho câu hỏi: tại sao không có hình ảnh vụ người bị bắt bị đánh đập? 

Trong đêm mưa tầm tã, những chiếc xe máy, ô tô đi thành đoàn, chở những người bị bắt quay về. Tôi về đến nhà là 12 giờ đêm, không biết còn một nhóm anh em lại đội gió mưa sang tận Nội Bài với mẹ con Phương Uyên. 

Sự việc tạm coi đã kết thúc. Những tiếng hô đòi thả người, những cái ôm chặt khi trở về trong vòng tay bạn bè đủ để nói lên tất cả. Có người khuyên vợ chồng ông Nguyễn Tường Thụy, nên phát đơn kiện công an huyện Thanh Trì về việc bắt người trái phép, ăn cắp tài sản (sau khi về nhà kiểm tra thì phát hiện ra đã bị mất). Theo các bạn, sẽ có tòa án nào xử vụ kiện này không? 

Cuộc sống này quả thật không bình yên chút nào. Trộm cướp, giết người chẳng ngày nào báo chí không nhắc đến. Tắc đường, tai nạn giao thông không hề thuyên giảm. Hàng hóa độc hại đang giết dần giết mòn người dân không ai kiểm soát. Bất động sản đóng băng vì không có người mua mà vẫn cứ tiếp tục cướp đất sản xuất để xây nhà. Câu hỏi này dành cho ai trả lời? Mấy ông nghị chỉ biết gật đầu tán thành ư? 

Một bạn chia sẻ trên facebook: “Sáng nay em qua chỗ gần CA Thanh Trì uống nước, thấy người dân nói chuyện về vụ bắt người và đòi người hôm qua mà thấy cũng vui. Họ bảo chưa bao giờ được chứng kiến nhiều người bao vây và chửi CA nhiều đến thế, mà lại không thấy CA phản ứng gì, chắc là CA làm sai đâm ra không dám thò mặt ra, phải gọi đàn em đến (xã hội đen) giải vây cho mà không được, họ bảo cho chửi chết mẹ mấy thằng CA đi.” 

P/S: 

Có bạn lên án việc một số người trong chúng tôi chửi tục. Nhưng công bằng mà nói, văn hóa chửi tục hiện diện khắp nơi trong cuộc sống đời thường. Chả cứ người dân mà công an cũng chửi tục. Bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh thực tế, khi đối diện với sự bất công và bạo lực, máu phẫn uất trong người bạn sôi lên sùng sục thì người dân tay không chỉ có thể dùng vũ khí chửi. Lúc đó chuyện phản ứng mà văng tục xem ra không phải là điều đáng trách lắm. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Bạn đừng đòi hỏi người ta phải lịch sự khi công an ghé vào tận mặt bạn để nói: Đ.mẹ mày. 

Mặt Phương Uyên vẫn còn sưng sau cú tát. Nghe nói hiện giờ toàn thân cháu vẫn rất đau, và đi tiểu ra máu.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo