Soha.vn - Trong quá trình trao đổi với chúng tôi, vị Bí thư xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) liên tiếp có những lời lẽ đã dùng nhiều lời lẽ miệt thị, xúc phạm người dân.
Ngày 30/1/3013, Dự án nghĩa trang “Công viên Thiên đường xanh” đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết ti lệ 1/500 và có tổng diện tích 185 ha nằm trên 3 xóm Ao Sen, Hạ Đạt và Vạn Phú (xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía nhân dân 3 xóm thuộc dự án nói trên.
Theo đơn thư tố cáo của người dân, nguyên nhân khiến họ không đồng ý và phản ứng mạnh mẽ khi dự án bắt đầu được triển khai là do chính quyền UBND xã Thành Công đã “vi phạm quy chế dân chủ”, “Bí thư xã lập phe cánh”, “mập mờ, nhiều khuất tất trong phổ biến, tuyên truyền về dự án”. Đồng thời người dân còn yêu cầu đưa vụ việc ra trước dư luận.
Ông Dương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công:
"Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo có xóm lên đến 46%".
Trước những thông tin trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện xã để làm rõ những thông tin mà người dân phản ánh. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, thay vì trả lời vào trọng tâm những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra, ông Dương Đình Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) lại luôn tìm cách né tránh. Không những thế, vị Bí thư này còn có những lời lẽ miệt thị người dân, “mắng” dân là “ngu, kém hiểu biết”, “lạc hậu và bố láo” nên mới... làm đơn tố cáo!
“Mấy ông mấy bà cao chả ra cao, thấp chả ra thấp, nhận thức, xử sự chả ra làm sao cả. Dự án đem lại quyền lợi cơm no, áo ấm cho dân, mà dự án vào cái đất khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi này thì các ông bảo có cái gì đâu.
Trồng lúa 2 vụ mỗi năm không được nổi lấy 5 triệu đồng, chưa nói để phát huy lấy 70 – 80 triệu đồng như dưới xuôi. Đất thì đất hoang hóa, chè thì chè trung du, bạch đàn trồng thì 6 – 7 năm cũng chỉ như cái roi trâu, có gì đâu...”, ông Bí thư xã nói.
Đường sá của người dân các thôn, xóm ở xã Thành Công gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Sáu còn cho rằng: “Dân ở đây kém hiểu biết lắm. Đấy, như lần họp dân hồi đầu tháng 3/2013 đấy, huyện với xã tổ chức họp dân, có cả nhà đầu tư đến nữa. Mới nói được vài câu là chúng nó (chỉ người dân – PV) đã hò reo nhau lên phá bĩnh, lạc hậu đến mức độ như thế thì bảo tôi phải làm thế nào được. Nhố nhăng, dở nọ dở kia, ngu và bố láo thế chứ...”.
Liên quan đến thông tin người dân địa phương tố cáo Bí thư xã “kéo bè cánh” và “gia đình trị” trong chính quyền xã, ông Sáu lên tiếng phủ nhận: “Làm gì có, tôi đã 17 năm 6 tháng làm chủ tịch xã ở đây rồi, từ năm 30 – 31 tuổi cơ, rồi sau mới chuyển sang làm bí thư. Xưa dân có thế đâu, nói gì nghe nấy. Giờ thì một số phần tử chống đối kích động người dân nên nó bêu riếu thế thôi” (!)
Vi phạm nghiêm trọng về cơ cấu tổ chức cán bộ, nhân sự
Qua tìm hiểu thực tế được biết, hiện nay trong bộ máy hành chính của UBND xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) có cơ cấu rất “lạ” về mặt tổ chức khi hầu hết các vị trí chủ chốt trong chính quyền UBND xã đều là con trai, em ruột và họ hàng của ông Dương Đình Sáu – Bí thư Đảng ủy xã.
Cụ thể: Ông Dương Đình Bảy - Phó Chủ tịch UBND là em trai ruột ông Sáu, ông Dương Văn Chức - phụ trách địa chính UBND xã là con trai ông Sáu, ông Nguyễn Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã là em vợ ông Sáu, ông Dương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã là em họ ông Sáu, ông Dương Văn Liêm - Trưởng Công an xã là cháu ông Sáu.
Phòng tiếp dân của UBND xã Thành Công cũng "khá lạ":
Không hề có lấy một chiếc ghế nhựa để cho người dân ngồi.
Trong khi cán bộ xã ngồi ở ghế để làm việc thì
người dân trong lúc chờ đợi buộc phải kê dép để ngồi.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp cơ cấu “lạ” trong tổ chức hành chính nhân sự của UBND xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên), Luật sư Phạm Tiến Quyển (Công ty Luật Quỳnh Như, Bắc Ninh) khẳng định: “Trong vụ việc trên, phía UBND xã Thành Công rõ ràng đã 'có vấn đề', đã vi phạm nghiêm trọng về mặt cơ cấu cán bộ, nhân sự. Cụ thể, ở đây đã vi phạm Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ”.
“Tại Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/10 /2003) về Cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn quy định rất rõ: Bí thư đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình vào làm công việc: Tài chính - Kế toán, Địa chính - Xây dựng.
Ngoài ra, tại Thông tư số 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ (có hiệu lực từ ngày 16/1/2004) cũng quy định rất rõ: Những người được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tại đơn vị mà vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình đang làm công việc Tài chính, kế toán, Địa chính - Xây dựng thì Uỷ ban nhân dân cấp xã báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện có kế hoạch bố trí lại công chức nói trên tại xã, hoặc điều động tới làm việc ở đơn vị khác trong thời gian chậm nhất là 06 tháng kể từ khi giữ chức vụ bầu cử”, Luật sư Quyển cho biết thêm.
Mặc dù được coi là một xã nghèo (có xóm tỷ lệ nghèo và cận nghèo lên đến 46%), đường sá vào thôn bản còn nhiều khó khăn và thậm chí phòng tiếp dân ở trụ sở UBND xã không có lấy nổi một chiếc ghế để người dân ngồi khi đến làm việc nhưng phương tiện đi làm hằng ngày của Bí thư Đảng ủy xã lại khiến người ta ngạc nhiên: ô tô Toyota 4 chỗ dòng Altis 2.0V (!?).