Lý Trung Nam (Danlambao) - Ông Hồ chỉ là tấm gương đạo đức của chế độ Cộng sản độc tài, toàn trị, gian trá; chứ ông không có đạo đức người Việt, đặc biệt là đạo đức dân tộc. Vì chính việc làm của ông Hồ đã và đang làm hận thù giai cấp, ly tán dân tộc. Ông chỉ có công với Quốc tế CS, có công với ĐCSVN, đặc biệt là Trung cộng; nhưng ông Hồ hoàn toàn không có công với dân tộc, với tổ quốc, mà là tội đồ dân tộc.
Là người có lương tâm, chúng ta có nên dạy con cháu chúng ta noi tấm gương của ông HCM, ông Trường Chinh và nhiều ông CS khác không?...
*
Việc ĐCSVN tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM là một trò tuyên truyền, che đậy sự thật nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây thiện hại tiền của nhân dân. Vậy ông Hồ có thật sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập hay không? Và bản chất của việc học tập tấm gương đạo đức HCM là gì?
1. Về đạo đức HCM
Theo đạo lý truyền thống của dân tộc tôi xin được gọi là ông Hồ (vì đáng tuổi ông bà tôi). Ông Hồ là người du nhập Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tuyên truyền quốc tế cộng sản vào Việt Nam đã tạo nên hận thù giai cấp, ly tán dân tộc; đảo lộn đạo đức truyền thống gia đình, phá hoại bản sắc văn hóa.
a) Cải cách ruộng đất
HCM đã chỉ đạo cuộc đấu tố, cải cách ruộng đất, giết hại 172.008 người; và một số lượng người lớn hơn nữa bị tù đày, bị gửi vào các trại cải tạo, bị sỉ nhục cả gia đình; con cái bị người ngoài xa lánh. Số lượng người nầy không được thống kê đầy đủ (theo Trần Gia Phụng – Hậu quả của Cải cách ruộng đất), vậy mục đích của cải cách ruộng đất là gì?
Hẳn, ông Hồ đã nhìn thấy tương quan lực lượng giữa địa chủ và nông dân; vì số lượng địa chủ thường là ít, nhưng có học, có nhận thức thời cuộc, có tài sản; trong khi dân nghèo lại đông, dân trí thấp, không tài sản, và là người làm thuê cho địa chủ, đặc biệt là dễ sai khiến. Đo vậy ông Hồ và ĐCS vạch ra, thêu dệt những điểm xấu của người giàu (địa chủ, tư sản) để cho tầng lớp nông dân nghèo căm thù, ghen ghét, tạo ra mâu thuẫn giai cấp tột độ, cùng với lời hứa “người cày có ruộng” vì thế nên tạo nên cuộc đấu tố man rợ; không chỉ nông dân đấu tố địa chủ mà còn có, con đấu cha, vợ đấu chồng… Có thể nói trong lịch sử loài người chưa có ở đâu, mà có con đấu cha, vợ đấu chồng một cách có tổ chức, đảo lộn đạo lý con người như ở VN thời cộng sản.
Kết quả đấu tố là gì: Cứ giết hại một địa chủ, lại mê dụ được hàng trăm người dân nghèo theo, con em của họ sẵn sàng theo đảng, kể cả xả thân nơi chiến tuyến, giết đối lập, vì nghe tin mấy ông địa chủ ở quê đã bị giết, gia đình mình đã hết nợ, hết phải đi làm thuê, mà lại còn được cấp đất cấp nhà từ địa chủ.
Nhưng đến nay, nhiều người dân VN vẫn chưa nhận ra mình bị CS lừa, vì sau khi cải cách ruộng đất, ĐCS bắt mọi nhà phải xung ruộng đất, trâu bò, tài sản vào hợp tác xã, lúc đó người dân lại trắng tay, không còn ruộng (kể cả ruộng, đất do ông cha để lại), trâu, bò… tất cả vào HTX. Chính HTX đã tạo ra hàng ngàn ông Chủ nhiệm HTX ác độc, thất đức mà mỗi chúng ta ai cũng đã từng biết tại địa phương mình.
Để mở màn cho cuộc đấu tố là tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong "Tuần Lễ Vàng", gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.
Năm 1952, chính Trường Chinh – Đặng Xuân Khu đã đấu tố cả cha mẹ của mình khiến ngoài dân gian có câu vè truyền tụng: “Đầu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác Lê, nhục ấy đời chê thằng họ Đặng; hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đưa tên Khu”
Hóa ra, loài thú cũng chưa thể làm những điều ác độc như vậy được.
Trong hội nghị “Tổng kết thành tích cải cách nông nghiệp đợt 5”, Hồ Chí Minh đã tự mãn với thành tích của mình tại Công văn đề ngày 1-7-1956 cho Đoàn cán bộ CCRĐ, trong đó có đoạn viết: "Bác thay mặt Đảng và chính phủ gởi lời an ủi gia đình những cán bộ đã hy sinh vì nhiệm vụ, đợt 5 cải cách ruộng đất rất gay go, phức tạp. Song nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và chính phủ, nhờ nông dân hăng hái đấu tranh nên chính sách cải cách ruộng đất đã thu được thắng lợi to lớn… Giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, các tổ chức ở xã đã được trong sạch hơn v.v.. và bản thân cán bộ được thử thách, rèn luyện...”
Tháng 9 năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng (họp từ 25/8 đến 24/9/1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm, và thi hành biện pháp kỷ luật đối với Ban lãnh đạo chương trình Cải cách Ruộng đất như sau: ông Trường Trinh phải từ chức Tổng Bí thư đảng, nhưng vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, xuống ủy viên Trung ương...
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Trường Chinh được cử làm Phó thủ tướng (29-4-1958), rồi Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội (7-7-1960). Hoàng Quốc Việt lẫn Lê Văn Lương về sau vẫn tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cầm quyền.
Với vai trò là Chủ tịch đảng, Chủ tịch Nước ông Hồ đã khóc, lau nước mắt và nghiêm túc nhận khuyết điểm sai lầm; nhưng thực tế không ai bị đi tù hay xử bắn cả. Thế thì, Tào Tháo sống lại cũng không diễn hay hơn ông Hồ được.
Khi tôi uất ức trước cảnh Đoàn Văn Vươn, đã phòng vệ chính đáng, và chẳng giết ai, mà bị chế độ CS phạt án tù 5 năm, trong khi ông Hồ và thuộc hạ của ông giết hàng trăm ngàn người vô tội mà vẫn ngoài vòng pháp luật, thì Bố tôi, (năm nay 70 tuổi, một đảng viên, một cựu chiến binh) nói, “thì Bác đã nhận sai lầm rồi còn gì”.
Khi HCM và đảng đã xin lỗi quốc dân đồng bào, và hứa sửa sai, mọi người đều phấn khởi, tin vào Bác, vào đảng; nhưng trong thực tế hoàn toàn không phải vậy, khi mà Đảng quản lý người theo hộ khẩu, ghi thành phần giai cấp vào lý lịch, do vậy hàng triệu người (thành phần) không ngóc đầu lên được với chế độ xảo trá này.
b) Phá hoại văn hóa Việt
ĐCS thường tuyên truyền “Bác ta là người giản dị...”, mới nhìn thì đúng vậy, nhưng suy cho cùng chính bộ kaki mà ông Hồ và các thuộc hạ của ông mặc đều là học theo Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, do vậy chính ông Hồ, và thuộc hạ của ông đã truyền bá văn hóa Tàu của nước Tàu, mà nhiều người Việt ta chưa nhận ra; chính việc này đã làm lu mờ quốc phục, và tinh thần độc lập của ông cha ta.
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Trích Bình Ngô Đại cáo - Nguyễn Trãi.
Trừ những đợt quân Tàu sang xâm chiếm và phá hoại nền văn hóa nước Nam ta, nhằm Hán hóa; thì trong lịch sử nước ta chưa có thời kỳ nào mà nền văn hóa bị phá tàn khốc như thời HCM, CS thông qua các phong trào chống mê tín dị đoan: Bao nhiêu chùa, chiền, nhà thờ; bia ký, sắc phong, gia phả, bàn thờ... bị phá, đem đi đốt, làm diều... việc nhiều người dân lấy sắc phong, gia phả làm diều, nhóm lửa cũng là hậu quả của việc truyền bá chủ nghĩa vô thần mà ĐCSVN đã làm. Các hợp tác xã lấy bia nấu vôi, lấy chùa để chứa phân, thì việc người dân hủy sắc phong là chuyện dễ hiểu. Tuy rằng, ngày 23/11/1945, HCM đã ký sắc lệnh số 65/SL về việc ấn định nhiệm vụ của Phương Đông Bác cổ Học viện; đây là sắc lệnh đầu tiên của nhà nước thời CS về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên việc có Sắc lệnh là một chuyện, còn các di tích bị phá lại là chuyện khác; người ta chỉ quan tâm tới kết quả, chứa không thể dựa vào mấy cái sắc lệnh; cũng giống như hiện nay có rất nhiều chủ trương, chính sách về chống tham nhũng; nhưng tham nhũng càng ngày càng phát triển.
c) Sự xảo trá và bất hiếu
Ông Hồ luôn thay tên, đổi họ để lừa đối thủ như: Lý Thụy (HCM) để bán đứng cụ Phan Bội Châu; và để đánh bóng mình, điển hình như: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, tác giả Trần Dân Tiên; Vừa đi vừa kể chuyện T. Lan, với hai bút danh Trần Dân Tiên, và T. Lan ông Hồ đã tự ca ngợi ông là: “Là Bác, là cha già dân tộc, là người khiêm tốn, rất ít nói về mình...” Một số người lại biện hộ rằng, việc lấy 2 bút danh Trần Dân Tiên và T.Lan để viết về mình không có gì đánh chê trách, bởi giống việc một số người thường viết hồi ký. Tuy nhiên, người viết hồi ký, họ dùng chính tên của họ nói về cuộc đời thật của họ, không dùng bút danh để đánh bóng mình, như ông Hồ. Việc làm của ông Hồ là gian trá, đức tính này chỉ có ở những người lưu manh.
Năm 1945, Sau khi nghe em trai mình được làm Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái của ông Hồ) đã khăn gói đi từ Nghệ An ra HN để thăm em; nhưng vì lý do gì mà ông Hồ tránh mặt, không dám gặp; không thể lấy lý do bận để mà tránh mặt chị gái sau hơn 30 năm xa cách. Năm 1957, ông Hồ về thăm quê ở xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An mà không ra thắp hương mộ thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Phải chăng đây là một trong những bằng chứng chính HCM là Hồ Tập Chương người Đài Loan mà cháu ông là GS. Hồ Tuấn Hùng đã thừa nhận, đề nghị các ông bà đỉnh cao trí tuệ làm rõ vấn đề để dân tình đỡ nghi ngờ làm suy thoái lòng tin.
d) Hoàng Sa, Trường sa
Ngày 14/9/1958, ai chỉ đạo cho ông Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận đảo Hoàng Sa của Trung cộng? Nếu không phải là ông Hồ thì là ai? Với vai trò là Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước tại sao ông không lên tiếng phê phán, kỷ luật, bỏ tù ông Đồng và phản bác Công hàm 1958.
Tóm lại:
Chính việc làm và hậu quả của ông Hồ để lại; chúng ta thấy, ông Hồ chỉ là tấm gương đạo đức của chế độ Cộng sản độc tài, toàn trị, gian trá; chứ ông không có đạo đức người Việt, đặc biệt là đạo đức dân tộc. Vì chính việc làm của ông Hồ đã và đang làm hận thù giai cấp, ly tán dân tộc. Ông chỉ có công với Quốc tế CS, có công với ĐCSVN, đặc biệt là Trung cộng; nhưng ông Hồ hoàn toàn không có công với dân tộc, với tổ quốc, mà là tội đồ dân tộc.
Là người có lương tâm, chúng ta có nên dạy con cháu chúng ta noi tấm gương của ông HCM, ông Trường Chinh và nhiều ông CS khác không?
2. Đạo đức và việc làm của ĐCSVN hiện nay
Giữa lúc đang suy thoái niềm tin của nhân dân và một số đảng viên thức tỉnh vào ĐCSVN, thì Trung ương đảng lại tiến hành bài ca tuyên truyền, vở mới, trò cũ, đó là đẩy mạnh phong trào học tập tấm gương đạo đức HCM.
Người Việt ta được cái hay tin người, nên khi nghe phong trào thì lại tiếp tục hy vọng, thực ra cũng chẳng được làm gì khác ngoài hy vọng.
Như trên phần trên tôi đã phân tích, ông Hồ hoàn toàn không đáng là tấm gương để chúng ta học tập; giả sử ông Hồ là một tấm gương thật, thì liệu các lãnh đạo CSVN học tập được gì ở ông.
Người khởi xướng ra phong trào này là ông Nông Đức Mạnh, nhưng ngay sau khi ông về hưu, ông lấy tiền đâu mà xây biệt thự ở Hồ Tây. (Tiền lương của ông liệu có đủ xây cái móng không, chứ chưa nói là mua đất); vợ ông chết chưa xanh cỏ, ông đã cặp bồ với bạn gái của con trai mình (Nông Quốc Tuấn) là Đỗ Thị Huyền Tâm; vậy đạo đức của ông ở đâu đối với vợ, con ông? Chứa chưa nói đến các đảng viên khác.
Đi đến đâu thì gặp sâu ở đó, xin được điểm mấy trường hợp mà do chính báo Lề đảng đưa:
Việc mấy ông giám đốc, Chủ tịch HĐQT mấy công ty công ích ở TP. HCP, lương khủng, hơn 2 tỷ/năm, gấp hơn 40 lần lương công nhân. Vậy các ông ấy là ai, lấy tiền ở đâu? Các ông này không thể là quần chúng, mà chính là đảng viên ĐCSVN, tiền cũng không phải do ông ấy làm ra, mà là tiền của Nhà nước (thực chất là tiền của dân), đặc biệt tiền là do chính công nhân của công ty ngày đêm lăn lộn với mưa gió tạo ra; nhưng mấy ông giám đốc lại ăn chặn, bớt xén quyền lợi của công nhân để bỏ vào túi mình.
Thế thì ĐCSVN là đội quân tiên phong, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân... ở chỗ nào? Hay là tiên phong, đại diện cho người lao động để tiêu tiền của dân, của nước.
Như trong trường hợp làm giả hồ sơ chính sách dành cho những người “có công với cách mạng” tại xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam, theo VTV1 “Kiểm tra 820 hồ sơ, chỉ có 91 hồ sơ đúng”. Vậy không móc ngoặc hệ thống thì ai có thể làm được điều này?
Không ai bằng quan chức chính phủ: Lương thấp, chế độ thấp mà các ông vẫn như ông hoàng. Quy định của Bộ Tài chính quy định công tác phí, hay tiếp khách 100, 200, 300.../một ngày tùy từng trường hợp. Với quy định này thì các ông lấy tiền đâu để ăn hải sản, rượu tây... cấp trên xuống cấp dưới công tác là cấp dưới phải chi (mặc dù cấp trên đã có chế độ), ngoài ăn uống còn có quà cáp, phong bì để uống nước, ăn đường “gọi là”. Vậy cấp dưới lấy tiền ở đâu để chi, nếu không phải bóc từ các chương trình, dự án, ăn bớt của dân... vậy cán bộ kiểm toán, thanh tra có biết không? Xin thưa là biết, vì suy ra từ chuyến công tác của họ là biết thôi. Việc này, nay đã là chuyện bình thường; các quan chức thường nói: “Ở VN, nếu làm đúng là sai; làm sai là đúng”.
Các trường hợp trên đây chỉ là vài thí dụ của một đảng toàn là sâu theo lời của ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước mà cũng là Ủy viên Bộ chính trị. Thực tế, tại các đơn vị công quyền chỗ nào là cũng có tham nhũng, ăn chặn gây khó dễ người dân. Vì nếu không có thì các vị lãnh đạo lấy tiền đâu mà ăn chơi, xe hơi, nhà đẹp... các vị lãnh đạo là ai? Là đảng viên ĐCSVN. Hiện nay, ở đâu, chỗ nào cũng có tham nhũng, vấn đề là có moi ra hay không. Ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư phải thốt lên “thực trạng nặng lắm rồi, đã như bệnh ung thư” (nhưng nhà ông Phiêu thì như một dinh thự với vườn rau riêng). Một quan chức Nhà nước phát biểu: “Cứ nói là báo chí phải tuyên truyền, gương tốt, người tốt; ở nước ta có ông lãnh đạo nào tốt đâu mà tuyên truyền”. Hay nói như ông Nguyễn Sinh Hùng “nếu cứ sai phạm mà đuổi, thì lấy ai làm cán bộ, bầu sao cho kịp...”
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 11-9/2013: “Ăn của dân không từ một chỗ nào, từ tiền BHYT của thương binh. Cháu nghèo trường dân tộc cũng bị hiệu trưởng, ban giám hiệu “ăn” gần 3 tỉ đồng. Đến liều vắc-xin cỏn con cũng ăn của các cháu!”
“Đi giám sát nhiều nơi, càng đi càng thấy buồn vì lần nào cũng phát hiện ra sai phạm dù người dân vẫn tin vào chính sách của Nhà nước. Buồn vì chính sách tốt đẹp của Nhà nước đến với dân là bị méo mó, san sẻ”.
Lúc nào ĐCSVN cũng ra rả để lừa bịp dân: “Chính sách của đảng, Nhà nước là đúng, tốt đẹp, nhưng do người vận dụng, áp dụng sai...” Nhưng các ông bà thường không phân tích, hay cấm người khác phân tích cái sai của ĐCS là: Độc quyền, toàn trị, giải quyết nội bộ..; các ông cứ phát động phong trào chống tham nhũng, chống hết cái này đến cái khác... vậy, các ông chống ai? Các ông chống nhau à? Hay chống để cho nó chắc? Trừ trường hợp các ông không chống nỗi bị lộ ra ngoài thì các ông mới tạm chịu. Cấp dưới không ăn bớt... lấy gì để biếu xén, làm hài lòng cấp trên. Mỗi dịp Tết đến, hay ngày lễ nào đó, Trung ương, và các tỉnh đều có chỉ thị yêu cầu cấp dưới không được thăm, chúc tết cấp trên; nhưng khi đến chúc, quà cáp thì các ông bà vẫn nhận, tuy có phê bình qua loa. (hoặc cấp trên đi chúc tết cấp dưới, hay các đối tượng chính sách, các ông đem được hộp quà vài gói bánh kẹo; thì cơ sở lại đãi cơm, rượu, quà cáp, phong bì - hay đây là một ví dụ chính sách đúng, nhưng vận dụng sai) Một quan chức cấp tỉnh nói “chính các chỉ thị đó lại nhắc nhở các cấp là đã đến dịp rồi, làm cấp dưới lo...” Nghĩ cho cùng mình không đến, thì người khác vẫn đến, vậy thì ngồi yên sao được; tuy nhiên nhờ có chỉ thị đó mà cách thức quà cáp sẽ biến thể đi, tế nhị hơn.
Vậy, tại sao chỗ nào, cấp nào cũng hăng hái thực hiện Chỉ thị số 03 của Trung ương đảng về việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM? bản chất là gì?
Một là: ĐCSVN tiếp tục ru ngủ người dân theo kiểu “bài mới, trò cũ” để chứng minh là đảng đã nhận ra vấn đề và đang quyết tâm chỉnh đốn.
Hai là: đây là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan đảng, Nhà nước, và các đoàn thể, không làm cũng không được vì đó là nhiệm vụ chính trị; vả lại cũng không nên từ chối, vì ngoài nhiệm vụ chính trị ra, thì đây là hoạt động tiêu tiền, có phải bỏ tiền túi ra đâu mà chối, ở VN cứ liên quan đến tuyên truyền, xây dựng tượng đài, khu di tích lịch sử cho đảng, Bác là triển khai rất thuận lợi (từ khâu xin chủ trương, lập dự án, xin vốn), mà lại được khen.
Ba là: Phần lớn người trong cuộc (cán bộ, nhân viên) thấy đây là trò hình thức, tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc; vì chính người trong cuộc mới thấy và hiểu rõ các vị lãnh đạo nói không đi đôi với làm; diễn thì không ai bằng.
Tuy nhiên, không ai từ chối không tham gia được, và còn phải tích cực nghiên cứu tài liệu, câu chuyện để tham dự cuộc thi; vì đây là nhiệm vụ chính trị, trên đã giao thì cứ thế mà làm, may ra còn yên ổn.
Tóm lại: Việc suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên (trừ số đảng viên kết nạp để rót nước, sai vặt) đã hết sức nghiêm trọng, và càng ngày càng nghiêm trọng hơn; chính các cán bộ, đảng viên biết rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, đảng viên biết nhưng không thể làm khác vì đã trót nằm trong guồng máy đó rồi, có tách ra cũng khó vì tách ra, chống đối sẽ bị gặp cảnh “Nhớ lâu, thù dai của Đảng”. Khi đã nằm trong guồng máy độc quyền, toàn trị thì khó mà trong sạch được vì không cùng hội cùng thuyền; cổ nhân đã nói “đôi khi người lương thiện, lại bị kẻ tiểu nhân làm nhục”; do vậy hệ thống này không thể sửa lại được, vì đã ung thư thì không thể cắt bỏ cục bộ được; cắt chỗ này, lại sinh chỗ khác, cách tốt nhất là cắt tất cả; loại bỏ ra khỏi VN.
Lẽ ra, hành động của Đặng Ngọc Viết bắn vào đầu 5 cán bộ UBND TP. Thái Bình sẽ bị người dân lên án; trái lại, người dân lại hả dạ, mừng vui, chia sẻ thì chứng tỏ cái đức của phần lớn đảng viên CS chẳng có, cái phúc của họ chẳng còn, vận nước sẽ sang trang là tất yếu.
Kết luận:
Việc ĐCSVN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức HCM là trò cố tình mê hoặc người dân, nhưng không có hiệu quả, vì càng tuyên truyền thì sự thật càng lộ liễu nồm nói khác với tay làm, càng ngày người dân lại thấy càng nhiều “Sâu, cả một bầy sâu” theo nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hay đi đâu cũng gặp sâu.
Qua phân tích trên, HCM chỉ là tấm gương đạo đức của đảng viên ĐCSVN, quốc tế CS, chứ không là tấm gương cho dân tộc, cho tổ quốc VN; do vậy nếu có tôn thờ, tuyên truyền thì ĐCSVN chỉ tuyên truyền trong nội bộ đảng, và lấy tiền của đảng để tuyên truyền chứ không được lấy tiền thuế của dân để làm việc không có lợi cho dân, cho nước.
Sự dối trá không thể che giấu được sự hiểu biết; con cái thường không phụ thuộc (không nghe) bố mẹ đó là ý thức chính trị (trừ bọn tư bản đỏ, ngậm miệng ăn tiền) đó là quy luật. Với tiến bộ công nghệ thông tin như ngày nay, những bóng đen dần được xóa bỏ, những sự thật, chân lý đã hé lộ ra; trò bịp bợm đã hết thời. Nếu trước đây những người trong cuộc đã thức tỉnh như: Bùi Tín, tướng Trần Độ, Trần Xuân Bách... hiện nay có Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận, và nhiều người khác như Nhóm 72. Đặc biệt, sự xuất hiện lớp trẻ đã biết phân biệt trắng đen, đã dấn thân vì dân vì nước; những người từng là cháu ngoan bác hồ, “hôm qua em mơ gặp bác Hồ...” như Đặng Chí Hùng, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh hay nhóm tuyên bố 258… và rất nhiều người chưa có điều kiện hoặc ẩn mình như hiện nay; thì ngày cáo chung của ĐCS đã đến gần.
Lý Trung Nam