Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam đang nuôi một giấc mơ hão huyền rằng trước sau gì khối 10 nước của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (The Association of South East Asian Nations, ASEAN) và Trung Cộng sẽ đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct, COC) để duy trì hòa bình và hợp tác lâu bền trên Biển Đông.
Hy vọng này phần lớn dựa vào cuộc họp sẽ diễn ra trong 2 ngày (14-15/09/2013) giữa các viên chức cao cấp của ASEAN với Trung Cộng tại Tô Châu, theo đề nghị của Trung Cộng để gọi là “chia sẻ quan điểm COC”.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Quang Vinh nói: “Đây là một quyết định quan trọng và tích cực, khởi động cho tiến trình đàm phán và xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc.” (Trả lời báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh nhân Hội nghị kỷ niệm 10 năm quan hệ giữa ASEAN và Trung Cộng, 29/8/013)
Tuy nhiên ông Vinh đã quên nói rằng Ngoại trương Trung Cộng Vương Nghị đã đặt ra một “hàng rào cản” cho ASEAN rất khó vượt qua trước khi Bắc Kinh có thể nói chuyện nghiêm chỉnh về COC.
Nhưng trước hết, theo lời ông Vinh thì: “Về phía ASEAN, ASEAN đã nhất trí về các thành tố cần thiết của COC trong tương lai, theo đó COC cần là Bộ quy tắc tổng thể và mang tính ràng buộc, kế thừa các quy định quan trọng của DOC, nhưng cần phải nâng cao hơn DOC, trong đó cần phải bổ sung thêm những quy định, cơ chế nhằm ngăn ngừa xung đột, cũng như các cơ chế về bảo đảm thực hiện những cam kết trong COC, tuân thủ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, hay về xử lý các tranh chấp về áp dụng và giải thích COC. ASEAN sẽ chia sẻ những nội dung này với Trung Quốc trong cuộc họp SOM (Senior Officials Meetings) sắp tới”
Ý tưởng này không mới mà chỉ lập lại những điều khối 10 nước ASEAN đã tâm niệm và hy vọng từ khi nhận ra Tuyên bố ứng xử (Declaration of Conduct, DOC) ký tại Nam Vang (Cao Miên) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Cộng đã thành vô dụng vì Trung Cộng vi phạm mà không ai có quyền phán xét như Bắc Kinh tự tuyên bố chủ quyến 85% diện tích của Biển Đông (Trung Cộng gọi là Nam Hải) và công khai xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á v.v…
Trước đây Trung Cộng đòi phải tham gia soạn thảo chung COC ngay từ đầu với ASEAN nhưng khối ASEAN không chịu và cho rằng ASEAN cần phải thảo luận và đồng ý riêng trước khi đem ra bàn luận với phía Trung Cộng.
Thứ trưởng Ngoại giao Vinh nói thêm: “Quan điểm của ASEAN là cần phải có Bộ quy tắc COC càng sớm càng tốt, trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc thương lượng và xây dựng COC với các mục tiêu như trên sẽ là một quá trình không phải dễ dàng. Do đó, các bên cần phải có quyết tâm chính trị, cùng chung mục đích bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.”
Lập trường muốn đạt được COC “càng sớm càng tốt” của khối ASEAN lại không có trong ý nghĩ của Trung Cộng vì Trung Cộng đã và đang tìm mọi cách kéo dài thời gian để làm nản lòng ASEAN, nhất là các nước không có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Cộng như Cao Miên, Lào, Thái Lan, Tân Gia Ba và Miến Điện.
Từ lâu Bắc Kinh vẫn chỉ muốn “thương thuyết song phương” trực tiếp với các nước có tranh chấp gồm có Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei và Ma Lai Á và nhất định không nói chuyện xung độ Biển Đông với một “khối 10 nước ASEAN”, hay muốn “quốc tế hóa chuyện Biển Đông” để kéo các nước ngoài khu vực vào thương thuyết.
Một trở ngại khác mà ai cũng thấy rõ là âm mưu gây chia rẽ khối ASEAN của Trung Cộng nhằm phá vỡ sự thống nhất lập trường của ASEAN khi nói chuyện với Bắc Kinh. Bằng chứng như Trung Cộng đã kéo được Cao Miên và Ai Lao về phe mình bằng các khoản viện trợ kinh tế, kỹ thuật và đầu tư khổng lồ vào hai nước nhỏ bé và nghèo nhất của ASEAN.
Chuyện nước chủ nhà Cao Miên, khi giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012, đã không muốn ghi vấn đề xung đột Biển Đông vào bản Thông cáo chung tại Hội nghị cấp cao và Thủ tướng Miên, Hun Sen cũng ra mặt ủng hộ lập trường của Bắc Kinh “không muốn quốc tế hóa vần đề Biển Đông”.
Lập trường của Trung cộng
Tại các cuộc họp và tiếp kiến riêng ngày 29/8 (2013) giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường và ủy viên Quốc vụ Trung Cộng Dương Khiết Trì, theo báo chí Việt Nam, phía Trung Cộng đã: “Khẳng định chính sách nhất quán coi trọng xây dựng quan hệ thân thiện, láng giềng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với ASEAN, coi ASEAN là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và cam kết tiếp tục ủng hộ ASEAN trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng, triển khai liên kết, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Trung Quốc cũng khẳng định chính sách phát triển hòa bình và thân thiện, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực nói chung và ASEAN nói riêng. Trung Quốc khẳng định tiếp tục hợp tác với ASEAN về bảo đảm hòa bình ở Biển Đông, tiếp tục triển khai đầy đủ DOC, dần hướng tới COC, đưa Biển Đông thành vùng biển của lòng tin, hợp tác và phát triển.”
Nếu những lời hứa hẹn này của Trung Cộng trở thành hiện thực thì hòa bình ở Biển Đông đâu còn đe dọa cho đến hôm nay, và làm gì có các đồn bót của lính Trung Cộng đã mọc lên ở vùng Trường Sa, trên ít nhất 8 đảo đá ngầm mà Trung Cộng đã chiếm của Việt Nam năm 1988 và đảo Vành Khăn năm 1995?
Đáng chú ý là hành động đóng quân, bành trướng vùng kiểm soát trên Biển Đông của Trung Cộng mỗi ngày một lan rộng đã gò ép vùng ảnh hưởng của Việt Nam nhỏ dần thì phía Việt Nam vẫn nhũn như con chi chi đến hổ thẹn.
Bằng chứng như bản tin tường trình của Chính phủ Việt Nam về cuộc họp ngày 03/09 (2013) giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Cộng Lý Khắc Cường tại Nam Ninh, Trung Quốc, nhân dịp dự Hội chợ, Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư-Thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10.
Tin này viết: “Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí cho rằng cần cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, kiểm soát tốt tình hình trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên cần tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận Việt Nam-Trung Quốc về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đồng thời, đề nghị hai bên sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả các cơ chế đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng và giữa cơ quan quản lý ngư nghiệp hai nước như đã thỏa thuận, góp phần kịp thời xử lý ổn thỏa những vấn đề nảy sinh nhất là vấn đề tàu cá, ngư dân.”
Đường giây nóng nói ở đây được hai nước ký trong chuyến sang Bắc Kinh từ 19 đến 21/6 của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động trong khi ngư dân Việt Nam vẫn thỉnh thoảng bị “tàu lạ” tấn công ở Biển Đông!
Tất cả những chuyện “đầu môi chót lưỡi” của Trung Cộng về Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đã nói một đường làm một nẻo dù họ vẫn ra rả ngày đêm thúc đẩy Việt Nam cùng với họ đề cao phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Cái cày trước con trâu
Bằng chứng trước khi ASEAN và Trung Cộng họp về COC ở Tô Châu trong 2 ngày 14 và 15/089/2013 thì Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã đặt ra 4 “đoạn đường chông gai” cho ASEAN trong một lời tuyên bố tại Hà Nội ngày 5/8.
Bốn điều kiện để cho COC thành công được Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (China Radio International, CRI) phổ biến là:
Một là, “cần phải có sự dự báo hợp lý. Một số nước đề xuất "thuyết chớp nhoáng", mong hoàn thành đàm phán về "Bộ Quy tắc" chỉ trong một ngày, điều này chẳng những không thực tế mà cũng là thái độ không nghiêm túc. "Bộ Quy tắc" liên quan đến lợi ích của nhiều bên, việc xây dựng đòi hỏi một quá trình điều phối tường tận và phức tạp.”
Hai là, “cần phải hiệp thương nhất trí. Tìm kiếm nhận thức chung rộng rãi nhất, chiếu cố đến độ thoải mái của các bên. Không nên áp đặt ý chí của cá biệt nước hoặc vài nước cho các nước khác, dưa ép chín sẽ không ngọt.”
Ba là, “cần phải gạt bỏ các quấy nhiễu. Trung Quốc và các nước ASEAN từng nhiều lần tiến hành thương thảo về "Bộ Quy tắc" nhưng đều chấm dứt vì bị quấy nhiễu. Các bên cần phải làm nhiều việc có lợi cho thúc đẩy tiến trình xây dựng "Bộ Quy tắc".
Bốn là, “cần phải tuần tự tiệm tiến. Xây dựng "Bộ Quy tắc" là quy định trong "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải", "Bộ Quy tắc" không thể thay thế "Tuyên bố". Điều cấp bách hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt "Tuyên bố", nhất là tích cực thúc đẩy hợp tác trên biển. Trong quá trình này tiến hành thương lượng và xác định lộ trình xây dựng "Bộ Quy tắc", từng bước thúc đẩy lên phía trước.”
Với nội dung 4 điểm này, một lần nữa Trung Cộng không dấu diếm về ý đồ muốn kéo dài thời gian và tạo ra nhiều trở ngại phức tạp mới cho việc hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), một chỉ dấu báo hiệu trước thất bại của Hội nghị Tô Châu.
Như vậy thì giấc mơ của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay là gì, nếu không phải là sự trông mong của một người khát nước chờ cơn mưa giữa sa mạc?
(09/013)