Trà Mi (VOA) - “...Cáo trạng cũng nói là doanh nghiệp do ông Quân làm giám đốc ‘trốn thuế’ doanh nghiệp, chứ không phải cá nhân ông Quân ‘trốn thuế’. Thứ hai, các chứng cứ-chứng từ hợp pháp sau này không được người ta thừa nhận mà họ lại dựa vào lời khai của những người liên quan để bác bỏ. Kế tiếp, vị giám định viên để dựa vào đó kết luận là doanh nghiệp ‘trốn thuế’ lại không có thẻ Giám định viên. Nghĩa là bản kết luận giám định không hợp pháp vì người giám định không có thẻ Giám định viên. Hơn nữa, một số điểm trình bày trong bài bào chữa của tôi không được tòa chấp nhận...” - Luật sư Hà Huy Sơn.
*
Một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’, cáo buộc bị giới cổ xúy nhân quyền chỉ trích là có động cơ chính trị.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân còn bị phạt 1,2 tỷ đồng trong phiên sơ thẩm kéo dài nửa ngày hôm nay 2/10 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dưới sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt.
Đại diện pháp lý của ông Quân nói có nhiều khuất tất trong vụ xét xử luật sư Quân.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Hà Huy Sơn, cho biết:
“Truy tố và xét xử ông Quân về tội ‘trốn thuế’ là không xác đáng, không khách quan. Vì cứ cho là ‘trốn thuế’ đi nữa thì đây là doanh nghiệp do ông Quân làm giám đốc ‘trốn thuế’ chứ không phải cá nhân ông ‘trốn thuế’. Còn trách nhiệm của ông Quân thế nào thì là một việc khác, không phải là tội ‘trốn thuế’ đối với cá nhân ông. Cáo trạng cũng nói là doanh nghiệp do ông Quân làm giám đốc ‘trốn thuế’ doanh nghiệp, chứ không phải cá nhân ông Quân ‘trốn thuế’. Thứ hai, các chứng cứ-chứng từ hợp pháp sau này không được người ta thừa nhận mà họ lại dựa vào lời khai của những người liên quan để bác bỏ. Kế tiếp, vị giám định viên để dựa vào đó kết luận là doanh nghiệp ‘trốn thuế’ lại không có thẻ Giám định viên. Nghĩa là bản kết luận giám định không hợp pháp vì người giám định không có thẻ Giám định viên. Hơn nữa, một số điểm trình bày trong bài bào chữa của tôi không được tòa chấp nhận.”
Đông đảo lực lượng an ninh được huy động phong tỏa xung quanh khu vực tòa án, ngăn không cho những người ủng hộ ông Quân đến gần trụ sở tòa.
Anh Lê Thiện Nhân, một trong số hàng trăm người đổ về đây để được quan sát diễn tiến của phiên tòa ‘công khai’ cho biết:
“Đoàn người đi đến dự phiên tòa gần như là không đến được vì họ ngăn chặn từ rất xa. Lực lượng công an cơ động rải khắp các ngã tư, trên một bán kính rất lớn, từ 4 đến 6km tính từ phiên tòa ra. Không được tiếp cận phiên tòa. Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng chính lời nói của họ rằng đây là một phiên tòa ‘công khai’. Họ vi phạm pháp luật là đương nhiên, nhưng đây họ còn vi phạm chính những gì họ nói ra. Họ không biết tôn trọng chính bản thân họ. Chúng tôi rất là bức xúc.”
Phát biểu cảm nghĩ trước bản án 30 tháng tù giam dành cho nhà dân chủ nổi tiếng của Việt Nam, Lê Quốc Quân, blogger Lê Anh Hùng, một người quan tâm và theo dõi sát vụ án của ông Quân, nói:
“Tất cả chúng ta đều cảm thấy bị sốc và điều đó thêm một lần nữa chứng minh rằng ở Việt Nam không có cái gì gọi là pháp quyền, pháp trị, không có quyền tự do cơ bản của con người.”
Gia đình luật sư Quân cực lực phản đối bản án mà họ tố cáo là cái cớ để nhà cầm quyền đối phó với các hoạt động của ông Quân cổ súy dân chủ, kêu gọi đa đảng.
Ông Lê Quốc Quyết, em trai ông Quân nói:
“Một bản án quá bất công. Phiên tòa nói là ‘công khai’ mà lại ngăn trở người đi tham dự phiên tòa, để rồi tuyên án một cách rất trớ trêu.”
Luật sư Quân là một trong những tiếng nói khẳng khái chỉ trích nhà nước, lên án bất công xã hội, bênh vực cho công lý và người nghèo. Trước khi bị bắt vào tháng 12 năm ngoái, ông là chủ nhân trang blog viết về nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo, và các chủ đề nhạy cảm khác bao gồm vấn đề Biển Đông.
Ngay sau phiên xử luật sư Quân, tòa đại sứ Mỹ ra thông cáo nói “việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại.”
Sứ quán Mỹ nêu rõ “việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.”
Sau bản án của ông Quân, Hoa Kỳ cùng các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong đó có Human Rights Watch, một lần nữa kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người dân bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.