Vietnam’s Suppression Should Not Be Rewarded
Chú thích: bài xã luận này trình bày quan điểm chính thức của tờ báo Washington Post. Đây là kết quả của một sự tranh luận giữa những thành viên của ban biên tập.
Trong khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng phát triển, Việt Nam đang cố gắng xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Chủ Tịch Việt Nam viếng thăm Nhà Trắng vào tháng Bẩy. Việt Nam khuyến khích Hoa Kỳ can dự vào những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một vài nước Á châu gồm Việt Nam, và đề nghị tham gia vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP), một thỏa hiệp thương mại giữa Hoa Kỳ và 11 nước khác.
Hình (Nguyễn Quốc Khải): Đòi tự do của LS Lê Quốc Quân.
Chính quyền Obama khuyến khích sự thay đổi này như một phần của chính sách chuyển trục về Á châu nhắm mục đích để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng, không giống hầu hết những nước láng giềng, Việt Nam làm rất ít để tách biệt khỏi chế độ Cộng Sản tại Bắc Kinh. Giống như Trung Quốc, Việt Nam mở cửa để đón nhận đầu tư ngoại quốc và thị trường tự do. Nhưng, giống như ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã trán áp những ý kiến khác biệt vào năm vừa qua, những lãnh tụ Việt Nam cũng làm như vậy. Trong năm nay, ít nhất 46 nhà hoạt động đã bị bắt giam vì chỉ trích Đảng Cộng Sản đang cai trị hoặc vận động cho nhân quyền theo Wall Street Journal.
Nạn nhân mới nhất của chế độ là một trong những người bênh vực tự do nổi tiếng và can đảm nhất ở Việt Nam: Lê Quốc Quân, một luật sư 42 tuổi, theo đạo Thiên Chúa và có một mạng cá nhân. Vào ngày thứ Tư, ông Quân đã bị kết án 30 tháng tù vì trốn thuế, một tội bịa đặt. Ông bị bắt vào tháng 12 vừa qua, một vài ngày sau khi phổ biến một bài báo đặt vấn đề độc quyền của Đảng Cộng Sản có nên được loại bỏ ra khỏi hiến pháp hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Quân phải chịu đựng sự đàn áp. Vào năm 2007, ông bị bắt giam sau khi tham dự chương trình nghiên cứu với National Endowment for Democracy tại Washington và trở lại Việt Nam; ba tháng sau ông được trả tự do sau khi Washington phản đối. Vào năm 2011, ông lại bị bắt vì quan sát phiên tòa xử một người bất đồng chính kiến khác. Vào năm 2012, ông bị tấn công và bị đánh đập trầm trọng bởi những nhân viên công an theo như ông nói. Bất kể tất cả những sự kiện này, ông Quân kiên trì, phổ biến trên mạng cá nhân của ông những báo cáo đều đặn về vi phạm nhân quyền và những đề nghị cải tổ chính trị.
Một bài thơ viết trong tù trong khi đợi xử phổ biến trên mạng của tổ chức Human Rights Watch gồm có một đoạn sau đây:
“Nhân dân lầm than đói khổ đủ đường
Độc lập đó còn tự do không có
Tham nhũng thành quốc nạn tràn lan
Quyền tự do dân chủ không còn
Người tranh đấu bị giam vào ngục tối.”
(Suffering in every way is our miserable people
Achieved independence, yet no freedom
Widespread is the nation’s disease of corruption
No more rights of freedom and democracy
In dark cells, those who fight for it are imprisoned.)
Mặc dù ông Quân lâu nay là một người bạn của Hoa Kỳ, chính quyền Obama phản ứng hạn chế đối với sự kết tội ông. Một bản tuyên bố của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội nói rằng “việc dùng luật thuế bởi nhà cầm quyền Việt Nam để bỏ tù những người chỉ trích chánh phủ vì họ đã bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là một điều gây phiền muộn,” nên chú ý là việc kết tội này đặt Việt Nam vào tình trạng đi ngược lại với Quy Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Nó có nên đặt Việt Nam ra ngoài phạm vi của một liên minh thương mại tự do dựa vào pháp quyền (rule of law) không? Những viên chức cao cấp Hoa Kỳ sẽ gặp những đối tác Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới: Vấn đề này cần được đem ra thảo luận.
Bản tiếng Việt: