(Nhân sinh nhật 64 nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa)
Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Nghĩ rằng mình đã già: “Tuổi già giọt lệ như sương / Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan” nhưng hình như máu lại sôi lên và tôi đã không thể kìm lời chửi rủa “Thật là khốn nạn hơn cả dã thú!”.
Hôm ấy, chị Nga chùi nước mắt kể với tôi: Vì bị giam cầm khổ ải, chồng chị bị trĩ rất nặng, đứng ngồi, đi lại khó khăn, đêm nằm đau đớn, chị phải kêu nài mãi nhà tù mới cho chồng chị đi khám bệnh. Công an đưa chồng chị đến bệnh viện. Trong lúc khám bệnh và xét nghiệm, tay anh vẫn bị còng. Chỉ đến khi lên bàn mổ còng mới được tháo. Tuy nhiên ngay vài tiếng sau khi mổ, người ta lại mang đến giường bệnh một bộ cùm đòi xíềng người bệnh vào giường.
Người bệnh này là một tướng cướp? Một sát thủ?
Không. Đấy là một nhà văn. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hội viên Hội nhà văn Hải Phòng.
Vẻ mặt ông rất hiền từ. Tâm hồn ông rất đa cảm. Hãy điểm qua một vài bài thơ của ông:
KHÔNG CÓ AI!
* Kính tặng các bà mẹ đang biểu tình tại nhà Quốc Hội số 2
Ở phương nào xa lắc có ba ông:
Hai ông rậm râu,
một ông đầu hói
một ông bên ta tên là sáng suốt
rước ba ông kia về đây
bốn ông rủ rỉ như nhau:
“Người cày có ruộng
Người nghèo có nhà
thế giới đại đồng
ấm no- hạnh phúc!”
Mẹ dọn dẹp ban thờ
cáo lỗi gia tiên
đặt bốn ông lên
ngày đêm nguyện cầu khấn vái.
Mẹ tế lên một đứa con trai
Tín ngưỡng chôn nỗi đau xé ruột
*
Bây giờ mẹ bị mất nhà
mẹ bị cướp đất
Mẹ đến nhà Quốc hội
mang cờ của mấy ông
và hình con
cùng tro xương
của mẹ!
Mẹ chờ 15 ngày nửa mưa
15 ngày nửa nắng
Quần áo tả tơi,
- Đói?
- Khát?
bánh mì và nước nguội
giữa trăm ông cảnh sát
bụng đeo súng sáu
tay cầm dùi cui
mẹ trông chín phương trời
mẹ cầu mười phương đất
Không có ai!
Không có ai!
Không có ai!
Hải Phòng, 7-7-2007
KHI TẤM BIỂU NGỮ ĐƯỢC CĂNG LÊN
* Kính tặng những chiến sỹ dân chủ-Nhân quyền đi căng biểu ngữ
Khi tấm biểu ngữ được căng lên
Có chữ NHÂN QUYỀN
Là Anh nói cho triệu con dân nước Việt
Những nhà báo, nhà văn bị bẻ cong ngòi bút
Những tấm toan chỉ để kiếm cơm
Những con chữ anh minh quằn quại trong lửa ác.
Khi tấm biểu ngữ được căng lên
Có dòng chữ ĐA NGUYÊN
Là Anh nói cho…
Người đã sống và người đã chết
vì không thể nói bằng lưỡi khác
Là Anh nói cho triệu sinh linh
“ Sinh Bắc-Tử Nam”
Nhầm thế giới chỉ cần màu đỏ.
Khi tấm biểu ngữ được căng lên
Có chữ HOÀNG SA…
Là Anh nói thay tổ tiên,
Những thân xác cập vào bờ cát lạ
Những linh hồn thấm vào vách đá
Dù không trở về
đã mách ta những đất đai sở hữu...
Khi tấm biểu ngữ “phản động” được căng lên
Anh đáng sống hơn những người cộng sản.
Hải Phòng, 17-8-2008
Khi nghe tin cô gái trẻ Huỳnh Mai bị đưa sang Hàn Quốc lấy chồng, được hai tháng thì bị thằng chồng vũ phu đập chết, nhà văn đã tắm nước mắt vào bài thơ “Khóc Huỳnh Mai”:
Nước mắt này cho Em
Nước mắt này cho 80 triệu Nhân Dân.
Không chỉ dễ xúc động vì một thân phận yếu mọn là đông bào mình mà trong bài thơ “Cầu xin đau cả loài người” ông đã đề tặng: “Kính viếng hương hồn những người dân Myanmar đã ngã xuống trong cuộc biểu tình chống chế độ quân phiệt cuối tháng 9-2007”. Và tuyên thệ:
Người đã ngã trên đường Yangon
tôi sẽ ngã trên đường Hà Nội.
Giọt máu trộn chung, đỏ hai mảnh đất
Cầu xin đau cả loài người.
Hải Phòng, Việt Nam, ngày 29-9-2007
Ông không chỉ vin câu thơ mà đứng mà thực sự đã vin vào tâm hồn đa cảm của mình để đứng bật lên thành một anh hùng:
Tổ quốc!
Chúng tôi chết cho Người
không chờ ai cấp phép!*
Mãi mãi Người là của chúng tôi!
Điều 69 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: công dân có quyền biểu tình... theo quy định của Pháp luật. Nghị định 38 CP bổ sung: Muốn biểu tình phải làm đơn xin phép và chờ kết quả trong 7 ngày. Ông cùng Vũ Cao Quận và Phạm Thanh Nghiên đã viết đơn gửi các cấp lãnh đạo xin biểu tình. Không nhận được hồi âm. Ông đi biểu tình.
Có thể nói, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã cùng Nguyễn Mạnh Sơn, Vũ Hùng, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Văn Túc, Trần Đức Thạch, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Văn Trội, Vi Đức Hồi, Vũ Cao Quận, Ngô Quỳnh... đã dấy lên một thời rất sôi động những cuộc biểu tình, những vụ rải truyền đơn, căng khẩu hiệu khắp từ Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội... Ở dưới mặt đất, và cả trên trời.
Hãy nghe tiếng reo vang qua ký sự “Những quả bóng bay trên bầu trời Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa viết ngày 28 tháng 5 năm 2008:
“Đúng 10 h, những chùm bóng bay, đủ các màu xanh, đỏ, tím vàng đã bay lên cao trên bầu trời thủ đô từ Hồ Gươm. Dưới mỗi chùm bóng là những băng rôn kích thước rộng dài 1 m và hơn 1m, mang các biểu ngữ: “ TỰ DO, NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM” và bằng cả Anh ngữ “HUMAN RIGHTS FOR VIETNAM; DEMOCRACY FOR VIETNAM”, trong con mắt kinh ngạc, cảm phục và phấn chấn của người Hà Nội, trong ống kinh và cây bút của các hãng truyền thông quốc tế.
Một lần nữa và bằng một hình thức mới, tiếng kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Việt Nam đã được chuyển tải ra thế giới văn minh
Ngày mai cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ khai mạc”.
Ông viết văn, viết báo, làm thơ, ông tán phát các tập san “Tự do Ngôn luận” và “Tổ Quốc”, ông treo khẩu hiệu chống tham nhũng, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, đòi tự do ngôn luận, yêu cầu đa nguyên đa đảng...
Tổ quốc rồi sẽ ghi công trạng nói hay làm giỏi vì sự nghiệp dân chủ hóa Việt Nam của ông.
Với khẩu lệnh “Tổ quốc/chúng tôi chết cho người/không chờ ai cấp phép”, ông cứ thế dũng mãnh xông lên. Trong bản Tham luận gửi Hội nghị Vì Tự Do và Đoàn Kết tại Ba Lan, khai mạc tại trụ sở Quốc hội Ba Lan hôm 10 tháng 12 năm 2007 tại Warsaw, Ba Lan, ông viết:
“... tôi nghĩ nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân hoạt động dân chủ, nhân quyền cho Quốc nội là vô cùng khó khăn; một mặt chúng ta đánh đổ chủ nghĩa cộng sản trên phương diện lý luận, mặt khác chúng ta phải đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động để có một thể chế chính trị đa nguyên mà quyền lựa chọn người cầm quyền là của người dân; và khi nhân dân có quyền lựa chọn, tôi tin rằng ĐCSVN sẽ phải từ bỏ quyền lực và sau đó chắc chắn đất nước ta sẽ thay đổi”.
Đạp lên cường quyền, “không chờ ai cấp phép”, cũng trong tham luận trên, ông còn khẳng định:
“Gần đây, một sự kiện nổi bật khiến dư luận quốc tế và trong nước quan tâm là các đảng viên đang sinh sống ở hải ngoại của đảng Việt Tân, một đảng chính trị theo đường lối ôn hòa, phi bạo lực của người Việt Nam ở cả quốc nội và hải ngoại công khai về nước hoạt động dân chủ nhân quyền kết hợp cùng các lực lượng dân chủ trong nước và bị công an cộng sản bắt giữ. Xét thấy Việt Nam đã kí công nhận các quyền dân sự và chính trị của LHQ là giá trị chung của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam thì các đảng viên đảng Việt Tân về nước truyền bá các giá trị chung đã nêu trên là đúng đắn, không vi phạm Hiến Pháp Việt Nam, đặc biệt là công ước nhân quyền LHQ mà Việt Nam đã kí kết. Cho nên việc bắt giữ họ là đi ngược cách hành xử phổ thông của quốc tế. Việc chính quyền cộng sản Việt Nam vu cáo Việt Tân là tổ chức khủng bố để kết tội là hoàn toàn không có cơ sở. Thiết nghĩ chúng ta phải phát động một phong trào ở hải ngoại và trong nước phản đối vụ bắt giữ này.
... Chúng tôi thừa nhận các cá nhân và các tổ chức hoạt động dân chủ, nhân quyền của đồng bào Việt Nam tại hải ngoại về nước truyền bá giá trị chung của nhân loại là hữu ích và cần thiết; nó tạo cho phong trào dân chủ một sức mạnh mới. Những người hoạt động đối kháng trong nước chúng tôi ủng hộ và kính phục lòng dũng cảm của họ”.
Người ta bỏ tù ông, cùm kẹp ông cả trong bệnh viện nhưng gương dũng liệt của ông vẫn tỏa sáng, tinh thần ông vẫn trào sôi trong máu không chỉ lứa trẻ mà cả những lớp giả như người viết bài này.
Hà Nội 21 tháng 10 năm 2013
Nguyễn Thanh Giang * Mobi: 0984 724 165 * Thư viện mạng: www.nguyenthanhgiang.com