Vì sao dân đói khát, trực thăng cứu hộ không đến? - Dân Làm Báo

Vì sao dân đói khát, trực thăng cứu hộ không đến?

Minh Quân (VTC News) - Dân 2 ngày đằm mình trong nước lũ, chịu cảnh đói khát, trực thăng cứu hộ chỉ để “làm cảnh”, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn giải trình gì? Hơn 2 ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên VTC News ở Hà Tĩnh, nhiều nơi người dân đang phải chịu cảnh đói khát, chìm trong nước lũ, đói khổ thấu trời. Điều đáng nói, lương thực tiếp tế vẫn chưa thể tới tay người dân do không có các phương tiện vận chuyển hiện đại như trực thăng cứu hộ. 

Để làm rõ những bức xúc của người dân địa phương liên quan tới chuyện sử dụng trực thăng cứu hộ, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Lâm Hoàng - Trực ban Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn thuộc Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn

- Thưa ông, vừa qua chúng tôi nhận được phản ánh, ở Hà Tĩnh có vùng bị cô lập 2 ngày trong nước lũ, không có đồ ăn, nước uống, nhưng không thấy trực thăng cứu hộ. Vì sao vậy? 

Trung tâm điều hành và văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã và đang theo sát diễn biến ở những khu vực này. Chúng tôi đã nắm được tình hình. Nhưng địa phương và lực lượng vũ trang quân khu ở đó cho hay, họ vẫn làm chủ tình hình và mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. 

Ở Hà Tĩnh, nhiều nơi nước ngập cô lập, 
nhiều hộ dân không có nơi nấu ăn (Ảnh: Hồng Thắng) 

Do đó, các địa phương chưa có ý kiến gì về việc xin trợ giúp ở cấp cao hơn, như điều động trực thăng cứu hộ cũng như các yêu cầu khác. 

- Nói như vậy có nghĩa là phải chờ có đơn xin trợ giúp mới có trực thăng cứu hộ? 

Đúng vậy. Trực thăng cứu hộ phải xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của địa phương. 

- Theo quy trình, đơn vị, cơ quan nào ở địa phương sẽ phải/được gửi đơn xin trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp, thưa ông? 

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh và Ủy ban nhân dân các tỉnh sẽ là những cơ quan, đơn vị đề xuất điều động trực thăng cứu hộ, các yêu cầu khác. 

- Trong trường hợp lãnh đạo ở các địa phương không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của tình hình thực tế, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn dựa vào báo cáo, lời khẳng định “mọi việc trong tầm kiểm soát” của họ? 

Ngoài các cơ sở báo cáo lên, chúng tôi còn nắm thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Địa phương cũng như các đơn vị quân đội khi thấy tình huống khẩn cấp phải có yêu cầu, đề xuất để chúng tôi báo cáo lãnh đạo, những người có thẩm quyền về cách xử lý tình huống.

Ở mọi cấp chính quyền, chúng tôi đều có xác minh chéo. Chẳng hạn, ở các huyện, Ban chỉ huy quân sự và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão sẽ cùng xác minh thông tin trước khi báo cáo cấp trên. Ở tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hay Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh sẽ kiểm tra chéo các thông tin của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. 

Khi thấy các thông tin báo cáo lên không khớp nhau, chúng tôi sẽ đối chiếu, đưa ra đánh giá, nhận xét, sau đó báo cáo lãnh đạo để có các đề xuất phương án. 

- Khoảng thời gian từ lúc có đề xuất tới khi trực thăng được điều động tới các khu vực cần thiết phải cứu hộ là bao lâu thưa ông? 

Còn tùy theo nhu cầu, mức độ sự việc có khẩn cấp hay không, nhưng thường thì sẽ nhanh thôi. Khi có đề xuất, trung tâm sẽ báo cáo với lãnh đạo Ủy ban và Bộ Quốc phòng. Chắc chỉ mất một vài tiếng thôi. 

- Nhiều người cho rằng, trực thăng cứu hộ luôn “chậm trễ” trong những lần cứu nạn và có không ít lý do để người ta giải trình cho sự chậm trễ đó. Thực hư việc này ra sao? 

Ở trung tâm, chúng tôi chưa thấy trường hợp nào như thế cả. Khi địa phương, cơ quan chức năng có yêu cầu, chúng tôi sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin một cách nhanh và hiệu quả nhất. 

- Cũng có ý kiến cho rằng, trực thăng khó di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu nên người ta không muốn huy động? 

Khi có lệnh, bất chấp mọi điều kiện thời tiết, trực thăng cứu hộ vẫn phải “vào cuộc”. Việc huy động trực thăng cứu hộ phải được thực hiện một cách nhanh và hiệu quả nhất. 

- Hiện Trung tâm có nắm được những địa phương nào người dân đang chìm trong nước lũ, không có đồ ăn, nước uống? 

Theo báo cáo, giờ chỉ còn huyện Lương Sơn (Hà Tĩnh) có 5 xã vẫn chìm trong nước lũ gồm: Sơn Long, Sơn Mỹ, Sơn Trà, Sơn An và Sơn Tiến. Nước ngập khoảng 1 mét. 

- Hiện những vùng ngập trong mưa lũ, có lãnh đạo địa phương nào gửi đơn thư “kêu cứu” chưa thưa ông? 

Hiện tại thì chưa. 

- Đến thời điểm hiện tại, công tác cứu hộ, cứu nạn ở các địa phương đó ra sao?

Quốc Lộ 8A trưa ngày 17 vẫn chưa thể lưu thông do nước lũ ngập đường (Ảnh: Hồng Thắng) 

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quân khu 4, quân khu 5 huy động lực lượng vũ trang với số lượng lớn tham gia khắc phục hậu quả của bão lũ. 

Cụ thể, đến lúc này, quân khu 4 đã huy động 190.708 người, trong đó bộ đội 20.819 người, dân quân tự vệ 169.889 người, và 2.178 phương tiện các loại tham gia khắc phục hậu quả của bão lũ. 

- Đã có các báo cáo về thiệt hại ban đầu sau bão lũ chưa thưa ông?

Đến thời điểm này, bão lũ càn quét đã khiến 21 người thiệt mạng, 5 người mất tích, 150 người bị thương. Về tài sản: 180 ngôi nhà bị sập, 31.608 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 1.469 cột điện bị đổ, 45.272 nhà và trường học bị ngập, chìm 50 phương tiện, làm hỏng 76 phương tiện. Ngoài ra, 1.824 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 5.104 ha cây công nghiệp rừng bị hư hại. 

Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, chúng tôi đã di dời được nhiều hộ dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, giảm đáng kể các thiệt hại do bão lũ. Cụ thể, trước bão và trong bão 130.088 người đã được đưa tới nơi an toàn. 

Trong đó Quảng Nam có 9.227 hộ, 27.038 người, Đà Nẵng có 9.168 hộ, 45.018 người, Quảng Trị có 8.242 hộ, 26.228 người, Thừa Thiên Huế có 7.544 hộ, 6.031 người, Quảng Ngãi có 1.422 hộ, 5.773 người. 

Đến thời điểm mưa lũ vừa qua, tổng số di dời được 2.230 hộ, 10.765 người trong đó Hà Tĩnh có 1.450 hộ, 5.940 người, Quảng Bình có 780 hộ, 4825 người.

Xin cảm ơn ông!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo