Dấu hiệu ngân hàng ở Việt Nam khủng hoảng nặng - Dân Làm Báo

Dấu hiệu ngân hàng ở Việt Nam khủng hoảng nặng

HÀ NỘI (NV) - Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng. Các ngân hàng đang tìm mọi cách để loại bỏ bớt một số không ít nhân viên, dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng ngày một nặng.

Đó là những dấu hiệu mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng của toàn bộ hệ thống này tại Việt Nam. 

Thông báo mới nhất của Ngân hàng quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là 142 ngàn tỷ, cao hơn 24 ngàn tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Eximbank, trao đổi với báo giới quanh dự tính cắt giảm 1,000 nhân viên của ngân hàng này. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên trò chuyện với BBC, ngày 15/11, một chuyên viên phân tích làm việc cho hãng xếp hạng tín dụng Moody's tên là Christian De Guzman, bảo rằng ông tin những số liệu mà Ngân hàng Quốc gia của CSVN đưa ra là chính xác.

Số liệu về nợ xấu của hệ thống ngân hàng mà Moody's công bố luôn cao hơn các con số do hệ thống ngân hàng Việt Nam loan báo. Theo ông Guzman, nếu nợ xấu vẫn tăng dù tốc độ tăng chậm lại thì điều đó vẫn đồng nghĩa với việc cả hệ thống ngân hàng đang đối mặt với khó khăn rất lớn.

Để giải quyết tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhà cầm quyền Việt Nam thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Guzman nhận định, số vốn mà VAMC được cấp quá nhỏ so với thống kê về nợ xấu mà Moody's hiện có.

Cũng trò chuyện với BBC về hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Alfred Chan, Giám đốc định chế tài chính của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho rằng, VAMC không thực sự giúp hệ thống ngân hàng tiếp cận vốn mới, điều đó sẽ làm cho hệ thống này không thể đối phó với nợ xấu và không thể kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế.

Một số dấu hiệu đang diễn ra cho thấy Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Trong một bài viết có tựa là “Hàng ngàn nhân viên ngân hàng mất việc”, tờ Tuổi Trẻ mô tả kỹ lưỡng tình trạng khốn cùng và tương lai ảm đảm của những người làm việc cho hệ thống này tại Việt Nam.

Trước đó, Trong sáu tháng đầu năm nay, có khoảng 1200 nhân viên của các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn mất việc. Đến qúy ba (tháng 7 đến tháng 9), chỉ riêng Ngân hàng Á Châu (ACB) đã có 700 nhân viên bị mất việc. Chưa kể Ngân hàng (quốc doanh) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tuyên bố sẽ cho nghỉ việc hàng ngàn nhân viên.

Các nhân viên bị mất việc kể với phóng viên tờ Tuổi Trẻ rằng, ngoài việc cho nghỉ việc, những ngân hàng nơi họ làm việc còn tìm đủ mọi cách để ép họ tự xin nghỉ. Ví dụ như buộc họ hoàn tất các “chỉ tiêu không tưởng”, vô cớ giáng cấp những nhân viên đang làm quản lý, liên tục hạ lương, gây khó khăn, căng thẳng như buộc phải “đăng ký trước về thời điểm có con để duyệt xét, sắp xếp công việc cho hợp lý”. (G.Đ)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo