Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Quá nhiều đài, bắt dân nghe quá nhiều!
LĐO - Nhận định về “ma trận” các cột phát sóng phát thanh, truyền hình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thốt lên “Chúng ta có rất nhiều đài, nhiều khi bắt người dân nghe quá nhiều, làm tác động đến môi trường sống”.
“Phủ sóng vùng lõm, cuối cùng lại làm nó lồi ra”
Đây là phát biểu tóm tắt của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng liên quan đến vấn đề quy hoạch mạng lưới phát thanh, truyền hình khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, quản lý nhà nước phải có quy hoạch và phải làm quy hoạch thường xuyên. “Chúng ta phủ sóng vùng lõm, nhưng cuối cùng lại làm nó lồi ra, rất lãng phí tốn kém. Có vài ba chục cây số mà làm 3-4 cái cọc (phát sóng – PV)” – ông đánh giá.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các quy hoạch này khi xây dựng phải đảm bảo chất lượng và mỹ quan, mỹ tục. “Không biết do nhà mạng hay do các đài, báo khiến việc đặt các cọc ăngten rất tùy tiện, không khác gì ma trận quảng cáo. Tôi đề nghị về mặt cơ sở vật chất và quy hoạch phải làm cho tốt” - Chủ tịch QH nói.
Tại phiên chất vất trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận chất lượng các cột phát sóng chưa tốt, bị mưa bão làm đổ như ở Nam Định, Quảng Ninh. “Chúng tôi tiếp thu, thời gian tới sẽ chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng tốt hơn. Các trạm BTS sẽ được gia cố, đảm bảo an toàn trong mọi thời tiết” – Bộ trưởng Bắc Son cam kết.
Bộ trưởng cho biết, trong quy hoạch hạ tầng viễn thông có quy hoạch trạm BTS. Còn thông tin ảnh hưởng về phơi nhiễm do các cột phát sóng, các tổ chức nước ngoài đã đánh giá là không có. Ông cũng khẳng định tới đây sẽ xây dựng quy hoạch để bố trí hợp lý hơn, khắc phục tình trạng các cột phát sóng gây mất mỹ quan.
Quyền tiếp cận thông tin của dân đã được hiến định
Giải trình trước Quốc hội sáng 21.11 về tiến trình thực hiện dự án Luật Tiếp cận thông tin, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định quyền được thông tin của người dân đã được Hiến định. Bộ trưởng Tư pháp cho biết dự án luật này có 3 nội dung chủ yếu gồm: Phạm vi của thông tin được tiếp cận; trách hiệm cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho công dân; trình tự, thủ tục và hinh thức bảo đảm quyền được thông tin của công dân.
Tuy nhiên, ông cho rằng để thực hiện Luật Tiếp cận thông tin công dân, các nước đều tập trung lớn cả về nguồn lực, kinh phí, nên năm 2009 ta bắt đầu băn khoăn về kinh tế. Theo Bộ trưởng, nếu điều kiện cho phép, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ xem xét và đảm bảo nhiệm kỳ này trình ra Chính phủ dự án Luật Tiếp cận thông tin.