Xuân Tùng (Baodatviet) - Sai phạm tại Tổng công ty đường sắt VN, chất lượng nhiều công trình giao thông trọng điểm xuống cấp nghiêm trọng, dự án sân bay gây nhiều tranh cãi... là những vấn đề ngành giao thông đang phải đương đầu.
Đường sắt VN nhiều sai phạm
Thanh tra Bộ GTVT ngày 7/11 cho biết vừa có kết luận việc thanh tra bán vé, chi phí vận tải và cơ sở xây dựng giá vé hành khách tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong đó phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động của các đại lý vé tàu.
Cụ thể, Tổng Cty chia vé ra thành 10 kho, trong đó có 2 kho chỉ trước 48 giờ nếu còn vé mới được chuyển ra bán công khai. Với việc hạn chế cắt chặng đi (để bán vé), đoàn thanh tra kết luận, việc bán vé “không linh hoạt dẫn đến tạo sự khan hiếm giả tạo”.
Việc sử dụng Giấy đi tàu việc riêng không đúng quy định đã gây thất thu cho ngân sách. Tính trong 2 năm 2011 và 2012, Giấy đi tàu việc riêng có tổng giá trị đến 1,604 tỷ đồng. Bộ GTVT yêu cầu chấm dứt ngay hình thức giấy đi tàu này.
Công tác bán vé thô sơ, chủ yếu là bán trực tiếp (thậm chí là viết tay), bán vé qua mạng (thực chất là đặt vé, khách vẫn phải đến tận nơi mua) làm hành khách bức bối trong các dịp Tết cũng được phản ánh trong kết luận thanh tra. Có tới 24 DN tham gia thuê toa xe của Tổng Cty ĐSVN, riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai, số toa xe cho thuê là 67/76 toa.
Các toa xe xã hội hoá này có giá vé cao (DN tự đặt ra giá dịch vụ ngoài vé tàu) nên tạo ra bức xúc trong dư luận ở những thời điểm cao điểm. Bộ GTVT chỉ ra, Tổng Cty chọn DN thuê toa xe không theo tiêu chí, thậm chí có DN không có chức năng kinh doanh vận tải đường sắt.
Theo kết luận của Bộ GTVT, số toa xe được sử dụng từ 10 năm đến trên 30 năm chiếm 77%. Bộ GTVT đề nghị Tổng Cty ĐSVN chấm dứt ngay việc cho thuê mặt bằng tầng một tại ga Hà Nội, Sài Gòn và Lào Cai, để đón tiếp hành khách, thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Nội thất nhà ga được đánh giá: “Còn xấu, trang thiết bị còn thiếu và đã cũ; hệ thống thông gió, điều hòa ít tác dụng”.
Trảm tướng, điều quân… quyết chi tiền thưởng
Liên quan tới ngành giao thông, mới đây Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã phải đề nghị kiểm điểm lãnh đạo Sở và các ban quản lý, yêu cầu khắc phục hư hỏng trên Quốc lộ 1 trước 31/12.
Nhiều đoạn đường lún sâu tới 10cm
Nguyên nhân do đoạn đường chạy qua 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa những ngày gần đây xuất hiện nhiều vết hằn lún vệt bánh xe khi dự án sửa chữa mới hoàn thành.
Được biết, sai sót này là do nhiều vị trí thiếu chiều dày kết cấu, hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu theo công thức phối trộn...
Lý do không mới, bởi hiện tượng này đã xuất hiện trên rất nhiều các công trình dự án trọng điểm của Bộ GTVT như đường vành đai 3, cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy...
Nhưng lần này, lãnh đạo Bộ Giao thông quyết định yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Sở, giám đốc dự án và các trưởng phó phòng nghiệp vụ, chỉ huy trưởng công trường, cán bộ kỹ thuật… có liên quan đến các hạng mục bị hư hỏng.
Đồng thời cũng yêu cầu kéo dài thời gian bảo hành từ 3 đến 5 năm đối với những gói thầu này. Toàn bộ kinh phí sửa chữa các hư hỏng do phía nhà thầu phải chịu trách nhiệm.
Đối với các đơn vị tư vấn giám sát, Bộ trưởng yêu cầu thu hồi chi phí tư vấn giám sát tương ứng với khối lượng công trình bị sai phạm. Tư vấn thiết kế phải chịu mọi chi phí khắc phục, khảo sát thiết kế lại các hạng mục công việc vi phạm hoặc phải bồi thường toàn bộ kinh phí để xử lý các sai sót.
Khảo sát mới đây của Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT cho thấy dọc tuyến Quốc lộ 1 Bắc - Nam, Quốc lộ 5, Quốc lộ 3, đại lộ Đông Tây… đều đang xảy ra tình trạng lún vệt bánh xe, có điểm sâu tới 30-50cm.
Vị trí lún mặt đường còn xuất hiện cả ở những dự án vừa đưa vào khai thác như đoạn Quốc lộ 1 qua các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa; tuyến tránh ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận; trên mặt cầu Thanh Trì, TP Hà Nội và cầu vượt thép tại TP.HCM.
Đoạn từ Thanh Hoá đến Huế có 70km trên tổng số 620km bị lún theo vệt bánh xe. Ở đây, hiện tượng lún, trồi sống trâu chiếm khoảng 70/620 km (13%). Đoạn từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà có 90km trên tổng số 953km (15%), đoạn từ tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Bình Thuận hơn 16/245km (7%)…
Có vệt lún sâu đến hơn 10cm, các vết lún liên tiếp dồn gồ sống trâu trồi lên ở cả hai bên làn đường khiến cánh lái xe phát hoảng. Từng đoàn xe phải nối đuôi nhau, lái xe căng mắt, gồng mình điều khiển chiếc xe sao cho đi đúng vết lún, chệch ra ngoài là loạng choạng tay lái.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.
Phản ứng này khiến dư luận liên tưởng tới quyết định chi thưởng 180 tỷ cho nhà thầu làm đường lún vì vượt tiến độ của Bộ GTVT vừa qua.
Đó là đề xuất của nhà thầu thi công cầu cạn đường vành đai 3 (Hà Nội) khi vượt tiến độ 18 tháng và đã được Bộ GTVT đồng ý dù mặt đường đang bị biến dạng.
Theo lời ông Đỗ Quang Minh, giám đốc Dự án cầu cạn vành đai 3 (Ban quản lý dự án Thăng Long –PMU Thăng Long), số tiền thưởng này được trích từ vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản.
Quyết định chi thưởng được Bộ GTVT đưa ra trong bối cảnh hàng loạt các tuyến đường bộ cùng xuất hiện chất lượng lớp mặt bê tông nhựa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, gây hư hỏng mặt đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Trước đó, vào năm 2011 cũng liên quan đến sự cố hư hỏng mặt đường tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Lã Chí Đức, Giám đốc điều hành Dự án đã chính thức bị cách chức 29/11. Nhiều giám đốc và phó giám đốc khác của Dự án này cũng bị kỷ luật vì trách nhiệm liên đới.
Theo đó, báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng hư hỏng mặt đường là do một số mẻ bê tông áp phan chất lượng không đồng đều.
Sân bay Long Thành, cao tốc Mỹ Đình-Bái Đính lãng phí
Trong khi có ý kiến kiến nghị lên Chính phủ cho dừng dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì Bộ GTVT vẫn khẳng định cần thiết phải mở cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm hỗ trợ và thay thế sân bay Tân Sơn Nhất, vì việc này sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam và giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP.HCM.
Tuy nhiên, mới đây Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã gửi kiến nghị của các cử tri TP.HCM cho rằng nên bỏ dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và dừng xây dựng sân bay Long Thành cho đến khi có nhu cầu.
Bản đồ dự án tuyến đường Mỹ Đình - Bái Đính.
Hầu hết ý kiến các cử tri đều đề nghị nên tránh xa vốn ODA cho dự án này, để kiểm tra bài toán kinh tế dự án này hãy kêu gọi vốn FDI, xem có nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài nào vào làm không.
Một cử tri nói sân bay Long Thành “có tiền thì làm, không có tiền thì khoan, đừng vay mượn nước ngoài để con cháu phải trả nợ”. Bởi, theo đánh giá, xây dựng dự án vừa không hiệu quả kinh tế vừa lãng phí vô cùng.
Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên khu đất có diện tích lên đến 5.000 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 13 tỷ USD. Dự án nằm trên địa bàn các xã Long Phước, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Bàu Cạn, Cẩm Đường (huyện Long Thành). Việc xây dựng công trình sẽ chia làm 3 giai đoạn, dự kiến sẽ hoàn thành sau năm 2030 với công suất trên 100 triệu hành khách/năm.
Cùng với dự án sân bay Long Thành, dự án cao tốc Mỹ Đình - Bái Đính của Bộ GTVT cũng gây nhiều tranh cãi.
Tuyến đường này sẽ đi qua địa phận 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình. Trong khi đó, để đi từ Hà Nội về Ninh Bình đã có tuyến quốc lộ 1A cũ; đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường 1A đoạn Phủ Lý - Ninh Bình cũng đang được mở rộng, đường Hồ Chí Minh… nhiều tuyến đường còn chưa khai thác hết công suất.
Dự án đã không nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đầu tư thêm một con đường đồng hướng với tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ là điều cần phải xem xét kĩ lưỡng về quy mô đầu tư cũng như thời điểm triển khai.
Tuy nhiên, lập luận của Bộ GTVT lại cho rằng, đó là tuyến đường nhằm phục vụ du lịch tâm linh. Do nhu cầu du lịch nên đường càng vòng vo sẽ càng đẹp.