Ông Hai Say - Chuyện con Cọp và con trăn khổng lồ - Dân Làm Báo

Ông Hai Say - Chuyện con Cọp và con trăn khổng lồ

Nguyên Thạch (Danlambao) - (Tặng nhi đồng và tuổi Teen của DLB. Các bậc phu huynh có thể đọc cho trẻ nghe như đọc truyện cổ tích.)

Một đoạn ngắn:

"- Mày nói lảng, chết ai mà không sợ. Sở dĩ tao nán lại là tao thích coi chúng đánh nhau, vì tao tính trong bụng, sau cuộc chiến, con nào cũng từ bị thương cho đến chết.

-Tụi mày biết không, lẽ đời, khi người ta ôm ghì lấy nhau là bởi người ta thương yêu quấn quít nhau, còn đằng này, hai con thú dữ siết nhau là bởi chúng ghét nhau, muốn tranh thắng. Bởi vậy, người đời thường nói: “Rừng nào cọp nấy” là thế.

- Đúng vậy. con quái vật sau một hồi nghiền con cọp mềm nhũn, con mãng xà cũng cũng tàn hơi, nó ngã xuống cái rật như khối đất sét nhão nhè. Ý là con mãng xà cũng chết, cả hai đều chết, không con nào thắng con nào cả."
____________________________

Giữa thị thành chen chúc, xóm tôi có một nhân vật khá đặc biệt, khá ấn tượng và cũng rất khá khó hiểu… Ông Hai Say. 

Đầu tóc ông bờm xờm, trông như chiếc xe bò chở rơm, ông có bộ râu trên đen nghịt mọc dài. Khi có điều gì suy nghĩ, ông se chòm râu thành một vòng, riết rồi nó xếp nếp thành chữ O mà bên trong là cái miệng trông rất duyên dáng. 

Ông ăn mặc rất lôi thôi lết thếch, khi thì áo rộng thùng thình, quần treo lủng lẳng giữa giữa hai cái mông, lúc nào cũng như muốn tụt xuống, cho nên ông cứ phải bận bịu tối ngày kéo nó lên. Trời nóng quá thì ông mặc cái quần đùi rộng cho nó mát, cái quần đùi mà cả con tàu lửa chạy chạy vòng vòng ở trong mà vẫn còn dư chỗ chán. Thường ông không mặc áo, để hở hai mạng xương sườn, cái nhô ra, cái lỏm vào tựa như là cái lư nhang ông Địa. Đôi chân của ông như cặp tó xe bò, một cái thì hơi bự so với cái bên kia, thật không cân xứng chút nào. Ông cao lêu nghêu, nhìn dáng ông đi mà tôi cứ mường tượng là cái lũy tre đầu làng biết di động. Bởi cái dáng đi như vậy mà người ta cứ tưởng là ông lúc nào cũng say. 

Cái điểm đặc biệt ở ông là, với người lớn cà chớn xà bát thì ông cũng xà nẹo chưởi thề dẻo không thua ai. Nhưng đối với đám con nít thì không bao giờ tôi nghe một tiếng tục. Mà lạ thiệt, không hiểu tại sao ông lại có một sức thu hút con nít vô cùng mãnh liệt, lẽ thường thì con nít, hễ thấy ai có râu ria, tóc tai quái đản là tự nhiên sợ nhưng đằng này thì ngược lại. Tụi hàng xóm yêu ông như yêu một người bạn chí thân, có dịp qưỡn là tụi nó tụm năm tụm ba, năn nỉ ông kể chuyện, bất cứ chuyện gì. 

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, tụi trẻ ở tận miệt xóm lạ nào cũng nghe đến tiếng của ông, thỉnh thoảng tụi nó dồn lại một bầy, ngồi choáng cả lối đi vào xóm, tụi nó chờ ông kể chuyện, chuyện đời xưa, chuyện cổ tích. Nhiều khi xe Honda muốn chạy qua đều phải bóp kèm ỏm tỏi, như là có đám giặc chòm. Chuyện người lớn, tụi nó không thích thú mấy, nhưng hễ là chuyện nam tào bắc đẩu, mông lung, rùng rợn… là chúng mê ngay. Đó có lẽ là con đường sơ khai cho đám trẻ đi vào sự hiếu kỳ khi sau này chúng lớn lên để bước vào đời thì phải. Bởi vậy với nhiều người, kỷ niệm về những mẫu chuyện của thời niên thiếu, bao giờ cũng khó quên. 

Trào xưa, theo như lời ông kể, năm 1960, Ba Mẹ ẵm ông vào rừng đi kháng chiến, lúc ấy ông chưa tròn một tuổi, là đứa con trai duy nhất, Ba Mẹ không nỡ bỏ ông cù bơ cù bất một mình, không ai chăm sóc nên mang theo. Ông có nhiều chuyện để kể, thật cũng có mà tự dệt để hù đám con nít cũng có. Lớn lên trong hoang dã lạnh vắng của núi rừng, ông rất cô đơn và buồn tủi mỗi khi nhớ về quãng đời thơ ấu của mình. Khi luống tuổi về già, ông vẫn còn cần tình thương và san sẻ tình thương, xuất phát từ tình cảm chân thật, đó có lẽ là lý do tại sao ông thương con nít và đáp lại thì tụi con nít cũng rất thương mến ông. 

- Tụi mày ngồi yên, lớp lang thứ tự, kẻo không mấy thằng loi choai láu cá cỡi Honda tông chết uổng mạng, nghe không các binh sĩ. 

- Cả bọn đồng thanh: Dạ. 

- Tụi mày có bao giờ gặp cọp chưa? 

Đám con nít xôn xao: Dạ có. 

- Ở đâu. 

- Dạ, trong sở thú. 

- Trong sở thú thì nói làm gì cho mệt. Ý tao muốn hỏi là cọp hoang ở giữa rừng. 

- Dạ, chưa bao giờ, nhưng theo chỗ tụi con biết là bây giờ, ở ngoài rừng cũng không còn cọp nữa bác ạ. 

- Ủa, sao chúng mày biết? 

- Dạ nghe người lớn đi làm rẫy hoặc đi rừng, họ nói thế. 

- Ừ, vậy tụi mày biết tại sao rừng hết cọp không? Đứa nào trả lời đúng, tao kể chuyện tiếp cho mà nghe, còn không, tao về. 

- Dạ để con nói. 

- Ừ, nói đi. 

- Con nghe nói, người ta bắt cọp để lấy xương bán cho người Tàu nấu làm thuốc, còn da thì nhồi bông làm cọp giả để trưng cho oai trong những nhà giàu như nhà của chủ tịch tỉnh hay giámđốc công an tỉnh chẳng hạng. 

- Cao hổ cốt phải không? 

- Dạ đúng. 

- Ừ mày khá lắm, tao kể tiếp được chưa? 

- Được được được. 

- Hồi tao còn nhỏ, cũng cỡ tuổi tụi mày, tao đi làm giao liên, mà tụi mày có biết giao liên là gì không? 

- Dạ, là lao xuống giếng. 

- Tùm bậy, tào lao! Là làm liên lạc hoặc dẫn đường giữa trạm này với trạm nọ đó hiểu không. Tụi mày có biết Nguyễn Tấn Dũng không? 

- Là ai hở bác, nghe quen quen. 

- Trời, tụi mày không quan tâm gì về đất nước cả. Hồi tao bửng tụi mày, tao đã được học tập và dường như thuộc làu làu về những câu chuyện về bác Hồ. Chẳng hạng như khi đi thăm các vùng dân tộc miền núi, bác hay hút thuốc rê cho nó có vẻ bình dân. Bác thường mặc áo bốn túi, túi ở trên, phía bên phải là thuốc Tam Đảo hoặc Điện Biên, túi bên trái là thuốc ba số 555 có cán. Một hôm, vì gấp quá, anh cần vụ bỏ lộn gói 555 ở túi bên phải. Nói chuyện trước quần chúng đông đảo, mệt quá, bác nghỉ xả hơi làm một điếu. Theo thói quen, bác móc bên phải, thay vì là thuốc Tam đảo thì là thuốc ba số 555, loại thuốc mà ông ta rất thích hút, nhưng ngoài miệng thì chửi là thuốc của bọn tiểu tư sản phản động. Nhanh nhẩu, bác không hút, mà là mời các cụ dân làng hết cả gói, rồi bác nói: Bác thì không hút thuốc này, hôm nay mang theo để mời các cụ lấy thảo cho đượm tình quân dân… Thôi chuyện về bác Hồ dài lắm, bác chỉ là một tên xạo ke, điếm thúi. Cho nên tụi mày chớ nghe lời cô giáo dụ dỗ đầu độc, vẽ vời thêm mắm thêm muối cho những câu truyện kể phong thần về bác. Giờ thì trở lại câu chuyện… Ủa mà chuyện tới đâu, tao quên rùi. 

- Dạ chuyện Nguyễn Tấn Dũng. 

- Ừ, Nguyễn Tấn Dũng, hồi xưa cũng đã từng đi làm giao liên như tao đó, giờ ổng làm Thủ tướng. 

- Cả đám nhốn nháo: Sao bác không làm Thủ tướng?

- À, tao không thèm, nếu tao làm Thủ tướng thì tao sẽ luôn bận ký giao kèo, hợp đồng mánh mung để hốt bạc, tham nhũng, cướp của dân cho đã nư, ngay cả ngủ cũng còn không yên vì luôn nơm nớp lo sợ không biết sẽ bị xử lúc nào, làm gì có thì giờ rảnh rang mà kể chuyện cho tụi mày nghe. 

- Dạ, dạ đúng rồi đó, tụi con yêu bác hơn Thủ tướng. 

- He he he… Nhóc tì tụi mày mà cũng biết nịnh dữ nhen. Nhưng tại sao tụi mày lại yêu tao hơn Thủ tướng, đứa nào giỏi thì nói nghe coi? 

- Dạ, dễ mà, vì Thủ tướng hay cán bộ thì tham nhũng cướp bóc, đánh đập dân, chận xe đòi tiền hối lộ… hành Ba Má con, còn bác thì không lấy gì của ai cả, bác chỉ biết giúp và cho. Ví dụ như bác tận tâm sửa xe đạp, luôn vui cười và kể chuyện cho chúng cháu nghe. 

- À ha, thằng này, coi bộ hơi bị hay, mày có thể theo tao mà học cách kể chuyện. 

- Cho tụi con đi theo với, tụi con muốn là người kể chuyện hấp dẫn cho cả lớp nghe. 

- Dạ, dạ, đúng đó, nhưng chuyện cọp thì sao hở bác, kể nhanh đi, tụi con chờ nãy giờ. 

- Từ từ, bọn tụi mày có bận chuyện quốc gia đại sự gì đâu mà hối thế. Thôi được, tao kể tiếp. Hồi nãy, tao nói tới đâu rồi? 

- Dạ bắt cọp. 

- Một buổi chiều, trời không mưa không nắng, ý là trời lăm râm, trên tuyến đường tao đi vế trạm, bỗng nhiên như có luồng điện, tao quay lại phía sau thì tao thấy một con cọp bự, nó ở tư thế thò hai chân trước về phía trước để chuẩn bị phóng tới chụp tao. 

- Ừm, ghê quá à. 

- Tao chết đứng, nó tưởng thằng nhỏ có võ nên đứng thủ thế, mà không hề sợ nó. Thế là tụi mày biết sao không? 

- Sao bác. 

- Tuy chết đứng nhưng cũng còn biết đái và phụt trong quần, có lẽ con cọp ngửi được mùi nước đái của tao khai quá nên nó chán, nó bỏ đi. Cũng như ở phố vậy, chỗ nào có nhiều người đái bậy là người ta nản lòng không muốn gần, còn du khách ngoại quốc khi thấy người Việt Nam đường đường đứng đái giữa phố xá thì trừng mắt kinh ngạc và kèm theo những cái lắc đầu. 

- Tụi mày cũng không nên đái bậy. Hiểu chưa. 

- Dạ nhưng ở Việt nam đâu có cầu tiêu công cộng, nên phải bạ đâu đái đó thôi. 

- Thế tụi mày có buồn vì đất nước mà cái chỗ đái công cộng cũng chẳng làm được không? 

- Dạ, buồn thì tụi con không biết nhưng nhớ lại chuyện này, con cũng hơi mắc cỡ, con xin kể được không bác? 

- Ừ được chứ, có qua có lại mới toại lòng nhau. Kể đi. 

- Cháu có hai đứa em bà con ở Canada theo cha mẹ về thăm quê. Trong chuyến đi chơi, xe ngừng lại trước một xóm vắng, ông lái xe nói là ai bằng đái thì đi đái. Thằng em trai, nó xuống xe nhưng không chịu đái, con nhỏ con gái cũng vậy. Má nó sợ nó căng bễ bọng đái nên năn nỉ nó, nó cũng không chịu, thế là Má nó tìm cách là đưa cho nó một cái chai không, nước trà không độ, biểu nó đái vào đó, nó nghe lời, xong, Má nó quăng cái chai đi, nó không chịu, còn nói là sao Má xả rác, nó lượm lại rồi đem theo lên xe. Còn đứa con gái thì nhất quyết không chịu đái, con nghĩ có thể vì nó là con gái nên không thể đái vào chai được, nó đành nhịn cho tới khi mặt nó xanh lè, Má nó phải kêu ngừng xe, xin vào một nhà để được đi đái. Phần cái chai nước đem vào xe, chập hồi lâu, có bác tui ở dưới quê, khát nước, cầm lên nốc!. Ơi, một chuyện khó quên. Khi đi chơi xé lẻ, hai đứa em con nói với con là tụi nó sẽ không về Việt nam nữa, bởi ở đây không có cầu tiêu để đái mà chỉ thấy toàn là ngoài đường đứng đái trông gớm lắm. Khí hậu thì nóng nực và đi đâu cũng bị muỗi cắn. 

- À, coi bộ mày cũng biết kể chuyện, giỏi. Xứ người ta lịch lãm văn minh như vậy, có đâu mà như nước mình. Tao cũng thấy hổ lây đây nè. 

- Ủa mà chuyện con cọp tới đó là hết hả bác. 

- Chưa, làm sao hết được. 

- Cả bọn: Ồ, vậy là còn hấp dẫn… 

- Tao đã nói rồi, nếu không là hấp dẫn thì tại sao tụi mày cứ năn nỉ tao kể chuyện. 

- Thôi được, tụi con phục bác, bác kể tiếp đi. 

- Khi con cọp sợ tao, nó lãng đi, nhờ vậy mà tao hoàn hồn lấy lại tinh thần, tao liền chạy, tụi mày có biết tao chạy nhanh tới mức nào không?

- Nhanh như thỏ hả. 

- Thỏ mà nhằm nhò gì. Tao chưa biết lấy con gì để mà ví dụ, nhưng tụi mày còn nhớ ba ngày trước, thằng Cù Đê con của bà Hà xóm mình bị xe gắn máy tông gãy chân không? 

- Dạ nhớ chứ, nó đang ở nhà thương, chân còn đăng bột. 

- Ừ, thằng dịch giật, chạy trong hẻm mà tốc độ cũng phải 60 cây số giờ, tông con người ta. Đại khái tao phóng cũng cỡ đó, tao nhớ mãi. Vì trong đời, tao chưa bao giờ chạy nhanh như thế cả, cứ như thể là có cánh bay Lúc đó hồn vía tao đã tách ra khỏi thân mình nên người tao cũng nhẹ đi một phần. Chạy được non chục thước, có một cây, thân to bằng hai tay người ôm, tao chạy lên cây như người diễn ảo thuật, không bị té, bởi lúc đó nghe tiếng chạy, con cọp liền rượt theo, nếu tao té thì nó đã chụp tao rùi, còn đâu mà kể chuyện cọp cho bọn mày nghe. 

- Ồ ghê quá, bác tài ghê, chạy lên cây mà không bị té. 

- Ngồi ở nhánh trảng ba, tao không yên tâm vì nhìn xuống thấy sao mà gần nó quá, mặt nó rằn ri, râu nó lởm chởm, răng nó nhọn hoắt, mỗi lần nó gừ một cái là tay chân tao nó muốn rụng rời ra từng phần một. Lúc đó tao không còn nhanh được nữa, từ trảng ba mà bò lên gần ngọn, chỉ có hơn 5 thước mà tao bò cả gần hai tiếng mới đến. Đầu gối của tao nó run cằm cập, tao không còn tin vào khả năng ở mười ngón tay tao nữa, tao bấu thật chặt vào từng nhánh cây, cuối cùng cũng leo được tới đích. 

- Còn con cọp thì sao? 

- Thì sao, thay kệ nó, tao không còn đủ khả năng mà nhìn vào mặt nó nữa. 

- Ăn không được bác, nó không chán mà bỏ đi sao? 

- Mày hỏi cũng y như tao lúc đó. Tao cũng cầu Trời khẩn Phật cho nó đi, nhưng nó lại không đi. Có lẽ nó cũng chán tao nên nó gục đầu như ngủ, chỉ thỉnh thoảng nhìn tao rồi nhe răng cười mím chi cọp mà thôi. 

- Sao bác không đái xuống nhằm mặt nó, cho nó đi. 

- Trời, sao lại không. Tao bạch cu ra, cố đái, nhưng đâu có đái được, phần vì trước đó, tao đã vãi ra chẳng còn gì, thứ nữa, vì sợ quá nên toát mồ hôi liên tục, nước ra lổ chân lông hết rồi còn đâu để mà đái. Nhưng cái lý do chính là… là… gì, đố tụi mày? 

- Tụi con sao biết, bác nói đi. 

- Là tao teo chim, sợ, thun vô hết thì làm sao mà đái. He he he… 

- Thôi, chuyện đái không quan trọng nữa, vậy con cọp vẫn nằm đó, bác vẫn ngồi đó trên cây. Coi bộ gây cấn quá. 

- Ừ, một cọp, một người, vẫn gắn bó bên nhau nhưng không gì hứa hẹn, có thể nó chờ tao đói lã, rớt xuống thì nó được no, đồng thời tao sẽ đi vào lòng nó vĩnh viễn. 

- Chời, bác nói văn vẻ y như lời ông gì ở xóm Giá, xuống chọc con gái bà Tám hồi đêm qua khi đi ngang con nghe được, ổng nói chiện mùi lắm. 

Đứa khác tò mò hỏi. 

- Rồi bác với con cọp bên nhau như vậy cho đến bao giờ? 

- Từ xế, cho đến chiều, rồi tối, mãi tới canh hai. 

- Canh hai là mấy giờ hở bác?

- Là hai giờ khuya đó. 

- Trời, hai giờ khuya lận, bác không buồn ngủ sao? 

- Mày nói chiện sao mà nghe thanh bình quá. Ngủ rồi té xuống nó ăn thịt sao. 

- Dạ đúng rồi, con quên, cứ tưởng như đang ở nhà, hai giờ khuya mà không ngủ thì bị Má đánh. 

- Nhưng tao cũng không cảm thấy buồn ngủ mặc dù đêm đó cũng có gió mát trăng thanh giữa rừng hoang vu, đẹp lắm, sẵn tiện tao ngồi làm thơ, tao chỉ khát nước thôi. 

- Chết cha, trên ngọn cây, lấy nước đâu mà uống?

- Có chứ. 

- Ủa sao hay vậy?

- Trời trong, sương xuống đọng trên cành lá, tao nhóm tay, đưa từng chiếc lá vào miệng, liếm sương, liếm một lát cũng đủ thấm giọng. Tụi mày sau này, nhỡ có khi lạc vào rừng thì cũng nên nhớ cách này để có nước mà sống, hiểu chửa. 

- Dạ, tụi con sẽ nhớ vì cách này hơi bị hay. 

- Ngoại trừ tiếng phì phì của con quỉ cọp ra thì tất cả với màn đêm yên tĩnh, trăng cao vằng vặc. Đùng một cái, tao nghe có âm vang như bão nổi, dưới ánh trăng tỏ, tao thấy một con vật to bự dài, đang trên đà tiến về chỗ tụi tao. Trông nó như một con quái vật, là con mãng xà, con trăn thời cổ hay là con ma, , tao chưa định thần. 

- “Chời ơi”, lại càng hấp dẫn nữa. 

- Nãy giờ kể cho bọn mày nghe, tao hơi khô cuống họng. 

- Da, để con đi lấy nước. 

- Nghe lạnh óc mình, kể tiếp đi bác. 

- Không được, tụi mày chơi với nhau thì phải công bằng, thằng Tâm có công đi lấy nước cho tao thì nó cũng có quyền được nghe. Hiểu chưa. 

- Thằng quỉ, lấy gì mà lâu quá. 

- Kệ nó, tụi mình ráng chờ, không nghe bác Hai nói sao. 

- Nè nước đây bác. 

- Ừ, cảm ơn mày. 

- Ủa, hồi nãy tụi mày ngồi thư thả, mỗi thằng một cõi, sao giờ xúm lại co ro cúm rúm vậy.

- Dạ, tụi con thấy lạnh mình. 

- Lạnh đâu mà lạnh, xế chiều nóng muốn bức đây nè. 

- Con quái vật đó, nó phóng tới, tạo một luồng gió ào ào như trời chuyển giông, cỏ mọp mình xẹp xuống, cành cây chỗ tao trú ẩn, rung chuyển lá đổ tứ bề, mấy nhánh trảng ba phía dưới uốn mình kêu kèn kẹt rắc rắc, nhánh nào bị mục thì bay theo gió. Tao cũng phải ôm chặt vào thân cây, không khéo thì tao cũng bay luôn. 

- “Chời” con gì mà mạnh dữ, chắc là con tinh thôi. 

- Mày đừng ý kiến, để bác kể. 

- Con cọp đang ngủ gục, cũng bật dậy ngó láo liên, tao thấy hình như con cọp cũng suy nghĩ, nó cố suy nghĩ là thứ gì đây. Cùng lúc đó, con quái vật đã gần kề con cọp. Con cọp liền nỗi giận, nó gầm như động đất, tiếng “Ùm beo” nghe mà rởn tóc gáy. Con mãng xà bỗng dương cao một phần ba khúc thân của nó, tao độ chừng cũng phải cao hơn ba thước, nó sẵn sàng bủa chụp con cọp. Con cọp nóng gà nhào tới bấu vào thân con mãng xà, nhắm bấu không lại, nó cắn, máu xịt tung tóe, văng lên dính đầy cả mặt tao. 

- Ưm, ghê quá à. 

- Mùi máu tanh, tao muốn ói. Vậy là cuộc chiến xảy ra, con quái vật đau quá nó khoanh vòng ngược thụt lui, lạng qua lạng lại, đất cát cỏ lá bay mịt mù che kín cả mặt con cọp. Bụi mù trời, tao không còn nhìn thấy rõ, chỉ biết là hai con đang “quánh” nhau cũng gần cả nửa tiếng. Tao nghĩ bụng, hay là sẵn dịp chúng nó ác chiến, tao lần xuống cây và dông. Nhưng, nhưng, tao quyết định ở lại. Tụi mày biết sao tao muốn ở lại không? 

- Dạ, tại vì bác không sợ chết. 

- Mày nói lảng, chết ai mà không sợ. Sở dĩ tao nán lại là tao thích coi chúng đánh nhau, vì tao tính trong bụng, sau cuộc chiến, con nào cũng từ bị thương cho đến chết. Khi một chết, một bị thương thì con bị thương sẽ tự lo cho thân què quặt của nó, hơi sức nào mà còn nghĩ đến tao, thế là tao yên thân. Mà quả thiệt vậy, sau một hồi đấu đá, sức giả yếu dần, cát bụi cũng bớt tung bay, lúc bấy giờ tao được dịp nhìn rõ hơn. 

- Thấy sao bác, con nào ăn?

- Ừ, lúc đó tao cũng thắc mắc như mày vậy, rằng thì là không biết con nào thắng con nào bởi cả hai đều là thứ dữ. Rồi tụi mày biết kết quả ra sao không? 

- Ra sao thì bác cứ nói đi, trời ạ, làm hồi hộp quá à. 

- Ừ để tao uống chút nước cái đã, lúc không còn bụi, tao thấy con mãng xà quấn ghì con cọp, con cọp hộc máu mồm, nhe răng tua tủa như hàng chông chống giặc, xương kêu rắc rắc dòn sụm. Tụi mày biết không, lẽ đời, khi người ta ôm ghì lấy nhau là bởi người ta thương yêu quấn quít nhau, còn đằng này, hai con thú dữ siết nhau là bởi chúng ghét nhau, muốn tranh thắng. 

- Vậy có nghĩa là con cọp bị con mãng xà siết chết hả bác. 

- Đúng vậy. con quái vật sau một hồi nghiền con cọp mềm nhũn, con mãng xà cũng cũng tàn hơi, nó ngã xuống cái rật như khối đất sét nhão nhè. Ý là con mãng xà cũng chết. Cả hai đều chết, không con nào thắng con nào cả. 

- Hai con đều chét, vậy bác có xuống coi không? 

- Qua cơn hãi hùng, nhìn cuộc chiến, tao cũng thấm mệt. Tao quyết định là ngủ một giấc cho khỏe rồi sáng sớm hẳn tính. Tao ngủ mê man cho tới khi thấy mình như bay bổng. Một cái bịch, tao thức giấc. À thì ra tao ngủ mê quá bị té xuống cây rơi trên đống cát, hên là tao không sao, lúc ấy mặt trời cũng đã mọc hơn một sào. 

- Rồi bác đi coi hai con đó hả? 

- Dĩ nhiên, thiên địa ơi, tao đoan chắc là trong suốt cuộc đời về sau, tao sẽ không bao giờ nhìn thấy được hai con quái vật nào gớm giếc đến thế. Con mãng xà, hay con quái vật, thật sự là một con trăn khổng lồ, thân nó dài không non mười hai thước, bụng nó to tròn như cái sàn gạo. Nó có thể nuốt trửng một con heo cả tạ dễ như ăn ớt. Còn con cọp thì đúng là một con mãnh hổ, to bự bề thế, thịt bắp u nần. 

- Vậy là kết thúc câu chuyện hả bác?

- Dường là như vậy nhưng chưa hết hẳn. 

- Ủa, một trong hai con sống dậy chụp bác hả. 

- He he … mày cú trù ẻo tao không hà. Ý còn nữa là lúc đó tao đói bụng lắm lắm. Tao xẻo một miếng thịt của con trăn, lấy củi rừng chụm ra than đề nướng. 

- Ưm, thơm quá. 

- Sao mày biết thơm? 

- Thì nghe bác kể cũng đủ thơm rồi. 

- Ừ, thịt con trăn, nó trắng hơn thịt gà trống thiến, mỡ thì trắng đục. Từ thịt trắng hơ qua lửa than biến thành vàng vàng, mỡ rớt xuống lửa thơm ngậy cả một vùng, ăn thấy mà sướng miệng. 

- Con chảy nước miếng nè. 

- Trên đường về trạm đóng quân, tuy nắng gắt nhưng tao thấy mát trong lòng, ba ngày liên tiếp, tối ngủ là bị phát lạnh vì thịt trăn quá mát. Đến nơi, tao báo cáo cho trại biết sự cố đêm qua, mấy toán quân hơn cả trăm bộ đội ào ào náo nức chờ đến tối, theo lối dẫn đường của tao mà đến nơi có hai con thú. Sau khi chứng kiến, ai cũng nói quả nhiên chưa bao giờ nhìn thấy những con thú rừng to lớn đến thế. Sau đó rất nhiều người xúm lại hì hục chặt con trăn ra làm nhiều chục khúc, còn con cọp thì họ để nguyên con kéo về.

Trên đường đi, tao nghe lóm câu bàn bạc của dăm người trong nhóm họ rằng, họ dự tính đề cử cho tao là một chiến sĩ anh hùng giết cọp, giết trăn khổng lồ. Tao cũng muốn ý kiến phân bua sự thật, nhưng cứ sợ họ cho tao là con nít, mới chín mười tuổi biết khỉ gì mà bày sự!. Tao đành mặc kệ. 

- Ngay đêm đó, họ mở tiệc, vừa là ăn được thịt quái vật, cũng vừa là đón tiếp mấy ông lớn ở Bắc mới vào đến nơi. Tao không biết cấp bậc, chức tước, nhưng theo cung cách mừng đón thì tao biết họ là những ông quan Bắc bộ. Tội nghiệp những anh quân “giải phóng” thì chỉ được mỗi người một miếng nhỏ, tao nghe mấy anh chị trong ban cần vụ nói: “Mình hy sinh của ngon vật lạ để gọi là tỏ lòng biết ơn các anh đã vào đây đánh Mỹ”!. Thiệt vậy, đêm đó, các ông trùm Bắc bộ, là những người được hưởng nhiều nhất. 

- Còn thịt con cọp thì ai cũng chê dai và hôi, không ai muốn ăn cả. Tuy nhiên cũng không lãng phí, họ cắt ra thành từng cục nhỏ, ướp với máu và mỡ cọp xong đem phơi cho vừa ỉ ỉ. Tụi mày không biết đâu, những anh “giải phóng quân” mà nguời ta thường gọi nôm na là Việt cộng, đeo miếng thịt cọp ngang hông khi vào xóm làng sẽ không bị chó sủa mà lộ tông tích, chó đánh hơi nghe mùi cọp là chỉ biết cong đuôi, hừ một cái rồi chạy trốn mất xác, không tiếng chó sủa thì lính Cộng hòa cứ yên tâm mà ngủ, đâu biết có Việt cộng về làng. 

- Đêm đó, mùi gia vị, mùi thịt nướng ngậy cả một vùng trời. May mà không có máy bay thám thính, bằng không máy bay sẽ ngửi được mùi khói thơm mà kêu B-52 dội bom chết mẹ tụi nó hết rồi. Chết cả tao nữa. He he he. 

- Thôi choạng vạng rồi, con ai vè nhà nấy, kẻo Ba Mẹ chúng bây la. Nhớ là chớ nghe lời cô thầy giáo bịa đặt thêu dệt chiện thần thánh nhé, có gì cứ lại đây hỏi, để tao giảng nghĩa cho. Còn một truyện “Con trăn dưới ánh trăng” nữa, hãy để dành để lần sau kể tiếp.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo