Bằng Phong Đặng Văn Âu (Danlambao) - Nhân đọc lại chuyện nhà văn Vũ Thư Hiên tường thuật về người tù dưới chế độ cộng sản lâu năm Tôn Thất Tần được Dân Làm Báo trích đăng lại, tôi xin kể thêm đôi chút để độc giả tường. Cụ Tôn thất Tần là anh ruột của Nghị sĩ VNCH Tôn Thất Uẩn và bà Tôn Nữ Oanh, tức là bà quả phụ Hà Thúc Ký – Chủ tịch Đảng Đại Việt Cách Mạng. Con gái của cụ Tôn Thất Tần là cô Tôn nữ Giáng Tiên, hiền thê của thi sĩ Trần Mạnh Hảo, là bạn thời thơ ấu của tôi. Tôi lớn tuổi hơn cô Tiên. Nhân được tin cụ Tôn Thất Tần qua đời, tôi xin thành kính chi buồn cùng anh Tôn Thất Uẩn, chị Hà Thúc Ký và cô Tôn nữ Giáng Tiên. Nguyện cầu hương linh người quá cố bình an nơi cõi vĩnh hằng.
Tôi có người anh ruột, tên là Đặng Văn Châu, sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến do luật sư Phan Anh lập ra dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Hùm Xám Đặng văn Việt, người anh em thúc bá của tôi, lúc bấy giờ cũng là sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến, nhưng khác chí hướng với ông anh ruột của tôi.
Khi Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 thỏa thuận cho Thực dân Pháp trở lại Đông Dương, anh Đặng văn Châu lên án Hồ Chí Minh bán nước, công khai xách động sinh viên trong trường nổi loạn. Kết quả, anh tôi bị bắt và bị kết án tử hình. Cụ Tôn Thất Tần cũng là người chống lại Hồ Chí Minh bán nước, bị kết án tù chung thân.
Nhân dịp đọc lại câu chuyện nhà văn Vũ Thư Hiên viết về cụ Tôn Thất Tần, tôi xin kể cho bạn đọc về mẩu đối thoại giữa ông Phan Mỹ (em ruột của luật sư Phan Anh). Anh tôi là bạn học của Phan Mỹ, nên khi anh tôi bị Việt Minh nhốt tù thì Phan Mỹ (đang là đảng viên cộng sản) đến gặp anh tôi để thăm hỏi (một hình thức thẩm vấn của cộng sản?) và giảng giải về Karl Marx để thuyết phục anh tôi tin tưởng hành động Hồ Chí Minh ký hiệp định cho Pháp trở lại Đông Dương là đúng. Phan Mỹ vận động anh tôi tham gia đảng Cộng Sản để được khoan hồng, khỏi bị lãnh án tử hình. Anh tôi từ chối và nói: “Tại sao toa lại đi theo cộng sản? Hai khối Tư Bản và Cộng Sản là hai thế lực đang ra sức tiêu diệt lẫn nhau. Tại sao cụ Hồ không chọn con đường Trung Lập để tránh cho nhân dân khỏi rơi vào cuộc chém giết? Moa thà chết; chứ không thể nào tham gia vào đảng Cộng Sản để mang tội với đồng bào mình? Biết không thể thuyết phục được anh tôi, Phan Mỹ đành chia tay. Vào thời điểm 1946, anh tôi mới 21 tuổi, xuất thân trường Albert Sarraut, vừa mới đậu chứng chỉ Toán Đại Cương (Math Général) năm trước, mà đã nhìn thấy hiểm họa cộng sản sẽ gây nên cho dân tộc rồi. Trái lại thầy Tạ Quang Bửu, đương kim Hiệu trưởng Trường Thanh Niên Tiền Tuyến, rất giỏi về các ngành khoa học, toán học và triết học, nhưng Thầy Bửu đã sai lầm khi chọn con đường cộng sản.
Anh tôi bị đưa ra pháp trường để bị xử bắn thì vừa đúng lúc quân đội Pháp đổ bộ vào Hà Nội, nhờ đó mà được giải thoát. Thầy (Bố) chúng tôi qua đời vào lúc đất nước ngửa nghiêng, gia đình ly tán. Hai người anh khác của tôi – Đặng văn Bút, Đặng văn Nghiên – đang là sinh viên sắp ra trường Đại Học Hà Nội cũng bị lính của Võ Nguyên Giáp giết chết trong cuộc thanh trừng đảng phái Quốc Gia. Anh Đặng văn Châu của tôi thoát vào Sài Gòn, được người chú ruột là bác sĩ Đặng văn Hồ gửi sang Pháp du học. Vì cần có tiền để sinh sống, anh tôi chọn ngành Marine Marchante (trường này có học bổng hàng tháng) và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng Viễn Dương Thuyền trường (Commandant Long court) lái tàu xuyên Đại dương. Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm về nước, thu hồi nền độc lập từ tay người Pháp, anh tôi được mời về đảm nhiệm chức vụ Directeur Pilotage sông Sài Gòn và đồng thời làm Giám đốc trường Hàng Hải thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ.
Tháng Tư năm 1975, cộng sản chiếm Miền Nam, gia đình anh tôi bị kẹt lại, nhưng là một nhà hàng hải chuyên nghiệp, nên anh tôi đã đưa gia đình vượt biển sang Singapore an toàn và định cư tại Pháp. Anh tôi qua đời tại Pháp năm 2009 và các con đã đưa tro cốt của anh về chôn cất tại nghĩa trang dòng họ Đặng tại làng Nho Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An năm 2011. Nhân dịp đó, tôi đã liều mạng về nước để tham dự buổi lễ chôn cất tro cốt anh mình vào lòng đất Mẹ và để quỳ lạy Tổ tiên. Đây là lần về nước cuối cùng cho đến khi chế độ cộng sản bị lật đổ.