RFI - Bất chấp cấm đoán trên thực tế, những người ủng hộ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã thành lập một chính đảng riêng. Các nguồn tin gần gũi với phe ông Bạc Hy Lai đã khẳng định sự kiện này với Reuters, ngày hôm qua, 09/11/2013.
Chính đảng có tên gọi là Trí Hiến (Zhi Xian), theo nghĩa Hiến pháp là cao nhất, được thành lập ngày 6/11, tức là chỉ 3 ngày trước khi khai mạc Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương lần thứ 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Qua điện thoại, bà Vương Tranh (Wang Zheng), một trong những người sáng lập đảng Trí Hiến, giáo sư về thương mại quốc tế tại Viện Kinh tế và Quản lý Bắc Kinh, cho Reuters biết là ông Bạc Hy Lai, hiện đang thụ án tù chung thân, được chỉ định làm Chủ tịch đảng suốt đời. Mặt khác, việc thành lập đảng Trí Hiến không có gì là bất hợp pháp chiếu theo luật pháp Trung Quốc.
Ông Bạc Hy Lai được chỉ định làm Chủ tịch suốt đời đảng Trí Hiến. Trong ảnh: ông Bạc (G) tại phiên phúc thẩm, 25/10/2013) AFP PHOTO / CCTV
Vẫn theo vị giáo sư này, công văn thông báo việc thành lập đảng Trí Hiến đã được gửi tới đảng Cộng sản Trung Quốc, tới 8 phong trào chính trị khác mà Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ, cho phép hoạt động trên thực tế, cũng như tới Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gần như Mặt trận Tổ quốc).
Thông qua Giám đốc trại giam, đảng Trí Hiến cũng gửi thư tới ông Bạc Hy Lai, thông báo việc ông được chỉ định làm Chủ tịch đảng suốt đời.
Giáo sư Vương Tranh nhấn mạnh : « Chúng tôi không sợ hãi. Tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ bị bắt. Hành động của chúng tôi là hợp pháp và hợp lý ».
Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, không cấm việc thành lập các đảng phái chính trị. Nhưng trên thực tế, chính quyền không chấp nhận việc thành lập các tổ chức chính trị đối lập với đảng Cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền.
Reuters nhắc lại trường hợp nhà ly khai Từ Văn Lập (Xu Wenli), vào năm 1998, bị kết án 13 năm tù vì đã tham gia thành lập đảng Dân chủ Trung Quốc.
Tài liệu của đảng Trí Hiến khẳng định là tổ chức này hoàn toàn đồng thuận với chính sách bình đẳng, được gọi là « phồn thịnh chung » do ông Bạc Hy Lai chủ xướng, trước khi bị hạ bệ.
Tham vọng chính trị của cựu Bí thư Trùng Khách Bạc Hy Lai đã tiêu tan sau vụ một doanh nhân nguời Anh qua đời hồi tháng 11/2011. Trong vụ này, bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, đã bị kết án tử hình treo trong năm 2012. Còn ông Bạc Hy Lai bị kết tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và lãnh án tù chung thân. Những người ủng hộ ông Bạc cho đây là một vụ án chính trị.