Vaclav Havel - Chờ Tự Do - Dân Làm Báo

Vaclav Havel - Chờ Tự Do

Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Tên vở kịch nổi tiếng nhất của nhà viết kịch Samuel Beckett là Chờ Godot. Godot là hiện thân của sự chờ đợi vô vọng dằng dặc, là biểu tượng của sự đau khổ về sự khắc khoải chờ đợi điều gì đấy tưởng chừng như không bao giờ đến. Cho nên khi cuộc cách mạng Tiệp Khắc bùng nổ trên đường phố, người ta không bất ngờ khi thấy những biểu ngữ ghi "Godot ở đây!" và nghe tiếng reo hò trên đường phố "Godot đã đến!" Tự do cuối cùng đã đến!

Đây là trích đoạn bài diễn văn của cựu tổng thống Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn Lâm Pháp bàn về hai cách chờ Tự Do.

*

Từ một quốc gia đã chờ đợi tự do suốt bao nhiêu năm dài tôi đến với các bạn hôm nay. Vì vậy tôi mong các bạn cho phép tôi trình bày những ý kiến vắn tắt về hiện tượng chờ.

"Chờ Godot" đến để giải phóng hay cứu thoát là cách chờ đầu tiên trong vô vàn những cách chờ khác nhau. Đa phần chúng tôi chịu đựng ách cai trị cộng sản thường gần như chờ đợi theo cách đầu tiên này. Bị vây hãm, bị đè nén, bị đô hộ trong lòng chế độ toàn trị, nhiều cá nhân đã mất hết tất cả hy vọng tìm ra lối thoát, mất tất cả ý chí hành động và mất cả ý thức rằng họ có thể hành động. Tóm lại, họ mất hy vọng.

Tuy nhiên họ đã không và không thể nào mất nhu cầu hy vọng, vì không có hy vọng cuộc đời mất hết ý nghĩa. Vì vậy họ chờ Godot. Không thể nào ấp ủ hy vọng trong lòng, họ chờ đợi điều gì đấy tựa như sự giải thoát mơ hồ từ bên ngoài. Nhưng Godot không bao giờ đến, chỉ vì Godot không tồn tại. Godot chỉ thể hiện niềm hy vọng. Godot không phải là chính hy vọng, chỉ là ảo vọng. Godot sinh ra từ chính sự tuyệt vọng của chúng ta-miếng vải rách ấy để vá lại tâm hồn tả tơi. Miếng vải vá ấy lại chi chít những lỗ thủng. Đấy là niềm hy vọng của những người không có hy vọng.

Cách chờ cuối cùng trong vô vàn những cách chờ là cách chờ khác. Cách chờ ấy là sự kiên nhẫn và được khích lệ bởi hy vọng rằng phản kháng bằng cách nói lên sự thật là vấn đề nguyên tắc, là điều phải ta nên làm mà không cần đoán liệu phản kháng ấy sẽ đi đến đâu vào ngày mai, ngày mốt hay bao giờ. Cách chờ như thế xuất phát từ niềm tin rằng lập lại sự thật thách thức này tự riêng nó có ý nghĩa, cho dù người ta có nhận thức được sự thật hay không, hay sự thật chiến thắng, hay bị đàn áp đến trăm lần, chỉ mong sao đâm thủng được bức màn dối trá liên tục.

Cách chờ ấy cũng được khích lệ bởi niềm tin rằng hạt giống, một khi đã gieo xuống, sẽ bén rễ và nâỷ mầm vào một ngày nào đó, dù không ai biết khi nào. Cách chờ ấy dạy chúng ta kiên nhẫn chờ, chờ trong tâm trạng hy vọng, không phải là sự thể hiện tuyệt vọng. Khác với chờ Godot là cách chờ vô nghĩa tự dối mình và vì thế phí thời gian, cách chờ thứ hai thật sự có ý nghĩa; chờ không phải là sự dối lòng ngọt ngào mà là sự thật cay đắng, và thời gian chờ đợi không hoài phí. Chờ cho đến lúc hạt giống tốt nẩy mầm không giống như chờ Godot. Chờ Godot nghĩa là chờ hoa huệ chúng ta không bao giờ trồng nở hoa.

Ta không thể chờ Godot.

Godot sẽ không đến, vì Godot không tồn tại.

Thật ra, ta càng không thể tạo ra Godot. Ví dụ điển hình về Godot được tạo ra-tức một Godot thật sự xuất hiện và vì thế là Godot giả- là cộng sản. Cộng sản thường tuyên bố cứu chúng ta, nhưng cứu cùng chỉ tiêu diệt chúng ta.

Tôi đã từng muốn lịch sử tiến lên như cách trẻ em kéo cây để cho cây mau lớn.

Tôi tin chúng ta phải học chờ như chúng ta học sáng tạo. Chúng ta phải kiên nhẫn gieo hạt giống, chăm chỉ tưới nước và dành cho cây thời gian cần thiết để lớn lên.

Tựa như ta không thể nào lừa cây, ta không thể nào lừa lịch sử. Nhưng ta có thể tưới nước lịch sử. Tưới kiên nhẫn mỗi ngày. Tưới với tất cả sự thấu hiểu, với sự khiêm nhường, và với tất cả yêu thương.

danlambaovn.blogspot.com

Nguồn: Trích từ diễn văn của cựu Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn Lâm Pháp tại Paris vào ngày 27 tháng Mười, 1992. Bản tiếng Anh của Paul Wislon. Tựa đề của người dịch.

Từ tác phẩm "The Art of the Impossible" của Vaclav Havel, nhà xuất bản Mỹ Alfred A. Knoff, 1997, trang 103-108. Người dịch có tham khảo bản lược dịch của báo New York Times, số ra ngày 13 tháng Mười Một, 1992 với tựa đề "Planting, Watering and Waiting"


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo