Đào Tuấn (Lao Động) - “Ơn Đảng, Chính phủ, tôi đã được trở về với gia đình. Ơn bố, mẹ sinh ra chỉ có một lần nhưng lần này, Đảng và Chính phủ đã sinh ra tôi lần thứ hai”. Đây là lời mà người tù oan Nguyễn Thanh Chấn tâm sự với một tờ báo ngay sau khi từ trại giam trở về nhà.
Những lời nói “ơn Đảng, ơn Chính phủ” mộc mạc thật thà của người tù oan khiến chúng ta chạnh lòng. Lời cảm ơn của ông không sai vì sau khi kẻ thực sự giết người ra đầu thú, các cơ quan chức năng dù sao thì cũng đã động lòng trắc ẩn, để có một cái kết có hậu tuy là quá muộn mằn. Thế nhưng chưa đủ.
Có thể, nỗi uất hận sau 10 năm oan ức khiến ông không nhận ra một sự thật rằng chính lương tâm của kẻ giết người thật sự, khi bất ngờ ra đầu thú, mới là yếu tố quyết định cho tự do của ông ngày hôm nay.
Vâng, sự thật dẫu có đắng cay, có phũ phàng đến thế nào thì vẫn phải biết rằng, chính lương tâm của kẻ giết người, chứ không phải hoàn toàn do các cơ quan tố tụng được trao quyền “nhân danh nước cộng hòa…” mới cứu vớt ông khỏi cuộc đời oan khuất với một bản án tù chung thân.
Người ta từng viết về tên “tội phạm giết người này” rằng y “nổi tính trăng hoa”. Rằng “những người hắn nhắm tới là phụ nữ bị “khiếm khuyết” và bất hạnh trong cuộc sống gia đình như chồng chết hoặc đã ly hôn chồng. Vì vậy, chị H không nằm ngoài danh sách tình ái của Chấn… Khi bị chị H phản đối kịch liệt, lòng nhỏ nhen nổi lên và sợ xấu hổ với bà con xóm làng nên hắn ta đã xuống tay sát hại nạn nhân một cách dã man để che giấu hành vi bỉ ổi của mình”. Rằng “chỉ vì nhục dục...”.
Viết như thế, quả là trời không dung, đất không tha là đúng rồi.
Nhìn nhận lại toàn bộ vụ án cho thấy sau khi chị H bị giết chết một cách dã man vào ngày 15.8.2003, cơ quan điều tra phát hiện hai vết dấu chân trái dài 23cm, rộng 8,6cm và một vết chân phải dài 23,5cm rộng 9cm. Kết quả đo bàn chân của ông Chấn cho thấy chân trái ông Chấn dài 22cm, rộng 8,8cm, chân phải dài 23cm, rộng nhất 9,6cm.
Trong khi đó, lời khai của 3 nhân chứng cho thấy khoảng 19h30 ngày 15.8, ông Chấn còn đang lấy nước ở nhà chị V và “hơn 20 phút đồng hồ - từ 19h đến 19h25, Chấn không chứng minh được mình làm gì, đi đâu và với ai”.
Ông Chấn được “mời lên làm việc”, và chỉ ngay sau đó lập tức bị bắt giữ. Và thật kinh ngạc, khi được “mời lên làm việc”, “hắn cũng đã ghi rõ ràng sau khi gây án, nhận thức rõ hành vi tội ác của mình nên ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Biên bản tự thú này được kết thúc vào 18h30, sau 13 ngày xảy ra vụ án động trời tại tỉnh Bắc Giang”.
Chúng ta có các dữ kiện cho việc kết án tù chung thân về tội giết người như sau:
Tòa án chấp nhận kết quả so sánh dấu chân, coi đó là một trong những bằng chứng để buộc tội khi cho rằng "Khi so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của hai dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường của vụ án mạng đêm 15.8.2003".
Nghi phạm không không chứng minh được mình làm gì, đi đâu và với ai trong khoảng thời gian xảy ra vụ giết người...
... và bản nhận tội của chính hung thủ.
Tại sao ông Chấn lại tự thú, lại nhận tội giết người thì có lẽ đúng là điều mà ai cũng biết là cái gì đó.
Không phải không có lý khi có người nói vụ án oan này là một nỗi nhục của ngành tư pháp từ địa phương tới TƯ. Một nỗi nhục mà có bồi thường bao nhiêu, có sửa sai như thế nào cũng không gột rửa được.
Có một chi tiết cần phải mở ngoặc nói thêm, trong khi hung thủ thật sự khai nhận giết người là để cướp tài sản thì người ta quy kết động cơ giết người của ông Chấn là “vì nhục dục”.
Giết người thì phải có động cơ. Và khi mà không tìm được động cơ, thì cái động cơ dễ quy kết nhất cho nam nghi phạm là “vì nhục dục”.
Đến đây, chắc bạn đọc cũng đã tự trả lời câu hỏi rằng vì sao trong suốt 10 năm qua, hàng trăm lá đơn gửi đi nhưng không có một ai đoái hoài, dù các cơ quan chức năng nói họ đã xem xét.
Không ngẫu nhiên, việc đầu tiên mà người tù oan Nguyễn Thanh Chấn đã làm - sau khi trở về nhà, là chắp tay trước bàn thờ cha mình: Một liệt sĩ.
Các bạn có thể tưởng tượng được không: Nếu không vì người cha đã hy sinh vì đất nước, thì có thể, bản án dành cho ông Chấn đã là tử hình, trước một tội ác được coi là trời không dung, đất không tha.
Ơn Giời, hóa ra là ông còn có mắt, bởi người chết đi rồi thì nào còn có thể minh oan (?!).
Đào Tuấn