Trà Giang (Danlambao) - Một nhà thơ lớn khác ở quê tôi, mà cái sự lớn ấy có được cũng là một nhà thơ lớn khác cũng ở quê tôi, đã có bài viết phản ứng dữ dội (nhưng không biết có thực lòng) trên tờ báo đảng của tỉnh một với trang mạng “vô danh” (dấu ngoặc kép của nhà thơ trước) và tác giả liên quan đến bài viết về hủ tíu gõ xứ Quảng có nồi nước lèo hầm thịt chuột. Trước hết, phải nói ngay là nhà thơ có nhầm lẫn giữa hủ tíu (gõ) thành mì (gõ) mà vốn những người buôn bán cũng như thực khách phân biệt rất rõ giữa hai món ăn này về nhiều phương diện.
Tìm hiểu đôi chút, biết được tác giả bài viết đáng bị chê trách đó là nhà báo hoặc độc giả Đại Lâm, được đăng đầu tiên trên kenh13.info, sau đó được đăng lại trên một số trang khác như nguyentandung.org, webphunu.org..., có thêm thắt sửa đổi chút ít.
Mục đích, cách dựng ý, diễn đạt, và cả phương pháp tư duy của người viết có nhiều chỗ chưa rõ, đáng bàn. Nếu mục đích không tốt, thông tin không có cơ sở, ắt phải xử lý nghiêm khắc việc bằng nhiều công cụ pháp luật. Chỉ dừng lại ở dư luận, trong mấy ngày qua, đã có nhiều phản ứng không có lợi cho tác giả, tức là vạch ra cái không có lợi của bài viết đối với đối tượng, vấn đề được nêu ra. Hạ hồi phân giải.
Tuy nhiên, điểm cần bàn trước là bài viết phản ứng của nhà thơ nọ. Trước hết, nhà thơ xem đó là “ác với dân nghèo”. Dĩ nhiên, mọi cái ác với dân nghèo là không nên. Song có những cái ác “chính đáng” vẫn phải áp dụng với dân nghèo đó thôi. Lỗ Tấn, Ngô Tất Tố... vốn nổi tiếng là người yêu nước thương dân vì những áng văn ác với dân nghèo nông dân của các ông. Nếu quả chi tiết mà Đại Lâm nêu ra là có thật, cũng phải ác với hiện tượng (dù cá biệt) của việc này. Để bảo vệ sự an toàn của toàn xã hội (trong đó có người nghèo ăn hủ tíu), cũng phải ác với người nghèo tạo ra cái ác. Cảm xúc phẫn nộ của nhà thơ có lẽ chưa đạt được mức lương tri của tình cảm công dân trong nhà nước – xã hội “pháp quyền”.
Thứ nữa, nếu trang mạng nói đến là “vô danh”, thì về triết học, không có sự “nói đến” đó được. Không thể nói được gì với một cái vô danh (không có tên gọi). Vả lại, về mặt đạo đức, đã là vô danh (không nổi tiếng gì lắm) thì nói đến nó làm gì cho mất công.
Cuối cùng, chuyện là thế này, trong xã hội cạnh tranh, đại loại như chủ nghĩa tư bản hoặc kinh tế thị trường định hướng gì đó, có một qui luật kinh tế - đạo đức đã được khái quát từ thế kỷ XIX : có người nghèo là vì có người giàu; có người đói là vì có những người thừa ăn; có nước nghèo là do có những nước giàu. Cái mà tác giả nhà thơ nên hiểu là tại sao lại có những người nghèo Quảng Ngãi vào Sài Gòn tìm miếng ăn như vậy, trong khi một nhà báo – nhà thơ lại có thể mua xe cùng thời, cùng đời với những đại gia là chủ các doanh nghiệp lớn hàng chục năm trước đây. Ngay cả bài báo của nhà thơ ấy trên báo tỉnh cũng đã có nhuận bút bằng mười ngày lợi nhuận của những người dân Quảng đi bán hủ tíu gõ (không có thịt chuột) ở Sài Gòn. Nếu không hiểu, không thật lòng với điều ấy, hàng trăm bài viết phản ứng và bảo vệ dân nghèo kiểu nhà thơ cũng chỉ là nước mắt cá sấu, giả dối, mị dân và dân túy.