Vĩnh Tùng (Người Lao Động) - Mất việc vào dịp cuối năm đã đẩy hàng trăm công nhân vào hoàn cảnh khốn khó
“Giám đốc thông báo công ty tạm ngừng hoạt động sản xuất đến sau Tết Nguyên đán nhưng đến giờ vẫn chưa thanh toán lương tháng 12-2013 khiến chúng tôi rất hoang mang. Công nhân (CN) phần lớn là người nhập cư nên gia cảnh hết sức khó khăn, mong anh chị can thiệp để chúng tôi có tiền về quê”. Hàng chục CN Công ty TNHH May mặc Mai (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM) đã đến Báo Người Lao Động kêu cứu sáng 28-12.
Đột ngột mất việc
Tiếp xúc với chúng tôi, Hồ Hiếu Trung cho biết anh và nhiều đồng nghiệp vào làm tại công ty từ tháng 9-2013. Hôm 27-12, giám đốc là ông Mai Văn Phùng cho biết công ty tạm ngưng hoạt động đến sau Tết Nguyên đán. Tiền lương tháng 12-2013, công ty sẽ thanh toán cho CN từ ngày 1 đến 10-1-2014.
“Chưa hết bất ngờ, CN lại nhận được tin giám đốc về Mỹ để giải quyết việc riêng. Sợ mất quyền lợi, tập thể CN yêu cầu phải thanh toán dứt điểm tiền lương trước khi đi nhưng ông Phùng không chịu” - anh Trung bức xúc. Lo lắng không kém là nữ CN Nguyễn Thị Phúc. Mới vào công ty làm 2 tháng, chưa hết mừng thì nay chị lại mất việc.
Cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM (giữa) ghi nhận phản ánh của công nhân Công ty TNHH May mặc Mai vào chiều 28-12 |
Ngay sau khi nhận được tin báo của CN, UBND quận Thủ Đức đã yêu cầu LĐLĐ phối hợp cùng Phòng LĐ-TB-XH quận can thiệp, giải quyết.
Bi đát không kém là hoàn cảnh của hơn 400 CN Công ty TNHH Sanyo Semiconductor Việt Nam (100% vốn Nhật Bản - KCX Tân Thuận, TP HCM) khi nhận thông báo về việc công ty chấm dứt hoạt động. Trong thông báo, ban giám đốc xác nhận hợp đồng lao động giữa công ty và người lao động (NLĐ) sẽ chấm dứt từ ngày 29-1-2014. Toàn bộ CN mất việc sẽ được công ty giới thiệu việc làm tại On Semiconductor - một công ty liên kết với Sanyo Semiconductor Việt Nam, có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai.
“Theo thông báo này, không phải CN nào cũng được công ty mới tuyển dụng, nhất là người đã lớn tuổi. Tại sao công ty lại chọn thời điểm năm hết Tết đến như thế này để đẩy chúng tôi ra đường?” - một nữ CN bật khóc.
Trước đó một tuần, gần 100 CN Công ty TNHH S.B International (quận Bình Tân, TP HCM) cũng hết sức bất an khi công ty mất khả năng chi trả tiền lương tháng 10 và 11-2013 (khoảng 400 triệu đồng). Bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, băn khoăn: “Đáng lo nhất là 10 nữ CN đang mang thai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sắp đến kỳ sinh nở mà họ còn bị mất việc và bị doanh nghiệp (DN) treo quyền lợi”.
Tại huyện Hóc Môn, TP HCM, hàng chục CN Công ty TNHH C và J (100% vốn nước ngoài) cũng bị mất việc khi DN chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2013.
O ép công nhân
Không chỉ đối diện tương lai bấp bênh, CN mất việc còn hết sức ấm ức với cách hành xử thiếu thiện chí của DN. Tại Công ty TNHH May mặc Mai, trong khi CN hết sức lo lắng thì giám đốc lại xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi các cơ quan chức năng quận Thủ Đức đề nghị thanh toán dứt điểm nợ lương trước khi rời Việt Nam, ông Phùng cho biết sẽ ủy quyền cho kế toán trưởng. Thế nhưng, vị này đã thẳng thừng từ chối. Sau gần 5 giờ “cù cưa” với các cơ quan chức năng, đến 16 giờ ngày 28-12, ông Phùng mới chịu trả lương cho CN.
“Cách hành xử của công ty khó có thể chấp nhận. Dù công ty có hoạt động trở lại, chúng tôi cũng không quay về làm việc” - nữ CN Nguyễn Thị Thủy Châu bày tỏ.
Tại Công ty S.B International, đến nay, khả năng giải quyết quyền lợi cho gần 100 CN cũng rất mờ mịt. “Công ty hẹn cuối tháng 12-2013 sẽ thanh toán hết nợ lương nhưng giờ đã gần hết năm rồi mà chẳng thấy đâu” - một cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Bình Tân xác nhận.
Hàng trăm CN Công ty Sanyo Semiconductor Việt Nam cũng hết sức bất bình trước cách hành xử của lãnh đạo DN. Trong thông báo giải quyết quyền lợi cho CN mất việc, công ty cho biết NLĐ đã làm việc từ trước ngày 1-1-2009 sẽ được thanh toán trợ cấp thôi việc (mỗi năm nửa tháng lương). Ngoài ra, ban giám đốc sẽ thanh toán thêm khoản tiền hỗ trợ bổ sung (gọi là khoản hỗ trợ) khi công ty và NLĐ ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều gây “choáng” cho tập thể CN là thông báo nêu trên lại khẳng định CN sẽ không được thanh toán 2 khoản trợ cấp thôi việc và hỗ trợ nếu ký hợp đồng lao động với Công ty On Semiconductor Việt Nam. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN cho rằng cách hành xử này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn chẳng khác nào “đem con bỏ chợ, qua cầu rút ván”.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Giám sát, bảo vệ quyền lợi công nhân mất việc
"CN mất việc cuối năm chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trách nhiệm của DN là phải chia sẻ, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Nếu phát hiện DN chi trả quyền lợi không thỏa đáng, CN có thể khiếu nại đến Công đoàn (CĐ) cấp trên hoặc Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, chúng tôi sẽ can thiệp. LĐLĐ TP HCM lưu ý CĐ cấp trên theo dõi sát sao tình hình tại các DN phá sản, ngừng hoạt động để có kế hoạch giám sát việc chi trả chế độ chính sách, từ đó can thiệp, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Song song đó, CĐ cấp trên phải chủ động tìm việc làm mới cho CN mất việc, nhất là hỗ trợ người có thai, nuôi con nhỏ."