Khu đất bị thu hồi hiện tại đã mọc lên một khu nghỉ dưỡng cao cấp MIA
Lê Hưng (TN&MT) - Chủ tịch UBND huyện thấy dân không chịu nhận tiền đền bù vì giá quá thấp (1.500 đồng/m2) bèn đích thân ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất rừng để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp. Câu chuyện bi hài này xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa từ năm 2008 và đẩy người nông dân vào vòng lao lý.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn của các khu du lịch, nghỉ dưỡng chạy dọc theo con đường từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang cho nên năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hoà chấp thuận về mặt chủ trương giao cho Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch Cam Ranh làm chủ đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Dông - Cam Ranh (đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng).
Ngày 20/7/2005, UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành hai văn bản (trong cùng một ngày). Quyết định số 1471/QĐ-UBND thu hồi 35,3724 ha đất và 17,7573 ha mặt nước biển do UBND xã Cam Hải Đông và các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng; Quyết định số 1472/QĐ-UBND giao đất cho Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch Cam Ranh thuê đất để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dông - Cam Ranh.
Khu đất bị thu hồi hiện tại đã mọc lên một khu nghỉ dưỡng cao cấp MIA - Ảnh: LÊ HƯNG
Căn cứ vào các quyết định thu hồi, bàn giao, cho thuê đất nêu trên của UBND tỉnh Khánh Hòa. Ngày 14/10/2008, UBND huyện Cam Lâm ban hành một loạt các quyết định để thu hồi đất của các hộ dân nằm trong phần diện tích phải thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Trong số đó có hộ gia đình ông Phạm Khắc Mẫn (có đất tại thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Ranh) bị thu hồi 10.122,7m2 đất rừng trồng sản xuất, nuôi thuỷ sản nhưng chỉ được bồi thường tài sản trên đất là 15.965.712 đồng.
Không đồng ý với mức bồi thường hỗ trợ được phê duyệt, ông Phạm Khắc Mẫn đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Trong lúc chờ đợi quyền lợi của mình được các cơ quan trả lời một cách thỏa đáng thì chỉ hơn một tháng kể từ khi ra quyết định thu hồi đất. Ngày 05/12/2008, ông Nguyễn Xuân Hà - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 1719/QĐ-CC buộc hộ ông Mẫn phải bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án theo các Quyết định thu hồi đất số 1023/ QĐ-UBND, 1024/ QĐ-UBND ngày 14/10/2008 của UBND huyện Cam Lâm. Một quyết định cá nhân có một không hai của ông Hà đứng trên danh nghĩa “Người ra quyết định” - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.
Đích thân ông chủ tịch ra quyết định cưỡng chế đất của người dân - Ảnh: LÊ HƯNG
Đúng 8h sáng ngày 26/12/2008, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan ban ngành huyện Cam Lâm cùng với máy ủi, máy xúc đã tiến vào khu đất nhà ông Mẫn để tiến hành cưỡng chế. Hàng nghìn m2 nuôi thủy sản bị san lấp, hàng trăm ki lô gam hải sản đến kỳ cho thu hoạch mất trắng. Cây cối, nhà cửa, hoa màu bị những cỗ máy đào bới và san phẳng. Bao công sức của người dân lao động bỗng chốc tiêu tan, như giọt mồ hôi lăn rơi xuống bờ cát trắng. Tận mắt chứng kiến vụ việc cho nên mặc dù sự việc đã qua được 5 năm nhưng cho đến tận bây giờ ông Mẫn vẫn không thể tin rằng đời mình lại có lúc trắng tay như con dã tràng xe cát…
Quá uất ức, ông Mẫn đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Sau nhiều năm đợi chờ trong vô vọng, ông Mẫn quyết định khởi kiện ông Nguyễn Xuân Hà (nay đang giữ chức Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, tỉnh Khánh Hòa) ra TAND huyện Cam Lâm về việc ban hành quyết định cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông là sai thẩm quyền, đồng thời đề nghị TAND huyện Cam Lâm huỷ bỏ quyết định này.
Bãi bỏ đối tượng khởi kiện của người dân cho hết kiện
Ngày 30/9/2013, TAND huyện Cam Lâm đã tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính số 02/2013/HC-ST. Tại phiên tòa, ông Lê Thanh Hùng, trưởng phòng Tư pháp, đại diện UBND huyện Cam Lâm bất ngờ đưa ra một tình tiết mới đó là ngày 23/8/2013, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành Quyết định số 1192/ QĐ-UBND về việc bãi bỏ quyết định cưỡng chế số 1719/QĐ-CC, ngày 5/12/2008 do ông Nguyễn Xuân Hà (nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm ban hành) đối với hộ ông Mẫn.
Lí do được ông Hùng đưa ra là vì quyết định cưỡng chế căn cứ vào hai quyết định thu hồi đất số 1023/ QĐ-UBND, 1024/ QĐ-UBND, ngày 14/10/2008 của UBND huyện Cam Lâm đối với hộ ông Mẫn. Nhưng vì cả hai quyết định này đã bị bãi bỏ bằng quyết định số 703/ QĐ-UBND, ngày 14/4/2009. Do đó, không có căn cứ nào để quyết định cưỡng chế trên tồn tại, buộc phải ra quyết định bãi bỏ?.
Quyết định bãi bỏ quyết định cưỡng chế 1719/QĐ-CC - Ảnh: LÊ HƯNG
Sự thực có đúng như vậy hay không!?. Theo điều tra của phóng viên, ngày 14/4/2009, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành Quyết định số 703/ QĐ-UBND, bãi bỏ tất cả các quyết định thu hồi đất ban hành trước đó (36 quyết định, trong đó có 2 quyết định thu hồi số 1023, 1024 của nhà ông Mẫn) nhưng không hề có thông báo cũng như không gửi bất cứ quyết định thu hồi đất mới nào thay thế và tiến hành công bố cho người dân được biết “đất đó có bị thu hồi hay không?”.
Như vậy, về bản chất, các thửa đất này vẫn thuộc về người đang sử dụng trước đó, bất kể là người dân hay các tổ chức khác. Việc UBND huyện Cam Lâm ra quyết định thu hồi đất nhưng 6 tháng sau lại ra quyết định bãi bỏ trong khi đã tổ chức cưỡng chế đập phá tan tành nhà cửa, hoa màu của người dân để giao đất rừng cho tư nhân xây dựng khu du lịch sinh thái từ cách đó…4 tháng thật giống tiêu đề cuốn truyện “những người thích đùa” của nhà văn Azit Nezin.
Ngoài ra, việc hủy bỏ quyết định cưỡng chế sau 5 năm tổ chức cưỡng chế thành công, trực tiếp đẩy người dân vốn đã thiếu hiểu biết về pháp luật rơi vào vòng lao lý.
Không dừng lại ở đó, để cho chắc ăn, phía bị đơn (UBND huyện Cam Lâm) đã “có tinh thần trách nhiệm” rất cao khi chủ động ban hành quyết định bãi bỏ tất tần tật những gì bên nguyên đơn khởi kiện từ trước khi ra tòa hơn… 1 tháng để xem nguyên đơn kiện cái gì?.
Với tất cả sự chuẩn bị thật chu đáo như thế thì không có gì khó hiểu khi HĐXX-TAND huyện Cam Lâm đã ngay lập tức ra quyết định “bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Khắc Mẫn vì đối tượng khởi kiện đã không còn tồn tại”. Tách yêu cầu về thường thiệt hại của ông Phạm Khắc Mẫn để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.
Một lần nữa người nông dân lại thua khi đấu lý với UBND huyện. Trong vụ án này, phía bị đơn là UBND huyện Cam Lâm thay vì căn cứ vào các văn bản pháp lý đã có, giải quyết thật thỏa đáng các quyền lợi người dân được hưởng thì đã chứng minh rằng con voi có thể chui tọt qua lỗ kim dễ dàng.
Ông Phạm Khắc Mẫn đã gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Khánh Hòa. Đơn của ông được TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý, chuẩn bị đưa ra xét xử.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc.