Giấy rách phải giữ lấy lề! - Dân Làm Báo

Giấy rách phải giữ lấy lề!

Âu Dương Thệ (Danlambao) - Sau việc gần 100% đại biểu Quốc hội gật ngày 28.11 thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo kiểu "Nguyễn Như Vân" đã gây bất bình rất lớn trong nhiều giới và làm thất vọng trong thành phần đảng viên tiến bộ, những người cầm đầu chế độ toàn trị vẫn lên tiếng ca ngợi cho đó là những quyết định dân chủ và phản ảnh ý kiến của đại đa số nhân dân! Nhưng một số đảng viên tên tuổi biết tự trọng đã tuyên bố rút ra khỏi đảng và nhiều nhân sĩ cũng như các Blogger độc lập đã vạch trần những sự giả dối đánh lừa nhân dân của những người cầm đầu chế độ toàn trị.

Ngày 12.12. vừa qua Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và nguyên Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia HCM Lê Hữu Nghĩa đã viết bài "Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng" (1) được Thông tấn xã VN và Tạp chí Cộng sản điện tử phổ biến. Động cơ việc làm này của ông Nghĩa là quan ngại việc tự chuyển hóa, tự diễn biến và bỏ đảng có thể trở thành một phong trào trong thời gian tới và tiếng nói của các nhân sĩ, thanh niên và các Blogger độc lập có thể làm tê liệt bộ máy rất lớn nhưng đang rệu rạo của các báo, đài lề đảng. Cho nên mục tiêu chính mà ông Nghĩa muốn nhắm tới là tìm cách can ngăn và thuyết phục các đảng viên ĐCSVN đang muốn công khai bỏ Đảng, sau khi có một số đảng viên tên tuổi đã công bố vì đâu mà nay họ phải quyết định ra khỏi ĐCS.

Trong bài nói trên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa đã chia ra hai phần chính là "những quan điểm sai trái, thù địch""những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng". Từ đó ông Nghĩa vạch rõ, những ai bác bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin và chống chủ trương duy trì độc quyền của ĐCSVN đều bị xếp vào thành phần có "những quan điểm sai trái, thù địch". Và vì thế Lê Hữu Nghĩa đã qui kết những người này là "các thế lực thù địch, cơ hội chính trị" và không tiếc lời kết án, chụp mũ và đe dọa!

Tình hình trong đảng và ngoài xã hội

Nhưng khi suy nghĩ và đặt bút viết bài nói trên hẳn Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa phải biết tình hình rất xấu và tồi tệ ở tất cả các lãnh vực từ trong đảng đến ngoài xã hội và những nguyên nhân của nó. Chính sếp của ông, TBT Nguyễn Phú Trọng, đã nhìn nhận công khai trong nhiều Hội nghị Trung ương về tình trạng tha hóa đạo đức ngày càng phát triển sau 60 chục năm độc quyền của đảng và độc tôn của chủ nghĩa Marx-Lenin. Như trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 26.11.2011 ông Trọng đã than trách:

"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Vướng mắc chính là ở chỗ nào?" (2)

Thế rồi trong diễn văn bế mạc ngày 31.12.2011 cũng tại Hội nghị Trung ương 4 ông Trọng còn cảnh báo tương lai rất đen tối của chế độ toàn trị:

"Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên." (3).

Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc cuối tháng 2.12 cho trên 1000 cán bộ cao cấp Nguyễn Phú Trọng còn xác nhận, các nhóm lợi ích đang đục ruỗng chế độ: "Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?""mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?" (4)

Gần hai năm sau tình trạng tham nhũng vẫn không cải thiện được, "Các vụ án lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột." (5), như Nguyễn Phú Trọng kiêm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã nói với cử tri ở Hà Nội vào 6.12. 2013:

“Tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến. Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”. (6)

Tình hình bè cánh hành động theo lợi ích nhóm, tham nhũng và vô trách nhiệm đang diễn ra công khai ngay ở cấp cao nhất là Bộ chính trị và Trung ương đảng. Ba năm trước, khi vụ Tập đoàn Vinashin bị khui ra, chính Bộ chính trị khi ấy đã xác nhận, tập đoàn kinh tế nhà nước này đã làm thất thoát trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) và Bộ chính trị đã có Kết luận là phải thi hành kỉ luật đối với những người có trách nhiệm chính. Trong tư cách là người chỉ đạo trực tiếp các thí điểm lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúng ra phải nhận trách nhiệm chính trị trong việc để thất thoát rất lớn tài sản quốc gia, nghĩa là phải từ chức. Nhưng vì tôn thờ quyền-tiền để giữ ghế hay nhảy cao hơn, nên khi ấy những người chính trong Bộ chính trị đã thỏa hiệp lười biếng giữa họ với nhau trong Đại hội 11 (1.2011). Cho nên cuối cùng mọi việc giữa họ với nhau đều huề cả làng!

Tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 10.12 sau nhiều ngày họp rất căng thẳng, trong tư cách TBT ông Trọng đã thông báo cho các ủy viên Trung ương về quyết định của Bộ chính trị:

"Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị." (7)

Nhưng đại đa số các ủy viên trong Trung ương đảng đã phớt lờ quyết định của toàn thể Bộ chính trị, cho nên cuối cùng "một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị", tức Nguyễn Tấn Dũng, vẫn bình chân như vại, tiếp tục ngồi chỗm trệ trên ghế Thủ tướng. Chính ông Dũng còn biện minh giải thích là, những quyết định trong Chính phủ ông chỉ làm theo quyết định của tập thể mà thôi:

"Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai".8
Vì căn bệnh nguy hiểm của chế độ đã chạy tới đầu não nên Chủ tịch Trương Tấn Sang nói thẳng với Nguyễn Tấn Dũng "không đủ uy tín thì nghỉ, ở làm gì nữa" và còn trách "nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc". (9) Thậm chí Chủ tịch nước còn đặt cho Thủ tướng cái tên diễu cợt là "đồng chí X"! Mùa hè 2012 Nguyễn Phú Trọng còn mở hàng loạt các cuộc tự phê bình và phê bình rộng lớn nhất trong đảng từ trước tới nay, kéo dài nhiều tuần lễ. Từng ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên Ban bí thư trung ương đều phải "tự phê bình và phê bình nghiêm túc". Nhưng kết quả vẫn chỉ như nước đổ lá khoai như mọi người đã thấy từ Hội nghị Trung ương 6 tới nay!

Sau khi nghe nhân dân và đảng viên chửi rát tai, nên trong vụ xử Dương Chí Dũng hiện nay những người có trọng trách chính đã bày ra nhiều "diệu kế". Chỉ ít ngày trước vụ xử Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty hàng hải Vinalines, ông Trọng nói theo giọng chia sẻ với dư luận là, cho tới nay nhiều vụ án tham nhũng "lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột" và đã hí hửng loan báo là "hãy chờ xem" (10) trong vụ xử án nhóm Dương Chí Dũng lần này. Trong ngày xử có cả Trưởng ban Nội chính trung ương kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt. (11) Thế rồi đúng vào ngày xử vụ án, ngày 12.12 Phó trưởng ban Nội chính trung ương Phạm Anh Tuấn đã loan báo trước khi tòa xử: 

“Nếu như trước đây, mức án tham nhũng thường bị cho là nhẹ, thậm chí cho hưởng án ''treo'' nhiều vì căn cứ vào người phạm tội có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu... Tuy nhiên, với loại tội phạm này trong tình hình tham nhũng hiện nay, một mặt phải đáp ứng yêu cầu pháp lý, nhưng cũng phải đáp ứng cả yêu cầu chính trị, đòi hỏi của xã hội, vì vậy phải xử đủ nghiêm để răn đe”. 12

Nghĩa là, cũng như nhiều bản án khác trước đây, dự tính hình phạt tử hình Dương Chí Dũng đã được một số người có quyền lực định sẵn trước khi tòa xử. Nhưng Dương Trí Dũng và các tòng phạm khác chỉ là tay em, còn Nguyễn Tấn dũng mới là thủ phạm chính. Vì Thủ tướng là người chỉ đạo các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Thật là rõ ràng, pháp luật chế độ toàn trị đã được định theo tiêu chuẩn bắt con tôm tép thả con cá mập! Đấy là chưa kể những mưu mẹo vặt, vụ án Vinalines đã bị dời đi dời lại nhiều lần và nay họ chọn đúng vào dịp Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật mới đem vụ này ra xử và làm rất đình đám. Như vậy là cố tình tránh những tai tiếng cho thủ phạm chính! Không những thế trong vụ xử này hầu hết các nhà báo lề phải cũng chỉ được theo dõi qua video, chỉ vài kí giả được phép vào phòng xử theo dõi, nhưng lại bị cấm đem theo máy ảnh, điện thoại cầm tay... (13) Cách chuẩn bị này cho thấy, vụ án PMU 18 vẫn còn như cơn ác mộng ám ảnh những người có trọng trách! 

Nói tóm lại, kết quả của các Hội nghị Trung ương cũng như các hoạt động của những người cầm đầu chế độ toàn trị vừa qua cho thấy, tiếng nói của các nhóm lợi ích từ trong Trung ương tới Bộ chính trị đã dẫm nát kỉ cương và Điều lệ Đảng cũng như đạp cả lên pháp luật. Các người cầm đầu đảng, nhà nước và chính phủ còn công khai tố cáo lẫn nhau, lập phe cánh để thanh toán lẫn nhau. Tình đồng chí không còn, họ chỉ còn biết thờ đồng tiền và quyền tước mà thôi! Nhưng nếu cần thiết họ vẫn sẵn sàng dựng lên các màn dân chủ cuội để đánh lừa nhân dân.

Trong khi ấy, qua các báo cáo hàng năm của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín thì sau 60 năm bị cai trị dưới chế độ độc đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin nên VN vẫn đứng gần đội sổ trong rất nhiều lãnh vực, từ nhân quyền, tự do báo chí, tham nhũng. Còn kinh tế thì đang tụt hậu và thua xa cả với nhiều nước trong khu vực. Riêng về nhập siêu với Trung quốc thì mức nhập siêu của VN tính tới tháng 10.2013 đã gia tăng lên 19,6 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kì năm trước. Nếu tính từ năm 2001 thì nhập siêu từ Trung quốc đã tăng lên 100 lần.14 Chính sự lệ thuộc thương mại, tài chánh và kinh tế vào Trung quốc nên Bắc kinh đang công khai lấn chiếm các hải đảo và tài nguyên của VN và đe dọa trực tiếp chủ quyền và độc lập của đất nước!

Tất cả những tình hình trên trong mọi mặt đang diễn ra trong đảng, nhân dân phải chịu đựng và các nguy cơ thực sự cho đất nước là những sự kiện hết sức rõ ràng. Đây là kết quả của chế độ độc đảng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Marx-Lenin đã sinh sôi và tích lũy 60 năm. Là nhà khoa bảng cao, từng là ủy viên Trung ương và từng giữ các chức vụ quan trọng về tư tưởng và đào tạo cán bộ cao cấp nên Lê Hữu Nghĩa không thể phủ nhận được những sự thực này.

"Vướng mắc chính là ở chỗ nào?"

Câu hỏi trung tâm này liên quan nguồn gốc và nguyên nhân tạo ra khiến các nhóm lợi ích trong đảng đang tung hoành ngang ngược như chỗ không người để tham nhũng và đua đòi lối sống tha hóa đạo đức trên mồ hôi nước mắt và tiền thuế của nhân dân. Các tệ trạng này ở trong đảng không những không ngăn cản được mà còn đang phình ra nhất là ở những cán bộ có chức quyền cao, mặc dầu từ trước tới nay không biết bao nhiêu nghị quyết của Bộ chính trị và luật pháp được ban bố, như chính người cầm đầu chế độ Nguyễn Phú Trọng xác nhận trong nhiều Hội nghị Trung ương. Vướng mắc chính là ở chỗ nào và từ đâu? Câu hỏi cực kì quan trọng này đã được Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong Hội nghị Trung ương 4. Tuy ông Trọng đã nêu ra nhưng không dám trả lời.

Thực ra, câu trả lời rất rõ ràng như ngày với đêm, người bình thường ai cũng biết cả. Trong suốt mấy chục năm qua tổ chức chính trị nào đang nắm độc quyền chính trị ở VN? Và đảng này đang tôn thờ chủ nghĩa nào?

Trong mấy thập niên vừa qua chủ nghĩa dân chủ đa nguyên và chế độ đa đảng bị nghiêm cấm ở VN. Nhưng ĐCSVN đã độc quyền cai trị VN từ 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên toàn quốc. Chính ĐCSVN đã tôn thờ tuyệt đối chủ nghĩa Marx-Lenin từ khi thành lập đảng vào năm 1930 và lấy nó làm kim chỉ nam tổ chức xã hội từ khi đảng nắm độc quyền.

Như vậy là rất rõ ràng, không một ai có thể phủ nhận được sự thực: Chính ĐCSVN và chủ nghĩa Marx-Lenin là thủ phạm và nguồn gốc của các tệ trạng suy thoái đạo đức, tham nhũng bất trị, kinh tế xuống dốc, bất công, đàn áp và ngày càng lệ thuộc vào Bắc kinh. Nhân dân VN đang là nạn nhân của chế độ độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin đã thực sự phá sản!

Chính vì thế, nay nhiều thành phần nhân dân, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ biết quí tự trọng đứng lên vạch rõ những tội ác của chế độ độc tài và những sai lầm của Chủ nghĩa Xã hội. Những hành động như thế thật hết sức chính đáng và khẩn thiết. Ai có lương tri và sự hiểu biết tối thiểu đều phải nhìn nhận như vậy. Nhưng tại sao nhà khoa bảng và từng là Giám đốc một học viện cao cấp Lê Hữu Nghĩa lại mạt sát và kết án các giới này?! Từng nhiều năm làm Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia HCM, một học viện đào tạo các cán bộ cao cấp cho chế độ. Nhưng hiện nay nhiều cán bộ cao cấp đã trở nên hư hỏng ăn cắp của công, đàn áp dân lành, sáng cắp ô đi tối cắp về, thì rõ ràng Lê Hữu Nghĩa có phần trách nhiệm lớn trong đó! Học trò đốn mạt, vì thầy chẳng ra gì và đã đánh mất tư cách! Cho nên, nếu bình tĩnh, công tâm, sáng suốt và tự trọng thì ông Nghĩa phải biết ơn những ai chỉ cho mình những cái sai chứ!

Không dám nhìn sự thực lại còn lên giọng đạo đức!

Ở phần hai của bài trên, bằng cách viết hồ hởi và đóng vai "người biết điều" ông Nghĩa nói là, để cho mọi người phê bình những thiếu sót trong chính sách hay quyết định của chế độ, "để làm tốt hơn, lãnh đạo và quản lí đất nước hiệu quả hơn". Nhưng đồng thời Lê Hữu Nghĩa lại nghiêm cấm, không cho phép đụng tới sự độc tôn của ĐCSVN và chủ nghĩa Marx-Lenin. Nói như thế chả lẽ ông Nghĩa muốn áp dụng chuyện tiếu lâm của Trạng Quỳnh, chỉ cho đại tiện nhưng cấm tiểu tiện?!

Trong khuôn khổ giới hạn của bài này nên chỉ nêu bệnh tham nhũng trong chế độ toàn trị. Chính ông Trọng mới vài ngày trước nhìn nhận, tham nhũng của cán bộ đã "thành đường dây có tổ chức" trong đảng và nhà nước, chống tham nhũng chỉ như gãi ngứa ghẻ, chỉ gãi bề ngoài nên bệnh ngày càng nặng! Như các dẫn chứng ở trên, căn bệnh tham nhũng và sự lộng hành của bọn nhóm lợi ích đã chui lên cả Trung ương và Bộ chính trị. Nguyên nhân của nó là do chế độ độc đảng với chủ nghĩa Marx-Lenin đã sai lầm. Chính các nước Đông Âu đã nhìn thấy cội nguồn của của các tệ trạng xã hội là từ chế độ độc đảng và chủ nghĩa độc đoán Marx-Lenin, nên hơn 20 năm trước họ đã có can đảm rũ bỏ nó, nhờ thế xã hội đang lành mạnh trở lại và đất nước mới vươn lên được, nhân dân sung túc hơn, tự do dân chủ hơn.

Nay trong bài nói trên, Lê hữu Nghĩa chỉ cho phép chỉ trích những khuyết điểm, những hiện tượng không đẹp bên ngoài, nhưng lại cấm không cho phê bình những nguyên nhân cốt rễ... Tức là chỉ cho phê bình hiện tượng, nhưng lại cấm không được động tới nguồn gốc gây ra những hiện tượng đó! Là Phó Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương thì không thể nào ăn nói hồ đồ phản khoa học như vậy được! Trị bệnh thì phải trị tận gốc, không thể chỉ xoa bóp bên ngoài! Cách lí luận của Lê Hữu Nghĩa quá lắm chỉ là tự lừa đối mình! Nói thế chẳng qua là dân chủ hình thức, làm anh hề bán dạo ngoài phố! Miệng của kẻ độc tài hô hoán dân chủ!

Lê Hữu Nghĩa còn huyênh hoang là, các đảng viên và nhân dân có quyền trình bày quan điểm và ý kiến của mình. Nhưng ông Nghĩa quên rằng, mới vài năm trước chính Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định cấm các chuyên viên và trí thức trong đảng phản biện công khai, và cũng chính ông Dũng đã giải tán Ban cố vấn Thủ tướng chỉ ít lâu sau khi nhận chức Thủ tướng, mà chẳng cần cho biết lí do!

Sao Lê Hữu Nghĩa lại có thể chóng quên cả chuyện tầy đình vừa mới xảy ra vài tuần trước? Đó là việc Quốc hội thông qua gần 100% sửa đối Hiến pháp. Khi công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những người có trọng trách đã hồ hởi kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến và còn hứa là không cấm kị bất cứ ý kiến nào. Nhưng khi hàng chục ngàn trí thức, chuyên viên, thanh niên trong và ngoài nước, kể cả nhiều đảng viên tiến bộ đã viết Kiến nghị 72 công khai thẳng thắn đưa ra các đề nghị xây dựng để đất nước thật sự dân chủ thì ngày 25.2.2013 chính Nguyễn Phú Trọng đã cao ngạo lên tiếng kết án:

"Vừa rồi đã có các luồng ý kiến, cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống."

"Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó." (15)

Lệnh phán của Nguyễn Phú Trọng "phải quan tâm xử lí những điều đó" cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lí luận Trung ương và các báo của chế độ phải viết các bài mạ lị, bôi nhọ và đe dọa với trình độ rất thấp kém và tư cách rất tồi tệ! Thậm chí giữa tháng 11 vừa qua còn ra lệnh cho Quốc hội hủy bỏ buổi họp công khai thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp. Nghĩa là cấm các đại biểu được trình bày công khai quan điểm của mình về một văn kiện luật căn bản. Chính vì thế ngày 28.11 Quốc hội với gần 100% đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nội dung không khác gì Hiến pháp 1992. ĐCS vẫn độc quyền, chủ nghĩa Marx-lenin vẫn là thống soái, nhà nước (trong thực tế là đảng) vẫn độc quyền đất đai, quân đội và công an chỉ tuyệt đối trung thành với đảng! Giống hệt những mong muốn mà Nguyễn Phú Trọng đã phán!

Như thế ai cũng thấy rất rõ, mọi đóng góp ý kiến xây dựng -theo kiểu Lê Hữu Nghĩa đề nghị- chỉ như nước đổ đầu vịt, những người có quyền lực chẳng thèm đọc, chẳng thèm nghe. Còn những kiến nghị, tuyên bố và những bài vạch rõ những sai lầm của lãnh đạo chế độ toàn trị thì bị kết tội là chống đảng, chống nhà nước và các tác giả bị theo dõi, bị đàn áp kể cả tù đày!

***

Tóm lại, các dẫn chứng trên đây về tình hình trong đảng và ngoài xã hội hiện nay ở VN để đối chiếu với những đề nghị của Lê Hữu Nghĩa trong bài nói trên cho thấy: Các đề nghị này hoàn toàn không tưởng. Không những thế nó còn vạch rõ sự ngớ ngẩn khủng khiếp; trong khi thủ phạm gây ra những tội ác tày trời suốt cả 60 năm, nhưng Lê Hữu Nghĩa lại không cho phép được đụng tới, để nó tự do tiếp tục hoành hành. Lê Hữu Nghĩa còn khuyên mọi người là, chỉ nên nói nhỏ nhẹ với thủ phạm mà thôi và phải biết ơn thủ phạm!

Như vậy có phải ông Nghĩa viết bài trên để tự đánh lừa lương tâm mình và ru ngủ người khác?

Thiết tưởng ở trình độ học vấn như vậy thì Lê Hữu Nghĩa phải giữ tư cách và danh dự làm trọng, chứ không thể để quyền tiền đánh bạt lòng tự trọng làm mất cả nhân cách. Mang danh khoa bảng và ở tuổi đã cao mà chỉ cam phận làm ông bình vôi, thấy sai không dám nói, lại còn lên giọng đạo đức giả. Bán lương tâm, mất tự trọng là mất tất cả. Thiết tưởng ở địa vị và vai trò hiện nay, Lê Hữu Nghĩa nên hiểu cho thật rõ thế nào là "giấy rách phải giữ lấy lề"!

15.12.2013


________________________________


2 . Cộng sản (CS), 26.11.2011 
3 . CS 31.12.2011 
4 . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc 27.2.12 
Xem thêm: Âu Dương Thệ, Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1. 2013) - 
Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Các phần I, II và III 
5 . Nguyễn Phú Trọng 6.12, VNN 6.12 
6 .Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri 6.12, báo Đất việt 9.12 
7 .Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 6, CS 15.10.12 
8 .VN Net(VNN) 8.12.11 
10. Như 5 
11 . VNN 14.12 
12 . Lao động 12.12 
13 . VNN 12.12 
14 . Tuổi trẻ 9.12 
15 . Nguyễn Phú Trọng nói tại Vĩnh phú ngày 15.2.13 
___________________________________ 

Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng 

Giáo sư, tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa. (Nguồn: TTXVN) 

Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng hiện nay của Đảng, nhằm làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến,” “ tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. 

TTXVN giới thiệu bài viết của giáo sư, tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương với nhan đề “Phân biệt quan điểm sai trái, thù địch và những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng.” 

1- Trong những năm đổi mới, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ,” “nhân quyền,” “dân tộc,” “tôn giáo” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. 

Chúng tung ra các quan điểm sai trái, thù địch hòng đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, cho rằng chủ nghĩa Marx-Lenin đã lỗi thời, chỉ thích hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với nền văn minh công nghiệp, còn bây giờ sang thế kỷ XXI, thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức nên đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua, hoặc cho rằng chủ nghĩa Marx-Lenin là sản phẩm ngoại nhập của phương Tây, không thích hợp với các nước kinh tế lạc hậu như Việt Nam.

Đồng thời chúng còn xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người, chúng muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh.” Chúng phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ, văn hóa phẩm đồi trụy. 

Thông qua Internet, các blogger, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cấu kết với nhau, tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước, chia rẽ Đảng với nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, vu cáo, bôi đen chế độ ta. 

Thông qua việc truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội ta, vào cán bộ, đảng viên, chúng muốn từng bước thúc đẩy “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ, để cuối cùng thực hiện mục tiêu như Tổng thống Mỹ R.Nixơn mong muốn là “chiến thắng không cần chiến tranh.” 

2- Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch. 

Trong các văn kiện đại hội ở thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình,” đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. 

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch.” Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.” 

Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.” 

Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” 1. 

Để thực hiện những chủ trương đó, đã có nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, nhiều chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về vấn đề này. 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” đã nêu lên 6 nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trong đó nhiệm vụ thứ tư là chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình,” âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.” 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã nhận định: tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc, đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội. 

Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. 

Trên cơ sở nhận định đó, Nghị quyết đã yêu cầu “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình,” thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng chống nguy cơ tự diễn biến ở cả trung ương và các ngành, các cấp” 2. 

Để thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến 6hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.” 

Để phục vụ cho nhiệm vụ này, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã lập ra một số ban chỉ đạo như: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo nhân quyền, Ban Chỉ đạo Trung ương 94, Ban Chỉ đạo 609, Ban Chỉ đạo Đề án 213. Các ban chỉ đạo này cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương trở thành đầu mối chỉ đạo cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong từng thời kỳ, đầu mối cung cấp thông tin, phối hợp các lực lượng từ các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận, các cơ quan tuyên giáo đến các cơ quan quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các cấp ủy đảng, các cơ quan báo chí, xuất bản. 

Thông qua cuộc đấu tranh đó đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân ta cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu được tính đúng đắn, chính nghĩa trong các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta, phản bác lại những luận điệu vu khống, xuyên tác của các thế lực thù địch, làm rõ đúng-sai, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức trong Đảng và nhân dân về những thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các hoạt động chống phá của chúng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mục tiêu Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thành tựu của công cuộc đổi mới. 

Tuy nhiên cuộc đấu tranh nhằm chống những quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể là: 

- Không ít cấp ủy, cơ quan chính quyền, nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình,” của những quan điểm sai trái, thù địch, chưa nhận thức rõ tác hại của “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên không thấy rõ trách nhiệm phải tham gia cuộc đấu tranh này, thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái. 

- Trong đấu tranh phê phán có khi còn thiếu chủ động, chưa kiên quyết, phản ứng chậm, không kịp thời trước quan điểm sai trái, thù địch; chưa dự báo được những vấn đề mới nảy sinh, kể cả sự xuất hiện những quan điểm sai trái. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh. 

- Chất lượng và hiệu quả đấu tranh còn thấp, phương pháp đấu tranh nhiều khi còn thiếu khoa học, giản đơn, chưa phân biệt rõ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch với những ý kiến của cán bộ, đảng viên khác với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chưa xây dựng được một hệ thống luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì vậy, trong phê phán tính chiến đấu chưa cao, tính khoa học, tính sắc bén, tính lôgíc, tính thuyết phục trong lập luận còn hạn chế. Từ đó hạn chế tác động, sức lan tỏa của những quan điểm đúng đắn của Đảng đến quần chúng nhân dân. 

Do đó để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên đây, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch một cách sâu sắc, bài bản cả về lý luận và thực tiễn; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.” 

3- Trong đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, cần phân biệt chúng với những ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng, tránh “vơ đũa cả nắm,” có phân biệt rõ mới xác định thái độ và phương pháp đấu tranh phù hợp. 

Trong nhận thức những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong cán bộ, đảng viên ta không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau và khác với quan điểm, đường lối của Đảng. Đó cũng là lẽ bình thường vì nhận thức là một quá trình, chân lý cũng là một quá trình. 

Do địa vị xã hội, lợi ích cụ thể khác nhau, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị khác nhau, kinh nghiệm thực tiễn khác nhau hoặc do thiếu thông tin, phương pháp tư duy giản đơn, siêu hình, nên không tránh khỏi có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng. Nhưng phải coi những ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng là những ý kiến trong nội bộ nhân dân, không thể quy chụp thành những quan điểm thù địch. 

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khuyến khích đổi mới tư duy, khuyến khích tìm tòi sáng tạo cái mới, đóng góp những ý tưởng mới, sáng kiến mới. Đảng và Nhà nước yêu cầu các nhà lý luận, các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học phải đề xuất cái mới, phải có những giải pháp đột phá sáng tạo để đóng góp cho Đảng và Nhà nước. 

Những ý tưởng mới, sáng kiến mới thường vượt khỏi giới hạn của nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương, quan điểm hiện hành khi đó, có khi về sau này mới được thực tiễn chấp nhận. Sự hình thành đường lối đổi mới đã cho chúng ta thấy như vậy. Nếu không có “khoán chui” thì không có “khoán 100,” “khoán 10” và rộng ra là đường lối đổi mới sản xuất nông nghiệp, đổi mới đất nước. 

Sự nghiệp đổi mới ở nước ta là một sự nghiệp mới mẻ, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trong một sự nghiệp như vậy, như Lenin đã từng chỉ ra, khó tránh khỏi sai lầm. Vấn đề là ở chỗ không được phạm những sai lầm nghiêm trọng, phải nhanh chóng phát hiện sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm. Chúng ta phải vừa làm vừa học, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, có cái phải mò mẫm, trải qua nhiều thử nghiệm. 

Sự khác nhau giữa những “quan điểm sai trái, thù địch” với những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng, thể hiện ở mấy điểm sau đây. 

Thứ nhất, về động cơ, mục đích. 

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra những quan điểm sai trái, thù địch một cách công khai, thẳng thắn nhằm đả kích vào Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, nhằm lái đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa. Còn có những ý kiến của cán bộ, đảng viên khác, thậm chí có khi trái với một số chủ trương của Đảng trong một thời điểm nào đó nói chung là vì mục đích xây dựng, muốn đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước để làm tốt hơn, lãnh đạo và quản lý đất nước hiệu quả hơn. 

Thậm chí trước những tiêu cực xã hội, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, có thể có những ý kiến của cán bộ, đảng viên tâm huyết quá bức xúc, phê phán mạnh mẽ, gay gắt cũng là vì mục đích, động cơ xây dựng. 

Thứ hai, về nội dung các quan điểm. 

Các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận, bác bỏ thẳng thừng những nội dung cốt lõi, then chốt trong đường lối chính trị, quan điểm cơ bản của Đảng. Cụ thể là: 

- Bác bỏ những nguyên lý cơ bản hoặc toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những quan điểm này bằng nhiều cách xuyên tạc, phủ nhận, nói xấu, bôi đen nền tảng tư tưởng của Đảng và những người sáng lập ra nền tảng tư tưởng đó. 

- Bác bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ca ngợi, cổ súy cho chủ nghĩa tư bản, bôi đen chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội cả trên lý luận lẫn thực tiễn. 

- Phủ nhận, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy mọi sai lầm, khuyết điểm về cho Đảng Cộng sản. 

- Muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Gần đây họ đưa ra cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự,” họ tung lên mạng Internet, mạng xã hội đủ loại ý kiến mà mục đích cuối cùng là “chuyển đổi thể chế chính trị Việt Nam ”.v.v... 

Thứ ba, về phương pháp, cách thức. 

Những người có quan điểm sai trái, thù địch không từ một thủ đoạn nào dù là xấu xa, bẩn thỉu nhất để chống Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống nhân dân. Họ sẵn sàng bịa đặt, nói xấu một cách vô liêm sỉ, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số cán bộ đảng viên tham nhũng, thoái hóa biến chất, phủ nhận công lao của Đảng, phủ nhận lịch sử, cực đoan, phiến diện, siêu hình, quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm về cho Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy hiện tượng thay cho bản chất v.v.. 

Về hình thức diễn đạt, các quan điểm sai trái, thù địch còn dùng những ngôn từ xấu xa, tệ hại, vũ đoán, nói lấy được, thậm chí còn chửi bới bậy bạ, vô văn hóa. 

Thứ tư, về nhân thân. 

Những người tung ra các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu là các thế lực thù địch bên ngoài, các đảng phái chính trị phản động như Đảng Việt Tân ở hải ngoại, các phần tử cơ hội, chính trị trong và ngoài nước, có những người đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam, lòng đầy hận thù với chế độ. 

Trong số này, có cả một số người trước kia là cán bộ, đảng viên song bây giờ họ đã chuyển sang “trận tuyến bên kia,” họ đã sám hối, trở cờ, trở thành thế lực thù địch. Còn những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối của Đảng có thể do trình độ nhận thức hạn chế, do phương pháp tư duy giản đơn, không biện chứng, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái chứ không phải là thế lực thù địch. 

Thứ năm, về cách thức đăng tải ý kiến. 

Các thế lực thù địch tìm mọi cách để tuyên truyền, phát tán những quan điểm sai trái của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng như cho xuất bản sách, báo ở nước ngoài, sản xuất băng đĩa hình, in truyền đơn rồi tìm cách chuyển về trong nước, sử dụng các đài truyền hình, phát thanh của nước ngoài (như RFI, BBC…) nhằm vào Việt Nam.

Đặc biệt ngày nay dựa vào thành tựu của công nghệ thông tin hiện đại, các thế lực thù địch sử dụng mạng Internet, các mạng xã hội, các blog để tán phát rất nhanh, hữu hiệu quan điểm của họ vào Việt Nam và trên khắp thế giới. 

Trái lại, là cán bộ, đảng viên, nếu có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến, hoặc trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ chứ không được tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Trung ương về những điều đảng viên không được làm. 

Đối với 2 loại ý kiến trên đây chúng ta phải có thái độ và phương pháp đối xử đúng đắn, phù hợp. Đối với quan điểm sai trái, thù địch trong và ngoài nước, chúng ta phải đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không mơ hồ, không thỏa hiệp. Các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta. Dã tâm của họ là không thay đổi. 

Còn đối với những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chúng ta cũng phải đấu tranh, phê phán, làm rõ đúng-sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch mà cố gắng lôi kéo họ về phía chúng ta; chúng ta phê phán quan điểm sai chứ không phê phán con người, xúc phạm, đả kích cá nhân. 

Thông qua phê phán, chúng ta cũng phải xem lại mình, xem lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có chỗ nào không đúng, còn khiếm khuyết cần phải sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện; những nội dung nào thực hiện chưa tốt cần phải chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn để giải tỏa bức xúc của nhân dân và cán bộ, những nội dung nào có vấn đề hoặc chưa rõ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy sự phê phán đã chuyển thành tự phê phán, sự phê phán tiêu cực đã chuyển thành phê phán tích cực./. 

1 Văn kiện Đại hội XI, Nhà xuất bản Chình trị Quốc gia, H,2011, trang 257. 
2 Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 2005-2010, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H,2012, trang 125. 

Trích: TTXVN 12.12.13 

___________________________________________

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo