Những câu chuyện:
Khi người dân lên sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Gia Lai đăng ký lập doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh mua bán nông sản, thì cán bộ sở này buộc người dân ghi vào hồ sơ dòng chữ: “ngoại trừ kinh doanh mủ cao su”. Theo luật pháp, người dân có quyền kinh doanh mọi ngành hàng mà Nhà nước không cấm. Mủ cao su là ngành hàng Nhà nước không cấm thì cớ sao Sở này lại cấm kỵ người dân như vậy.
Sở KHĐT Gia Lai làm vậy là có chủ trương ngầm của các cán bộ to. Nói thẳng ra đó là sự bảo kê của Chính quyền địa phương cho các tập đoàn kinh tế kinh doanh độc quyền mặt hàng này. Lý giải cho vụ việc, các quan nói rằng cấp phép cho các doanh nghiệp trên địa bàn kinh doanh mủ cao su là tạo điều kiện cho người dân trộm mủ cao su của các nông trường quốc doanh bán cho các doanh nghiệp kinh doanh mủ. Nhưng mặt trái của vấn đề, không cấp phép kinh doanh là không có thương lái thu mua mặt hàng tươi sống này, người dân trồng cao su tiểu điền ở đây luôn bị các ông lớn kinh doanh cao su độc quyền chèn ép giá.
Một người kinh doanh mủ cao su ở Gia Lai nói ra rằng, xin phép kinh doanh ngành hàng này không được, sợ chứa mủ cao su trong nhà bị quản lý thị trường ập vào bắt nên anh buộc phải mua 40 ha vườn cao su để núp bóng, để phòng khi có hỏi, trả lời rằng cao su đó là do vườn trồng.
Anh ấm ức: Phải bỏ ra một lượng tiền lớn để mua 40 ha vườn cao su nên mất hết vốn lưu động, kinh doanh phải vay mượn. Nếu được tự do kinh doanh thì vốn thoải mái.
Câu chuyện khác:
Người em tôi trồng có vài ha vườn cà phê nhưng vụ mùa nào cà phê cũng đầy ắp sân vườn nhà nó. Số cà phê ấy là do người dân đem đến bán hoặc ký gửi. Nó kinh doanh thu mua cà phê đã lâu, đã có uy tín trong vùng nhưng không một giấy phép kinh doanh nào, không một bảng hiệu, nó cũng núp bóng dưới danh nghĩa cà phê vườn nhà trồng ra chứ không phải hàng kinh doanh mua bán
Có lần cán bộ xã xuống nói chuyện, khuyên nó ra đăng ký kinh doanh thu mua cà phê, lập doanh nghiệp, treo bảng hiệu, nhưng nó nhất quyết không chịu làm.
Rồi nó nói, hiện giờ thời bình nhưng khác gì thời loạn, mở cửa làm ăn to để mà nuôi mấy ổng à, mình làm ăn phải núp mới sống được.
Lời kết:
Gió bão thổi, những cây to đứng đơn côi một mình sẽ bị gió quật ngã, chỉ có những cây nhỏ đứng đám đông và đứng sát mặt đất mới sống qua được. Sợ gió, cây nào cũng oằn mình thu nhỏ lại rồi đứng núp dưới đám đông. Còn lại những cây to đứng được dưới gió bão là có sự níu kéo, có dù che
Đó là qui luật của tự nhiên. Kinh tế Việt Nam phát triển theo qui luật tự nhiên đó
Thượng tầng kiến trúc xã hội tác động vào hạ tầng kinh tế, biến đổi nó, bóp méo mó thành một bức tranh kinh tế mới. Kinh tế “núp” XHCN ở nước ta.
Ghi chú: Bài này tiết lộ vụ bảo kê đăng ký ngành nghề kinh doanh ở Sở KHĐT Gia Lai nên tác giả ngại báo tù, xin dấu tên