Thằng Lượm (Danlambao) - (Dân quê bàn chuyện xã hội)
Các sếp đây là các vị lãnh đạo của các Tổng công ty Nhà nước. Theo công bố mới nhất của một cơ quan quản lý về thu nhập đối với các vị lãnh đạo ở 31 công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cho thấy các sếp hưởng lương tiền tỉ trong 2 năm (2011 - 2012) có tới gần 20 vị.
Quán quân thuộc về lãnh đạo của một ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2011, vị Chủ tịch HĐQT này thu nhập trung bình tới hơn 275 triệu đồng/tháng, khoảng 3, 2 tỷ đồng/năm. Năm 2012, thu nhập của vị này giảm nghiêm trọng, 27% nhưng vẫn là 202 triệu đồng/tháng, tức khoảng gần 2, 5 tỷ đồng/năm.
Người đứng cuối cùng về thu nhập tiền tỷ trong năm 2011 cũng là TGĐ thuộc lãnh đạo của một tập đoàn tài chính - 1, 025 tỷ đồng/năm… (nguồn: báo Dân Trí, ngày 25/11/2013)
Lương dân là nói về những người dân làm ăn lương thiện (vì dân làm gì có lương), trong đó nông dân và người già yếu, neo đơn là thành phần đông nhất. Lương dân nghèo lắm. Nhìn những cụ ông, cụ bà tuổi 70 với sấp báo và tập vé số run run trên đôi tay, lê la suốt ngày nơi đầu đường xó chợ để ráng kiếm cho được 50-80 ngàn/ngày (bữa được bữa không). Nhiều nông dân cấp cứu ở bệnh viện mà cả nhà gom góp được vỏn vẹn chỉ có… vài trăm ngàn đồng… Chúng ta ai cũng chạnh lòng se thắt, nhưng cũng đành, bởi nước mình người nghèo nhiều lắm, GDP (thu nhập đầu người) từ lúc “đời ta có đảng” đến nay, hơn nửa thế kỷ nhờ tài lãnh đạo của đảng, GDP Việt Nam năm 2012 ước đạt 136 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 1. 540 USD. Các nước như Sing, Hàn, Thái, Đài… có “đứng lại” thì cũng còn lâu VN mới theo kịp, huống chi họ có đứng lại bao giờ đâu mà ta mơ ước cho bằng họ?
Đó là nói “thu nhập bình quân”, chứ thực tế lương dân thu nhập rất thê thảm. Nó na ná như bài toán 10 người ăn 10 con gà, bình quân mỗi người ăn một con. Nhưng thực ra có 2 ông lớn nuốt hết 8 con gà rồi, còn 2 con chia cho 8 người còn lại.
Báo Dân Việt dẫn nguồn tin tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” cho biết hiện nay, mức thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt gần 50. 000đồng/ngày.
Báo cáo này có số liệu từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế́ Trung ương (CIEM). Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48. 618 đồng/ngày, tức khoảng 1. 458. 000 đồng/tháng. Điều đáng chú ý làtrong số các hộ tham gia điều tra, có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao (số tiền nợ từ vay tư nhân, tín dụng ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%). Nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người (một cặp vợ chồng và hai con) thì chia bình quân mỗi ngươi được 12. 000 đồng/ngày. Thu nhập một năm mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4, 2 triệu đồng, tương đương với 200 USD trên một năm.
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, ai cũng biết giữa lương sếp và lương dân cách xa vời vợi như thế nào. Mỗi tháng lương sếp (200 triệu) bằng thu nhập của nông dân trong 50 năm!
Vẫn biết trong chuyện kinh tế, ai làm ăn giỏi, có lãi thì được hưởng mức lương xứng đáng, nhưng lương sếp ở đây là sếp của các Tổng công ty Nhà nước. Trong khi Doanh Nghiệp Nhà Nước đụng đâu cũng thấy... lỗ (báo NLĐ ngày 24/11/2013). DNNN kinh doanh bằng vốn của nhân dân, có ai bỏ ra đồng nào kinh doanh đâu mà sợ lỗ? Nhưng đã làm ăn thua lỗ, vậy tiền lương họ nhận là tiền ở đâu ra? Mà chuyện lỗ lãi của các DNNN cũng tù mù chẳng biết đâu mà lần. Petrolimex khi cần tăng giá xăng dầu thì báo lỗ, nhưng Báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex quý III cho thấy lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm của DN này đạt hơn 1. 280 tỉ đồng, tăng 76, 4% so cùng kỳ năm 2012 và đang phấn đấu đạt chỉ tiêu lợi nhuận rất cao là 1. 980 tỉ đồng như kế hoạch, tăng gấp đôi so với năm 2012. Riêng mảng kinh doanh xăng dầu, 6 tháng đầu năm, Petrolimex thu lợi nhuận trước thuế 388, 220 tỉ đồng. (nguồn báo NLĐ). Không biết trên thế giới có nước nào mà DNNN muốn nói lỗ lãi sao cũng được như vậy không?
Làm sếp DNNN ở VN sao mà sướng thế? Lỗ cứ đổ trên đầu người dân; còn lãi thì “số hưởng”, lỗ lãi gì cũng nhận lương khủng. Đây có phải là “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” mà các sếp đã hưởng trước khi xây dựng CNXH hoàn thành?
Bài toán tỷ lệ giữa lương sếp và lương dân vừa giải vừa nhói ruột gan. Bản chất ưu việt của CNXH mà đảng ta đang xây dựng đây sao? Lương sếp cao là do “cơ chế” còn lương dân khổ cực là do “đúng qui trình”?
“Cơ chế” do đảng đẻ ra nên không ai dám sửa khi đảng chưa cho phép. “Qui trình” là do các cơ quan của Nhà nước ban hành nên Nhà nước làm chuyện gì cũng đúng qui trình, (đúng sai không ai dám cãi)… Vậy nên các sếp ta cứ ung dung mà nhận lương khủng, còn lương dân thì đã “đúng qui trình” rồi còn biết kêu ai? ...
25/11/2013