Một tập thơ chưa thể tải hết nổi lòng người Việt ở Đức - Dân Làm Báo

Một tập thơ chưa thể tải hết nổi lòng người Việt ở Đức

Đỗ Trường (Danlambao) Tôi viết về những suy nghĩ của mình về tập Thơ Người Việt Ở Đức, theo đề nghị của lãnh đạo nhà xuất bản Vipen-Berlin, Tiến sỹ Peter Knost và nhà thơ Thế Dũng. Tác giả tập thơ này, là những người Việt, viết không chuyên nghiệp, đang sống ở Đức. Do vậy, sự khen chê trong tập thơ này, cũng nằm trong cái không chuyên đó. Tuy còn nhiều mặt hạn chế, nhưng nó nói lên nhiều điều, trong đó có tâm tư, cuộc sống của những cảnh đời xa quê. Hơn nữa, tôi cũng muốn gửi một chút đó, đến cho những ai muốn tìm hiểu về sự hình thành, cuộc sống cũng như sinh hoạt văn hóa của đồng bào mình ở Đức, đã và đang diễn như thế nào.

Tối này 4-12-2013, tôi nhận được (PDF)tập Thơ Việt Ở Đức, từ giám đốc nhà xuất bản Vipen Berlin, nhà thơ Thế Dũng. Tập thơ dày 480 trang, của trên bảy mươi tác giả, hiện đang sống và làm việc ở Đức. Có lẽ rành tánh của nhau, cứ nhận sách tặng, đọc xong, thấy sướng, ngứa mồm chịu không nổi, thế nào cũng động đậy chân tay, thế là tôi viết. Nên Thế Dũng không nhiều lời, chỉ nhắn nhủ, cố gắng đọc, nghiên cứu, tập thơ in xong trước Weihnacht(Noel) và năm mới 2014.

Vâng! Rất vui, nhà xuất bản Vipen tin tưởng ở tôi. Và cảm ơn các anh chị, các bạn tác giả, đã cho tôi, những giây phút thật nhẹ nhàng, khoái cảm, khi đọc tập thơ này. 

Thật ra, nói là thơ của người Việt sống trên toàn nước Đức, nhưng đọc qua, tôi thấy các tác giả hầu như là những công nhân thợ thuyền từ thời Đông Đức. Một số nhỏ là cựu sinh viên, học sinh du học, xuất thân từ cả hai miền Nam, Bắc. Tuyệt nhiên, không thấy có các nhà thơ xuất thân từ miền Nam đã thành danh, từ trước và sau 1975, hoặc những cây viết không chuyên là thuyền nhân, tị nạn sống ở vùng phía Tây, mà tôi đã quen biết. Cho nên, tôi nghĩ, tập thơ này, chưa đủ sức vá lại con sông Gianh trong lòng người Việt cùng sống trên nước Đức. Mặc dù, người đồng khởi xướng, anh Sa Huỳnh, cựu sinh viên du học, trước năm 1975 xuất thân từ Quảng Nam.

Nói như vậy, không có nghĩa tôi muốn quàng trách nhiệm lên thi ca. Nhưng quả thật, văn thơ không đi thẳng vào đời sống xã hội một cách trung thật nhất, thì nó sẽ trở nên những trang viết chết. Tập Thơ Việt Ở Đức đã nói lên được nhiều điều, nhưng những vấn đề nhức nhối ngay trong cuộc sống cộng đồng, cũng như hội đoàn người Việt ở Đức, mảng đề tài rất rộng mở này, dường như các tác giả đều né tránh. Thiết nghĩ, thơ văn đi thẳng vào cuộc sống thì những nhức nhối trên chưa chắc đã xảy ra. Nếu có, thì giải quyết vấn đề trở nên nhân văn và nhẹ nhàng hơn nhiều lắm.

Từ một cộng đồng nhỏ lẻ, trải qua mấy chục năm, đến nay cộng động người Việt ở Đức đã qui tụ lại thành nhiều tổ chức, hội đoàn khá qui mô. Thế hệ thứ hai, thứ ba nối tiếp nhau ra đời và trưởng thành, làm cho bộ mặt cộng đồng người Việt ở đây sáng sủa, mạnh mẽ hơn. Khi cơm áo gạo tiền, đã trở thành thứ yếu, thì sự gìn giữ văn hóa, tiếng Việt đặt lên hàng đầu, rất cần thiết cho những thế hệ kế tiếp. Thơ văn nằm trong cái phát triển chung của văn hóa đó. Hơn thế nữa, nỗi đau và cái nhớ luôn luôn, thường trực trong lòng người xa xứ. Để làm dịu đi nỗi nhớ và những cơn đau ấy, họ buộc phải tìm đến trang viết để trăn trở, giãi bày. Ở đó họ tìm lại chính mình và thấy những cảm xúc thật của lòng mình. Từ những nguyên nhân này, tập Thơ Việt Ở Đức ra đời một cách rất TỰ NHIÊN như những cảm xúc TỰ NHIÊN của các tác giả vậy.

Tập thơ ra đời, trước hết là sự cố gắng các tác giả, đặc biệt là câu lạc bộ thơ Berlin, nhà xuất bản Vipen và cá nhân các anh, Sa Huỳnh, Thế Dũng, Thế Sáng… Tuy các tác giả là những cây viết không chuyên, nhưng tôi nghĩ, nó sẽ chuyển tải được nhiều điều, trong đó có cuộc sống, thân phận người Việt sống trên nước Đức, một cách chính xác nhất đến người đọc. Đó chính là cái đặc trưng riêng mà nhiều người muốn biết, muốn tìm hiểu.

Trình bày, cũng như bìa tập thơ phải nói rất đẹp, trang trọng, tuy nhiên không biết vì lý do gì, ban biên tập không ghi tiểu sử mỗi tác giả vào trong tập thơ? Việc này gây trở ngại, khó khăn cho những nhà nghiên cứu sau này. Tôi nghĩ, chẳng đến một, vài chục năm nữa đâu, chỉ dăm, bảy năm nữa thôi, chắc chắn có những nghiên cứu, (hoặc luận văn thạc sỹ, tiến sỹ)về sự hình thành, phát triển đời sống, văn hóa người Việt ở Đức. Tập thơ này, là một trong những tài liệu cần đến. Tôi cho rằng, đây là thiếu sót không nhỏ về nội dung của ban biên tập, anh Sa Huỳnh, Thế Sáng…Và người chịu trách nhiệm chính, trước nhất là anh Thế Dũng. Làm biên tập và xuất bản, kinh nghiệm đầy mình, từ trong nước cho đến ra hải ngoại, không thể nói, nhà thơ Thế Dũng không nghĩ đến điều này.(Vậy đâu là lý do?) Nếu sau đây, tái bản tập thơ này, đề nghị các bác nên bổ sung phần tiểu sử tác giả.

Có một điều đáng tiếc nữa, ban tuyển chọn đã để lọt bài Lời Ru Của Mẹ (trang 75) của tác gỉa Giáp Thị Thọ(Berlin) có hai câu kết “Dẫu đi khắp bốn phương trời/ Con không quên được những lời mẹ ru!”. Được “sửa lại”, cũng từ hai câu kết, trong bài thơ Lời Ru của cố thi sỹ Xuân Quỳnh, viết vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước: “Dẫu con đi đến suốt đời/ Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”. Có thể, Sa Huỳnh chưa đọc bài thơ Lời Ru của Xuân Quỳnh, nên anh đã dùng hai câu thơ trên, làm dẫn chứng cho bài: Như Từng Con Suối Nhỏ (Trang 11) của mình. Đó cũng là lời(Tựa) giới thiệu cuốn sách. Lẽ nào, anh Thế Dũng cũng chưa đọc bài thơ này? Đây là hạt sạn lớn nhất trong tập thơ này, mà tôi đã cắn phải.

Ngoài ra, trong tập thơ có nhiều bài phải nói rất dở. Tôi viết điều này ra đây, có thể làm Thế Dũng, Sa Huỳnh và các anh trong ban tuyển chọn, nhất là các tác giả sẽ buồn. Nhưng khi đã viết cảm nghĩ về một tập thơ, một cuốn sách, không thể không nói hết cái hay, cái dở của nó, như ông phó cối, hàng xóm, một người lính đã trải qua ba cuộc chiến, rất yêu văn thơ, bảo tôi như vậy. Tôi định cãi lại ông và không viết những mặt yếu kém này. Nhưng ngẫm nghĩ lại, thấy ông phó cối nhà tôi có lý. Tuy chúng ta là những tác giả không chuyên, nhưng thơ đã được tuyển chọn in thành sách, thì khen chê cũng phải sòng phẳng, bình đẳng như nhau. Vậy là, tôi phải hứa với ông, sẽ viết những suy nghĩ này, ở phần cuối bài.

Tập Thơ Việt ở Đức tuy chưa hoàn hảo về chất lượng nội dung, cũng như nghệ thuật, nhưng có thể nói, nó hơn hẳn một số tập thơ của các cây viết chuyên nghiệp, xuất bản ở trong nước trong thời gian vừa qua. Vâng! Nói có sách, mách có chứng. Chúng ta hãy đọc lại, những câu thơ tả người và tâm trạng, tính cách trong Trường Ca Chân Đất, vừa ẵm giải của Liên hiệp các hội VHNTVN và hội nhà văn Việt Nam vào tháng 1- 2013 của nhà thơ Thanh Thảo, phó chủ tịch hội đồng thơ, hội nhà văn Việt Nam:

“…bác Năm Trì tàng tàng tàng
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
trăng hạ tuần…”

Và chúng ta đọc tiếp một đoạn thơ trong bài, Viết Cho Con của Bùi Nguyệt trong tập Thơ Việt Ở Đức, khi cùng tả người và tính cách, tâm trạng:

“…Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con...”

Có lẽ, chúng ta khỏi cần phải phân tích cho mất thời gian. Người ấm ớ hội tề nhất về thi ca, cũng nhận ra, cả đời mẹ đã vắt kiệt, chỉ còn đọng lại muối sương, tết thành cánh võng, nâng bước đường cho con, trong thơ Bùi Nguyệt, so với hình ảnh hịch toẹt, bác Năm Trì ngồi gãi háng trong thơ Thanh Thảo, cái nào hay, đẹp và giầu hình tượng hơn?

Trong cuộc sống ly hương, vất vả lo toan dài đằng đẵng đó, chỉ đến khi màn đêm buông xuống, những người khách thợ ấy, mới có thời gian để mơ, để nghĩ về nơi cố hương. Bài Mộng Du của tác giả Đặng Thị Hương(Steinbach) tuy không thật hoàn chỉnh, nhưng có một đoạn đầu duy nhất tôi thích, bởi cái lối viết rất lạ và sương khói ám ảnh. Tôi nghĩ, bài thơ này, nên dừng lại ở hai khổ thơ đầu, chắc chắn sẽ hay hơn. Không hiểu sao, đọc đoạn thơ này của chị, làm tôi nhớ đến Lãng Thanh, nhà thơ trẻ người Phú Thọ sinh năm 1977. Anh bị một kẻ nghiện đâm chết năm vừa tròn 25 tuổi, chỉ kịp để lại cho đời một tập thơ Hoa, hay đến rợn cả người:

“Linh hồn tôi loay hoay trong chật chội
Trong nhục thể trong chập chờn sáng tối
Nào dám viển vông, qua rồi nông nổi
Chốn mưu sinh gượng gạo cả khóc cười

Mỗi đêm khuya thanh khí thượng ngang trời
Hồn nhè nhẹ bay lên cùng sương khói
Bỏ lại phàm thân mê man mệt mỏi
Nhằm phương Nam hồn mải miết quay về…” (Mộng Du- Đặng Thị Hương)

Hồn đã về tới quê, nhưng Nguyễn Thành Vĩnh (Ilmenau) đã lạc lối, bởi quê bây giờ: Nửa quê, nửa phố, tôi về nơi đâu? Trong mơ Nguyễn Thành Vĩnh phải đau đớn thốt lên như vậy, để rồi anh phải vẽ lại bức tranh ấy bằng thơ.

Vâng! Đau lắm, nếu trộn thêm hình ảnh con cò trong bức tranh trừu tượng bằng thơ Về Thăm Quê của tác giả Đặng Ngọc Thanh (Filderstadt) thì sự tương phùng này, càng làm nhức nhối hơn thêm: “Con cò trắng /nghểnh cái cổ dài/ mắt nhắm nghiền/sung sướng/Nó bay vào/vầng mặt trời/đỏ rực/Quê hương”

Nhưng cái đau đó giờ đây, không chỉ còn riêng Nguyễn Thành Vĩnh và quê anh nữa, mà đó là hình ảnh chung của tất cả làng quê Việt hôm nay. Những từ đâu rồi, còn đâu, được lặp lại nhiều lần trong bài, tưởng là nhàm, là đơn điệu, nhưng không, mỗi lần như vậy, lại bật lên một lần mất mát, xót xa tiếc nuối khác nhau. Tuy lời thơ nhẹ nhàng là thế, nhưng nó như những nhát đâm vào lòng người. Tôi nghĩ, Bức Tranh Quê là một bài thơ tiêu biểu nhất, viết về mảng đồng quê, hương lúa trong tập Thơ Việt Ở Đức. Có một điều đáng tiếc, Nguyễn Thành Vĩnh có một bài duy nhất trong tập thơ này:

“... Nửa quê, nửa phố, tôi về nơi đâu?
Ruộng đồng không có bèo dâu,
Bờ đê, cuối bãi vắng trâu thả chiều.
Trời xanh vắng những cánh diều,
Sông ngòi nước cạn, chẳng nhiều cá tôm.
Ngoài đồng không thấy rạ rơm,
Không còn nhiều nữa lúa thơm đòng đòng.
Sông giờ nước đục chẳng trong,
Để trưa hè tắm dưới dòng sông sâu.
Đâu còn xanh ngát nương dâu,
Em thôi dệt lụa cho sầu lòng anh.
Đâu rồi những lũy tre xanh,
Cây đa, giếng nước, sân đình ngày xưa…”

Trong bài “Lòng Mẹ” tác giả Chu Văn Keng dùng phương pháp, hình tượng so sánh ẩn dụ, để diễn tả tâm trạng của mẹ, với người con ngoài mặt trận khá hay. Trong suốt chiều dài lịch sử thơ ca Việt Nam, chẳng có hình ảnh nào đẹp và buồn thương bằng hình ảnh mẹ chờ, tiễn con ra trận. Bài Lòng Mẹ của Chu Văn Keng cũng vậy, nó đã nối liền được mạch thơ đó. Lời thơ của Chu Văn Keng tuy mộc mạc, nhưng sáng và trau chuốt. Nó không kém phần thâm thúy. Nhưng không hiểu sao, khi đọc thơ anh, tôi cảm thấy như thiếu một chút gì đó:

“Ruột tằm đau quặn nhả tơ
Con đi chiến trận mẹ lo đêm ngày
Tơ kia dệt lụa tháng ngày
Thẫn thờ mẹ nhẩm: ngày này… xa con
Tơ vàng mẹ những hằng mong
Không làm vướng chỉ để lòng tằm đau…”

Cùng đề tài viết về quê, về mẹ, Nguyễn Quốc Hùng (Sondershausen) có bài Nhớ Lời Ru Xưa, tuy đơn giản, gắn gọn nhưng đọc lên, thấy rất thật, rất gần gũi. Nếu đem so sánh, đây không phải là bài thơ hay, hoặc nổi trội, nhưng khổ đầu có lời thơ khá đẹp và mượt mà. Anh kể, một lần về thăm quê, thăm nơi mẹ yên nghỉ. Trong cái khung cảnh nên thơ của chiều thu đó, làm anh bâng khuâng nhớ lại những ngày ấu thơ bên mẹ. Bài thơ lục bát tuy giản dị như vậy, nhưng cũng đủ làm tôi man mát buồn. Thơ lục bát dễ ghép vần, nhưng khó hay lắm. Nhưng diễn tả cảm xúc về mẹ, về quê hương, có lẽ, không có thể thơ nào được dùng nhiều bằng nó:

“Con về thăm mẹ một chiều
Xa xa thấp thoáng cánh diều trong mây
Rì rào sóng lúa hương bay
Lối mòn, rặng liễu nơi đây mẹ nằm
Dội về quá khứ xa xăm
Dương trần mẹ đã bao năm xa rời
Nhớ sao cái thuở thiếu thời…”

Chỉ có những người đã từng sống ở Đức, mới thấu hiểu cái nhọc nhằn, đớn đau của những ngày đầu tha hương. Rồi bức tường Berlin sụp đổ, Thế Sáng đứng bơ vơ giữa hai dòng nước đang cuộn chảy. Buộc anh phải lựa chọn. Vâng! Anh đã chọn, con đường trước mắt gian khổ nhất. “Ra chợ bán hàng cùng anh /Mới biết kiếm đồng tiền vất vả /Trộn với gió, với sương và băng giá”. Những ngày đầu gian khổ ấy, được Thế Sáng ghi lại bằng thơ. Có thể nói, lời thơ của Thế Sáng dân dã, luôn mang theo một chút hương của đồng quê. Thơ của anh không thật xuất sắc, so với mặt bằng chung của tập thơ này, gọi vui là thứ thơ bình dân, nhưng chắc có nhiều người đồng cảm. Thơ là vậy, chẳng cần lên gân lớn tiếng, chỉ một phút xao lòng bất chợt, chuyển được cái rung động ấy, đến người đọc là thành công rồi. Tôi nghĩ, Thế Sáng đã làm được điều đó:

“Ra chợ bán hàng với anh
Mới biết trời Tây đầy tuyết trắng,
Tay đeo găng, bày áo len im lặng
Bông tuyết trắng ngần trên má chẳng kịp lau…
Ra chợ bán hàng với anh
Em hiểu hơn thế nào là cuộc sống
Bông tuyết rơi trên vai anh ngưng đọng
Em gạt đi rồi, anh có thấy nhẹ hơn?
Em gạt đi rồi, chắc anh thấy ấm hơn?”

(Lần Đầu Ra Chợ Bán Hàng - Thế Sáng)

Cái cơ hàn và gian khổ ấy, lại được Thế Tuyền viết dí dỏm, có một chút diễu mình, nhạo đời, nhưng đọc cảm thấy đau. Tuy vậy, từ ngữ trong thơ của anh sáng và đẹp. Đoạn trích trong bài Đi Về Đâu của anh, đã làm rõ điều này:

“…Thế rồi 30 năm vẫn gội gió cơ hàn
Tóc đốm bạc hồn chai não sạn
Lang thang sống trên xứ người
Anh bán gì mà gió cười dữ thế
Xế bóng chiều uể oải dọn hàng rong
Xe chậm lăn trên lòng đường lạnh
Chỉ có xe anh giữa cánh đồng hoang
Vết tích một mùa Đông đói
Gặp bác đưa thư không dám hỏi
Sợ thư sở thuế đòi tiền…”

“Số Phận” tuy không phải là bài thơ hay của Nguyễn Văn Tân(Leipzig). Nhưng đọc thơ anh, tôi đã bắt gặp lại chính tôi, của cái tết đầu tiên, gần ba mươi năm trước cũng trên đường phố Leipzig. Bài thơ đã kể về một người phụ nữ trẻ Việt, vào một ngày giáp tết, trên đường phố, khi tác giả bắt gặp. Hình ảnh long đong lận đận ấy, là một trong rất nhiều thân phận người Việt khác với nỗi đau thường trực trong cái ngụp lặn của cuộc sống tha hương này. Bài thơ là sự đồng cảm, sẻ chia của một người đồng hương, có cùng thân phận:

“…Lặn lội giữa trời Âu,
Một mình em bươn chải.
Em khóc thì cũng phải,
Khi Tết đã cận kề.”

Lê Quang(Berlin) thường làm thơ theo lối tự sự, lời thơ đằm thắm nhẹ nhàng. Đọc thơ của anh cứ như rượu cuốc lủi ấy, càng uống càng ngọt, lại càng say lâu. Rượu Hay Em, là một bài thơ (hay là một câu hỏi) như vậy của anh, nhưng có một chút tinh nghịch. Tuy là ngầm, nhưng(nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo) đó là thứ nghịch phá trời:

“Rượu hay em?
Em hỏi thế, anh biết trả lời sao,
Rất có thể, em là rượu đã hóa thành,
Vừa đủ độ, nên ngọt môi anh quá,
Một thứ rượu rất chi là lạ,
Người chẳng say, tim cứ say mềm!”

Cũng theo mạch thơ này, tác giả Nguyễn Thanh Trang có bài Khi Con Mười Tám Tuổi, sử dụng từ những câu nói thường nhật (khẩu ngữ ) khá hay. Vâng! Thơ văn đôi khi chẳng cần cầu kỳ, tìm kiếm, chỉ là những câu thoại hằng ngày, đặt đúng văn cảnh, nó sẽ đi thẳng vào lòng người thôi:

“Khi con mười tám tuổi
Nhà mình có thêm một gã đàn ông
Mẹ sắm thêm một bộ dao cạo râu,
Ba có thêm một người bạn nhậu…”

Mỗi bài thơ là một trải nghiệm quãng đường ngắn, dài tác giả đã đi qua. Đọc bài Mưa của tác giả Trịnh Thị Mùi(Berlin) dường tôi cảm được những bão táp và sóng gió mà chị đã phải đi qua. Những thử thách đó dường như chị đón nhận một cách rất tự nhiên vậy. Sự can trường, khí khái này tưởng như chỉ có ở cánh mày râu chăng? Tôi cho rằng, Trịnh Thị Mùi đã viết bài này, trong lúc chị khó khăn, cay đắng, và sự bế tắc của công việc cũng như cuộc sống.

Thú thật, trên bảy mươi tác giả trong tập thơ này, tôi không hề quen biết, chưa từng gặp gỡ, ngoài nhà thơ Thế Dũng, giám đốc Vipen, người đã gửi cho tôi tập thơ này. Do hoàn cảnh, cũng như công việc, tôi không có điều kiện tham gia, gặp gỡ bất cứ một tổ chức hay hội đoàn nào. Cho nên, không biết, tác giả Trịnh Thị Mùi thuộc thế hệ nào, làm nghề gì, nhưng tôi nghĩ, chị đã từng học hoặc tự nghiên cứu triết học. (Viết đến đây, quả thật, tôi lại thấy ấm ức, người làm sách không có lấy vài dòng về tiểu sử tác giả) Triết học tôi nói đây, không phải là thứ triết học ở trường phổ thông, hoặc đại học ở miền Bắc VN những năm sáu, bảy mươi của thế kỷ trước. Bài Mưa của tác giả Trịnh Thị Mùi đậm tính triết lý cuộc sống, con người. Nó là một bài thơ hay, không những về nội dung mà về cả ngôn từ, thẩm mỹ:

“Mưa nữa đi, cho đầu ta đẫm nước
Vì lòng ta cũng trĩu nặng, đầy mây
Ta chậm bước dưới hàng cây ủ rũ
Dưới chân ta, con đường lá rơi đầy

Dẫu nhân thế mấy ngàn đời đau khổ
Phép thần tiên cũng chẳng khó kiếm tìm
Nhưng mưa chính là niềm an ủi
Đã dịu dàng xóa hết nỗi buồn tôi.”

Những bài thơ phảng phất triết lý của cuộc sống, con người, khi đọc thường đọng lại trong ký ức lâu. Chứ thơ viết theo những cảm xúc bất chơt, vụn vặt, đôi khi có bài vụt lên rất hay, còn lại, thường trôi tuột mất. Tôi Đi, của tác giả Nguyễn Phương Liên (Berlin) là một bài thơ đã làm được điều đó, khi chị đang đi tìm lại chính mình, đọng lại trong tôi như vậy. Tứ và nhịp của bài thơ chợt nhắc cho tôi nhớ về bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Chị bảo chưa tìm thấy mình, và chẳng biết đi về đâu? Nhưng thật ra, có xác lá rụng, thì sẽ có sự giao mùa, chị đã tìm thấy mình, con đường đi, trong cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên ấy:

“Tôi đi giữa con đường
Hai bên đầy xác lá
Những cành cây khẳng khiu
Gió lạnh lùng vuốt má
Những bước chân chùng xuống
Đếm từng chiếc lá rơi
Tay ôm lồng ngực nhỏ
Hồn lạnh lẽo chơi vơi...
Tôi đi tìm chính tôi
Mà sao không tìm thấy
Giữa cuộc sống trôi nổi
Tôi đi về nơi đâu”

Cùng mang tâm trạng đó, chị Phạm Như Anh trong bài Hai Dòng Sông Có Bao Giờ Gặp Nhau, nhẹ nhàng và rõ ràng hơn. Vâng! Hai đường thẳng song song có bao giờ gặp nhau không nhỉ? Có người bảo có, có người nói không. Nhưng hai con sông đời, sông tình của chị Như Anh dứt khoát sẽ gặp nhau. Chị đã tin vào cái triết lý sống đó:

“…Anh hỏi em về hai dòng sông:
Có bao giờ gặp nhau nữa không?
Em viết cho anh những ngày đầy nắng:
“Trăm dòng sông dù cách nhau vạn dặm,
Vẫn tìm về tâm sự giữa trùng khơi...”

Có một điều rất thú vị, trong tập thơ này có hai bài đều có tựa đề Rơi, tâm trạng, hoàn cảnh giống nhau, nhưng lời thơ thể hiện cảm xúc, hoàn toàn đối nghịch nhau. Hoàng Yến Anh(Berlin) với Rơi, Thu Hà(Cottbus) Em Đánh Rơi Mình Vào Trái Tim Anh. Nếu như lời thơ của Thu Hà đằm thắm dịu dàng bao nhiêu thì, lời thơ Hoàng Yến Anh lại mạnh mẽ, hoang dại bấy nhiêu. Động từ Rơi trong trạng thái này, đã chuyển thành tính từ. Em đã đánh Rơi, biểu thị một cách như vô tình, nhưng khi trúng vào trái tim anh, thì nó sẽ thuộc về anh và em sẽ không bao giờ nhặt lại. Nó có một chút dại khờ, thiết tha, và anh ra đi. Thu Hà nhẹ nhàng bảo: “Nước ngược dòng /chẳng vớt được hồn thơ đã ướt”. Hoàng Yến Anh bùng lên, quẳng, quăng, rồi gào thét: “Để tự do gào thét /Những hững hờ, buồn vui bấy lâu nay mắc kẹt/Nhét vào rồi/Gió ắt phải cuốn trôi” Đã ướt và cuốn trôi đều là những từ chỉ tính chất, trạng thái hỏng, mất. Và cùng trong cái mất đó, Thu Hà và Hoàng Yến Anh có cá tính, đặc trưng riêng khi viết. Để giữ được đúng mạch chảy của con tim, của tình yêu, nên hai tác giả đều có những câu kết ép có hậu giống nhau. Nhưng đó là những câu thơ dở trong bài, Thu Hà với: “…không hoài nghi với lý lẽ con tim/chỉ biết yêu anh đến trọn đời”. Hoàng Yến Anh lại: “… Mặc kệ thời gian có ủ men tội nghiệp/Kiếp đời này em vẫn phải yêu thôi!”

Tuy là như vậy, nhưng hai bài thơ này, đều cho tôi cảm giác chênh vênh, rờn rợn, khi đọc. Nếu như được phép, trao vương miện cho những bài thơ hay, trong tập Thơ Việt Ở Đức, có lẽ, đó là những bài thơ mà tôi nghĩ đến. Chúng ta đọc lại, đoạn trích của hai bài thơ Rơi nhé:

“Đã có lúc em muốn đắm chìm mình trong sức mạnh của đêm
Thả tiếng thở dài
Quẳng những phập phồng mang mùi ngai ngái
Nhưng trái tim đa mang
Lại thiết tha với những điều rất thật
Nếu dại một lần
Liệu cái giá có đau?
Đã có lúc em muốn thả mình vào những ngọn cỏ lau
Hít hà mùi hương
Rồi nhắm mắt tưởng tượng ra những điều cuồng điên có thể
Nếu một lần trở thành nô lệ
Tình yêu chân thành còn rực cháy nữa không?…”

(Hoàng Yến Anh)

“Em đánh rơi ngây thơ giữa vòng đời nghiệt ngã
bỏ lại sau lưng những hẹn hò dĩ vãng
lang thang nơi xứ người xa lạ
đốt những đợi chờ bằng câu thơ ghép nhạc
Em đánh rơi lời thơ xuống dòng sông
câu thơ trôi...
nước ngược dòng
chẳng vớt được hồn thơ đã ướt
bản nhạc đời vĩnh cửu mãi dở dang…”

(Thu Hà)

Bài Đêm Cuối Đông của Thu Hà(Cottbus) là bài thơ rất hay, tôi đặc biệt thích. Bài thơ này, như một bức tranh trừu tượng vậy, nên hơi khó hiểu, nếu như người đọc không đặt mình vào những sự vật trong bài thơ. Không biết, có phải tự bản thân trải qua đau đớn, trong những lần sinh nở, hay do quan sát? Tác giả liên tưởng đến sự sinh đẻ(vần vũ) của đất trời. Mùa đông hoài thai, đã đến ngày sinh nở, để đất vặn mình oằn oại, đón hơi thở hừng đông (thời khắc giao thừa). Đó là mối quan hệ tuần hoàn giữa con người và vũ trụ.

Tôi nghĩ, Thu Hà là một nhà thơ tài năng. Chị giầu sức tưởng tượng và có sự liên tưởng rất tinh tế:

“Đêm cuối Đông gió mùa chuyển dạ
lạnh lùng ném cái nhìn hoang dã
mành đen buông
chắn lối trăng gầy
đêm lộng hành mượn gió hái vì sao lạc
Gió vẫn gào trong khoảng trời đen đặc
đất vặn mình oằn oại
thời gian hối hả thu lại những tàn phai vội vã
kéo đêm về
gỡ đam mê
đón hơi thở hừng Đông”

Cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trên quê hương qua đi đã lâu, nhưng con sông Gianh trong lòng người vẫn còn đó. Bằng thơ văn của mình, dường như Sa Huỳnh đang đi hàn lại những vết thương đó. Bài Anh Thương Binh Và Bài Vọng Cổ, là bài thơ điển hình về đề tài này của anh. Đây là một bài hay nhất trong những bài thơ, tôi đã đọc của anh. Bài thơ không những hay vì nó có cốt truyện, có nhân vật mà còn có chiều sâu về về nội dung nhận thức, tư tưởng. Tuy nhiên, lời thơ đôi khi gượng ép. Nói như một số bạn là hơi bị phô. Mạch thơ đang đằm thắm, đọc đến cụm từ “Đùng mấy tiếng” làm cho lời thơ như bị lạc, dù tác giả đang kể lại câu chuyện của người phế binh. Nếu như người đọc không nghe được mấy tiếng “đùng, đoàng” kia, mà vẫn cảm thấy súng đã nổ, thì bài thơ hay biết bao nhiêu.

Cũng như vậy, bài Theo Em Vào Vũ Điệu Tago, Sa Huỳnh lại đưa cụm từ “Rồi bỗng Nhiên” rất lạc lõng, làm cho người đọc cảm thấy câu thơ, đoạn thơ hơi bị giả, sến sến: “… Hất đùi lên, anh bước đi khệnh khạng/Em rung vai, anh gượng chặt phía sau/Rồi bỗng nhiên... như có phép nhiệm mầu…” Thiết nghĩ, giá như Sa Huỳnh khắc phục được nhược điểm này, thơ của anh sẽ khác đi nhiều lắm.

Dấu chấm than, thường dùng sau những thán từ, không hiểu sao Sa Huỳnh cũng như Thế Sáng hay dùng nhiều sau mỗi câu thơ đến vậy?

Trở lại với bài thơ Anh Thương Binh…Sa Huỳnh đã nhận ra bản chất của cuộc chiến. Với anh, hình ảnh đau thương của hai người lính, hai người bạn, hai người anh em ở hai phía đối nghịch nhau, là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến này. Đây là bài duy nhất viết về đề tài chiến tranh. cũng là một trong những bài tôi thích trong tập thơ này:

“…Trên đồng bắp, lá xanh còn say ngủ
Khi giáp mặt kẻ thù, giữa làn đạn phủ
Hai đứa nhận ra... chính nó... là bạn mình!
Anh xung vào lính, hắn đi biệt tích!
Giữa đồng bắp, nhận ra... tình địch!
Quăng súng giữa đồng, mừng rỡ “địch-ta”!
“Đùng” mấy tiếng, hai người cùng gục ngã
Sờ soạng tìm nhau, tay nắm chẳng rời!
Chân anh đứt lìa mặt đất chơi vơi,
Ngực hắn đỏ, mắt trừng, môi cười mỉm!
Anh ôm hắn khóc, hồn đau chết lịm!
Gục vào nhau, đồng bắp cháy tiêu điều…”

Trong tập thơ này, tôi gặp lại người lính, nhà thơ Thế Dũng, tác giả của câu thơ sảng khoái, được cho là một trong những câu thơ hay viết về người lính của thi ca đất Việt: Cởi trần ra mà bắn thôi! Trời xanh kia là áo”. Trong tập thơ này, có bảy bài thơ rất hay của anh. Nhưng bài Mẹ Việt Nam- Không Chỉ Nhìn Ra Biển là tôi thích hơn cả. Bài thơ mổ xẻ tường tận vấn đề biên giới, biển đảo và cái dã tâm muôn thuở của kẻ thù đối chúng ta. Anh thẳng thắn, lôi ra trước ánh sáng, những con sâu đang bán đất bán rừng. Trong tập thơ, có khá nhiều tác giả viết về đề tài này, tuy ở những mức độ khác nhau, nhưng chắc chắn đang rung lên cùng Thế Dũng. Bài này, anh viết vào dịp tham gia biểu tình chống Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam, tại Berlin ngày 9.7. 2011.

Vâng! Bước vào cái tuổi lục tuần, thơ Thế Dũng không còn sảng khoái lấy trời làm áo, như tháng 2- 1979 khi anh trực tiếp cầm súng, tử chiến với giặc Tàu ở mặt trận phía Bắc nữa. Nó chuyển sang bi quan rồi, dù tình yêu trong anh, vẫn hừng hực như thuở nào. Con người đến lúc bất lực, mất lòng tin vào hiện tại, thường quay lại quá khứ, hoặc bám tìm bất kỳ một cái gì đó, để làm điểm tựa. Thế Dũng cũng vậy, “Đau đớn nhìn những thủ lĩnh tối cao hết đát” buộc anh phải gọi hồn, kêu vía tất tần tật, từ Bố Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ đến An Dương Vương …Trần Hưng Đạo….vvv… về.

Đây là một trong những bài thơ hay, can trường, nóng hổi nhất của thi ca Việt Nam về vấn đề biên giới, biển đảo hôm nay:

“Thưa Bố Lạc Long,
Thưa Mẹ Âu Cơ
Việt Nam - Không chỉ nhìn ra biển
Kia Tam Đảo -Trường Sơn trùng điệp vượt Hoành Sơn
Hùng vĩ Tây Nguyên mái nhà đất nước.
Mấy thủ lĩnh bí cờ xôi thịt đã dính bẫy Boxite Trung Quốc?*
Mẹ đau như xương sống bị đâm, như cột sống bị đè?
Ai đã bán chui biên thùy bằng những mật ước?
Ai đã bán vụng lãnh hải Tổ quốc trong canh bạc độc tài?
Chỉ vì rung chuông Hãy cảnh giác Bắc Triều, bao nguyên
khí quốc gia đã bị hủy hoại trong ngục?**
Mẹ Việt Nam - Không chỉ nhìn ra Biển
Đau đớn nhìn những thủ lĩnh tối cao hết đát
Thầm ghi khắc từng dòng bí sử
trong thâm cung nhơ nhớp một bầy sâu?***….”

Hôm trước, nhà văn Tưởng Năng Tiến bảo tôi, tờ báo nơi anh biên tập không nhận đăng thơ nữa. Người Việt ta, ai cũng máu làm thơ. Thơ gửi về nhiều, anh đang bị bội thực thơ, đăng bài người này, không đăng của người kia cũng mệt. Nhiều bài cầm lên, đọc câu đầu đã bỏ xuống, không thể đọc tiếp, tốt nhất cắt trang thơ. Nghe nhà văn Tưởng Năng Tiến nói, tôi ngợ ngợ. Nhưng đọc tập Thơ Người Việt Ở Đức, tôi tin lời anh là sự thật. Và xin lỗi anh Thế Dũng, Sa Huỳnh, buộc phải viết ra điều không muốn, về cái cảm giác, vơ bèo vạt tép của ban tuyển chọn cho tập thơ này, trong tôi. Bởi vì số lượng quá lớn, tác giả quá nhiều, nhưng chất lượng không nhiều. Nhiều bài vần vè chúc tụng như cúng cụ ấy. Tôi không nghĩ đó là thơ, mà là những câu thoại của Vân Sơn, Bảo Liêm trên sân khấu hài, hề ngày tết:

“Ngày Tết em chúc mọi nhà
Tiền vào như nước, tiền ra như rùa,
Làm ăn thắng lớn, không thua
Hàng bán giá tốt, hàng mua giá mềm.
Ngày Tết em xin chúc thêm,
Gia đình hạnh phúc, ấm êm cửa nhà…”

(Hồng Trang- Berlin)

Và đây nữa, chúng ta đọc tiếp bài chúc của tác giả Hoàng Long (Leipzig) với cái tựa “Thơ ơi! Người cứu rỗi thế gian”. Với bài này, in thành sách, tôi cho rằng, anh Thế Dũng cùng ban tuyển chọn, Hoàng Long đang làm hỏng thơ, làm buồn người đọc, chứ không còn cứu rỗi thế gian nữa. Đây chỉ là những câu ghép lại thành vần, của mấy bác thợ cày, vui đùa trong giờ giải lao mà thôi: 

“Leipzig đêm nay
Mê say đón chào
Nàng Thơ dạo gót.
Ra đời một tổ ấm tình người
...
Câu hò, điệu hát, vần thơ mới
Lạc giữa trời mây, xuống với đời.
Bộ điệu kiêu sa, mà sao gần gũi
Thơ ơi, Người cứu rỗi thế gian!...”

Dù là thơ của cộng đồng, chúng ta không nên tuyển chọn những bài dễ dãi, như “Củ Sắn Thanh Ba” của Nguyễn Văn Bộ(Erfurt). Tôi xin cố gắng gọi đây là bài thơ, nhưng nó là thơ phi hình ảnh, phi hình tượng. Nó được viết ra, một cách ngây ngô như một người mới học tiếng Việt vậy:

“Hôm nay ngồi luộc sắn
Anh lại nhớ em yêu
Nhớ người mẹ hay chiều
Chia chúng mình củ sắn…”

Tuy rất thích chí khí của tác giả Liễu Châu qua bài Gạc Ma- Nỗi Đau Còn Đó và tôi cố gắng, nhưng không thể tìm được một tí tẹo nào chất thơ, một hình tượng hay một hình ảnh nào ở trong đó. Mà chỉ thấy những câu như nhận định, những từ hô hào, đại loại như: “muốn thắng chúng phải cần đoàn kết/Quân với dân thà chết không lui!”. Hoặc trong bài Nét Thu Của Anh, tuy viết tặng vợ, của anh(chị) Liễu Châu, làm tôi nhớ những câu hò vè, ứng khẩu đọc trong đám cưới ở nông thôn, vào những năm thập niên sáu, bảy mươi của thế kỷ trước: “Tháng Ba ngày Tám tặng em/Hoa hồng đỏ thắm gửi kèm lời yêu”(Nét Thu Của Anh-Liễu Châu). Giống như anh(chị) Liễu Châu, nhiều khi tức khí, tôi hay làm những bài hô khẩu hiệu, chống Tàu như vậy. Hôm trước, ông phó cối hàng xóm, xúi tôi gửi bài “Tao Chợt Nhận Ra Mày” của tôi(đã được đăng khá nhiều báo trong nước cũng như hải ngoại) vào tập Thơ Người Việt Ở Đức. Tôi goặc lại, vì tính thời sự mà các báo họ đăng thôi, đó là hò vè, không phải là thơ, làm sao cho tập thơ ấy được. Và tiện đây, xin đề nghị với các tác giả, khi viết những bài về thời sự, nhất là biên giới, hải đảo, ngoài bút danh, nên kèm theo tên thật, bài viết sẽ thật hơn, giá trị hơn. Chứ những bài giấu tên, ẩn mặt đầy rẫy trên các trang mạng, không mang lại hiệu quả nhiều.

Đọc bài thơ viết về người Cha của Nguyễn Quốc Hùng(Potsdam), tôi cứ ngỡ đang phải nghe đọc nghị quyết họp của một chi bộ đảng, đoàn ngày còn ở Việt Nam. Lời thơ lên gân, hô khẩu hiệu này, các cụ nhà ta nghe thấy cũng phải giật mình:

“… Biết đoàn kết, thương yêu nhau một dạ
Xây gia đình hạnh phúc ấm no
Để xứng danh với dòng họ tổ tiên
Để xứng danh với đất mẹ Việt Nam anh hùng…”

Vâng! Những bài, những đoạn, những câu thơ dở còn nhiều lắm. Nhưng lỗi này không thuộc về các tác giả. Chúng ta viết không chuyên, được như vậy, là một sự cố gắng đáng trân trọng. Nếu như ban tuyển chọn đừng dàn trải, hoặc phân ra từng phần, từng thể loại, thì chắc chắn hiệu quả, cô đọng hơn rất nhiều. Tôi không phải là nhà văn, chẳng phải nhà phê bình, mà chỉ là nhà bếp, người lao động chân tay bình thường, như đại đa số người Việt ta sống trên nước Đức này. Nhưng yêu quí văn thơ, đâm ra nhiều khi táy máy chân tay, tôi viết chơi vậy thôi. Đây là điều không vui, có lẽ, không ai muốn viết và tôi buộc phải làm điều không muốn này. Nó chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân, rất có thể là không đúng, xin các bác lượng thứ. Nói thật với các bác, người Việt mình, khen thì dễ, chê khó lắm, nhất là cái khoản, văn mình vợ người này. Biết thế, nên trước khi viết phần này, dù huyết áp đang giật đùng đùng, tôi vẫn phải chưởng mấy choác Wodka, mới đủ can đảm đấy. Nếu các anh, chị phật ý, thì phẩy tay, cứ việc chửi: Thằng cha Đỗ Trường này, hâm hấp, chập cheng viết ba lăng nhăng, cho đỡ tức. Chứ các bác chớ có để bụng, giận nhau lâu đấy nhé.

Tập Thơ này, đọc và viết chưa đến một tuần, tranh thủ vào những lúc vắng khách, ngay trên Theke của quán rượu, nơi tôi làm việc. Do vậy, còn có những tác giả, những bài thơ, tôi chưa thể đào sâu, tìm tòi khám phá hết. Những thiếu sót này, mong các bạn đọc, nhất là các anh chị tác giả cảm thông.

Và tôi nghĩ, một tập thơ, chắc chắn chưa thể tải hết, những nỗi lòng người Việt ở Đức. Hy vọng, sau đây còn nhiều những tập thơ văn khác tiếp theo, để đáp ứng được những nhu cầu cũng như tâm tư, tình cảm của người Việt trên nước Đức và Châu Âu. 

Leipzig, ngày 10-12- 2013



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo