Năm 2013: Năm Thất Bại Của TT. Barack Obama - Dân Làm Báo

Năm 2013: Năm Thất Bại Của TT. Barack Obama

Wiliam Marsden, Postmedia News (The Vancouver Sun)/BS Đỗ Văn Hội phỏng dịch (Danlambao) - WASHINGTON – 27/12/2013 – Có thể Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama muốn nắm lại năm 2013, mặc dù có những ngờ vực ông khó có thể thay đổi bất cứ điều gì.

Vào đầu năm, TT hứa hẹn sẽ biến Hoa Kỳ thành một xã hội bình đẳng hơn về kinh tế và ý thức xã hội. Cuối năm, ông kết thúc bằng lời xin lỗi và những câu nói trống rỗng.

Luật kiểm soát súng, cải cách thuế vụ, cải cách nhập cư, vấn đề ngân sách, tất cả đều thất bại trong năm 2013. Vào đầu năm (2013) hy vọng có thể giành được sự hỗ trợ của lưỡng đảng cho mọi sáng kiến ​​của ông đã tiêu tan nhanh chóng bởi hạ viện với những đảng viên Cộng Hòa, mà theo như lời Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey, không có ý định cho TT bất kỳ chiến thắng nào.

Sau đó, để kết thúc chuỗi dài thất bại, TT Obama đã làm hỏng việc khi cho khai triển chương trình Đạo Luật Chăm sóc Sức Khỏe của ông. Điều này đã làm sụt giảm thảm hại con số ủng hộ ông. Vào tháng Giêng, số ủng hộ mà ông tự hào là 52 phần trăm. Đến tháng 12 cuối năm, con số này đã tuột xuống còn 39 phần trăm, mức thấp nhất trong cuộc đời tổng thống của ông.

“Chính sách đối nội, mục tiêu chính của ông vẫn chưa được hoàn thành”, Ông Peter Hanson, một nhà khoa học chính trị Đại học Denver cho biết như vậy.

Chính sách đối ngoại thì khá hơn. TT. Obama đã giữ Hoa Kỳ tránh khỏi đi sâu vào cuộc chiến ở Syria và đã thành công giải giáp vũ khí hóa học của chế độ Assad. Thật ra đây chỉ là một sự may mắn hơn là do kế hoạch dự trù của ông, nhờ vào sự can thiệp bất ngờ của Nga.

“Chúng ta đã gặp một thảm họa đáng xấu hổ về cuộc bỏ phiếu cho sự cam kết quân sự vào Syria”, Norm Ornstein, một chuyên gia quốc hội tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết. “Nếu không có hành động của Nga, đó sẽ là một trở ngại lớn lao.”

TT. Obama đã cưỡng được áp lực của Israel về biện pháp trừng phạt Iran mạnh mẽ hơn có thể dẫn đến một phản ứng quân sự đối với chương trình hạt nhân của nước này. Ông cùng với năm cường quốc khác trên thế giới ký một thỏa thuận sơ bộ mà ông hy vọng sẽ dẫn đến giải pháp hòa bình và phủ nhận khả năng vũ khí hạt nhân của Iran.

Ông Ornstein nói tiếp: “Sự thỏa thuận về Iran có thể hoặc không thành công, nhưng thực tế là chúng ta đã tham dự rất nghiêm chỉnh vào vấn đề Iran lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, đó là một sự kiện đáng kể.”

Nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ bí mật vẫn là một vấn đề quan trọng. Người dân Hoa Kỳ - và nhiều nước khác - được biết chính phủ của họ giám sát mọi khía cạnh đời sống của họ. Các cú gọi điện thoại, thẻ tín dụng, email, Facebook, Twitter v.v… đã được thu thập bằng cách này hay cách khác.

Một lần nữa TT. Obama tỏ ra yếu kém và thiếu khả năng khi không thể theo dõi hành động của Snowden hoặc ngăn chặn những rò rỉ của anh ta, dấu hiệu của một tổng thống quá yếu mềm. Gần đây TT đã tạo cho Snowden một điểm son khi khởi đầu cuộc tranh luận về các giới hạn và sự nguy hiểm của việc giám sát (thông tin).

Tuy nhiên đối với cử tri, chính sách trong nước mới là đáng kể với họ. Sự tuột dốc tỉ lệ ủng hộ của dân chúng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho đảng Cộng hòa. Khi trang web (Obamacare) chưa sẵn sàng mà TT đã cho khai triển chương trình Obamacare là một sự phá hủy những lợi thế ông đã đạt được khi ông đứng vững chống lại sự đóng cửa chính phủ tháng Mười gây ra bởi hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Không có sự kết thúc mỉa mai nào trong trận chiến này. Mục tiêu của đảng Cộng hòa là quyết không tài trợ và tiêu diệt Obamacare. Họ đã chịu một sự thất bại to lớn sau đó (bầu cử năm 2012). Nhưng chỉ vài giây sau, TT Obama đã đẩy chiến thắng cho họ (CH) khi trang web (healthcare.org) của mình chết ngay lúc mới vừa chào đời. Đột nhiên, sự quản lý yếu kém của TT đã đe dọa tiêu hủy tất cả những điều tốt đẹp của chương trình nhằm cung cấp chăm sóc sức khỏe cho 45 triệu người dân Mỹ.

Nhưng tình trạng bất ổn càng đi sâu hơn. Trong năm năm ở tòa Bạch Ốc, TT. Obama đã thất bại giải quyết sự bất bình đẳng kinh tế. Đại đa số người Mỹ làm việc cực nhọc hơn nhưng thu nhập lại ít hơn.

Bài phát biểu khai mạc đầy tính hùng biện với người dân Mỹ “chúng ta đã đúng với tín điều của chúng ta là khi một cô bé sinh ra trong cảnh nghèo nàn ảm đạm biết rằng cô sẽ có cơ hội đồng đều để thành công như bất cứ ai khác” đã nhanh chóng tan biến khi mọi người đều nhận ra rằng hoàn cảnh kinh tế của cô bé gái đó không hề tốt hơn, và, hoàn toàn ngược lại, họ đã trở nên tồi tệ hơn.

Dấu hiệu đáng kể nhất cho sự thất bại của TT Obama là khoảng cách thu nhập quốc dân. Một nghiên cứu của nhà kinh tế Emmanuel Saez đại học Berkeley cho thấy kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 thu nhập của 1 phần trăm người cao nhất tăng 31 phần trăm trong khi 99 phần trăm khác chỉ tăng ít ỏi 0,4 phần trăm.

Điều này có nghĩa rằng sự gia tăng thịnh vượng tiếp tục đổ vào túi những người giàu có trong khi phần còn lại của đất nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể bắt kịp những gì mà họ đã có cách đây năm năm.

Như ông Saez đã chỉ ra, cuộc đại suy thoái năm 2008 đã xóa sổ tất cả những lợi tức thu nhập của 99 phần trăm người dân kể từ năm 2002, trong khi đó 1 phần trăm không những giữ lại được lợi tức của họ, mà còn được bổ sung thêm.

Tăng thuế đánh vào người giàu là một trong những cách để đạt được lực kéo cho tầng lớp thấp và trung bình. Tuy nhiên, những tỉ giá đánh thuế vẫn duy trì ở gần mức thấp kỷ lục. Những người giàu có vẫn phải trả tỉ số mức thuế thấp hơn so với các quản gia, đầu bếp và nhân viên quét dọn.

Mức lương tối thiểu liên bang đã không chuyển động từ 7,25 $ trong nhiều năm. Một người với mức lương tối thiểu và làm việc toàn thời chỉ kiếm được $ 15,080 một năm, được xem như dưới mức nghèo khổ cho một gia đình. Đạo luật lương tối thiểu của ông Obama, nhắm sẽ tăng lương cơ bản 10,10 $ một giờ, vẫn chưa đến được sàn Thượng viện mặc dù được kiểm soát bởi đảng Dân chủ.

Ông Obama đổ lỗi rất nhiều cho sự thiếu tiến bộ của ông đối với đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện. Ông nói với các nhà tài trợ giàu có trong cuộc họp riêng ở Los Angeles tháng trước: Rào cản lớn nhất và trở ngại cho chúng ta hiện nay là Quốc hội, và đặc biệt là ở Hạ viện.”.

Sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa dường như quá lớn đến nỗi không có sự thương lượng nào có thể hàn gắn. Kết quả là TT. Obama kết thúc năm 2013 với rất ít nỗ lực đã được thực hiện.

“Nếu điều lớn nhất mà bạn có thể chỉ ra trong năm nay khi bạn thương lượng khéo léo về một điều gì đó mà vẫn còn dẫn đến việc đóng cửa chính phủ, điều này sẽ không làm bạn vui mừng chút nào.” Ornstein nói. (*)




______________________________________

(*) Chú thích của người phỏng dịch:

Tin mới nhất cho biết TT Obama đã ký luật ngân sách cho năm 2014 nhờ vào sự tương nhượng giữa hai đảng DC và CH và TT Obama, tránh cho một sự đối đầu có thể đưa đến đóng cửa chính phủ một lần nữa. Điều này cho thấy, sự tương nhượng rất cần thiết để giải quyết những đối đầu trong một thể chế dân chủ.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo