HT- VRNs (23.12.2013) - Sài Gòn - Ông Ngô Hào y án trong phiên tòa phúc thẩm với bản án là 15 năm tù giam và 5 quản chế, với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” vào Điều 79 BLHS, vào ngày 23.12.2013.
“Trong phiên tòa phúc thẩm có luật sư Nam bào chữa cho ba nhưng những chứng cứ luật sư đưa ra và những lời biện hộ của ba không được tòa chấp nhận, bị bác bỏ. Viện kiểm sát chỉ cho ba trả lời có hay không mà thôi. Bồi thẩm đoàn dửng dưng và không quan tâm đến lời biện hộ của ba và của luật sư. Sức khỏe của ba [rất yếu], ba phải ngồi suốt trong phiên xử, chân của ba bị teo đi rất nhiều so với trước [trong phiên tòa sơ thẩm]. Tinh thần của ba ổn định và ba trả lời dõng dạc trước những câu hỏi của tòa. Ba nói [trước tòa án], những điều ba làm ba đều chấp nhận nhưng không được nhà nước công nhận.” Anh Minh Tâm kể.
Minh Tâm cho hay: “Gia đình không hề nhận được bất kỳ một giấy thông báo nào [về phiên tòa phúc thẩm] từ phía cơ quan an ninh cũng như từ phía tòa án. Gia đình không có giấy mời được tham dự phiên tòa. Gia đình biết được phiên tòa diễn ra do luật sư thông báo cho gia đình biết để đến tham dự. Khi tham dự phiên tòa có 3 mẹ con tham dự và có hơn 50 công an mặc sắc phục và mặc thường phục.”
Anh Minh Tâm không đồng tình kết quả của bản án vì anh khẳng định việc làm của ba anh, là ông Ngô Hào không có tội. “Đây là một bản án nhiều uẩn khúc và oan uổng cho gia đình. Những chứng cứ lập luận để viện kiểm sát kết luận ba hoàn tòa vô căn cứ và không có cơ sở. Kèm theo là trong quá trình điều tra, họ đã vi phạm luật pháp VN. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm thì đáng lý ba sẽ nhận được bản cáo trạng để kiến nghị lên phúc thẩm nhưng ba đã không nhận được bản cáo trạng này. Điều này, ba đã xác nhận trong phiên tòa phúc thẩm. Cho nên, cơ quan điều tra cũng như cán bộ trại giam đã cố tình lấn áp gia đình, bưng bít và cản trở không cho [ba và gia đình] thực hiện các quyền cơ bản của công dân. Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, gia đình đã làm đơn thăm gặp ba thì được Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng chấp nhận và cấp cho. Nhưng tại trại giam, khi gia đình nộp đơn thăm gặp ba thì cán bộ trại giam không đồng ý mà còn thu luôn tờ giấy xác nhận đó mà không hề đưa ra một lý do nào.”
Gia đình ông Ngô Hào mong muốn: “Kính mong mọi người cùng lên tiếng giúp đỡ cho gia đình để tác động, gây áp lực cho nhà cầm quyền cho ba được đối xử bình đẳng và ba được điều trị bệnh, bởi vì từ phiên tòa sơ thẩm cho đến phiên tòa phúc thẩm sức khỏe của ba không được cải thiện mà chân của ba đang có dấu hiệu bị teo đi và ba có nguy cơ không đi được nữa.”
Anh Minh Tâm muốn chia sẻ tâm tình với ba anh, là ông Ngô Hào: “Dù họ có kết án ba thế nào thì ba vẫn là ba của con. Qua việc ba làm, con không thấy điều gì sai vì đây là điều căn bản của một công dân muốn cho đất nước có tự do. Ba chỉ bày tỏ những quan điểm cá nhân và [thực thi] quyền tự do ngôn luận trước những gì ba cảm thấy bức xúc đã gặp trong cuộc sống, ba can thiệp và lên tiếng [những bất công] cho những người xung quanh. Con hãnh diện về điều này.”
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ lúc 8 giờ và kết thúc vào lúc 10 giờ cùng ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn lần trước với VRNs, bà Nguyễn Thị Kim Lan, phu nhân của ông Ngô Hào cho biết: “Chồng tôi ở nhà ai thuê cái gì thì làm cái đấy. Từ năm 2007, chồng tôi viết đơn thư cho những người bị mất ruộng đất, những người bị đàn áp về tôn giáo như ông Nguyễn Văn Lía thuộc PGHH, yêu cầu [nhà cầm quyền trả tự do cho] 14 tù nhân lương tâm PGHH.”
“Chồng tôi luôn lên tiếng, giúp đỡ cho những người bị oan ức, bị đàn áp về tôn giáo. Chồng tôi đòi hỏi quyền tự do nhưng họ lại bắt chồng tôi. Tôi rất mong mọi người hãy quan tâm, giúp đỡ và cầu nguyện cho chồng tôi được nhẹ án, để mau trở về với vợ với con.” Bà Lan nói.
Được biết, ông Ngô Hào bị bắt giam vào ngày 07.02.2013. Trong thời gian này, gia đình ông Ngô Hào không hề biết một thông tin gì về ông.
Vào ngày 11.09.2013, ông Ngô Hào bị kết án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” vào Điều 79 BLHS. Trong phiên tòa này, ông Ngô Hào không có luật sư tham gia bào chữa mà chỉ có luật sư do nhà cầm quyền chỉ định.
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm bà Lan đã làm đơn kêu cứu đến Liên Hiệp Quốc, Chính phủ các nước, các Tổ chức Nhân quyền, các Cơ quan Truyền thông, các Đoàn thể Người Việt Hải ngoại… hồi ngày 12.09.2013.
Trước khi phiên tòa sơ thẩm xảy ra, bà Lan cũng đã làm đơn kêu cứu đến các hội đoàn này, ngày 01.12.2013.