Việt Nam 2013: Dân sống ngất ngư, đảng sốt vó lo sợ - Dân Làm Báo

Việt Nam 2013: Dân sống ngất ngư, đảng sốt vó lo sợ

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam năm 2013 đánh dấu một giai đọan phấn khởi gỉa tạo để che giấu nỗi lo mất ổn định chính trị lâu dài của đảng cầm quyền Cộng sản trong khi Nhà nước đã lấy đi thêm các quyền tự do của người dân. 

Việt Nam cũng đang phải đối phó với một nền kinh tế bấp bênh, nhiều nông dân bỏ ruộng cầy, số thất nghiệp cao và hiểm họa bị Trung Cộng xâm lăng từng ngày không nhẹ chút nào.

Trên lĩnh vực Chính trị, đảng và nhà nước Việt Nam tự thỏa mãn với Bản Hiến pháp mới, sửa đổi từ Hiến pháp 1992, được 486/488 đại biểu (hầu hết là đảng viên) đồng ý ngày 28/11/2013, chiếm 97,59%.

Nhưng Hiến pháp này không được đem ra cho dân biểu quyết nên nó chỉ có giá trị cho riêng đảng.  Ban sọan thảo của Quốc hội đã  bị “bắt buộc” phải viết theo nội dung của “Cương lĩnh Xây dựng Đất nước trong Thời kỳ Qúa độ lên Xã Hội Chủ nghĩa” (Bổ sung, Phát triển năm 2011) để  bảo đảm Đảng tiếp tục được quyền “một mình ngồi vào Điều 4”  để “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Vì tính độc quyền và độc đóan này mà bản Hiến pháp mới  đã bị “một bộ phận không nhỏ” người dân “bỏ phiếu bác bỏ bằng kiến nghị” hay “viết thẳng sự phủ nhận của mình vào Phiếu lấy ý kiến” của nhà nước do Xã, Phường, Khu phố đem đến tận nhà hoặc phân phối tại các đơn vị và chỗ làm việc.

Không người dân “có kiến thức chính trị nghiêm chỉnh”  nào trong nước đã  xung phong coi Hiến pháp mới có nội dung phản ảnh ý nguyện của mình nên một thái độ “coi thường” Bộ Luật cao nhất nước đã “lừng lững” xuất hiện trong xã hội.

Bằng chứng không thấy có Nhân sỹ, Trí thức  “đứng đắn” và “biết phán đóan đúng, sai ” nào trong và ngòai nước đã lên tiếng “hoan hô” Hiến pháp mới.

Chỉ  có một số  “nhà tư tưởng”  ăn lương của các Ban Tuyên Giáo, Hội đồng Lý luận Trung ương và các “Dư luận viên” của các báo Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân và Công An Nhân Dân đã  thay phiên nhau bênh vực Hiến pháp mới.

Điển hình  như Tác giả Đỗ Phú Thọ  viết trên báo Quân đội Nhân dân rằng : “Hiến pháp sửa đổi lần này đã kế thừa các Hiến pháp trước, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, thực sự là Hiến pháp của dân, do dân và vì dân". (Báo QĐND ngày 01/12/2013)

Lập luận “vơ vào” của ông Đỗ Phú Thọ chỉ lập lại lời tự khoe của  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng Hiến pháp mới đã: “Phản ánh ý chí của đại đa số nhân dân, của cử tri và phản ánh tính đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng.”

Tương tự như thế, Bà Tiến sĩ  Nguyễn Thị Thành còn trích lời  Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp nói rằng: “Về thực tiễn, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi vì, ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn mang tính lịch sử và phù hợp với thực tế, hoàn cảnh xã hội nước ta”. (Báo Công an Nhân dân ngày 04/12/2013)

Lập luận “tự phong”  đảng CSVN là “Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”  nên một mình có quyền lãnh đạo đất nước nhự một  điều tất yếu lịch sử là “trắng trợn ngụy biện”.

Lịch sử chưa bao giờ chứng minh người dân Việt Nam  đã “tình nguyện” thừa nhận đảng Cộng sản là của họ. Cũng chưa bao giờ người dân Việt Nam bỏ phiếu bầu đảng đại diện cho mình để lãnh đạo đất nước nên không có chuyện “tất yếu lịch sử” hay “mang tính lịch sử và phù hợp với thực tế, hoàn cảnh xã hội nước ta”.

Vì vậy, càng có nhiều người của đảng ra quân bảo vệ Hiến Pháp mới thì gía trị của nó càng sút giảm trong nhân dân.

Cũng liên quan đến việc làm được Quốc hội coi như có giá trị lịch sử là Luật Đất Đai (sửa đổi) thông qua ngày 28/11/2013.

Tuy nhiên quyền tư hữu của dân vẫn bị phủ nhận. Nhà nước tiếp tục tự cho mình  có quyền “quản lý dùm”  đất đai cho dân, dù dân chưa bao giờ yêu cầu như thế.

Bằng chứng “ăn hớt tay trên” của đảng và nhà nước được quy định trong 2 Điều:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiệnnhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.”

“Điều 4. Sở hữu đất đai

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

KINH TẾ CÓ LÂM NGUY ?

Trong lĩnh vực Kinh tế, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) khoe “Kinh tế vĩ mô năm 2013 đã từng bước ổn định” (chú thích: “vĩ mô” là tính “tòan diện” của nền kinh tế Quốc gia), nhưng các chuyên gia độc lập đã nói ngược lại rằng nền kinh tế đang có nhiều rủi ro đe dọa đến nguy cơ vì có nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động; nhiều khỏan nợ  bạc tỷ xấu của ngân hàng lên cao mỗi ngày và thị trường bất động sản tiếp tục  “đóng băng”  sẽ  đe dọa phá sản tập thể.

Chuyên gia Kinh tế Bà Phạm Chi Lan nói: “Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) đã công bố có 54.932 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong 11 tháng đầu năm nay, tăng so với hơn 54.200 doanh nghiệp đóng cửa năm trước. Biểu đồ doanh nghiệp ngưng họa động tiếp tục đi lên từ 40 ngàn năm 2010 đến 53 ngàn năm 2011, 54 ngàn năm 2012 và 55 ngàn năm 2013". (Báo Tuần Việt Nam, 23/12/2013)

Bà giải thích thêm: “Biểu đồ đi lên nói lên điều gì? Tất cả những khó khăn của doanh nghiệp kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết về cơ bản. Thêm một cái đau nữa là càng về sau thì chúng ta càng mất đi những doanh nghiệp khá hơn, vì có những đơn vị đã có thể trụ được suốt từ khi kinh tế suy giảm năm 2008 tới giờ nhưng vẫn không thoát nổi trận đào thải doanh nghiệp dữ dội lần này.”

Với số doanh nghiệp đóng cửa nhiều như thế nhưng nhà nước lại “giấu” số lượng người thất nghiệp nên không ai biết con số người có việc làm thật ở Việt Nam bây giờ là bao nhiêu.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhưng không được trả lời rành mạch thắc mắc “tại sao doanh nghiệp đóng cửa nhiều mà chính phũ vẫn có báo cáo mỗi năm tạo được cả triệu việc làm”.

Chính nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng thắng thắn nói ông không thể tin vào những báo cáo Kinh tế và các số  thống kê người có việc làm của Nhà nước.

Bà Phạm Chi Lan cũng bảo: “Còn con số do các cơ quan lao động đưa ra là mỗi năm tạo thêm được cả triệu việc làm, thì tôi không biết từ nguồn tuyển dụng  nào. Chính một số đại biểu quốc hội đã chất vấn điều này, và họ nói rằng họ không tin vào những con số đó, vì nó không có cơ sở.

Cục Quản lý Kinh doanh cũng công bố số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trong 11 tháng đầu năm nay là hơn 60 ngàn. Nhưng thực sự đâu phải tất cả các doanh nghiệp này đã hoạt động, vì vậy trong số lao động họ tuyên bố tuyển dụng vẫn không ít người thực tế chưa có việc làm. Mọi chuyện phải chờ đến khi họ vận hành thực sự, hoặc chạy đủ công suất thì các con số mới có ý nghĩa thực.”

NÔNG DÂN BỎ RUỘNG

Một thực tế đáng lo ngại khác là rất nhiều nông dân ở miền Trung, Thái Bình và một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, vựa luá của miền Bắc Việt Nam đã “bỏ ruộng cầy” vì không thể sống nổi với số vốn và công sức bỏ ra mà còn phải đeo nợ thêm trong khi  thửa đất vẫn “chưa  phải là của mình” !

Hãy đọc một lời nhắn ngay thẳng nhưng cay đắng của Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Hãy làm cho nông dân yên tâm “đất là của mình” và đất không phải là thứ “gây họa” để tính bình quân đóng góp nuôi người, xây cơ sở vật chất cho xã... dưới danh nghĩa “cho dân”, cán bộ đừng vì danh nghĩa “quản lý” đất đai mà gây nên những nghiệt cảnh để dân hiểu đất không phải là của họ. Vấn đề này dễ và nhẹ vậy mà không mấy ai nghe nên mới có hậu quả như ngày nay. Khi yên tâm đất là tài sản thiêng liêng của mình, sẽ được kế thừa đời đời con cháu thì mới có việc bỏ vốn (vàng - tiền) ra mua đất (tích tụ) và liên tục đầu tư cải tạo đất, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi và có thể chuyển ngành sản xuất... thì nông sản mới có tính cạnh tranh cao. Chủ quyền đất mà không yên thì dù đất ở hay đất sản xuất cũng đều không yên lòng người.” (Bài viết của ông Nhị  gửi đến báo Tuổi Trẻ , 25/12/2013)

Đây chính là “cái lỗ hổng trong cơ chế tham nhũng, cửa quyền, coi dân như bầu sữa” của đảng và nhà nước CSVN đã được thể hiện trong Luật Đất Đai mới vừa được Quốc hội chấp thuận ngày 28/11/2013.
Bài học của các vụ dùng quân đội, công an và côn đồ thuê mướn đàn áp dân để cưỡng chế đất ở Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định),  Tiên Lãng (Hải Phóng) và nhiều nơi khác chưa đủ cho đảng “sáng mắt sáng lòng” hay sao ?

Nhà nước CSVN cũng đã phải thừa nhận tại “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tổ chức tại Hà Nội ngày 25/12/2013: “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chưa ngăn chặn được suy giảm tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp.... Cơ cấu kinh tế nông thôn chậm được điều chỉnh, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển chậm. Mặt khác, sự gắn kết giữa công nghiệp dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ. Phần lớn vật tư nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu, nhất là máy móc, thiết bị. Quá trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp có nhiều yếu tố kém bền vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chậm, nhiều nơi thiếu nguồn lực, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách cấp trên, nhiều khả năng không đạt mục tiêu trên 20% số xã đạt tiêu chí vào năm 2015. Đời sống cư dân nông thôn nhìn chung còn thấp. Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng...” (Báo điện tử đảng CSVN)

Văn chương báo cáo như “vòi nước chảy” chung chung vô duyên, lãng nhách này không nói lên được thực trạng bi thảm của nhà nông Việt Nam.

Thực tế, theo báo Tuổi Trẻ ngày 20/12/2013 thì: “Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố.”

Tình trạng ngày càng có nhiều nông dân bỏ ruộng đã phản ảnh trong báo cáo của Hội nghị ngày 15/12/2013 cho thấy trong 2 năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha và 3.407 hộ trả 433,05ha đất.

NỢ XẤU AI TRẢ?

Bây giờ đến chuyện các khỏan “nợ xấu” của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các Ngân hàng của các “nhóm lợi ích” (NLI) trong đảng.

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) báo cáo: “Tình trạng nợ xấu có sự cải thiện hơn nhờ nỗ lực tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu từ phía các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhờ đó đã giúp tháo gỡ khó khăn về chi phí tài chính cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Theo NHNN, tính đến tháng 9/2013, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu Tình trạng nợ xấu có sự cải thiện hơn nhờ nỗ lực tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu từ phía các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhờ đó đã giúp tháo gỡ khó khăn về chi phí tài chính cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Theo NHNN, tính đến tháng 9/2013, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu.”

Nhưng con số thật của “nợ xấu” là bao nhiêu ?

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì khỏan nợ xấu của riêng khối DNNN ước tính vào khỏang 73.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế, theo báo Việtnam Express ngày 24/12/2013  cho biết: “Cứ một 100 đồng GDP (Gross Domestic Product, Tổng Sản lượng Nội địa)  làm ra hiện nay có hơn 98 đồng vay nợ.”

Như thế là “làm ít mà tiêu nhiều” mà Chính phủ Việt Nam vẫn cứ lạc quan tếu: “Theo Bản tin nợ công số 2 xuất bản tháng 10/2013 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là 55,7% GDP, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (dưới 65% GDP). Bộ Tài chính cũng như thành viên Chính phủ nhiều lần khẳng định nợ công chưa chạm trần nhưng tại các hội thảo khoa học, nhắc tới nợ công Việt Nam các chuyên gia đều không khỏi lo ngại.” (Báo Việt Nam Express, 24/12/2013)

Tiến sĩ Phạm Thế Anh - Quyền Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế quốc dân) là một trong số người lo ngại này. Ông nói: "Nếu cộng cả nợ doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam sẽ phải lên tới 98,2% GDP.”

Tiến sĩ Anh giải thích ti tiết: "Nợ công theo công bố chính thức của Việt Nam là 55,7% GDP, trong đó nợ Chính phủ 43,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,6% và nợ của chính quyền địa phương 0,8% GDP. Nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam phải lên tới 98,2% GDP.” 

Chuyên gia này còn nói thẳng: "Hạch toán không đầy đủ, thậm chí có tình trạng che giấu thông tin, khiến Việt Nam không đánh giá hết thực trạng nợ công, dẫn tới coi nhẹ những khuyến nghị điều chỉnh chính sách nhằm bảo đảm tính bền vững." (Việt Nam Express, 24/12/2013)

TỘI PHẠM XÃ HỘI

Với một nền Kinh tế như trên, tội ác xã hội đã gia tăng trong khi đạo đức con người cũng suy thoái.

Trong Báo cáo trước Quốc hội ngày 28/10/2013, Bộ trường Công an Trần Đại Quang thừa nhận : “Một số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như: giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ... giảm so với năm trước, nhưng tính chất tội phạm nghiêm trọng hơn, nhất là các hoạt động của các băng nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá...”

Bộ Công an cho biết: “Năm 2013, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 86,1% trong tổng số các vụ giết người, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bột phát tức thời trong gia đình, trong quan hệ xã hội. Hầu hết số đối tượng gây án phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự, tình trạng giết người thân trong gia đình xảy ra nhiều cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động.

Bên cạnh đó, nhiều sới bạc hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, gắn với cho vay nặng lãi, có sự tham gia của nhiều đối tượng có tiền án tiền sự, tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet ngày càng tinh vi, đánh bạc xuyên quốc gia.”

“Về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng (tham ô, môi giới hối lộ, nhận hối lộ) được phát hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung trong lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản.”

Bộ trưởng Trần Đại Quang đổ lỗi cho tình hình tội phạm phức tạp gia tăng “do nhiều nguyên nhân, trong đó tình hình kinh tế khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tới an sinh xã hội; tác động tiêu cực từ các ấn phẩm đồi trụy, các trò chơi bạo lực trên mạng internet, công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng có phần còn hạn chế; Trách nhiệm thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.”

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng báo cáo với Quốc hội rằng: “Tình trạng hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen diễn biến phức tạp trở lại, nhiều vụ phạm tội xuất phát từ đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi.”

Có một khía cạnh đau lòng mà Bộ Công an phải nhìn nhận là đó đây đã có tình trạng các viên chức chính quyền và lực lượng Công an  nhúng tay vào “dịch vụ” bảo kê cho các băng đảng để được ăn chia và che giấu tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện khuyến cáo: “Chính phủ cần đánh giá kỹ tình trạng một bộ phận cán bộ chức quyền trong cơ quan nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê để các doanh nghiệp, băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách.” 

Ông nói: “Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại nhưng cơ quan chức năng ở một số địa phương không xử lý được.”

Trong khi đó, tại một Hội nghị ngày 6/12 tại Sài Gòn, Thiếu tướng Công an Trần Trọng Lượng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm đánh giá: “Tại một số địa phương đã hình thành các băng nhóm hoạt động tội phạm có tổ chức, chuyên thực hiện việc đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tổ chức các hoạt động cờ bạc, bảo kê.

Cầm đầu các băng nhóm tội phạm này là các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự; chủ yếu hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty, tổ chức…

Điển hình như băng nhóm Mai Đức Vượn (tức Tộ “tích”) ở Hải Phòng; băng Vi “ngộ” ở Thanh Hóa, băng Tú “khỉ” ở Hưng Yên; băng Dũng “mặt sắt” ở Quảng Ninh; băng Tý “điên” ở TP.HCM; băng Mười Thu ở Bình Dương…

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ nhau, hành vi đan xen nhau, đặc biệt là tội phạm về ma túy, tội phạm kinh tế. Các băng nhóm sử dụng vũ khí nóng gây án, băng nhóm cướp, cưỡng đoạt tài sản…có chiều hướng gia tăng, phức tạp.”  (ViệtNam Net, 06/12/2013)

Đại diện Bộ Công an cũng báo cáo: “Ngoài các lý khác còn có nguyên nhân xuất phát từ chính lực lượng phòng chống tội phạm, chưa chú trọng nghiệp vụ, cá biệt có 1 số cán bộ trong cơ quan Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật có dấu hiệu làm ngơ, “bảo kê” cho tội phạm.”

Đại Tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhìn nhận cho rằng: “Những năm qua, tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức nói riêng có diễn biến phức tạp, tinh vi.”

Với tình hìng xã hội như thế, thay vì tập trung nhân lực và tài nguyên vào công tác bảo vệ an sinh-xã hội cho dân thì đảng CSVN, cũng đồng thời dùng các biện pháp “phòng, chống tội phạm” để đàn áp người dân đi khiếu kiện đòi công bằng và đòi quyền được sống trong dân chủ và tự do.

Thậm chí Nhà nước còn cho phép Công an “bắn” dân với những trường hợp rất mơ hồ và không bảo đảm có thể  ngăn chặn sự lạm dụng và tùy tiện của lực lượng an ninh.

Những điều quy định và cho phép trong Nghị định 208/2013/ND-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 17/12/2013 “Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ”  theo đề nghị của Bộ Công an.

Một số Điều quan trọng như sau:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

3. Đối với tổ chức, cá nhân khác:

a) Không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ;

b) Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống người thi hành công vụ;

c) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ;

d) Các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ.

Về trường hợp có “tập trung đông người”, Nghị định viết :

4. Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

5. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

******

Điều 22. Của Pháp lệnh viết về “Quy định nổ sung” gồm:

1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;

b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;

c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

3. Các trường hợp nổ súng gồm:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

4. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Nhưng khi Chính quyền CSVN tìm mọi cách để chống dân theo điều được gọi là “bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, theo Nghị quyết Trung ương 8/XI,  họp từ 30/9 đến ngày 9/10/2013 thì họ lại không dám nhắc gì đến đe dọa chiếm đóng Việt Nam của Trung Cộng đang đến từng ngày qua nhiều hình thức từ Quân sự ở Biển Đông  đến bao vây Kinh tế và khống chế bằng Chính trị-Ngọai giao.

Đấy là hình ảnh của nước Việt Nam trong tay đảng CSVN vào cuối năm 2013.

12/2013




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo